Sau Ðức Thánh cha, đến lượt G7

kêu gọi ngưng chiến tại miền Tigray

 

Sau Ðức Thánh cha, đến lượt G7 kêu gọi ngưng chiến tại miền Tigray.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

London (RVA News 17-06-2021) - Sau Ðức Thánh cha Phanxicô, đến lượt Hội nghị Thượng đỉnh của 7 cường quốc, quen gọi là G7, lên tiếng kêu gọi ngưng chiến tại miền Tigray, thuộc Etiopia và mở cửa cho các đoàn cứu trợ nhân đạo.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật 13 tháng 6 năm 2021, Ðức Thánh cha nói với các tín hữu rằng: "Chúng ta hãy cầu nguyện để bạo lực chấm dứt tức khắc và việc cứu trợ lương thực và y tế được bảo đảm, cũng như sớm tái lập sự hòa hợp xã hội. Tôi cũng cám ơn tất cả những người đang hoạt động để thoa dịu đau khổ của dân chúng."

Từ ngày 4 tháng 11 năm 2020, quân đội chính phủ Etiopia tấn công vào miền Tigray ở miền bắc nước này, vì có sự tranh chấp với lực lượng "Mặt trận giải phóng nhân dân miền Tigray". Từ đó đến nay đã có hàng ngàn người chết, gần 2 triệu người di tản, và 4 triệu 500 ngàn người đang cần trợ giúp nhân đạo, 5,000 trẻ vị thành niên bị xa lìa cha mẹ và có nguy cơ bị lạm dụng. Gần 1,000 phụ nữ và thiếu nữ bị hãm hiếp.

Vào cuối hội nghị tại Anh quốc, hôm 13 tháng 6 năm 2021, các vị lãnh đạo khối G7 kêu gọi các phe lâm chiến ở Tigray chấm dứt ngay các xung đột, và cho các tổ chức nhân đạo được lưu tới vùng này để cứu trợ dân chúng. Thông cáo có đoạn viết: "Chúng tôi cũng kêu gọi các lực lượng Eritrea láng giềng rút khỏi miền Tigray".

Theo các con số của Liên Hiệp Quốc, hiện nay có hơn 350,000 người trong tổng số gần 6 triệu dân ở miền Tigray đang sống trong tình trạng hạn hán. Tệ hơn nữa, các cuộc xung đột bộc phát trước khi bắt đầu mùa gặt. Liên Hiệp Quốc tố giác thái độ của quân đội nước Eritrea láng giềng tràn vào miền Tigray để hỗ trợ quân đội của chính phủ Etiopia do thủ tướng Abiy Ahmed lãnh đạo.

Ông Mark Lowcock, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách các vấn đề nhân đạo, tố cáo các lực lượng Eritrea dùng võ khí nạn đói để chống lại nhân dân miền Tigray. Các binh sĩ Eritrea và các chiến binh địa phương cố tình ngăn chặn việc tiếp tế lương thực cho hơn 1 triệu người sống tại những vùng ngoài sự kiểm soát của chính phủ Etiopia.

Trong khi đó, tổ chức bác ái Công giáo Caritas Italia đang đi hàng đầu trong việc cứu trợ dân chúng từ đầu cuộc khủng hoảng ở miền Tigray, trong sự cộng tác với các Giáo hội địa phương. Ngân khoản dành cho việc cứu trợ này rút từ số tiền thuế các tín hữu Công giáo Italia đóng góp cho Giáo hội, quen gọi là thuế 8 phần ngàn, tức là 0.8% của số tiền thuế lợi tức đóng cho nhà nước.

(Vatican News 15-6-2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page