Chúa Giêsu là Ánh Sáng
để mở rộng tâm hồn chúng ta
cho tình thương của Thiên Chúa
Ðức Thánh cha: Chúa Giêsu là Ánh Sáng để mở rộng tâm hồn chúng ta cho tình thương của Thiên Chúa.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 15-03-2021) - Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật 14 tháng 03 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc ở lầu ba trong dinh Giáo hoàng để chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu, tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô.
Khoảng gần 800 người đã đến tham dự buổi đọc kinh, trong đó có đông đảo người Philippines, vì số chỗ giới hạn trong đền thờ trong lúc Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ trước đó. Cũng có nhiều tín hữu khác đến tham dự, vì từ thứ Hai, 15 tháng 3 năm 2021, Roma và miền Lazio trở thành vùng màu đỏ và bị giới nghiêm ba tuần lễ, không được tự do đi lại cho đến ngày 06 tháng 4 năm 2021 vì số ca lây nhiễm gia tăng mạnh trong những ngày trước đây.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ IV Mùa chay và nêu bật những lý do khiến các tín hữu Kitô được mời gọi "hãy vui lên".
Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
"Chúa nhật thứ IV Mùa chay này là Chúa nhật "Laetare" nghĩa là "Hãy vui lên". Phụng vụ thánh lễ bắt đầu bằng lời mời gọi: "Hãy vui lên hỡi Jerusalem..." (Xc Is 66,10). Ðâu là lý do của niềm vui này? Tin mừng hôm nay giải thích cho chúng ta: Thiên Chúa "đã yêu thương trần thế đến độ ban Con duy nhất của Người, để những ai tin nơi người Con ấy thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16). Sứ điệp vui mừng này là trọng tâm của đức tin Kitô: tình yêu của Thiên Chúa đã lên tới tột đỉnh qua việc ban Con của Người cho nhân loại yếu đuối và tội lỗi.
"Ðó là điều thấy rõ qua cuộc đối thoại ban đêm giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, mà cùng trang Tin mừng mô tả một phần (Xc Ga 3,14-21). Nicôđêmô, cũng như mọi thành phần của dân Israel, chờ đợi Ðấng Thiên Sai, coi đó là một vị mạnh mẽ sẽ dùng quyền năng xét xử trần thế. Chúa Giêsu làm cho mong đợi ấy bị khủng hoảng khi tự giới thiệu dưới ba khía cạnh: khía cạnh Con Người bị treo trên thập giá; khía cạnh Con Thiên Chúa được sai đến trần thế để cứu vớt và khía cạnh ánh sáng phân biệt giữa người theo sự thật với người theo gian dối. Chúng ta hãy xem ba khía cạnh ấy.
Con Người bị treo trên thập giá
Trước hết Chúa Giêsu tự giới thiệu như Con Người (vv.14-15). Ðoạn văn ám chỉ đến trình thuật về con rắn đồng (Xc Ds 21,409), mà Môsê, theo ý của Thiên Chúa, đã dựng lên trong sa mạc khi dân Chúa bị các con rắn độc cắn; ai bị cắn và nhìn lên con rắn đồng thì được chữa lành. Cũng vậy, Chúa Giêsu được treo lên thập giá và ai tin vào Ngài thì được chữa lành khỏi tội lỗi và được sống.
Con Thiên Chúa được ban cho loài người
Khía cạnh thứ hai là khía cạnh Con Thiên Chúa (vv.16-18). Thiên Chúa Cha yêu thương loài người đến độ "ban" Con của Người: Người đã ban trong cuộc nhập thể và đã ban khi giao nạp con của Người cho sự chết. Mục đích sự trao tặng của Thiên Chúa là để loài người được sống đời đời: thực vậy, Thiên Chúa sai Con của Người xuống trần thế không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian có thể được cứu thoát nhờ Chúa Giêsu. Sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng cứu độ cho tất cả mọi người.
Chúa Giêsu là Ánh Sáng
Thứ ba, tên được dùng để chỉ Chúa Giêsu là "ánh sáng" (vv.19-21). Tin mừng nói: "Ánh sáng đã đến trong trần thế, nhưng con người yêu mến tối tăm hơn ánh sáng" (v. 19). Sự việc Chúa Giêsu đến trần thế tạo nên một sự chọn lựa: ai chọn bóng tối thì sẽ bị kết án, ai chọn ánh sáng thì sẽ được cứu độ. Sự phán xét là hậu quả của sự chọn lựa tự do của mỗi người: ai thực hành sự ác thì tìm kiếm tối tăm, ai thi hành chân lý, nghĩa là làm điều thiện thì đến cùng ánh sáng. Ai bước đi trong ánh sáng, ai đến gần ánh sáng, thì làm những công việc lành. Ðó là điều mà chúng ta được kêu gọi thi hành với sự dấn thân quyết liệt hơn trong Mùa chay: nghĩa là chọn ánh sáng trong lương tâm chúng ta, đặc biệt trong Bí tích Hòa giải, để mở rộng tâm hồn chúng ta cho tình thương vô biên của Thiên Chúa, cho lòng thương xót đầy dịu sàng và từ nhân của Chúa. Như thế, chúng ta sẽ tìm được niềm vui đích thực và có thể vui mừng vì ơn tha thứ của Thiên Chúa làm tái sinh và ban sự sống.
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: Xin Mẹ Maria rất thánh giúp chúng ta đừng sợ để cho mình được Chúa Giêsu đặt trong "tình trạng khủng hoảng". Ðó là một cuộc khủng hoảng lành mạnh để chữa lành chúng ta, để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.
Chào thăm và mời gọi
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Ðức Thánh cha đã nhắc đến thảm trạng chiến tranh tại Siria. Ngài nói:
"Anh chị em thân mến, cách đây 10 năm bắt đầu cuộc xung đột đẫm máu tại Siria, đã tạo nên một trong những thảm trạng nhân đạo trầm trọng nhất thời nay. Một số người chết và bị thương chưa được xác định, hàng triệu người tị nạn, hàng ngàn người mất tích, tàn phá, bạo lực đủ loại và đau khổ khôn lường cho toàn dân, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương nhất, như các trẻ em, phụ nữ và những ngừơi già. Tôi tái tha thiết kêu gọi các phe lâm chiến hãy biểu lộ những dấu hiệu thiện chí để có thể mở ra một tia hy vọng cho dân chúng đã bị kiệt quệ. Tôi cũng cầu mong có một sự dấn thân quyết liệt và mới mẻ, xây dựng và liên đới của cộng đồng quốc tế, làm sao để hạ khí giới, có thể hàn gắn xã hội và khởi sự công trình tái thiết, phục hồi kinh tế. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để bao nhiêu đau khổ tại đất nước Siria đau thương yêu quí, không bị quên lãng, và để tình liên đới của chúng ta phục hồi niềm hy vọng.
Ðức Thánh cha cũng thông báo ngày thứ Sáu, 19 tháng 3 năm 2021, lễ thánh Giuse, là khai mạc Năm Ðặc biệt để làm gia tăng tình yêu gia đình. Tôi kêu gọi hãy có một đà tiến mục vụ mới có tinh thần sáng tạo để đặt gia đình ở trung tâm mọi quan tâm của Giáo hội và xã hội. Tôi cầu nguyện để mỗi gia đình có thể cảm thấy nơi mình sự hiện diện sinh động của Thánh gia Nazareth, làm cho cộng đoàn gia đình của chúng ta được đầy tràn tình thương yêu chân thành và quảng đại, là nguồn vui mừng dù trong thử thách và khó khăn.
Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm các tín hữu Roma đặc biệt là đông đảo tín hữu Philippines kỷ niệm 500 năm truyền giáo. Ngài cầu chúc tất cả một Chúa nhật tốt đẹp và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.