Ðức Mẹ và các thánh giúp chúng ta một tay
để xin Chúa ban ơn mà chúng ta cần nhất
Ðức Thánh cha: Ðức Mẹ và các thánh giúp chúng ta một tay để xin Chúa ban ơn mà chúng ta cần nhất.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 08-04-2021) - Sáng thứ Tư, 7 tháng 4 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến thứ 11 tính từ đầu năm 2021, vẫn tại Thư viện trong dinh Giáo hoàng, lúc 9 giờ 15 phút và không có tín hữu nào hiện diện, ngoài hai chức sắc thuộc Phủ Giáo hoàng và tám linh mục thông dịch viên.
Ðại dịch vẫn còn ở cấp độ cao tại Italia, trong đó có miền Lazio và thành Roma, các du khách và tín hữu hành hương từ nơi khác chưa được phép đến thành này.
Tôn vinh Lời Chúa
Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn trích từ thư gửi tín hữu Do thái, đoạn thứ 12 (12,1-2):
"Vì thế, hỡi anh em, chúng ta được đông đảo chứng nhân đức tin như đám mây vây quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc ta, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho chúng ta, mắt luôn nhìn về Chúa Giêsu, Ðấng đã khơi nguồn đức tin và đưa tới viên mãn. Chính Ngài đã khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa".
Bài huấn giáo
Trong phần giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện và trình bày bài thứ 28, với đề tài: "Cầu nguyện trong sự hiệp thông với các thánh".
Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
"Hôm nay, tôi muốn nói về liên hệ giữa kinh nguyện và sự hiệp thông của các thánh. Thực vậy, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không bao giờ cầu một mình: cho dù chúng ta không nghĩ đến điều này, nhưng chúng ta vẫn chìm đắm trong một dòng sông hùng vĩ, gồm những lời khẩn cầu đi trước và theo sau cùng ta.
Trong các kinh nguyện chúng ta thấy trong Kinh thánh, và thường vang dội trong phụng vụ, có dấu vết của những câu chuyện cổ kính, những cuộc giải thoát lạ lùng, những cuộc phát lưu và lưu vong đau buồn, những cuộc trở về cảm động, những lời chúc tụng nảy sinh trước những kỳ diệu của công trình tạo dựng... Và thế là những tiếng nói ấy được truyền lại từ đời này sang đời khác, liên tục nối kết giữa kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm của dân, và của nhân loại mà chúng ta là thành phần. Trong kinh nguyện chúc tụng, đặc biệt kinh nguyện phát sinh từ tâm hồn những người bé nhỏ và khiêm hạ, có vọng lại phần nào bài ca Magnificat mà Mẹ Maria đã dâng lên Thiên Chúa trước mặt bà chị họ Elizabeth; hoặc lời thốt lên của cụ già Simeon, khi bồng ẵm Chúa Hài Nhi, cụ nói: "Lạy Chúa, giờ đây xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, theo lời Ngài" (Lc 2,29).
Những kinh nguyện tốt lành có đặc tính lan tỏa, liên tục lan rộng, dù có các sứ điệp trên các mạng xã hội hay không: Từ các nhà thương, từ những lúc mừng gặp lại nhau trong dịp lễ cũng như từ những lúc, trong đó ta đau khổ trong thầm lặng... Ðau khổ của mỗi người là đau khổ của tất cả, và hạnh phúc của mỗi người cũng lan sang tâm hồn những người khác".
Tất cả đều liên hệ với nhau trong kinh nguyện
Các kinh nguyện luôn tái sinh: mỗi lần chúng ta chắp tay và mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa, chúng ta được sự đồng hành của các thánh vô danh và các thánh đã được công nhận, các vị cầu nguyện với chúng ta, và các vị chuyển cầu cho chúng ta, như những người anh chị đã trải qua cùng những thăng trầm nhân trần như chúng ta. Trong Giáo hội không có một tang tóc nào đơn độc, không có nước mắt nào đổ ra trong quên lãng, vì tất cả hô hấp và tham dự cùng một ơn thánh chung. Không phải là điều tình cờ mà trong các nhà thờ cổ kính có những ngôi mộ ở trong vườn quanh thánh đường, như thể nói rằng mỗi thánh lễ đều có sự tham gia của đoàn ngũ những người đã qua đời. Có các cha mẹ, ông bà của chúng ta, có các cha mẹ đỡ đầu, có các giáo lý viên và các thầy cô...
Các thánh hiện diện gần chúng ta
Các thánh vẫn còn ở đây, không xa chúng ta; và hình ảnh của họ trong các thánh đường gợi lại "đám mây đông đảo các chứng nhân" luôn quây quần quanh chúng ta (Xc Dt 12-1). Dĩ nhiên đó là những chứng nhân mà chúng ta không thờ lạy - nhưng chúng ta tôn kính và bằng nhiều cách khác nhau, các vị nói với chúng ta về Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Các vị nhắc nhớ chúng ta rằng trong cuộc sống, tuy yếu đuối và tội lỗi, có thể nảy sinh sự thánh thiện. Không bao giờ quá trễ để trở về cùng Thiên Chúa, là Ðấng tốt lành và cao cả trong tình thương (Xc Tv 102,8).
Vai trò của các thánh
Sách Giáo Lý giải thích rằng các thánh chiêm ngưỡng Thiên Chúa, chúc tụng Chúa và không ngừng chăm sóc những người đã giã từ trần thế [...]. Sự chuyển cầu của các ngài là việc phục vụ cao cả nhất mà họ thi hành theo ý định của Thiên Chúa. Chúng ta có thể và phải cầu xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới (SGL 2683). Trong Chúa Kitô, có một sự liên đới huyền nhiệm giữa những người đã tiến sang đời sống bên kia và chúng ta là những người lữ hành trong cuộc sống này: những người thân yêu của chúng ta, từ trời tiếp tục chăm sóc chúng ta. Họ cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu cho họ.
Mối liên kết trong kinh nguyện
Mối dây liên kết trong kinh nguyện này, chúng ta cảm nghiệm ngay ở đây, trong đời sống trần thế; Chúng ta cầu nguyện cho nhau, cầu xin và dâng kinh nguyện. Cách thứ nhất để cầu cho người nào đó là thưa với Thiên Chúa về người ấy. Nếu chúng ta thường xuyên làm điều này, mỗi ngày, thì tâm hồn chúng ta không khép kín, nhưng mở rộng đối với các anh chị em. Cầu nguyện cho những người khác là cách thức đầu tiên để yêu thương họ, thúc đẩy chúng ta gần gũi họ một cách cụ thể.
Xin sự giúp đỡ của các thánh
Cách thứ nhất để đương đầu với một thời điểm lo âu, là xin những người anh, người chị, nhất là các thánh, cầu nguyện cho chúng ta. Tên mà chúng ta nhận được khi chịu phép rửa tội không phải là một nhãn hiệu hoặc một đồ trang sức! Thường đó là tên Ðức Mẹ, hoặc một vị thánh nam hay nữ, các ngài không chờ đợi gì khác hơn là giúp chúng ta một tay, để xin Chúa ban ơn chúng ta cần nhất. Nếu trong cuộc sống, những thử thách không vượt mức tột độ, nếu chúng ta còn có khả năng kiên trì, nếu chúng ta vẫn tiến bước trong tín thác, dù bất kỳ điều gì xảy ra, có lẽ tất cả những điều đó không do công trạng của chúng ta cho bằng nhờ sự chuyển cầu của các thánh, một số vị ở trên trời, một số khác còn lữ hành trên mặt đất như chúng ta, các vị bảo vệ và đồng hành với chúng ta.
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Vì vậy, chúc tụng Chúa Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Thế duy nhất, cùng với vô số các thánh nam nữ, ở trên trái đất và đã biến cuộc sống của các ngài thành một lời chúc tụng Thiên Chúa. Vì như thánh Basilio đã quả quyết, đối với Chúa Thánh Linh, đó là nơi ở đặc biệt thích hợp, vì họ hiến mình để ở với Thiên Chúa và được gọi là đền thờ của Chúa". (Liber de Spiritu Sancto, 26, 62: PG 32, 184A, Xc SGL 2684)
Chào thăm và nhắn nhủ
Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.
Ðặc biệt với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: "Chúa nhật tới đây, 11/4 chúng ta sẽ cử hành lễ kính Lòng Chúa thương xót. Khi thiết lập lễ này, thánh Gioan Phaolô II nhắc chúng ta rằng "phụng vụ Chúa nhật này dường như vạch ra con đường lòng thương xót, con đường này, trong khi tái tạo tương quan của mỗi người chúng ta với Thiên Chúa, nó cũng gợi lên nơi loài người những tương quan mới qua tình huynh đệ liên đới. Chúa Kitô đã dạy chúng ta rằng "Con người không chỉ nhận và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa mà thôi, nhưng cũng được kêu gọi đối với tha nhân với lòng thương xót: Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương" (Mt 5,7). Vậy, chúng ta hãy tín thác cầu xin Chúa Kitô thương xót, và xin ơn tha htứ tội lỗi và tình thương đích thực đối với tha nhân".
Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm và nói: Ước gì sứ điệp xuất phát từ sự Phục sinh là một quyết tâm làm chứng tá: Anh chị em hãy nhìn nhận rằng trong biến cố Chúa Kitô sống lại có loan báo chân lý sâu xa nhất về con người.
"Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ước gì niềm vui và an bình, hồng ân của Chúa Phục sinh, là động lực an ủi và hy vọng vững chắc cho mỗi người trong anh chị em".
Buổi tiếp kiến chung trực tuyến của Ðức Thánh cha kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.