Sứ điệp video của Ðức Thánh cha
gửi Tổ chức Lao động Quốc tế
Sứ điệp video của Ðức Thánh cha gửi Tổ chức Lao động Quốc tế.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 17-06-2021) - Trong sứ điệp video gửi các tham dự viên khóa họp thứ 109 của Tổ chức Lao động Quốc tế, hôm 17 tháng 6 năm 2021, tại Genève, Ðức Thánh cha Phanxicô kêu gọi đặc biệt quan tâm đến giới công nhân viên bị thiệt thòi nhiều nhất vì đại dịch Covid-19.
Ðức Thánh cha nêu nhận xét: "Khóa họp này được triệu tập giữa một thời điểm đặc biệt quan trọng trong lịch sử xã hội và kinh tế, với những thách đố sâu rộng đối với toàn thế giới", đồng thời Ðức Thánh cha cảnh giác rằng:
"Trong khi vội vã trở lại với những hoạt động kinh tế rộng lớn hơn, khi đe dọa của Covid-19 sắp kết thúc, chúng ta hãy tránh thái độ chỉ quan tâm đến lợi lộc, sự biệt lập và quốc gia chủ nghĩa, sự tiêu thụ mù quáng và những thái độ phân biệt đối xử với những anh chị em dễ bị loại bỏ trong xã hội chúng ta. Trái lại, chúng ta hãy tìm kiếm những giải pháp giúp chúng ta kiến tạo một tương lai lao động dựa trên những điều kiện làm việc đàng hoàng và xứng đáng, thăng tiến công ích, biến lao động thành một phần thiết yếu trong sự chăm sóc của chúng ta đối với xã hội và công trình sáng tạo".
Ðức Thánh cha cũng khẳng định rằng: "Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như khóa họp này là những môi trường rất thích hợp để đối thoại xây dựng, trong đó chúng ta được kêu gọi dành ưu tiên trả lời cho những công nhân viên đang ở ngoài lề thế giới lao động, họ vẫn còn bị thương tổn vì đại dịch Covid-19; những công nhân không chuyên nghiệp, những người làm việc công nhật, những người thuộc lãnh vực không chính thức, các công nhân di dân và tị nạn, những người đang thi hành công việc gọi là "có ba chiều kích", là nguy hiểm, bẩn thỉu và hạ giá con người".
Bênh vực giới công nhân bị tổn thương vì Covid-19
Ðức Thánh cha tố giác rằng: "Nhiều người di dân và lao động dễ bị tổn thương, cùng với gia đình họ, thường bị loại bỏ, không được hưởng những chương trình quốc gia thăng tiến sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, không được chăm sóc và giúp đỡ, cũng như những kế hoạch bảo vệ tài chánh và các dịch vụ tâm lý xã hội. Ðó là một trong bao nhiêu trường hợp trong chủ trương gạt bỏ mà chúng ta thường áp đặt cho các xã hội. Sự loại trừ này cản trở việc phát hiện sớm, thử nghiệm và chẩn bệnh, truy tầm những tiếp xúc và tìm kiếm sự săn sóc y tế chống Covid-19 dành cho những người di dân và tị nạn, và qua đó gia tăng nguy cơ tạo nên những ổ dịch trong dân chúng".
Vai trò của Giáo hội
Trong sứ điệp, Ðức Thánh cha cũng nói đến sự cộng tác của Giáo hội. Sứ mạng căn bản của Giáo hội là "kêu gọi tất cả mọi người cùng làm việc, với các chính phủ, các tổ chức đa phương và xã hội dân sự, để phục vụ và chăm sóc công ích, và bảo đảm sự tham gia của tất cả mọi người trong công trình này. Không ai bị gạt ra ngoài lề trong cuộc đối thoại cho công ích. Những người dễ bị tổn thương nhất - người trẻ, di dân và các cộng đoàn thổ dân, những người nghèo - không thể bị gạt qua một bên, trong một cuộc đối thoại phải liên kết các chính phủ, các chủ nhân xí nghiệp và các công nhân. Một điều cũng rất quan trọng, đó là tất cả các tôn giáo phải cùng nhau dấn thân".
Ðiểm thứ hai trong sứ mạng của Giáo hội là "bảo đảm sao cho tất cả mọi người được sự bảo vệ cần thiết, tùy theo tình trạng dễ bị tổn thương của họ: bệnh tật, tuổi tác, khuyết tật, tản cư, ở ngoài lề và bị lệ thuộc. Các hệ thống bảo vệ xã hội, cũng đang phải đương đầu với những rủi ro quan trọng, nên cũng phải được nâng đỡ và tăng cường để bảo đảm cho mọi người được hưởng các dịch vụ y tế, lương thực và các nhu cầu căn bản của con người".
(Rei 17-6-2021)