Phục hồi hệ thống lương thực
phải quan tâm đến người nghèo
Ðức Thánh Cha: Phục hồi hệ thống lương thực phải quan tâm đến người nghèo.
Ngọc Yến
Vatican (Vatican News 15-06-2021) - Trong sứ điệp gửi đến ông Michal Kurtyka, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan, chủ toạ khoá họp thứ 42 của Hội nghị Fao, diễn ra tại Roma từ 14 đến 18 tháng 6 năm 2021, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, hệ thống lương thực phải phục hồi theo hướng quan tâm đến các nạn nhân của đói nghèo.
Ði từ thảm trạng thực tế của thế giới liên quan đến đại dịch, trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến người nghèo và nói đến một nghịch lý đau lòng: 3/4 số người không có nhiều lương thực để ăn, những nông dân sống trong bối cảnh nông thôn nghèo nàn, thì lại là những người sản xuất lương thực cho phần còn lại của thế giới.
Ðức Thánh Cha chỉ ra, năm 2020, số người có nguy cơ mất an toàn lương thực nghiêm trọng và cần được hỗ trợ ngay lập tức để sống còn, đã lên đến con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tình hình này có thể tồi tệ hơn trong tương lai. Xung đột, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, khủng hoảng kinh tế, cùng với cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay, là nguyên nhân làm cho hàng triệu người phải đói kém. Do đó, để ứng phó với những điều này, điều cần thiết là phải áp dụng các chính sách có khả năng giải quyết các nguyên nhân cơ cấu.
Ðức Thánh Cha đánh giá cao và khuyến khích những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, để mỗi quốc gia có thể thực hiện các cơ chế cần thiết nhằm đạt được quyền tự chủ về lương thực của mình. Ðiều này còn phải được thực hiện qua các mô hình phát triển và tiêu thụ mới, cũng như các hình thức tổ chức cộng đồng nhằm bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của địa phương (Laudato si', 129, 180). Việc khai thác tiềm năng đổi mới để hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn nhỏ và giúp họ nâng cao năng lực và khả năng phục hồi có thể mang lại lợi ích to lớn. Theo nghĩa này, công việc của Hội nghị Fao có tầm quan trọng đặc biệt trong thời điểm khủng hoảng hiện nay.
Liên quan đến việc phác thảo các chương trình, theo Ðức Thánh Cha, cần có những cử chỉ hữu hình như một điểm tham chiếu về sự chung sống của gia đình nhân loại và thăng tiến tình huynh đệ. Các cử chỉ tạo điều kiện cho việc tạo ra một xã hội thúc đẩy giáo dục, đối thoại và bình đẳng. Ngoài ra, cần phải ý thức trách nhiệm cá nhân dẫn đến trách nhiệm tập thể, điều này khuyến khích gia đình các quốc gia thực hiện các cam kết cụ thể và hiệu quả. Ðiều cần thiết là chúng ta không chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình. Hãy xem Hội nghị này như một cơ hội để chuẩn bị cho ngày mai cho tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai: tất cả mọi người. Bởi vì nếu không có một tầm nhìn tổng thể, sẽ không ai có tương lai.