Người Công giáo không thể bác bỏ

chủ đề di cư như một ý thức hệ

 

Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ý: Người Công giáo không thể bác bỏ chủ đề di cư như một ý thức hệ.

Ngọc Yến

Roma (Vatican News 24-04-2021) - Phát biểu tại Hội nghị Truyền giáo Quốc gia lần thứ 64 do Tổ chức Missio tổ chức từ ngày 21 đến 23 tháng 4 năm 2021, với chủ đề: "Tình huynh đệ và sứ vụ dưới ánh sáng của thông điệp Fratelli tutti", Ðức Hồng y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, nhấn mạnh: "không thể chấp nhận việc người Công giáo từ chối hiện tượng di cư, và coi đó là ý thức hệ hoặc thể hiện một thái độ kiêu ngạo đối với các nền văn hóa ngoài châu Âu".

Trước sự hiện diện của các chủng sinh và một số đại diện của các hội đoàn, Ðức Hồng y Bassetti nhắc nhở mọi người tránh rơi vào suy nghĩ trừu tượng về tình huynh đệ. Bởi vì, tình huynh đệ là một thực tế cần phải được xây dựng cách hữu hiệu, từng viên gạch một. Là Giáo hội, nếu chúng ta thực sự muốn cho tình huynh đệ được dễ hiểu trong thế giới, chúng ta phải vượt qua cám dỗ chủ nghĩa cá nhân. Thực tế, tình huynh đệ và sứ vụ không bao giờ là một phương trình có thể đoán trước kết quả, nhưng là một hành trình mà đôi khi trưởng thành chậm, vẫn là một thực tế cần phải xây dựng không ngừng.

Ði vào cụ thể của hoạt động truyền giáo, sau khi nhắc lại định hướng của Ðức Thánh Cha về một tâm thức hòa nhập, mở ra với sự đa dạng, đòi hỏi trách nhiệm của mỗi cộng đoàn Kitô và tất nhiên của các linh mục, Ðức Hồng y nói: "Ðiểm khởi đầu là sự chung sống của gia đình nhân loại, từ việc nhìn nhận nhau là anh chị em, bởi vì tất cả đều là con của một Ðấng Tạo Hóa duy nhất. Tất cả đều ở trên một con thuyền và vì thế cần phải ý thức rằng trong một thế giới toàn cầu hóa và kết nối, chúng ta chỉ được cứu cùng với nhau. Truyền giáo không phải là công việc của những thủy thủ đơn độc. Hiệp thông là hình thức truyền giáo đầu tiên".

Theo Ðức Hồng y Chủ tịch, giờ đây điều cấp thiết là phải đưa học thuyết xã hội của Giáo hội vào hoạt động mục vụ của các giáo phận. Chẳng hạn như không thể chấp nhận người Công giáo từ chối hiện tượng di cư, và coi đó là ý thức hệ hoặc thể hiện một thái độ kiêu ngạo đối với các nền văn hóa ngoài châu Âu.

Ðức Hồng y kết luận: "Một mặt chúng ta phải thừa nhận rằng những con số không còn thuộc về chúng ta nữa, theo nghĩa những người được xem là thực hành đạo ở các giáo xứ đã giảm, mặt khác chúng ta phải suy tư về tính nhân văn của những người đến với chúng ta từ những vùng đất xa xôi".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page