Khi thờ lạy Thánh giá,
chúng ta cảm nghiệm lại hành trình
của Chiên Thiên Chúa chịu hiến tế
để cứu độ chúng ta
Ðức Thánh cha: Khi thờ lạy Thánh giá, chúng ta cảm nghiệm lại hành trình của Chiên Thiên Chúa chịu hiến tế để cứu độ chúng ta.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 31-03-2021) - Sáng thứ Tư Tuần thánh, 31 tháng 3 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến thứ mười, tính từ đầu năm 2021, vẫn tại Thư viện trong dinh Giáo hoàng, vào lúc 9 giờ 15 phút và không có tín hữu nào hiện diện, ngoài hai chức sắc thuộc Phủ Giáo hoàng và tám linh mục thông dịch viên.
Tôn vinh Lời Chúa
Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn trích từ sách ngôn sứ Isaia đoạn thứ 52 (52-13-15): "Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật và được suy tôn đến tột cùng. Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy nó sẽ làm cho muôn dân phải sửng sốt, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ".
Bài huấn giáo
Trong phần giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha đã tạm ngưng loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện để trình bày về Tam nhật Vượt qua.
Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
"Chúng ta đã chìm vào trong bầu không khí linh thiêng của Tuần thánh, và đang chuẩn bị bước vào Tam nhật Vượt qua. Từ ngày mai đến Chúa nhật, chúng ta sẽ sống những ngày ở trọng tâm Năm Phụng vụ, qua việc cử hành mầu nhiệm Khổ nạn, sự Chết và sự Sống lại của Chúa.
Thứ Năm Tuần thánh
Chiều Thứ Năm Tuần thánh, khi bước vào Tam nhật Vượt qua, trong thánh lễ Bữa tối của Chúa, chúng ta sẽ cảm nghiệm lại điều xảy ra trong Bữa Tiệc ly. Ðó là buổi tối, trong đó Chúa Kitô đã để lại di chúc cho các môn đệ về tình yêu của Ngài trong Thánh Thể, không phải như một kỷ vật, nhưng như lễ tưởng niệm, như sự hiện diện trường cửu của Ngài. Trong Bí tích ấy, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế với lễ vật là bản thân Ngài: Mình và Máu Chúa ban cho chúng ta ơn cứu thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Ðó là buổi tối, trong đó Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương nhau qua việc phục vụ nhau, như chính Ngài đã làm khi rửa chân cho các môn đệ. Một cử chỉ báo trước lễ hy sinh đẫm máu trên thập giá. Và thực vậy, Thầy và Chúa của chúng ta sẽ chết vào ngày hôm sau để làm cho các môn đệ, không phải được sạch chân, nhưng để làm cho tâm hồn và toàn thể cuộc sống của họ được thanh sạch.
Thứ Sáu Tuần thánh
Thứ Sáu Tuần thánh là ngày thống hối, ăn chay và cầu nguyện. Qua các đoạn Kinh thánh và lời nguyện phụng vụ, chúng ta sẽ tụ họp nhau trên đồi Canvê để tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Trong nghi thức phụng vụ sốt sắng, chúng ta sẽ được trình bày Thánh giá để thờ lạy. Khi thờ lạy Thánh giá, chúng ta cảm nghiệm lại hành trình của Chiên Thiên Chúa vô tội, chịu hiến tế để cứu độ chúng ta. Chúng ta sẽ mang trong tâm trí những đau khổ của các bệnh nhân, người nghèo, những người bị gạt bỏ trên thế giới này; chúng ta sẽ nhớ đến "những con chiên bị sát tế", nạn nhân vô tội của chiến tranh, độc tài, bạo lực hằng ngày, những vụ phá thai... Ðứng trước hình ảnh Thiên Chúa chịu đóng đanh, chúng ta sẽ mang vào kinh nguyện bao nhiêu thập giá ngày nay, quá nhiều, mà chỉ từ Chúa chúng ta mới có thể lãnh nhận được an ủi và ý nghĩa đau khổ.
Từ khi Chúa Giêsu đã mang lấy trên mình những vết thương của nhân loại và cả cái chết, tình yêu của Thiên chúa đã tưới gội những sa mạc hoang vu của chúng ta, đã soi sáng những tối tăm của chúng ta. Trong khi thi hành sứ vụ, Con Thiên Cúa đã gieo vãi đầy tay, chữa lành, tha thứ, hồi sinh. Giờ đây, trong giờ Hy tế tột cùng trên thánh giá, Ngài hoàn tất công trình đã được Chúa Cha ủy thác: Ngài đi xuống vực thẳm đau khổ để cứu vớt bằng cách biến đổi đau khổ. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể làm điều đó. Từ những vết thương của Ngài chúng ta được chữa lành (Xc 1 Pr 2,24), từ cái chết của Chúa, chúng ta được tái sinh. Nhờ Chúa bị bỏ rơi trên thập giá, chẳng bao giờ có ai còn bị đơn độc trong tối tăm của sự chết.
Thứ Bảy Tuần thánh
Thứ Bảy Tuần thánh là ngày thinh lặng, được sống trong khóc thương và ngỡ ngàng của các môn đệ đầu tiên, bị đảo lộn vì cái chết ô nhục của Chúa Giêsu. Trong khi Ngôi Lời im tiếng, trong khi Sự Sống ở trong mồ, những người đã tin tưởng nơi Ngài bị thử thách nặng nề, họ cảm thấy mồ côi, có lẽ mồ côi cả Thiên Chúa. Thứ Bảy Tuần thánh cũng là ngày của Mẹ Maria: cả Mẹ cũng sống ngày này trong thương khóc, nhưng tâm hồn Mẹ đầy tin tưởng, đầy hy vọng và đầy yêu thương. Mẹ đã theo Chúa Con dọc theo con đường khổ giá và đứng dưới chân thập giá, với tâm hồn tan nát. Nhưng khi tất cả dường như chấm dứt, Mẹ vẫn tỉnh thức, Mẹ canh thức chờ đợi trong hy vọng nơi lời hứa của Thiên Chúa, Ðấng làm cho kẻ chết sống lại. Vì thế, trong giờ phút đen tối nhất của trần thế, Người trở thành Mẹ của các tín hữu. Chứng tá và sự chuyển cầu của Mẹ nâng đỡ chúng ta khi gánh nặng thập giá trở nên quá nặng nề đối với chúng ta.
Vọng Phục sinh
Trong tối tăm của Thứ Bảy Tuần thánh, niềm vui và ánh sáng tràn vào với các nghi thức Vọng Phục sinh, và bài ca vui mừng Aleluia. Ðó sẽ là cuộc gặp gỡ trong đức tin với Chúa Kitô sống lại và niềm vui Phục sinh sẽ kéo dài trong 50 ngày sau đó. Ðấng đã bị đóng đanh nay sống lại! Tất cả những vấn nạn và bấp bênh, do dự và sợ hãi tan biến nhờ mạc khải ấy. Ðấng Phục sinh mang lại cho chúng ta xác tín chắc chắn rằng sự thiện luôn chiến thắng sự ác, sự sống luôn chiến thắng sự chết và sự kết thúc của chúng ta không phải là chìm sâu hơn mãi, từ buồn sầu này đến buồn sầu khác, nhưng là tiến lên cao. Ðấng Phục sinh là sự khẳng định rằng Chúa Giêsu có ý trong mọi sự; trong việc hứa cho chúng ta sự sống sau cái chết và ơn tha thứ vượt lên trên mọi tội lỗi.
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, năm nay chúng ta cũng sẽ cử hành Phục sinh trong bối cảnh đại dịch. Trong bao nhiêu tình cảnh đau khổ, nhất là khi dân chúng, các gia đình và dân tộc đã bị thử thách vì nghèo đói, tai ương hoặc xung đột, Thập giá Chúa Kitô như một ngọn hải đăng chỉ đường cho các con tàu còn ở ngoài biển khơi giữa bão tố. Ðó là dầu chỉ hy vọng không làm thất vọng; dấu ấy nói với chúng ta rằng dù nước mắt, dù tiếng kêu than sẽ không bị mất đi trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Chào thăm và nhắn nhủ
Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắn nhủ:
"Trong Tuần thánh này, anh chị em đừng quên kết hiệp sâu xa hơn với Chúa Kitô chịu chết và sống lại. Như thế anh chị em sẽ cảm nghiệm lòng từ nhân của Thiên Chúa, Ðấng đã không từ khước chúng ta Con của Ngài để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và làm cho chúng ta được tinh tuyền và rạng ngời như những vì sao trên trần thế (Pl 2.5).
Sau cùng, như thường lệ tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Tôi khuyên anh chị em hãy trở nên hình ảnh lòng từ nhân thương xót của Thiên Chúa và là những chứng nhân về niềm hy vọng."