Ðức Thánh cha Phanxicô
lên đường viếng thăm Irak trong 3 ngày
Ðức Thánh cha Phanxicô lên đường viếng thăm Irak trong 3 ngày.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 06-03-2021) - Sáng sớm thứ Sáu 5 tháng 3 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã lên đường viếng thăm Irak trong ba ngày, cho đến sáng thứ Hai 8 tháng 3 năm 2021.
Ðây là chuyến tông du thứ 33 của ngài tại nước ngoài và là chuyến đầu tiên kể từ 15 tháng qua, tức là từ tháng Mười Một năm 2019, với cuộc viếng thăm tại Thái Lan và Nhật Bản. Trọn năm 2020, vì đại dịch Covid-19, Ðức Thánh cha phải hủy bỏ tất cả các dự án tông du, và năm 2021 này, ngoài chuyến đi Irak, chưa có dự án viếng thăm nào được lên chương trình, cũng vì đại dịch vẫn còn hoành hành tại nhiều nơi.
Viếng Ðền thờ Ðức Bà Cả
Theo thói quen từ tám năm nay, chiều thứ Năm 4 tháng 3 năm 2021, Ðức Thánh cha đã đến kính viếng và cầu nguyện trước ảnh Ðức Mẹ là phần rỗi của dân Roma, để xin ơn phù trợ của Mẹ Thiên Chúa cho cuộc tông du của ngài.
Ðây cũng là lần thứ 85 Ðức Thánh cha Phanxicô đến kính viếng Ðức Mẹ tại đây, kể từ ngày 14 tháng 3 năm 2013, tức là 1 ngày sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng (13/03/2013).
Lên đường
Trước khi rời Vatican lúc gần 7 giờ, Ðức Thánh cha đã chào và thăm hỏi 12 người tị nạn Irak được cộng đồng thánh Egidio và Hợp tác xã Auxilium đón nhận và giúp đỡ từ vài năm nay. Nhóm người này được Ðức Hồng y Konrad Krajewski, người Ba Lan, Chánh sở Từ thiện của Ðức Thánh cha, giới thiệu với ngài.
Liền đó, Ðức Thánh cha đã rời Vatican để ra phi trường quốc tế Fiumicino của thành Roma, cách đó 30 cây số. Tại đây, sau nghi thức tiễn biệt đơn sơ, với các vị đặc trách phi trường, Ðức Thánh cha đã tiến lên máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia. Trên máy bay đã có 70 ký giả Italia và quốc tế cùng với khoảng 30 vị thuộc đoàn tùy tùng, đứng đầu Ðức Hồng y Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và vị Phụ tá là Ðức Tổng giám mục Edgar Pe#a Parra, người Venezuela, cùng với Ðức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội đông phương cũng như Ðức Hồng y Miguel Angel Aruso, người Tây Ban Nha, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn.
Hãng Alitalia cho biết phi hành đoàn chuyến bay của Ðức Thánh cha gồm 11 người: phi công Alberto Colautti, 59 tuổi, với 15,000 giờ bay, và cũng là trưởng đoàn phi công của hãng Alitalia; phi công Roberto Vallicelli, 56 tuổi, với 19,000 giờ bay, và kỹ thuật viên Giovanni Gola, 55 tuổi với 15,000 giờ bay. Tám người còn lại là các tiếp viên phi hành.
Tất cả mọi người cùng đi trên chuyến bay với Ðức Thánh cha, kể cả các ký giả, đều đã được chích vắc xin ngừa Covid-19 trong thời gian ít nhất 21 ngày trước đây.
It lâu sau khi máy bay cất cánh lúc 7 giờ 45, Ðức Thánh cha xuống phần sau của máy bay, để chào thăm và cám ơn các ký giả cùng đi, và nói: "Tôi hài lòng vì được mở lại các chuyến tông du và chuyến đi này là biểu tượng, cũng là một nghĩa vụ đối với một nước đã chịu đau khổ trong bao nhiêu năm. Cám ơn anh chị em đã cùng đi với tôi. Tôi sẽ cố gắng tuân theo các chỉ dẫn và không bắt tay mỗi người, nhưng tôi không muốn ở xa mỗi người, tôi sẽ đi gần để chào anh chị em".
Sau khi đi một vòng để chào và chụp hình với các ký giả, Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Tôi thấy buồn vì sự vắng bóng của bà Valentina (người Mêhicô) vì bà đã đồng hành với chúng tôi, các Giáo hoàng, từ 40, 50 năm nay. Nhưng tôi hy vọng thấy bà lần tới. Và nhiệm vụ niên trưởng được chuyển từ bà Valentina tới ông Pulella (người Anh), ông là niên trưởng của chúng ta trong chuyến đi này. Xin cám ơn tất cả!"
Vài nét về đất nước và Giáo hội tại Irak
Irak, với diện tích gần 440,000 cây số vuông, rộng gấp rưỡi Việt Nam, và dân số gần 39 triệu người, là nước đứng thứ tư trên thế giới về số lượng dầu hỏa, nhưng từ năm 2003, sau khi bịa ra cớ nhà độc tài Saddam Hussein có võ khí tàn sát tập thể, Hoa Kỳ đã liên minh với 28 quốc gia khác, đánh đuổi Saddam trong vòng 20 ngày và áp đặt một chế độ mới. Nhưng nước này từ đó luôn ở trong tình trạng bất an về an ninh, chính trị, kinh tế suy sụp. Khoảng hai triệu người phải tị nạn hoặc xuất cư. Tuy lợi tức dầu hỏa mỗi tháng vào khoảng sáu tỷ đôla, nhưng nay nhiều người dân Irak sống trong lầm than, nạn tham nhũng trong guồng máy chính quyền lên cao độ.
Trên lãnh thổ Irak hiện nay còn khoảng 6,000 binh sĩ Hoa Kỳ và 4,000 thuộc các nước tây phương khác, nhưng các lực lượng này đang dần dần rút lui. Ngoài ra, có khoảng 140,000 người thuộc các đơn vị dân quân di động, gọi là Hashdal-Shaabi, thân Iran.
Irak bắt tay với Trung Quốc
Mỹ và các nước Tây phương tỏ ra ít quan tâm hơn tới Irak, nên Trung Quốc đang tiến vào thị trường nước này. Hồi tháng Chín năm 2019, chính phủ Irak bất ngờ tuyên bố gia nhập dự án gọi là "Belt and Road", hay cũng gọi là "Con đường tơ lụa mới", một dự án phát triển kinh tế và thương mại của Trung Quốc, do chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng. Cụ thể đó là một chiến lược phát triển dài hạn các cơ cấu hạ tầng về giao thông hàng hải và trên mặt đất giữa Á, Âu, Trung Ðông và Phi châu, nhắm tăng cường các quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước trong vùng địa lý vừa nói. Theo Hiệp định giữa Trung Quốc và Irak, Trung Quốc giúp tái thiết hạ tầng cơ sở của Irak, đổi lại 100,000 thùng dầu hỏa mỗi ngày Irak cung cấp cho Trung Quốc.
Các sắc dân và tôn giáo
39 triệu dân Irak được chia làm ba nhóm chủng tộc và tôn giáo chính: 60% là người Arập theo Hồi giáo Shiite, từ 15 đến 20% là Arập Sunnit, và người Kurdes chiếm từ 15 đến 20%, phần lớn theo Hồi giáo Sunnit. Vì thế, 99% dân Irak là tín hữu Hồi giáo, và số Kitô hữu tại nước này, trước chiến tranh năm 2003, có một triệu 500,000 người.
Kitô giáo tại Irak rất kỳ cựu, có từ thời thánh Tôma tông đồ, và thuộc nhiều nghi lễ khác nhau. Trình thuật của Tông đồ Công vụ về Chúa Thánh Thần hiện xuống đã kể ra những sắc dân có mặt tại biến cố này: "Những người Partes, Mèdes, Elamite, dân cư miền Mesopotamie, - tức là Irak ngày nay-, những người Do Thái, v.v." (Cv 2,9.11). Tin mừng đã được rao giảng tại Irak từ thời các tông đồ.
Tại Irak, hiện nay có 12 hệ phái Kitô, trong đó đứng đầu là Giáo hội Công giáo Canđê, rồi Giáo hội Assiri Ðông phương, Giáo hội Công giáo Siriac hiệp nhất, Giáo hội Chính thống Siriac, Armeni Tông truyền, Armeni Công giáo, Giáo hội Công giáo Latinh, Giáo hội Chính thống Bizantine, Công giáo Melkite, Chính thống Copte, Tin lành và Anh giáo...
Theo thống kê mới của Giáo hội, hiện nay chỉ còn 590,000 tín hữu Công giáo, tương đương với 1.5% dân số và thuộc 17 giáo phận toàn quốc với 122 giáo xứ. Tính đến cuối năm 2020, nhân sự của Giáo hội Công giáo gồm 19 giám mục, 153 linh mục, trong số này 113 vị thuộc các giáo phận và chỉ có 40 linh mục dòng, cùng với tám tu huynh và 365 nữ tu. Cả nước chỉ có 32 đại chủng sinh và 11 tiểu chủng sinh. Giáo hội có 55 trường tiểu học, 4 trường trung học và 9 trường cao đẳng. Ngoài ra có 7 nhà thương và 6 bệnh xá Công giáo.