Các giám mục Congo lo ngại
về việc cưỡng bức theo Hồi giáo
Các giám mục Congo lo ngại về việc cưỡng bức theo Hồi giáo.
Hồng Thủy
Kinshasa (Vatican News 17-04-2021) - Khi một cuộc tấn công xảy ra ở miền đông Congo, những nguyên nhân chính được cho là do khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, tranh giành đất đai và chính trị. Nhưng theo các giám mục nước này, việc cưỡng bức theo Hồi giáo - có liên quan đến những phần tử cực đoan có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo - đang là một xu hướng bạo lực mới ở các tỉnh giàu khoáng sản này.
Nhóm cực đoan này là Lực lượng Dân chủ Ðồng minh và có nguồn gốc từ miền tây Uganda. Nhóm này nằm trong số hàng trăm nhóm dân quân đứng sau các hành động bạo lực gây chết người ở các tỉnh Ituri, Bắc Kivu và Nam Kivu.
Quan tâm của Giáo hội
Ðức tổng giám mục Marcel Utembi Tapa, Chủ tịch Hội đồng giám mục Congo, cho biết Hồi giáo hóa là một trong những nguyên nhân gây bất an ở miền đông Congo. "Hồi giáo hóa thông qua các hoạt động của Lực lượng Dân chủ Ðồng minh... là một vấn đề chính mà Giáo hội Công giáo quan tâm. Chiến lược của họ là bắt cóc và ép buộc các nạn nhân theo Hồi giáo."
Ðức cha cũng cho biết các nhóm dân quân lợi dụng các điểm yếu của quân đội chính quy để đạt các mục tiêu tôn giáo và chính trị của họ, bao gồm cả việc Hồi giáo hóa, chiếm đóng đất đai và khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên. Bạo lực đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người khác phải di dời và người dân nói chung lâm vào cảnh khốn khổ không kể xiết trong hơn hai thập kỷ.
Giáo hội Công giáo đã lên tiếng phản đối tình trạng mất an ninh, và cũng đang nỗ lực để đảm bảo các tín hữu không phải là nạn nhân của Hồi giáo hóa. Ðức cha Utembi nói: "Chúng tôi đang mời gọi các Ki-tô hữu hãy kiên vững trong đức tin của họ."
Tình trạng mất an ninh
Trong hai năm qua có ít nhất 7,500 người bị bắt cóc ở Congo. Các linh mục Công giáo là nạn nhân của các vụ tấn công và bắt cóc. Các nhóm dân quân đã dùng các vụ bắt cóc để tống tiền các gia đình và các tổ chức.
Các giám mục Congo cho biết khoảng 6,000 người đã chết ở Beni kể từ năm 2013 và chỉ riêng vào năm 2020, 2,000 người chết ở Bunia. Ít nhất 3 triệu người trong khu vực đã phải di dời. Các nhóm vũ trang và dân quân đã đốt phá làng mạc, phá hủy trường học và trung tâm y tế, cướp phá văn phòng chính phủ, giết hại súc vật và phá hủy mùa màng. Các giám mục kêu gọi thực hiện tiến trình giải giáp và giải ngũ, cũng như hỗ trợ cho các chiến binh xuất ngũ, những người đôi khi tham gia các nhóm vũ trang hoặc trở thành kẻ cướp. (Crux 16/04/2021)