Ðức Hồng y Kasper rất lo âu về
"Con đường Công nghị" của Công giáo Ðức
Ðức Hồng y Kasper rất lo âu về "Con đường Công nghị" của Công giáo Ðức.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Passau (RVA News 11-06-2021) - Ðức Hồng y Walter Kasper, người Ðức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, tỏ ra rất lo âu về "Con đường Công nghị" của Công giáo tại Ðức và cảnh giác Giáo hội Ðức đừng đưa Giáo hội hoàn vũ vào con đường của mình.
Ðức Hồng y Kasper năm nay 88 tuổi, đã nhiều lần phê bình Con đường Công nghị của Công giáo Ðức, một tiến trình dài hai năm, sẽ kết thúc vào tháng Hai năm 2022.
Công nghị này nhắm đạt được những cải tổ Giáo hội trong bốn lãnh vực, qua bốn diễn đàn của công nghị, đó là: cải tổ việc thực thi quyền bính trong Giáo hội, cụ thể là dân chủ hóa; vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức, cải tổ luân lý tính dục của Giáo hội cho hợp thời và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo của giáo phận Passau (Passauer Bistumsblatts), số ra Chúa nhật 6 tháng 6 năm 2021, Ðức Hồng y Kasper nói rằng: "Con đường Công nghị ở Ðức không tỏ cho dư luận một hình ảnh thật là tốt... Tôi rất lo lắng, nhưng tôi thận trọng đưa ra một phán đoán chung kết toàn bộ. Cho đến nay, chúng tôi nghe những tiếng nói cá nhân, nhiều khi la ó, và những nhóm cá nhân ồn ào, nhưng chúng ta chưa có văn bản chung kết. Ðiều vượt quá sự tưởng tượng của tôi, là những đòi hỏi bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ và truyền chức linh mục cho phụ nữ, từ phía hai phần ba các giám mục Ðức. Ðiều này khó lòng đạt được sự đồng thuận với Giáo hội hoàn vũ".
Ðức Hồng y Kasper cũng nhận xét rằng "Con đường Công nghị của Công giáo Ðức có cơ cấu yếu ớt, nó chẳng phải là một công nghị đúng nghĩa và cũng chẳng phải là một tiến trình đối thoại thuần túy. Ban đầu đây là một tiến trình đối thoại, rồi sau đó Hội đồng Giám mục có tiếng nói, tiếp đến là Ðức Giáo hoàng, và cuối cùng mỗi giám mục tùy ý làm những gì mình nghĩ là tốt trong giáo phận thuộc quyền. Làm sao tất cả những điều đó có thể dẫn tới một danh xưng chung, đó là điều thật khó tưởng tượng, đứng trước sự bất đồng của các giám mục Ðức. Hơn nữa, có sự thiếu sót ngay từ đầu về nội dung: tại sao Con đường Công nghị không coi trọng lá thư của Ðức Giáo hoàng Phanxicô gửi cho Cộng đồng dân Chúa tại Ðức?"
Ðức Hồng y Kasper cảnh giác Giáo hội tại Ðức đừng muốn đưa con đường của mình để áp dụng cho Giáo hội hoàn vũ. Ngài nói: "Người Ðức chúng ta được tôn trọng trên thế giới vì những tư tưởng rõ rệt, về khả năng tổ chức, về sự quảng đại đóng góp, và cả về thần học. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng các dân tộc khác phản ứng khó chịu khi chúng ta muốn thiết lập hành trình cho họ, theo phương châm "Thế giới nên theo con đường của Ðức". Tôi thấy những đề tài được bàn đến trong Con đường Công nghị ở Ðức chẳng giữ vai trò nào đối với các nước khác".
(KNA 9-6-2021)