Tòa Thánh kêu gọi
nâng cao giá trị các di sản văn hóa tôn giáo
Tòa Thánh kêu gọi nâng cao giá trị các di sản văn hóa tôn giáo.
Ngọc Yến
Vatican (Vatican News 14-06-2021) - Hôm thứ Năm 10 tháng 6 năm 2021, tại hội thảo quốc tế trực tuyến về "Tái sử dụng và tái tạo các di sản văn hóa và tôn giáo trên thế giới", Ðức Tổng Giám mục Francesco Follo, Ðại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Unesco nhấn mạnh "di sản văn hóa tôn giáo không chỉ phải được bảo vệ, nhưng còn phải được coi trọng để giúp đối thoại với các cộng đồng".
Trong bài tham luận, Ðức Tổng Giám mục Francesco Follo nhắc lại các khuyến nghị của Tòa Thánh liên quan đến việc nâng cao giá trị các di sản văn hóa tôn giáo, được tóm tắt trong bốn điểm chính: xác định rõ các tài sản văn hóa tôn giáo cho việc phục hồi, bảo tồn, lập danh mục và bảo vệ chúng; thiết lập "triết lý" của tài sản văn hóa nhằm thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn và sử dụng chúng thích hợp trong giáo dục tôn giáo, trong việc cử hành các nghi lễ tôn giáo; khuyến khích đào tạo các nghệ sĩ và những người khác có liên quan về nội dung thần học, phụng vụ, biểu tượng của "những nơi thánh" để thúc đẩy sự hợp tác giữa thế giới nghệ thuật và thế giới tôn giáo, dẫn đến việc đề cao hoàn toàn các địa điểm có mục đích tôn giáo; và tổ chức sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo.
Theo vị đại diện Tòa Thánh tại Unesco, cách tiếp cận di sản văn hóa "không chỉ bao gồm việc bảo tồn một tác phẩm nghệ thuật như là đối tượng mang vẻ đẹp", nhưng trên hết là làm nổi bật ý nghĩa và giá trị tôn giáo-văn hóa của các yếu tố khác như: địa điểm, bản sắc văn hóa, gặp gỡ với cộng đồng mà di sản thuộc về bằng cách đặt nó vào bối cảnh kiến trúc, địa lý và quy hoạch thị trấn.
Ðức Tổng Giám mục giải thích: "Tòa Thánh mong muốn các nơi thờ phượng được để lại cho các tín đồ, cũng như những người không tin và các thế hệ tương lai, phù hợp với nguyên tắc, theo đó việc bảo vệ di sản văn hóa, bao gồm cả chiều kích tôn giáo cơ bản, là điều kiện thiết yếu để nâng cao giá trị của di sản". Kết thúc bài tham luận, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển các chiến lược để ngăn ngừa xung đột dựa trên sự tập hợp các di sản văn hóa nói chung vào một chiến lược toàn cầu của sự phát triển con người.