Chúa Giêsu về trời

nhưng vẫn luôn ở mãi với chúng ta

 

Ðức Thánh cha: Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn luôn ở mãi với chúng ta.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 17-05-2021) - Sau khi chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho đất nước Myanmar bên trong Ðền thờ thánh Phêrô, Chúa nhật 16 tháng 5 năm 2021, lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc từ căn hộ Giáo hoàng ở lầu ba dinh Tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, với khoảng 1,500 tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài tái kêu gọi đối thoại giữa Israel và Palestine tại Thánh địa để tìm lại hòa bình.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng lễ Chúa Lên Trời, và nhấn mạnh đến sứ mạng Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ.

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, tại Italia và các nước khác, là lễ Chúa Lên Trời. Trang Tin mừng (Mc 16,15-20) - kết thúc Tin mừng theo thánh Marco - trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ cuối cùng của Ðấng Phục Sinh với các môn đệ, trước khi lên ngự bên hữu Chúa Cha. Những cảnh tượng biệt ly thường thường là buồn sầu, tạo cho người ở lại một tâm tình hoang mang, bị bỏ rơi; trái lại, tất cả những điều đó không xảy ra cho các môn đệ. Tuy tách biệt Chúa, họ vui tươi và sẵn sàng ra đi như những thừa sai trên thế giới.

Lý do các môn đệ không buồn sầu

Tại sao các môn đệ không buồn sầu? Tại sao chúng ta phải vui mừng khi thấy Chúa Giêsu lên trời?

Tại vì sự lên trời hoàn tất sứ mạng của Chúa Giêsu giữa chúng ta. Thực vậy, nếu vì chúng ta Chúa từ trời xuống, thì cũng vì chúng ta mà Ngài lên trời. Sau khi xuống trong nhân tính của chúng ta và cứu chuộc nó, giờ đây Ngài lên trời mang theo xác thể của chúng ta. Từ nay ngự bên hữu Chúa Cha có một thân thể con người, thân mình của Chúa Giêsu, và trong mầu nhiệm này, mỗi người chúng ta chiêm ngắm chính thân phận tương lai của mình. Ðây không hề là một sự bỏ rơi, vì Chúa Giêsu vẫn luôn ở mãi với các môn đệ - với chúng ta - trong một hình thức mới.

Vậy đâu là sự hiện diện mới của Chúa sau khi Ngài lên trời?

Chúng ta lãnh hội được một khía cạnh quan trọng trong mệnh lệnh Chúa ủy thác cho các môn đệ trước khi từ biệt họ: "Các con hãy đi khắp thế giới và loan báo Tin mừng cho mọi thụ tạo" (v.15). Chúa Giêsu tiếp tục ở trong trần thế qua lời rao giảng của các môn đệ. Thực vậy, thánh sử Tin mừng nói với chúng ta rằng, ngay sau đó họ thấy Chúa lên trời, "họ ra đi và rao giảng khắp nơi" (v.20). Chúng ta biết rằng điều này xảy ra sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Với sức mạnh thần linh ấy, mỗi người chúng ta được ủy thác nhiệm vụ làm chứng về Chúa Giêsu trong thời gian, từ khi Chúa sống lại và cuộc trở lại sau hết của Ngài.

Chúa cùng hành động với chúng ta

Sứ mạng này có vẻ không tương ứng, quá lớn đối với sức lực yếu hèn của chúng ta, những giới hạn và tội lỗi của chúng ta. Và thực sự là như thế. Nhưng Tin mừng nói với chúng ta: "Chúa cùng hành động với họ và củng cố Lời Ngài bằng những dấu lạ đi kèm" (v.20). Việc loan báo Tin mừng, tuy có thể là đòi nhiều cố gắng, vất vả và vượt quá khả năng của con người, nhưng đó cũng là điều rất đúng và hữu hiệu khi mỗi người chúng ta - và toàn thể Giáo hội - để Chúa hoạt động trong và qua chúng ta. Ðiều mà Chúa Thánh Linh làm là biến chúng ta thành những dụng cụ qua đó Chúa có thể hoạt động. Và thế là chúng ta có thể là "năm giác quan" của thân thể Chúa Giêsu hiện diện một cách mới mẻ trong trần thế: chúng ta là những đôi mắt, đôi tay, đôi tai và tiếng nói, vị giác và khứu giác của Ngài. Và, cũng qua chúng ta, Chúa Giêsu có thể "thấy" những nhu cầu của những người sống bị quên lãng hoặc loại trừ; động chạm và chữa lành người bị thương; lắng nghe tiếng kêu của người không có tiếng nói; nói những lời dịu dàng, hy vọng, ngửi thấy mùi hôi kinh tởm của tội lỗi và hương thơm dịu ngọt của sự thánh thiện.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, trong lễ Thăng Thiên này, trong khi chúng ta chiêm ngắm trời cao, nơi Chúa Kitô đã lên đó và ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, là Nữ Vương trời cao, xin Mẹ giúp chúng ta là những chứng nhân can trường của Chúa Phục Sinh trong trần thế, giữa những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống".

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng và ban phép lành Tòa thánh, Ðức Thánh cha mạnh mẽ lên án bạo lực trong những ngày qua tại Thánh địa và tha thiết kêu gọi tái đối thoại giữa Israel và Palestine để tìm lại hòa bình. Trong cuộc không tập của Israel đêm 15 tháng 5 năm 2021 đã làm cho 26 người chết, trong đó có 8 trẻ em, nâng tổng số người bị thiệt mạng tại Gaza là 181 người, trong đó có 52 trẻ em và 31 phụ nữ. Số người bị thương là 1,225 người.

Ðức Thánh cha nói: "Nhân danh Thiên Chúa, tôi kêu gọi bình tĩnh và lắng dịu, và mời gọi những người hữu trách hãy chấm dứt những tiếng bom đạn và đi theo con đường hòa bình. Nhiều người vô tội đã chết, trong đó cũng có các trẻ em. Thật là điều kinh khủng, không thể chấp nhận được... Tôi tự hỏi hoán thù sẽ dẫn tới đâu?" Phải chăng chúng ta nghĩ đến việc xây dựng hòa bình bằng cách tiêu diệt người khác?"

Ðức Thánh cha nhắc đến và khuyến khích Tuần lễ Laudato Sì, về việc bảo vệ môi trường, tiến hành từ ngày 16 này đến 24 tháng 5 năm 2021. Trong đó, thành phố Aquileia sẽ có một biến cố vào ngày 19 tháng 5 năm 2021, với chủ đề "Sức khỏe cho tất cả mọi người", với cuộc suy tư để đào sâu liên hệ giữa sức khỏe thế giới, sự phát triển đúng đắn và môi sinh học toàn diện. Và tại Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Lên Trời, từ 16 đến 19 giờ. Các sinh hoạt này do Ủy ban Vatican về Covid-19 thuộc Bộ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức.

Ðức Thánh cha nhắc đến lễ phong chân phước sáng thứ Bảy 15 tháng 5 năm 2021, tại Ðền thờ thánh Gioan Laterano cho linh mục Phanxicô Thánh giá Jordan, sáng lập dòng Chúa Cứu Ðộ (Salvatoriani).

Ðức Thánh cha chào thăm các tín hữu Roma, và cám ơn sự hiện diện của họ, đồng thời cầu chúc họ ngày Chúa nhật an lành và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page