Ðức Thánh cha viếng thăm thành phố Erbil
Ðức Thánh cha viếng thăm thành phố Erbil.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Erbil (RVA News 08-03-2021) - Chúa nhật 7 tháng 3 năm 2021 là ngày thứ ba và cũng là ngày cuối trong chuyến tông du của Ðức Thánh cha Phanxicô tại Irak. Các hoạt động của ngài đều diễn ra tại miền Kurdistan ở mạn bắc nước này: Gặp gỡ chính quyền địa phương ở Erbil, rồi đến thành Mossul cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh, nơi quảng trường bốn thánh đường Kitô bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS tàn phá. Sau đó, Ðức Thánh cha đến thành phố Kitô Qaraqosh để viếng Nhà thờ Chính tòa Ðức Mẹ vô nhiễm, gặp gỡ các tín hữu và đọc kinh Truyền tin với họ vào ban trưa. Ban chiều lúc 4 giờ, Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ cho hàng ngàn tín hữu tại Sân vận động thành phố Erbil.
Lúc quá 7 giờ sáng, Ðức Thánh cha đã đáp máy bay từ thủ đô Baghdad lên thành phố Erbil, cách đó 330 cây số về hướng bắc. Thành phố gần 1 triệu 800 ngàn dân cư này là thủ phủ miền tự trị Kurdistan, chỉ cách biên giới Siria 300 cây số.
Thành này được coi là một trong những thành cổ nhất thế giới, có dân định cư ít nhất 23 thế kỷ trước công nguyên, trải qua bao nhiêu thăng trầm, thay ngôi đổi chủ. Khu cổ kính nhất của thành ở trên cao 30 mét, và quanh tường thành này, các khu phố được dần dần phát triển. Năm 2014, cổ thành này, với diện tích 110,000 mét vuông, được tổ chức Unesco của Liên Hiệp Quốc tuyên bố là gia sản của nhân loại. Tại đây, người ta có thể ngắm Ðại Ðền thờ Hồi giáo và một viện bảo tàng đồ vải của người Kurdes, cùng với viện bảo tàng Văn Minh và và viện bảo tàng gia sản Siriac.
Trong những năm gần đây, thành phố Erbil và khu vực phụ cận tiếp đón rất nhiều người tị nạn chiến tranh từ Siria và khoảng 540,000 người Irak di tản nội địa, trong số đó có 120,000 Kitô hữu từ thành Qaraqosh ở bình nguyên Ninive và thành phố Mossul chạy tới, hồi tháng Tám năm 2014 để trốn khỏi Nhà nước Hồi giáo IS.
Về phương diện Giáo hội, Erbil là trụ sở của hai tổng giáo phận Công giáo Canđê, và Công giáo Siriac.
Khi đến phi trường Erbil, Ðức Thánh cha đã được các Giám mục Công giáo địa phương cùng với vị Chủ tịch và chính quyền vùng tự trị Kurdistan đón tiếp. Nền tự trị của Kurdistan được chính thức nhìn nhận theo hiến pháp năm 2005 của Irak, nghĩa là hai năm sau khi nhà độc tài Saddam Hussein sụp đổ. Miền tự trị này gồm có bốn tỉnh.
Tại phòng khánh tiết của phi trường, Ðức Thánh cha đã gặp gỡ chính quyền miền và hai giám mục địa phương, trước khi tiếp tục hành trình bằng máy bay trực thăng đến thành phố Mossul cách đó 90 cây số về hướng tây bắc.