Yêu như Chúa Kitô yêu có nghĩa là

đặt mình phục vụ anh chị em

 

Ðức Thánh cha: Yêu như Chúa Kitô yêu có nghĩa là đặt mình phục vụ anh chị em.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 09-05-2021) - Tình hình đại dịch ở Italia có phần được cải tiến nhiều, nên trưa Chúa nhật 9 tháng 5 năm 2021, số người đến tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với Ðức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô vào khoảng 1,000 người, đông đảo hơn so với hai Chúa nhật trước đây.

Ðức Thánh cha bày tỏ lo âu vì xung đột tại Israel trong những ngày này, vụ khủng bố chống một trường nữ học sinh ở Afganistan và bạo lực tại Colombia. Hàng trăm tín hữu Colombia mang những cờ lớn quốc gia của họ hiện diện tại Quảng trường.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ VI sau Phục sinh, và ngài giải thích lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy ở lại trong Chúa để có thể mang lại nhiều hoa trái.

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin mừng Chúa nhật này (Ga 15-9-17), sau khi ví mình với thân cây nho và chúng ta là các ngành, Chúa Giêsu giải thích đâu là hoa trái mà những người kết hiệp với Ngài mang lại: hoa trái ấy là tình yêu. Chúa lập lại động từ chủ yếu là "ở lại". Chúa mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Ngài để niềm vui của Ngài ở trong chúng ta và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn (vv.9-11).

Ý nghĩa tình yêu chúng ta phải ở lại trong đó

Chúng ta tự hỏi: đâu là tình yêu trong đó Chúa Giêsu bảo chúng ta ở lại để được niềm vui của Ngài? Ðó là tình yêu có nguồn gốc từ Chúa Cha, vì "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,8). Như một dòng sống chảy trong Chúa Con Giêsu và qua Ngài, chảy đến chúng ta là các thụ tạo của Ngài. Thực vậy, Chúa nói: "Như Cha đã yêu thương Thầy, Thầy cũng yêu thương các con" (Ga 15,9). Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta cũng là tình yêu của Chúa Cha yêu thương Ngài: tình yêu thanh khiết, vô điều kiện, nhưng không. Khi ban tình yêu ấy cho chúng ta, Chúa Giêsu đối xử với chúng ta như những người bạn, làm cho chúng ta được biết Chúa Cha, và cho chúng ta được can dự vào cùng sứ mạng của Ngài để mang sự sống cho thế giới.

Cách ở lại trong tình yêu Chúa

Nhưng làm sao để ở lại trong tình yêu ấy? Chúa Giêsu nói: "Nếu các con tuân giữ các giới răn của Thầy, thì các con sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy" (v.10). Các giới răn được Chúa Giêsu tóm tắt trong một giới răn duy nhất là "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con" (v.12). Yêu như Chúa Kitô yêu có nghĩa là đặt mình phục vụ anh chị em, như Ngài đã làm khi rửa chân cho các môn đệ. Có nghĩa là ra khỏi mình, rời bỏ những an ninh phàm nhân, những tiện nghi thoải mái, để cởi mở đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu nhất. Nó có nghĩa là đặt mình trong thái độ sẵn sàng với con người và những gì chúng ta có. Ðiều này có nghĩa là yêu thương không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm.

Xa tránh tình yêu trần tục

Yêu như Chúa Kitô có nghĩa là phủ nhận những thứ "tình yêu" khác mà thế gian đề nghị cho chúng ta: yêu vì tiền, vì thành công, vì quyền lực... Những con đường đó lường gạt, làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa và làm cho chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ, tự yêu mình và hống hách. Và sự hống hách dẫn tới sự thoái hóa của tình yêu, lạm dụng người khác, làm cho người mình yêu bị đau khổ. Tôi nghĩ đến tình yêu bệnh hoạn biến thành hung bạo - và bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của tệ nạn này mỗi ngày. Ðó không phải là tình yêu. Yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta, có nghĩa là quí chuộng người ở cạnh chúng ta và tôn trọng tự do của họ, yêu thương họ như con người của họ, một cách nhưng không. Xét cho cùng, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Ngài, không phải ở trong những ý tưởng của chúng ta, không phải ở trong việc tôn thờ chính mình, nhưng đi ra ngoài tham vọng muốn kiểm soát và quản trị người khác, trái lại tín nhiệm và hiến thân cho tha nhân.

Vui vì biết mình được Chúa yêu thương

Và Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Anh chị em thân mến, sự ở lại trong tình yêu của Chúa dẫn chúng ta đến đâu? Chính Chúa Giêsu đã nói điều này: "Ðể niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được tràn đầy" (v.11). Niềm vui mà Chúa sở hữu, vì Ngài hoàn toàn ở trong sự hiệp thông với Chúa Cha, Ngài cũng muốn ở trong chúng ta khi chúng ta kết hiệp với Ngài. Niềm vui vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương dù những bất trung của chúng ta làm cho ta đương đầu trong đức tin với những thử thách của cuộc sống, làm cho chúng ta trải qua cuộc khủng hoảng để trở nên tốt đẹp hơn. Làm chứng nhân đích thực của Chúa hệ tại sống niềm vui ấy, vì niềm vui là đặc tính của Kitô hữu.

"Xin Mẹ Maria giúp chúng con ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu và tăng trưởng trong tình yêu thương đối với tất cả mọi người, bằng cách làm chứng về niềm vui của Chúa Phục sinh.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng và ban phép lành Tòa thánh, Ðức Thánh cha bày tỏ lo âu vì những cuộc xung đột giữa người Palestine và cảnh sát Israel tại Jerusalem.

Ngài nói: "Tôi đặc biệt lo âu theo dõi các biến cố tại Jerusalem, tôi cầu nguyện để thành này trở thành nơi gặp gỡ, chứ không phải là nơi đụng độ. Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy tìm kiếm những giải pháp đồng thuận, để căn tính đa tôn giáo của Thành Thánh được tôn trọng. Bạo lực chỉ sinh ra bạo lực. Hãy chấm dứt những cuộc đụng độ".

Ðức Thánh cha mạnh mẽ lên án vụ tấn công bằng bom tai trường nữ trung học Sayed Ul-Shuhada ở Kabul, thủ đô Afganistan làm cho 50 học sinh bị thiệt mạng, do lực lượng Taleban chủ mưu. Nhóm Hồi giáo cực đoan này vốn chống lại việc giáo dục phụ nữ. Ngài nói: "Tôi cũng cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố xảy ra hôm 8/5 tại Kabul, một hành động vô nhân đạo chống các nữ sinh, trong lúc họ ra khỏi trường. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi học sinh và gia đình các em. Xin Chúa ban hòa bình cho Afganistan."

Và Ðức Thánh cha nói: "Tôi lo lắng theo dõi những căng thẳng và những cuộc đụng độ mạnh mẽ tại Colombia làm cho nhiều người chết và bị thương. Có bao nhiêu người Colombia hiện diện tại đây, chúng ta hãy cầu nguyện cho tổ quốc của anh chị em".

Các vụ biểu tình chống chính phủ tại nước này đã bắt đầu từ ngày 28/4, vừa qua với các cuộc đàn áp của các lực lượng an ninh cảnh sát. Cho đến nay đã có 25 thường dân bị thiệt mạng, một đại úy cảnh sát, và 405 người bị thương, trong đó có 41 người là nhân viên công lực.

Ðức Thánh cha nhắc đến lễ phong chân phước sáng Chúa nhật 9 tháng 5 năm 2021 tại nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Agrigento ở miền nam Italia, cho thẩm phán điều tra Rosario Livatino bị mafia sát hại cách đây 31 năm, lúc ông mới được 38 tuổi (1952). Ông là một vị tử đạo vì công lý và đức tin. "Trong việc phục vụ cộng đoàn như một thẩm phán rất thanh liêm không bao giờ để cho mình bị mua chuộc, ông đã cố gắng phân xử không phải để kết án, nhưng để chữa trị. Ông luôn đặt công việc của mình dưới dự bảo trợ của Thiên Chúa. Vì thế, ông đã trở thành chứng nhân Tin mừng cho đến cái chết anh dũng. Ước gì tấm gương của ông được nêu lên cho tất cả mọi người, đặc biệt các pháp quan, và là một khích lệ trở thành những người trung thành bênh vực luật pháp và tự do".

Ðức Thánh cha chào thăm các tín hữu Roma, và cám ơn sự hiện diện của họ. Và ngài nhắc đến lễ các bà mẹ được mừng tại nhiều nước cử hành lễ này và Ðức Thánh cha mời gọi mọi người chúc mừng các bà mẹ.

Sau hết, Ðức Thánh cha chúc mọi người ngày Chúa nhật an lành và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page