Chứng từ của một cha sở ở Damasco, Siria

 

Chứng từ của một cha sở ở Damasco, Siria.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Damasco (RVA News 21-04-2021) - Linh mục Georges Aboud, từng làm cha sở lâu năm ở thủ đô Damasco, tố giác những hậu quả tàn hại của các cuộc cấm vận do Âu Mỹ áp đặt cho Siria, với hy vọng làm cho tổng thống Bachar al-Assad phải ra đi.

Cha Aboud đã được tổ chức bác ái "Trợ giúp các Giáo hội đau khổ" mời đến bang Fribourg, Thụy Sĩ, để trình bày chứng từ về tình hình tại Siria trong cuối tuần 17 và 18 tháng 4 năm 2021.

Cha Aboud nói: "Hiện thời tại Siria, không có nhân vật nào khác được biết đến và đáng tin cậy ngoài tổng thống Bachar al-Assad. Các tín hữu Kitô còn ở lại Siria, cũng như nhiều người Hồi giáo, sợ rằng nếu chế độ hiện nay ở Damasco sụp đổ, thì sẽ có một sự hỗn độn kinh khủng, giống như đã xảy ra tại Libia và Irak. Nhiều người thuộc các nhóm thiểu số như người Alouite, Kitô, Hồi giáo Shiites, người Druses, sẽ là những người đầu tiên phải chịu hậu quả, nhất là các tín hữu Kitô, là những cộng đoàn kỳ cựu nhất trên thế giới.

Từ gần hai năm nay (7/2019), cha Aboud, gốc Liban, thuộc dòng Basilio Salvatorio, làm cha phó trong một giáo xứ ở Heiligenhaus, gần thành phố Duesseldorf bên Ðức. Cha đã trải qua cuộc chiến tại Siria làm cho 380,000 người chết và 11 triệu người di tản.

Hiện nay, Siria thiếu năm triệu dân, vì họ tị nạn sang các nước láng giềng: Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Giordani và cả Irak. Một số di cư sang Âu châu, Canada, và Australia.

Hồi tháng Giêng năm 2021, cha Aboud đã trở lại khu phố Kassa ở Damas nơi cha làm cha sở. Khu vực này ở dưới sự kiểm soát của quân đội chính phủ nên tương đối đỡ bị tàn phá, tuy cũng bị phiến quân pháo kích và có những quả đạn trúng vào nhà thờ, trung tâm giáo xứ và nhà dân. Giáo xứ cũ của cha bị giảm một phần ba giáo dân, từ 15,000 xuống còn khoảng 10,000.

Cha Aboud cũng kể đến hậu quả của cấm vận. Dân chúng Siria chỉ có điện từ 4 đến 6 giờ mỗi ngày, thiếu xăng để di chuyển, thiếu dầu để sưởi, thiếu thuốc men và các dụng cụ y khoa. Tại thủ đô Damas có nhà thương, nhưng nhiều bác sĩ đã xuất cư. Nguyên tại Ðức có từ 16,000 đến 18,000 bác sĩ người Siria.

Theo cha Aboud, sự can thiệp của nước ngoài vào Siria không nhắm mục đích thiết lập dân chủ như họ vẫn tuyên bố, nhưng có mục đích phân chia khu vực ảnh hưởng chính trị, thay đổi liên minh giữa Siria và Iran, và chống lại ảnh hưởng của Nga tại Siria.

(cath.ch 19-4-2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page