Là Kitô hữu,

trước tiên không phải là một lý tưởng luân lý,

nhưng là tương quan sinh động với Ðấng Phục sinh

 

Ðức Thánh cha: Là Kitô hữu, trước tiên không phải là một lý tưởng luân lý, nhưng là tương quan sinh động với Ðấng Phục sinh.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 18-04-2021) - Sau bốn tuần lễ chủ sự Kinh Truyền tin và Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng trực tuyến từ thư viện trong dinh Tông Tòa, không có tín hữu trực diện, trưa Chúa nhật 18 tháng 4 năm 2021 Ðức Thánh cha Phanxicô mở lại thói quen đọc kinh từ cửa sổ căn hộ Giáo hoàng, ở lầu ba trong dinh Tông Tòa với các tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô, cũng nhờ tình hình đại dịch ở Italia có phần được cải tiến, mức độ lan lây virus giảm bớt.

Hiện diện trong dịp này, có khoảng 300 tín hữu, trong đó có một số nữ tu, dưới bầu trời nắng đẹp. Ðức Thánh cha nói: "Cám ơn Chúa, chúng ta gặp lại nhau. Tôi cảm thấy nhớ Quảng trường, khi tôi phải đọc Kinh Truyền tin trong thư viện".

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ III sau Phục sinh, thuật lại Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly, sau cuộc gặp gỡ hai môn đệ trên đường làng Emmaus.

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa Phục sinh hiện ra tại nhà Tiệc ly

Chúa nhật thứ ba Phục sinh này, chúng ta trở lại Jerusalem, tại nhà Tiệc ly, như được sự hướng dẫn của hai môn đệ Emmaus, là những người rất cảm động nghe những lời của Chúa Giêsu dọc đường và rồi đã nhận ra Ngài "trong lúc bẻ bánh" (Lc 24,35). Giờ đây, trong nhà Tiệc ly, Chúa Kitô Phục sinh xuất hiện giữa các môn đệ và chào họ: "Bình an cho các con!" (v. 36). Nhưng họ kinh hãi và tưởng là "nhìn thấy bóng ma" (v.37). Bấy giờ, Chúa Giêsu tỏ cho họ các vết thương trên thân thể Ngài và nói: "Hãy nhìn tay và chân Thầy đây: chính Thầy đây! Hãy chạm đến Thầy" (v.39). Và để thuyết phục họ, Ngài hỏi lương thực và ăn dưới cái nhìn kinh ngạc của họ" (Xc vv. 41-42).

Ba động từ

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Trang Tin mừng này có ba động từ rất cụ thể, một cách nào đó cũng phản ánh cuộc sống bản thân và cộng đoàn của chúng ta: nhìn, động chạm và ăn. Ba hành động có thể mang lại một niềm vui với cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu đang sống.

(1) Nhìn xem

Chúa Giêsu nói: "Các con hãy nhìn tay chân Thầy đây". Nhìn không phải chỉ là thấy, hơn nữa, nó bao hàm cả chủ ý, ý muốn. Vì thế, đó là một trong những động từ của tình yêu. Cha mẹ nhìn con của mình, những người yêu thương nhìn nhau; người bác sĩ giỏi chăm chú nhìn bệnh nhân... Nhìn là bước đầu tiên chống lại sự dửng dưng, chống lại cám dỗ quay mặt đi trước những khó khăn và đau khổ của người khác.

(2) Ðộng chạm đến

Ðộng từ thừ hai là động chạm. Khi mời các môn đệ động chạm đến mình để nhận thấy mình không phải là một bóng ma, Chúa Giêsu chỉ cho họ và chúng ta rằng tương quan với Ngài và với các anh chị em chúng ta không thể ở "xa xa", trên bình diện cái nhìn. Tình yêu đòi sự gần gũi, động chạm đến, chia sẻ cuộc sống. Người Samaritano nhân lành không chỉ nhìn người dở sống dở chết bên đường: ông cúi mình xuống, xức thuốc cho vết thương, đặt người bị thương trên ngựa và đưa đến nhà trọ. Với Chúa Giêsu cũng vậy: yêu mến Ngài có nghĩa là đi vào sự hiệp thông sinh tử, cụ thể với Ngài.

(3) Ăn

Và bây giờ chúng ta đi tới động từ thứ ba, ăn, một hành động diễn tả rõ nhân tính của chúng ta trong nhu cầu tự nhiên nhất, nghĩa là chúng ta cần nuôi dưỡng mình để sống. Nhưng ăn, khi chúng ta cùng ăn trong gia đình hoặc giữa bạn bè mới nhau, thì hành động ấy cũng trở thành biểu hiện tình yêu, sự hiệp thông, mừng lễ... Bao nhiêu lần các sách Tin mừng trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu sống chiều kích chia sẻ bữa ăn như thế! Cả sau khi sống lại, với các môn đệ của Ngài. Ðến độ Bữa tiệc Thánh Thể trở thành dấu chỉ biểu tượng cộng đoàn Kitô.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, trang Tin mừng này nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu không phải là "một bóng ma", nhưng là một người sống động. Là Kitô hữu, trước tiên không phải là một đạo lý hay một lý tưởng luân lý, nhưng là tương quan sinh động với Chúa, với Ðấng Phục sinh: chúng ta nhìn, động chạm đến, và nuôi sống mình nhờ Ngài, và sau khi được tình yêu của Chúa biến đổi, chúng ta nhìn, động chạm đến và nuôi những người khác như anh chị em. Xin Ðức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống kinh nghiệm ân phúc này."

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng và ban phép lành Tòa Thánh, Ðức Thánh cha nhắc đến lễ phong chân phước cho sáu đan sĩ Xitô thuộc Ðan viện Casamari, cách Roma khoảng 100 cây số, tử đạo ngày 13 và 14/5/1799. Các vị bị toán quân Pháp rút lui từ thành Napoli, đột nhập Ðan viện và giết hại, cướp phá đan viện, trong bầu không khí ghét đạo bấy giờ, thời hậu cách mạng Pháp. Ngài nói: "Các đan sĩ này, môn đệ hiền lành của Chúa Kitô, đã chống lại với lòng can đảm anh hùng cho đến chết, để bảo vệ Mình Thánh Chúa, chống lại sự xúc phạm. Ước gì tấm gương của các vị thúc đẩy chúng ta dấn thân hơn để trung thanh với Thiên Chúa, Ðấng có thể biến đổi xã hội và làm cho nó công bằng và huynh đệ hơn".

Ðức Thánh cha cũng bày tỏ lo âu về tình hình ở miền đông Ucraina giáp giới với Nga. Miền này có đông đảo dân là người Nga và có xu hướng ly khai. Trong những tháng gần đây hàng chục quân Nga tập trung ở vùng biên giới. Tàu chiến của Nga đang tiến vào vùng biển ở phía bắc của Ucraina, trong khi tàu chiến của Anh quốc tiến vào Biển Ðen để hỗ trợ cho Ucraina.

Ðức Thánh cha nói: "Trong những tháng gần đây gia tăng nhiều vụ vi phạm ngưng bắn và tôi lo âu thấy có thêm nhiều hoạt động quân sự. Tôi mạnh mẽ cầu mong hãy tránh gia tăng những căng thẳng và trái lại hãy có những cử chỉ có thể thăng tiến sự tín nhiệm nhau và hòa giải trong một tiến trình hòa bình. Tôi quan tâm đến tình trạng nhân đạo của dân chúng địa phương và bày tỏ sự gần gũi với họ". Rồi ngài mời gọi mọi người đọc một kinh Kính mừng để cầu nguyện cho ý chỉ đó.

Sau cùng, Ðức Thánh cha cầu chúc mọi người một ngày Chúa nhật an lành và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page