Ðức Thánh cha thăm thành Qaraqosh

 

Ðức Thánh cha thăm thành Qaraqosh.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Qaraqosh (RVA News 08-03-2021) - Sau buổi cầu nguyện tại Mossul, Ðức Thánh cha lại đáp trực thăng để bay tới thành Qaraqosh ở vùng bình nguyên Ninive, cách Mossul 30 cây số.

Thị trấn Qaraqosh

Qaraqosh là thành Kitô tại Irak, trước năm 2014, có hơn 50,000 dân sống tại đây, trong đó 90% là Kitô hữu. Nhưng rồi mùa hè 2014, các lực lượng gọi là Nhà nước Hồi giáo IS đã tiến chiếm vùng này, phá hủy các gia cư, nhà thờ, thư viện và các cơ sở quan trọng khác. Hàng ngàn tín hữu Kitô phải vội vã bỏ mọi sự di tản tới miền Kurdistan để thoát thân.

Hơn hai năm sau, vùng này được giải phóng. Các tổ chức bác ái Kitô, đặc biệt là tổ chức "Trợ giúp các Giáo hội đau khổ" đã hỗ trợ công trình tái thiết, trong đó có Nhà thờ chính tòa Ðức Mẹ Vô nhiễm của Giáo hội Công giáo Siriac ở al Tahira-al-Kubra là thánh đường Kitô lớn nhất tại Irak, được khởi công xây cất hồi năm 1932 và hoàn tất mười sáu năm sau đó tức là năm 1948. Nhà thờ dài 54 mét và rộng 24 mét, có thể đón nhận 2,500 người. Bên trong có ba gian với 22 cột lớn bằng cẩm thạch.

Trong thời kỳ lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS chiếm đóng, thánh đường này hầu như thiêu hủy. Nhóm khủng bố đập phá tất cả các thánh giá, cướp các vật dụng bên trong thánh đường, viết tên chúng trên các cột nhà thờ và dùng khu vực bên ngoài nhà thờ làm nơi huấn luyện cho các tân chiến binh IS.

Cho đến nay đã có khoảng 46% các Kitô hữu đã trở lại vùng này và Qaraqosh hiện có khoảng 35,000 dân cư.

Viếng thăm cộng đoàn

Từ bãi đậu trực thăng khi Ðức Thánh cha đến đến Nhà thờ chính tòa Ðức Mẹ Vô Nhiễm lúc gần 12 giờ 30 trưa, có đông đảo tín hữu đứng hai bên đường để chào đón ngài, không sợ bị lây nhiễm Coronavirus. Ðoàn xe đi rất chậm, mặc dù bị trễ so với chương trình.

Tại cửa thánh đường, hai em bé tặng hoa cho Ðức Thánh cha, rồi ngài được Ðức Thượng phụ Younan của Giáo hội Công giáo Siriac cùng với cha sở đón tiếp, trao thánh giá để ngài hôn kính rồi rảy nước phép, trước khi tiến lên bàn thờ chính.

Ðức Thượng phụ Younan đã đại diện mọi người chào mừng Ðức Thánh cha, rồi bà Doha Sabah Abdallah người Hồi giáo và cha Ammar Yako đã kể lại chứng từ.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Thật là đau buồn khi nhìn chung quanh, chúng ta thấy những dấu hiệu quyền lực tàn phá của bạo lực, oán ghét và chiến tranh. Bao nhiêu tàn phá! Bao nhiêu nơi cần được tái thiết! Cuộc gặp gỡ này của chúng ta chứng tỏ rằng khủng bố và chết chóc không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Lời cuối cùng thuộc về Thiên Chúa và Con của Chúa, Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngay cả giữa những tàn phá của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, với con mắt đức tin, chiến thắng của sự sống trên sự chết. Anh chị em có trước mặt tấm gương của các cha mẹ trong đức tin đã thờ lạy và chúc tụng Chúa tại nơi này. Họ đã kiên vững trong niềm hy vọng trên hành trình trần thế, tín thác nơi Thiên Chúa, Ðấng không bao giờ làm thất vọng và luôn nâng đỡ chúng ta bằng ơn thánh của Người. Gia sản tinh thần lớn lao họ để lại cho chúng ta tiếp tục sống trong anh chị em. Hãy đón nhận gia sản ấy! Gia sản này là sức mạnh của anh chị em! Nay là lúc tái thiết và bắt đầu lại, tín thác nơi ơn Chúa, Ðấng hướng dẫn số vận của mỗi người và mọi dân tộc. Anh chị em không lẻ loi! Toàn thể Giáo hội gần gũi anh chị em, qua kinh nguyện và lòng bác ái cụ thể. Và tại miền nay, bao nhiêu người đã mở rộng các cánh cửa trong lúc anh chị em cần đến".

Chữa lành các liên hệ

Ðức Thánh cha cũng nhận định rằng: "Ðây là lúc chữa lành không những các nhà cửa và dinh thự, nhưng trước tiên là các mối liên hệ nối kết cộng đoàn và các gia đình, người trẻ và người già. Khi người già và người trẻ liên kết với nhau, chúng ta kiên trì và thông truyền các hồng ân Chúa ban. Hãy bảo tồn các mối liên hệ nối kết anh chị em với nhau, hãy bảo tồn các căn cội của anh chị em!"

"Chắc chắn có những lúc đức tin có thể bị chao đảo, khi mà dường như Thiên Chúa không nhìn và không hành động. Ðối với anh chị em, đó là điều đã xảy ra trong những ngày đen tối vì chiến tranh và trong những ngày khủng hoảng y tế hoàn cầu và rất bất an. Trong những lúc như vậy, hãy nhớ Chúa Giêsu đang ở cạnh anh chị em. Ðừng đầu hàng, đừng đánh mất hy vọng! Từ trời cao các thánh canh chừng trên anh chị em: hãy khẩn cầu các ngài và đừng bao giờ mệt mỏi trong việc xin các ngài chuyển cầu cho."

Ðức Thánh cha cho biết một điều trong chứng từ của bà Doha làm cho ngài cảm động. "Bà nói rằng tha thứ là điều cần thiết từ phía những người đã sống sót sau các vụ tấn công khủng bố. Tha thứ, đó là một từ chủ yếu. Tha thứ là điều cần thiết để ở lại trong tình thương, để tiếp tục là Kitô hữu. Con đường để hoàn toàn bình phục có thể là còn dài, nhưng tôi xin anh chị em đừng nản lòng. Cần có khả năng tha thứ và đồng thời cần có can đảm chiến đấu. Tôi biết đó là điều rất khó, nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa có thể mang bình an đến phần đất này.

Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng trong chứng từ, cha Ammar đã nhắc đến những kinh hoàng của khủng bố và chiến tranh, "luôn cảm tạ Chúa vì đã nâng đỡ anh chị em trong thời tốt đẹp những như trong lúc đau khổ, khi khỏe mạnh cũng như khi bệnh tật. Lòng biết ơn nảy sinh và tăng trưởng khi chúng ta nhớ đến các hồng ân và lời hứa của Thiên Chúa. Trong mọi lúc chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì những ơn lành và xin Chúa ban hòa bình, tha thứ và tình huynh đệ cho phần đất này và cho dân chúng tại đây. Chúng ta đừng bao giờ mệt mọi trong việc cầu nguyện cho sự hoán cải các tâm hồn và cho sự chiến thắng của một nền văn hóa sự sống, hòa giải, và tình huynh đệ, trong sự tôn trọng các dị biệt, các truyền thống tôn giáo khác nhau, trong nỗ lực xây dựng một tương lai đoàn kết và cộng tác giữa mọi người thiện chí. Một tình huynh đệ nhìn nhận "các giá trị căn bản của cộng đoàn chúng ta, các giá trị mà chúng ta nhân danh để có thể và phải cộng tác, xây dựng, đối thoại, tha thứ và tăng trưởng" (Ft 283).

Sau huấn dụ ngắn trên đây, Ðức Thánh cha và mọi người cùng đọc kinh Truyền tin, rồi ngài chào sáu người đại diện cộng đoàn, trước khi giã từ Qaraqosh lúc 1 giờ 30 trưa và lên xe về Ðại chủng viện thánh Phêrô ở thành phố Erbil, cách đó 63 cây số về hướng đông.

Ðại chủng viện thánh Phêrô

Chủng viện này thuộc tòa Thượng phụ Công giáo Canđê ở Ankawa, ngoại ô thành Erbil và là cơ sở đào tạo linh mục duy nhất còn hoạt động để đào tạo các linh mục Canđê cho tất cả các giáo phận trong nước và hải ngoại. Hiện nay có 14 chủng sinh.

Ðến Ðại chủng viện, Ðức Thánh cha đã dùng bữa và nghỉ ngơi tại đây.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page