Ðức tin, cuộc sống và cầu nguyện

sẽ giữ ngọn lửa tình yêu Chúa Kitô

của chúng ta luôn cháy sáng

 

Ðức Thánh cha: Ðức tin, cuộc sống và cầu nguyện sẽ giữ ngọn lửa tình yêu Chúa Kitô của chúng ta luôn cháy sáng.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 10-06-2021) - Sáng thứ Tư 9 tháng 6 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến hơn 500 tín hữu hành hương ngồi chật trong khu vực sân thánh Damaso, thuộc khuôn viên dinh Tông tòa.

Ðức Thánh cha đặc biệt quan tâm đến việc gặp gỡ trực tiếp với dân chúng nên như những lần trước, ngài đến nơi tiếp kiến lúc 9 giờ và dành 30 phút chào thăm các tín hữu ở các lối đi chính, thăm hỏi, ký tên vào sách hoặc đồ kỷ niệm, đặt tay chúc lành cho em bé.

Tôn vinh Lời Chúa

Như thường lệ, buổi tiếp kiến mở đầu với phần tôn vinh Lời Chúa. Bài đọc ngắn được chọn là đoạn thư thứ I của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Thessalonica (1 Ts 5,15-20):

"[Anh em] hãy chú ý để đừng ai lấy ác báo ác đối với một ai, nhưng luôn tìm kiếm thiện hảo giữa anh em và với tất cả mọi người. Anh em hãy luôn vui tươi, hãy cầu nguyện không ngừng, trong mọi sự hãy cảm tạ: Thực vậy, đó là ý Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô đối với anh em. Ðừng dập tắt Thánh Linh, đừng coi rẻ những lời ngôn sứ".

Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về việc cầu nguyện và bài thứ 37 ngài trình bày hôm 9/6 có chủ đề là: "Kiên trì trong tình yêu".

Bài huấn giáo

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cầu nguyện không ngừng

"Trong bài giáo lý áp chót về cầu nguyện hôm nay, chúng ta nói về sự kiên trì trong việc cầu nguyện. Ðúng hơn, đây là một lời mời gọi, một lệnh truyền cho chúng ta đến từ Kinh thánh. Hành trình thiêng liêng của "Người lữ hành Nga" (Il Pellegrino russo) bắt đầu khi gặp một câu của thánh Phaolô trong thư thứ I gửi tín hữu thành Thessalonica: "Anh em hãy cầu nguyện không ngừng, trong mọi sự hãy cảm tạ" (5, 17-18). Lời thánh tông đồ gây ấn tượng nơi người ấy và ông tự hỏi làm sao có thể cầu nguyện không ngừng được, xét vì cuộc sống chúng ta bị phân hóa thành bao nhiêu lúc khác nhau, làm cho ta không luôn luôn có thể tập trung được. Từ vấn nạn đó bắt đầu cuộc tìm kiếm của ông, dẫn ông tới chỗ khám phá điều gọi là kinh nguyện của con tim. Kinh nguyện này hệ tại lập lại với lòng tín thác: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!" Một kinh nguyện dần dần thích ứng với nhịp thở và tỏa lan trọn ngày. Thực vậy, hơi thở không bao giờ ngưng, cả khi chúng ta ngủ; và kinh nguyện chính là hơi thở của cuộc sống.

Cách duy trì trạng thái cầu nguyện

Vậy làm thế nào có thể luôn duy trì một trạng thái cầu nguyện? Sách Giáo lý cống hiến cho chúng ta những trích dẫn rất đẹp, rút từ lịch sử linh đạo, nhấn mạnh sự cần thiết phải liên tục cầu nguyện, là nòng cốt đời sống Kitô. Tôi lập lại vài trưng dẫn ở đây.

Ðan sĩ Evagrio Pontico quả quyết rằng: "Chúng ta không bị truyền phải làm việc, canh thức và ăn chay liên tục, trong khi cầu nguyện không ngừng là một luật đối với chúng ta" (n.2742). Vì vậy có một lòng nhiệt thành trong đời sống Kitô, không bao giờ được thiếu. Cũng phần nào giống như ngọn lửa thiêng được gìn giữ tại các đền thờ cổ xưa, luôn cháy và các tư tế có nhiệm vụ nuôi dưỡng ngọn lửa ấy. Và này đây, cũng phải có một ngọn lửa thiêng trong chúng ta, liên tục cháy và không gì có thể dập tắt nó."

Thánh Gioan Kim khẩu, vị mục tử quan tâm đến đời sống cụ thể, đã giảng rằng: "Cả khi ở chợ hoặc trong một cuộc đi dạo một mình ta vẫn có thể thực hiện một kinh nguyện thường xuyên và sốt sắng. Cũng có thể như vậy trong công việc buôn bán của chúng ta, trong lúc mua cũng như lúc bán, hay trong lúc nấu ăn" (n. 2743). Vì vậy, kinh nguyện là một thứ dòng nhạc, nơi chúng ta đặt âm điệu cuộc sống của chúng ta. Nó không tương phản với hoạt động thường nhật, không trái ngược với bao nhiêu nghĩa vụ nhỏ nhặt và những cuộc hẹn, nhưng là nơi mà mọi hành động tìm được ý nghĩa của nó, lý do tại sao và an bình."

Vượt thắng khó khăn

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Chắc hẳn, thực hành những nguyên tắc đó không phải là điều dễ dàng. Một người cha, người mẹ, bận rộn trăm công ngàn việc, có thể cảm thấy nhung nhớ thời kỳ trong cuộc sống khi họ dễ tìm được thời giờ có nhịp độ và lúc rảnh để cầu nguyện. Rồi đến con cái, công việc làm, những vấn đề của đời sống gia đình, các cha mẹ trở nên cao tuổi. Người ta có cảm tưởng không bao giờ hoàn tất mọi việc. Khi ấy nên nghĩ rằng Thiên Chúa, là Cha chúng ta, Ngài phải lo toan cho toàn vũ trụ, luôn nhớ đến từng người chúng ta. Vì vậy cả chúng ta cũng phải nhớ đến Chúa!

Giá trị của công việc làm

Rồi chúng ta có thể nhớ rằng trong đời sống đan tu Kitô vẫn luôn đề cao giá trị công việc làm, không những vì đó là một nghĩa vụ phải chu cấp cho bản thân và tha nhân, nhưng còn để có một sự quân bình nội tâm: thật là điều nguy hiểm cho con người khi vun trồng một quan tâm trừu tượng đến độ đánh mất liên lạc với thực tại. Công việc làm giúp chúng ta tiếp xúc với thực tại. Ðôi tay chắp lại của Ðan sĩ mang những vết chai của người cầm cuốc xẻng. Trong Tin mừng theo thánh Luca (10,38-42), khi Chúa Giêsu nói với thánh nữ Marta rằng chỉ một điều cần thiết duy nhất là lắng nghe Thiên Chúa, Ngài không hề muốn coi rẻ nhiều việc phục vụ mà thánh nữ đang làm với tất cả quyết tâm.

Làm việc và cầu nguyện

"Trong người có hai "đường rầy": thân thể chúng ta cân đối, chúng ta có hai cánh tay, hai mắt, hai tay... Cũng vậy có công việc làm và cầu nguyện bổ túc cho nhau. Kinh nguyện - là "hơi thở" của mọi sự - như nền sinh động của công việc làm, cả trong những lúc không được biểu lộ ra bên ngoài. Thật là không hợp với con người khi hoàn toàn chìm đắm trong công việc làm đến độ không tìm được thời giờ để cầu nguyện.

Ðồng thời, kinh nguyện xa lạ với cuộc sống thì không phải là kinh nguyện lành mạnh. Một kinh nguyện làm cho chúng ta xa lìa đời sống cụ thể thì trở thành duy linh, hoặc duy nghi lễ. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu, sau khi tỏ cho các môn đệ vinh quang của Ngài trên núi Tabor, Ngài không muốn kéo dài giây phút ngất trí ấy, nhưng xuống núi cùng với họ và trở lại hành trình thường nhật. Vì kinh nghiệm ấy phải ở lại trong tâm hồn như ánh sáng và sức mạnh đức tin của họ. Như thế, thời gian dành để ở với Chúa làm cho đức tin sống động, giúp chúng ta trong cuộc sống cụ thể, và đối lại đức tin nuôi dưỡng kinh nguyện, không ngừng. Trong cái vòng lưu thông giữa đức tin, cuộc sống và cầu nguyện, ngọn lửa tình yêu Kitô mà Thiên Chúa mong đợi nơi mỗi người chúng ta được luôn cháy sáng.

Chào thăm và nhắn nhủ

Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm tắt bài giáo lý của Ðức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm của ngài.

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở các tín hữu rằng: "Thứ Sáu tới đây, ngày 11 tháng 6, chúng ta sẽ mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hôm đó cũng là kỷ niệm 100 năm thánh hiến dân tộc Ba Lan cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, các giám mục của anh chị em sẽ long trọng lập lại sự thánh hiến ấy. Tôi nhắn nhủ anh chị em hãy thấm nhiễm Tình yêu của Chúa để có thể hoạt động để xây dựng một nền văn minh tình thương."

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt chào các nhà truyền thông trẻ tham gia sáng kiến của Bộ Truyền thông, các thiếu niên thuộc nhóm "Tiếp Xúc" ở Torino, các bạn trẻ ở Grottaferrata đã quyên góp tiền mua vắcxin cho những người túng thiếu nhất, các học sinh miền Abruzzo đã tham gia cuộc thi hang đá. Ngài nói: Ngày thứ Sáu tới là lễ trọng kính Thánh tâm Chúa Giêsu, trong đó tình yêu của Thiên Chúa trở thành cuộc gặp gỡ với toàn thể nhân loại. Tôi mời gọi mỗi người trong anh chị em hãy tín thác, nhìn lên Thánh Tâm Chúa Giêsu và lặp lại câu thường gặp, nhất là trong tháng Sáu này: "Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin biến đổi con tim chúng con và dạy chúng con mến Chúa và yêu người với lòng quảng đại."

Sau cùng, như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Xin Thánh Tâm Chúa Kitô là nguồn tình thương đã cứu chuộc thế giới, đồng hành và luôn nâng đỡ anh chị em.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page