Thách đố Giáo Hội và xã hội

Nam Sudan đang phải đương đầu

 

Thách đố Giáo Hội và xã hội Nam Sudan đang phải đương đầu.

Giuse Trần Ðức Anh OP

Rumbek (Vatican News 2-05-2021) - Trong những ngày qua, tình hình Nam Sudan lại được dư luận báo chí thế giới nói đến, với vụ Ðức cha Christian Carlassare, Giám Mục tân cử của giáo phận Rumbek bị bắn, và đáng nói hơn nữa là trong số những người can dự vào vụ này có 3 Linh Mục giữ những chức vụ quan trọng trong giáo phận. Những chi tiết đó cho thấy Giáo Hội cũng như xã hội Nam Sudan tiếp tục đứng trước những thách đố lớn cần vượt qua, nhất là sự xung đột bộ tộc.

Một tình trạng khác thường

Thực vậy, việc bổ nhiệm Cha Christian Carlassare làm Giám Mục giáo phận Rumbek là một điều khác thường: mãi 10 năm sau khi giáo phận Rumbeck trống tòa, Tòa Thánh mới bổ nhiệm được một chủ chăn mới cho giáo phận, và đó không phải là một Giám Mục bản xứ như tại 6 giáo phận khác.

Giáo phận Rumbek có 200 ngàn tín hữu Công Giáo, trên tổng số 1 triệu 800 ngàn dân cư, đa số thuộc bộ tộc Dinka, cũng là bộ tộc chiếm đa số tại Nam Sudan, Giáo phận chỉ có 13 giáo xứ, 170 nhà thờ, 11 linh mục giáo phận và 20 linh mục dòng, 40 nữ tu. Tại miền này có 800 ngàn tín hữu Tin Lành và Anh giáo.

Ðức Cha Carlassare 43 tuổi, người Ý, thuộc dòng thánh Comboni, được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Rumbek hôm 8 tháng 3 năm 2021, và dự kiến sẽ thụ phong Giám Mục vào ngày 23 tháng 5 năm 2021. Giáo phận này bị trống tòa từ năm 2011 sau khi Ðức Cha thừa sai Cesare Mazzolari đột ngột qua đời.

Cách đây hơn 2 tuần, ngày 16 tháng 4 năm 2021, dân chúng đã đón tiếp Ðức Cha Carlassare, nhưng có lẽ cũng có những người không chấp nhận một Giám Mục trẻ từ nơi xa tới và đã từng làm việc 15 năm với một sắc dân khác là bộ tộc Nuer.

Mưu sát hay hăm dọa

Cha Andrea Osman, thuộc giáo phận Rumbek, ngủ gần phòng của Ðức Cha, kể lại: đêm 27 tháng 4 năm 2021, có 2 tên mang vũ khí tới. Cha ra gặp và hỏi họ, nhưng cha bị họ bắn dọa và yêu cầu tránh sang một bên. Rồi họ vào phòng Ðức Cha và yêu cầu ngài phải đi theo họ. Trước sự từ chối của Ðức Cha, họ bắn 4 phát đạn vào hai chân ngài trước khi tẩu thoát. Ðức Cha được tổ chức y tế Cuamm trợ giúp Phi châu chở tới Nairobi, thủ đô Kenya, để cứu cấp. Rất may, 4 phát đạn không trúng vào xương ống chân hoặc thần kinh, nhưng ngài bị mất nhiều máu.

Hãng tin Công Giáo ACI Phi châu cho biết 1 trong 2 kẻ bắn Ðức Cha đã làm rơi điện thoại di động và Ðức Cha ngã trên điện thoại ấy. Các nhân viên an ninh điều tra đã dựa vào đó và truy tầm những kẻ dính líu trong vụ này. Nhà chức trách điều tra đã bắt giữ 12 nghi can có dính líu tới vụ bắn Ðức Giám Mục, trong đó có 3 linh mục, đứng đầu là Cha John Mathiang, điều hợp viên của giáo phận Rumbek.

Phản ứng của Ðức Cha Carlassare

Tại bệnh viện, Ðức Cha đã liên lạc với thân nhân và các bề trên dòng thánh Comboni ở Ý và nói rằng: "Xin hãy cầu nguyện nhiều, không phải cho tôi, nhưng cho dân chúng tại Rumbek là những người chịu đau khổ nhiều hơn tôi."

Rồi trong cuộc phỏng vấn ngắn bằng điện thoại dành cho báo "Người đưa tin chiều" (Corriere della sera) ở Ý, số ra ngày 28 tháng 4 năm 2021, Ðức Cha kể lại: "Lúc đó tôi chắc chắn là sẽ bị giết, tôi chỉ nghĩ: Amen, tôi sẵn sàng".

Ðức cha cũng nói rằng: "Tôi là một người Ý - Nam Sudan, chịu cùng cảnh bạo lực như các nạn nhân khác từ những thập niên qua. Nếu họ muốn hăm dọa tôi, thì họ đã nhận hậu quả ngược lại".

Tuyên bố trong cùng ngày 28 tháng 4 năm 2021 với đài truyền hình TV-2000 của Hội đồng Giám Mục Ý, Ðức Cha Carlassare cho biết ngài sẽ tiếp tục công việc thừa sai như cho đến nay, và tha thứ cho những kẻ gây hại cho ngài. Ðức Cha nói: "Sứ điệp tha thứ là điều duy nhất trong tình trạng này có thể mang lại công lý đích thực. Người ta luôn tìm kiếm chân lý, nhưng luôn quên lòng thương xót. Trong lúc này, chúng ta hy vọng sự thật sẽ được làm sáng tỏ để những biến cố như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Chúng ta biết rằng từ sự tha thứ có thể xảy sinh một sự biến đổi".

Ðức Cha Carlassare cũng nói rằng: "Tôi kêu gọi chính phủ và cộng đoàn giáo phận, cũng như mọi người dân tại Rumbek hãy tha thứ: tha thứ cho những người đã phạm những hành động như vậy, sự tha thứ này không phải là thơ ngây hoặc bỏ sang một bên những sai lầm, nhưng là sửa chữa các sai lầm không phải bằng bạo lực, nhưng bằng đối thoại và tha thứ. Tôi cảm thấy rằng Cộng đoàn giáo phận Rumbeck rất cần sự tha thứ để có thể đối thoại và tiến bước với nhau".

Hiểm họa xung đột bộ tộc

Những chi tiết quanh vụ đả thương Ðức tân Giám Mục Rumbek gợi lại biến cố diệt chủng kéo dài 100 ngày hồi năm 1994 tại Ruanda với cuộc xung đột giữa bộ tộc Hutu và Tutsi. Người Tutsi thiểu số nhưng nắm giữ quân đội và các chức vụ quan trọng, trong khi người Hutu đông nhưng bị cai trị. Sau khi tổng thống người Hutu bị bắn chết, người Hutu đã bùng lên và lùng giết người Tutsi, tạo nên cuộc thảm sát toàn quốc làm cho 800 ngàn người chết, trong đó có 4 Giám Mục và hàng trăm Linh Mục người Tutsi bị giết. Tham gia vào cuộc diệt chủng ấy có cả cả linh mục.

Trong cuộc tiếp kiến tổng thống Kagame của Ruanda ngày 20 tháng 3 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã xin Chúa tha thứ vì có những Linh Mục Công Giáo đã can dự vào cuộc diệt chủng thảm khốc đó tại nước này.

Hiểm họa tái diễn xung đột tại Nam Sudan

Thách đố mà Giáo Hội Công Giáo tại Nam Sudan phải đương đầu cần được hiểu trong bối cảnh xung đột bộ tộc đang tàn phá Nam Sudan. Quốc gia này được khai sinh sau cuộc chiến dài 22 năm, từ năm 1983 đến 2005, giữa chính quyền Sudan ở miền bắc theo đuổi chính sách Hồi giáo hóa và Arập hóa cả miền nam, gồm đa số dân theo Kitô giáo và đạo thờ vật linh, và chống lại chủ trương của chính quyền trung ương. Cuộc trưng cầu dân ý sau đó đã đưa tới việc chính thức thành lập nước Nam Sudan từ ngày 9 tháng 7 năm 2011 với dân cư là 11 triệu người.

Nhưng chỉ gần 2 năm sau đó, tháng 12 năm 1983, xảy ra nội chiến giữa phe của tổng thống Salva Kiir thuộc bộ độc Dinka và phe của Phó tổng thống Machar thuộc bộ tộc Nuer, không kể nhiều nhóm bộ tộc khác.

Phúc trình của Liên hiệp Quốc

Ngày 26 tháng 4 năm 2021, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã công bố một phúc trình dài 81 trang báo động rằng những chia rẽ về chính trị, quân sự và bộ tộc tại Nam Sudan ngày càng sâu rộng hơn, đưa tới nhiều vụ bạo lực giữa các phe đã ký hiệp định ngưng bắn hồi năm ngoái, và chiến tranh có thể tái diễn, trong khi gần 100 ngàn người Nam Sudan đang bị nạn đói đe dọa.

Tranh giành giữa các phe

Phúc trình cho biết bước tiến chậm chạp trong cuộc cải tổ của chính phủ do Tổng thống Salva Kiir điều khiển và tranh luận từ hơn 1 năm nay về chính trị và những bất đồng về cách thức thi hành hiệp định ngưng bắn ký hồi tháng 2 năm ngoái và hiệp định hòa bình ký năm 2018 đã dẫn tới những tương quan rạn nứt giữa tổng thống Salva Kiir và đệ nhất phó tổng thống Riek Machar.

Các tin mật từ phe tổng thống Kiir cho biết những chia rẽ vừa nói liên quan đến sự phân chia các chức vụ trong chính phủ. Tiếp đến là toan tính của tổng thống lèo lái những căng thẳng nội bộ giữa những người ủng hộ ông đã không thành công và kết quả là đã xảy ra những đụng độ về an ninh ở ngoài thủ đô.

Về phần Phó tổng thống Machar, phúc trình của Liên Hiệp Quốc cho biết sự việc ông không có khả năng ảnh hưởng tới những quyết định quan trọng của chính phủ hoặc không thúc đẩy được việc thi hành hiệp định ngưng bắn đã khiến cho Phong trào giải phóng nhân dân Sudan do ông thành lập và lãnh đạo bắt đầu tan rã. Một số người lãnh đạo trong phe của ông Machar đã phản đối ông và một số sĩ quan nhảy sang phe của chính phủ.

Khi được thành lập năm 2011, Nam Sudan vốn có nhiều dầu hỏa và có triển vọng tốt, nhưng rồi chiến tranh bùng nổ từ tháng 12 năm 2013 khi các lực lượng trung thành với tổng thống Kiir bắt đầu chiến đấu chống những người theo phe của Machar, nhóm này thuộc bộ tộc Nuer. Nội chiến đã làm cho gần 400 ngàn người chết và hàng triệu người phải di tản. Và tuy đã có nhiều hiệp định được ký kết, nhưng viễn tượng hòa bình thực sự vẫn còn xa vời.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần hứa sẽ viếng thăm Nam Sudan khi hòa bình được vãn hồi, nhưng chắc ngài còn phải chờ đợi lâu.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page