Sứ điệp Phục Sinh 2021
của Ðức Thánh cha
Sứ điệp Phục Sinh 2021 của Ðức Thánh cha.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 05-04-2021) - Sau khi cử hành thánh lễ Phục sinh, sáng Chúa nhật 4 tháng 4 năm 2021, bên trong Ðền thờ thánh Phêrô, vào lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha Phanxicô trở lại trước bàn thờ nơi đã làm lễ để công bố Sứ điệp Phục sinh.
Ðức Thánh cha nói đến sứ điệp Phục sinh của Chúa Kitô được Giáo hội công bố trong bối cảnh lầm than của nhân loại còn bị đại dịch hoành hành, giữa tình trạng xung đột còn xảy ra tại nhiều nơi và nạn chạy đua võ trang vẫn tiếp tục. Ðặc biệt, Ðức Thánh cha nhắc đến một số nước vẫn còn là "những điểm nóng" trong chính trường thế giới, nhưng nhiều khi bị dư luận thế giới quên lãng.
Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chúc mừng Lễ Phục sinh
Hôm nay vang vọng ở mọi nơi trên thế giới lời loan báo của Giáo hội: "Chúa Giêsu, Ðấng chịu đóng đanh, đã sống lại, như Ngài đã nói. Alleluia".
Xung đột và chạy đua võ trang dù đại dịch
Lời loan báo Phục sinh không cho thấy một ảo ảnh, không biểu lộ một công thức ma thuật, không chỉ một lối thoát trước tình trạng khó khăn chúng ta đang trải qua. Ðại dịch vẫn còn hoành hành; cuộc khủng hoảng xã hội và kinh tế rất nặng nề, đặc biệt đối với những người nghèo nhất; dầu vậy - và đây là điều gương mù - các cuộc xung đột võ trang không ngưng và các kho võ khí càng được tăng cường.
Chúa Giêsu đã sống lại
Ðứng trước, hay đúng hơn là giữa thực tại phức tạp ấy, lời loan báo Phục sinh, trong đôi lời, gói ghém một biến cố mang lại hy vọng không đánh lừa: "Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đanh, đã sống lại". Lời loan báo này không nói với chúng ta về các thiên thần hay về những bóng ma, nhưng về một người, một người bằng xương bằng thịt, với một khuôn mặt và danh xưng: đó là Ðức Giêsu. Tin mừng làm chứng rằng Ðức Giêsu ấy, bị đóng đanh dưới thời quan Phongxiô Philatô vì đã xưng mình là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, đã sống lại vào ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh và chính Ngài đã báo trước cho các môn đệ.
Ðấng chịu đóng đanh, chứ không phải ai khác, đã sống lại. Thiên Chúa Cha đã cho Con của Người là Ðức Giêsu sống lại vì đã chu toàn đến cùng thánh ý cứu độ của Người: đã gánh lấy yếu đuối, bệnh tật và chính cái chết của chúng ta; đã chịu đau khổ, đã mang lấy gánh nặng tội ác của chúng ta. Vì thế, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài và giờ đây Ðức Giêsu Kitô sống mãi mãi, Ngài là Chúa.
Chúa Phục sinh mang dấu ấn tình thương
Và các nhân chứng kể lại một chi tiết quan trọng: Chúa Giêsu sống lại vẫn mang những dấu thương tích nơi đôi tay, đôi chân và cạnh sườn. Những vết thương này là dấu ấn đời đời về tình thương của Ngài đối với chúng ta. Bất kỳ ai chịu một thử thách nặng nề, trong thân xác và tinh thần, đều có thể tìm được nơi nương náu trong các vết thương ấy, nhờ đó lãnh nhận ơn hy vọng không đánh lừa.
Chúa Phục sinh, hy vọng cho nạn nhân đại dịch
Chúa Kitô Phục sinh là hy vọng cho những người còn chịu đau khổ vì đại dịch, cho các bệnh nhân và những người đã mất một người thân yêu. Xin Chúa ban cho họ ơn an ủi và nâng đỡ những cơ cực của các bác sĩ và y tá. Nhất là tất cả những người mong manh nhất, đang cần được trợ giúp và có quyền được săn sóc cần thiết. Ðiều này càng hiển nhiên hơn trong thời đại này, trong đó tất cả chúng ta đều được kêu gọi chiến đấu chống đại dịch và các vắcxin là một phương tiện thiết yếu trong cuộc chiến đấu này. Vì thế, trong tinh thần "quốc tế hóa các vắcxin", tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế cùng dấn thân vượt thắng những chậm trễ trong việc phân phối và giúp chia sẻ, đặc biệt với các nước nghèo nhất.
Chúa Phục sinh, an ủi cho các nạn nhân kinh tế, xã hội
Ðấng Chịu Ðóng Ðanh đã Phục sinh là an ủi cho tất cả những người bị mất công ăn việc là hoặc đang trải qua những khó khăn kinh tế nặng nề và bị mất những bảo hiểm xã hội thích hợp. Xin Chúa soi sáng hoạt động của các chính quyền để tất cả mọi người, nhất là các gia đình túng thiếu nhất được những trợ giúp cần thiết để sinh sống thích hợp. Rất tiếc là đại dịch đã gia tăng rất nhiều con số những người nghèo và sự tuyệt vọng của hàng ngàn người.
Nhân dân Haiti
"Ðiều cần là những người nghèo túng thuộc mọi loại tái hy vọng", như thánh Gioan Phaolô II đã nói rong cuộc viếng thăm của ngài tại Haiti. Và trong ngày này, tôi nghĩ đến nhân dân Haiti yêu quí và khích lệ để họ không bị những khó khăn đè bặp, nhưng nhìn về tương lai với niềm tín thác và hy vọng.
Giới trẻ, đặc biệt tại Myanmar
Chúa Giêsu Phục sinh cũng là hy vọng cho bao nhiêu người trẻ buộc lòng phải trải qua những thời kỳ dài không được đến trường hoặc đại học và chia sẻ thời gian với các bạn hữu. Tất cả chúng ta cần sống những tương quan nhân bản thực sự chứ không phải chỉ những tương quan tiềm thể, đặc biệt trong thời kỳ tính tình và nhân cách của người trẻ được thành hình. Tôi gần gũi với những người trẻ trên toàn thế giới, và trong lúc này, đặc biệt tôi gần những người trẻ ở Myanmar, đang dấn thân cho nền dân chủ, lên tiếng một cách ôn hòa, với ý thức rằng oán ghét chỉ có thể bị đánh tan bằng tình thương.
Các di dân, đặc biệt tại Liban và Giordani
Ước gì Ánh sáng của Ðấng Phục Sinh là nguồn mạch tái sinh cho những người di dân đang trốn chạy chiến tranh và lầm than. Nơi những khuôn mặt của họ chúng ta hãy nhận ra khuôn mặt tiều tụy và đau khổ của Chúa đang tiến lên đồi Canvê. Ước gì không thiếu những dấu chỉ liên đới cụ thể và huynh đệ nhân bản, bảo chứng chiến thắng của sự sống trên sự chết mà chúng ta cử hành trong ngày này. Tôi cám ơn những quốc gia quảng đại đón nhận những người đau khổ đang tìm nơi tị nạn, đặc biệt là Liban và Giordani, đón tiếp rất nhiều người tị nạn trốn chạy cuộc xung đột tại Siria.
Nhân dân Liban đang trải qua một thời kỳ khó khăn và bấp bênh, ước gì họ cảm nghiệm được sự an ủi của Chúa Phục Sinh và được cộng đồng quốc tế nâng đỡ trong ơn gọi là miền đất gặp gỡ, sống chung và đa nguyên.
Siria, Yemen, Libia
Xin Chúa Kitô an bình của chúng ta làm cho tiếng võ khí im bặt tại nước Siria yêu quí đang chịu đau khổ, nơi mà hàng triệu người nay đang sống trong những điều kiện không xứng đáng với con người, cũng như tại Yemen, những tình cảnh đau thương của nước này đang diễn ra trong sự im lặng nặng nề và không thể hiểu được, và tại Libia, nơi đang có một lối thoát hé mở sau hàng chục năm tranh giành và đụng độ đẫm máu. Ước gì tất cả các phe liên hệ dấn thân thực sự để chấm dứt các xung đột và để cho dân chúng bị kiệt quệ vì chiến tranh được sống trong an bình và bắt đầu công trình tái thiết các nước liên hệ.
Israel và Palestine
Sự phục sinh dĩ nhiên dẫn chúng ta về Jerusalem. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban hòa bình và an ninh (Xc Tv 122) để đáp ứng ơn gọi trở thành nơi gặp gỡ, tai đó tất cả có thể cảm thấy mình là anh chị em với nhau, và nơi mà người Israel và Palestine tìm lại can đảm đối thoại để đạt tới một giải pháp vững bền, nhìn thấy hai quốc gia sống cạnh nhau trong an bình và thịnh vượng.
Irak
Trong ngày lễ này, tôi cũng nghĩ đến Irak, quốc gia tôi đã được vui mừng viếng thăm trong tháng qua, và tôi cầu nguyện để con đường bình định đã khởi sự được tiếp tục để thể hiện ước mơ của Thiên Chúa về một gia đình nhân loại hiếu khách và đón tiếp đối với mọi con cái của Chúa (1).
Phi châu, đặc biệt Sahel và Nigeria, Tigray và Cabo Delgado
Ước gì sức mạnh của Ðấng Phục Sinh nâng đỡ các dân tộc Phi châu đang thấy tương lai của mình bị thương tổn vì những bạo lực nội bộ và vì nạn khủng bố quốc tế, đặc biệt tại miền Sahel và Nigeria, cũng như tại miền Tigray và Cabo Delgado. Ước gì những nỗ lực được tiếp tục để tìm ra các giải pháp ôn hòa cho các cuộc xung đột, trong sự tôn trọng các quyền con người và tính thánh thiêng của sự sống, với một cuộc đối thoại huynh đệ và xây dựng trong tinh thần hòa giải và liên đới đích thực.
Ðông Ucraina, Nagorno-Kabarakh, ngày chống mìn cá nhân
Quá nhiều chiến tranh và quá nhiều bạo lực vẫn còn trên thế giới! Xin Chúa, là an bình của chúng ta, giúp chúng ta "chiến thắng não trạng chiến tranh". Xin Chúa ban cho các tù nhân trọng các cuộc xung đột, đặc biệt tại miền Ðông Ucraina và miền Nagorno-Kabarakh được trở về với gia đình bình an vô sự, xin Chúa soi sáng cho các nhà cầm quyền trên toàn thé giới ngăn chặn cuộc chạy đua thủ đắc cách võ khí mới. Hôm nay, 4/4, là Ngày Thế giới chống mìn cá nhân, là những võ khí tinh quái và kinh khủng giết hại và làm tàn phế mỗi năm rất nhiều người vô tội và cản trở nhân loại "cùng nhau bước đi trên những nẻo đường sự sống, không sợ những cạm bẫy tàn phá và chết chóc" (2). Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có những võ khí chết chóc ấy!
Tôn trọng tự do tôn giáo trong đại dịch
Anh chị em thân mến, cả năm nay, tại nhiều nơi, các tín hữu Kitô đã cử hành lễ Phục sinh trong sự giới hạn mạnh mẽ, và đôi khi họ không thể cử hành các buổi lễ phụng vụ. Chúng ta hãy cầu nguyện để những giới hạn ấy, cũng như mọi hạn chế tự do làm việc thờ phượng và tự do tôn giáo trên thế giới có thể bị loại bỏ và mỗi người được tự do cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa.
Ý nghĩa đau khổ được soi sáng nhờ Khổ nạn của Chúa
Giữa bao nhiêu khó khăn chúng ta đang trải qua, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta được chữa lành nhờ những vết thương của Chúa Kitô (Xc 1 Pr 2,24). Dưới ánh sáng của Ðấng Phục Sinh những đau khổ của chúng ta được hiển dung. Nơi nào trước đây có chết chóc thì nay có sự sống, nơi nào đã có tang tóc, thì nay có an ủi. Khi ôm lấy Thánh giá, Chúa Giêsu đã mang lại ý nghĩa cho những đau khổ của chúng ta và giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện để công hiệu phúc lành của sự chữa trị này lan tỏa tới các nơi trên toàn thế giới. Chúc mừng lễ Phục sinh tới tất cả mọi người!
Phép lành toàn xá
Sau khi Ðức Thánh cha kết thúc Sứ điệp Phục sinh, Ðức Hồng y Mauro Gambetti, dòng Phanxicô Viện Tu, tân Giám quản Ðền thờ thánh Phêrô, thông báo chủ ý của Ðức Thánh cha ban ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu lãnh nhận phép lành qua các phương tiện truyền thông, theo hình thức đã được Giáo hội thiết định.
Rồi Ðức Thánh cha đọc công thức xin hai thánh tông đồ Phêrô Phaolô, chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa, và nhờ lời chuyển cầu của Ðức Mẹ, thánh Micae Tổng lãnh thiên thần, thánh Gioan Tẩy giả, thánh Phêrô, Phaolô tông đồ và toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng tha thứ mọi tội lỗi cho các tín hữu và xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa các tín hữu đến sự sống đời đời.