Ðức Thánh cha chủ sự lễ tưởng niệm

cuộc khổ nạn của Chúa Kitô

 

Ðức Thánh cha chủ sự lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 03-04-2021) - Lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu Tuần thánh, 2 tháng 4 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức tại Ðền thờ thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Nước Ý vẫn ở trong tình trạng bị hạn chế vì đại dịch Covid-19, nên nghi thức được cử hành bên trong Ðền thờ thánh Phêrô, nhưng năm nay có khoảng 150 người tham dự thay vì khoảng 30 người hồi năm 2020.

Khi tiến vào đền thờ, trong phẩm phục màu đỏ, Ðức Thánh cha nằm phủ phục trên nền trước nàn thờ Ngai tòa.

Bài giảng của Ðức Hồng y Cantalamessa

Sau bài Thương khó, Ðức Thánh cha không giảng, nhưng Ðức Hồng y Raniero Cantalamessa, 87 tuổi, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo hoàng từ 41 năm nay, đã diễn giải về chủ đề trích từ câu thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Roma (8,29): Chúa Kitô trở thành "trưởng tử trong số nhiều anh em". Các môn đệ của Chúa trở thành anh chị em với nhau theo một nghĩa mới mẻ và rất sâu xa. Họ không những chia sẻ giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng cả tinh thần, cuộc sống mới của Ðấng Phục Sinh.

Ðức Hồng y Cantalamessa đặc biệt mời gọi các tín hữu Công giáo hãy xét mình về tội chia rẽ vì việc làm này là "công việc tuyệt hảo của ma quỉ, diabolos, tức là kẻ chia rẽ, là kẻ thù gieo rắc cỏ lùng, như Chúa Giêsu đã nói trong một dụ ngôn của Ngài (Xc Mt 13,25). Vị giảng thuyết nói:

"Chúng ta phải học từ Tin mừng và gương của Chúa Giêsu. Quanh Ngài bấy giờ có sự chia rẽ mạnh mẽ về chính trị. Có bốn phe: Pharisêu, người Sađuxê, người theo vua Hêrôđê, và những người Zê-lốt, Nhiệt thành. Chúa Giêsu không đứng về phe nào, và mạnh mẽ chống lại những toan tính lôi kéo Ngài về phe này hay phe kia. Cộng đoàn Kitô sơ khai cũng trung thành noi theo chọn lựa đó. Ðiều này là tấm gương đặc biệt cho các mục tử, họ phải là những mục tử của toàn đoàn chiên, chứ không phải của một phe nào trong đó. Vì thế, họ phải là những người đầu tiên phải xét mình nghiêm túc và tự hỏi họ đang dẫn đoàn chiên đi về đâu: về phe của họ hay là về Chúa Giêsu".

Và Ðức Hồng y Cantalamessa kết luận rằng: "Trong ngày này, chúng ta hãy dâng lên Ðấng đã chết trên thập giá "để tụ họp lại các con cái Chúa bị tản mát" (Ga 11,52), "với tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm hạ", chúng ta hãy dâng lên kinh nguyện và Giáo hội dâng lên Chúa trong mỗi thánh lễ trước khi hiệp lễ:

"Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: "Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an cho các con", xin đừng chấp tội chúng con nhưng xin nhìn đến Hội thánh Chúa, xin ban cho Hội thánh được bình an và hiệp nhất theo ý Chúa. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị đời đời. Amen"

Các lời nguyện phổ quát

Lễ nghi tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa được tiếp nối với 10 lời nguyện phổ quát theo truyền thống, cho các nhu cầu của Công giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Giống như năm ngoái, năm nay có thêm lời nguyện thứ 11 cho những người đau khổ giữa cơn đại dịch:

"Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đang chịu đau khổ vì những hậu quả của đại dịch hiện nay, xin Chúa Cha ban sức khỏe cho các bệnh nhân, sức mạnh cho các nhân viên y tế, ơn an ủi cho các gia đình, ơn ơn cứu độ vĩnh cửu cho các nạn nhân đã chết".

Và Ðức Thánh cha nguyện rằng: "Xin Thiên Chúa toàn năng và vĩnh cửu, là nơi nương náu quan phòng của những người đau khổ, xin đoái thương nhìn đến những sầu muộn của con cái Chúa đang đau khổ vì đại dịch này, thoa dịu đau đớn của các bệnh nhân, ban sức mạnh cho những người đang săn sóc họ, đón nhận vào trong an bình của Chúa những người đã chết, và trong thời kỳ sầu khổ này, xin Chúa ban cho chúng con mỗi người tìm được an ủi trong lòng thương xót của Chúa".

Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh giá. Chỉ có Ðức Thánh cha kính hôn Thánh giá rồi ngài giơ cao cho tất cả mọi người thinh lặng quì gối thờ lạy.

Sau cùng là phần hiệp lễ và phép lành kết thúc của Ðức Thánh cha.

(2-4-2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page