Các tổ chức Công giáo châu Âu và Bắc Mỹ
kêu gọi hoãn nợ cho các nước nghèo
Các tổ chức Công giáo châu Âu và Bắc Mỹ kêu gọi hoãn nợ cho các nước nghèo.
Ngọc Yến
Roma (Vatican News 27-02-2021) - Mạng lưới các tổ chức Công giáo lớn của châu Âu và Bắc Mỹ (Cisde) kêu gọi xóa nợ, hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để giúp các nước này phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Các tổ chức Công giáo đã đưa ra lời kêu gọi trên nhân cuộc họp bắt đầu hôm thứ Sáu 26 tháng 02 năm 2021, của các Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương G-20.
Các tổ chức Công giáo nhắc lại, ngoài thiệt hại về nhân mạng, Covid-19 đã làm cho các hệ thống y tế của nhiều nước nghèo sụp đổ, khiến hàng triệu người không có việc làm và phương tiện sinh sống, và nền kinh tế bị hủy diệt. Hơn nữa, đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Các quốc gia quyền lực sử dụng vị trí thống trị để đảm bảo sự tiếp cận vắc-xin và hỗ trợ phục hồi kinh tế của chính họ. Thêm vào đó biến đổi khí hậu đang tác động đến nhiều quốc gia.
Nhắc lại lời của Ðức Thánh Cha khi đại dịch bắt đầu, các tổ chức phi chính phủ Công giáo nhấn mạnh rằng "ưu tiên trước mắt cho tất cả các quốc gia là cứu sống và hỗ trợ các phương tiện sinh sống. Về lâu dài, cần phải xem xét về nợ và cấp vốn mới để tái xây dựng xã hội và kinh tế, để xây dựng một xã hội và nền kinh tế ưu tiên người nghèo, chăm sóc ngôi nhà chung và giải quyết khủng hoảng khí hậu".
Với tất cả những điều trên, các tổ chức Công giáo kêu gọi các bộ trưởng tài chính G-20 ứng phó với cuộc khủng hoảng bằng sự hợp tác, tình liên đới và lãnh đạo toàn cầu. Nói một cách cụ thể, đó là việc hỗ trợ một vấn đề mới và quan trọng về Quyền rút vốn đặc biệt (Dsp) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho phép các quốc gia có thể phục hồi cách công bằng và bền vững sau Covid, và để kéo dài thời gian hoãn nợ thông qua Sáng kiến Hoãn Dịch vụ Nợ (DSSI) trong một thời gian dài hơn (ít nhất 4 năm) và ở một số quốc gia.
Hơn nữa, theo các tổ chức Công giáo, các chủ nợ tư hiện đang tiếp tục thu các khoản thanh toán từ các quốc gia đang phải đấu tranh để đáp ứng nhu cầu của công dân, phải có nghĩa vụ tham gia vào tất cả các hoạt động tái cấu trúc và xóa nợ. Cuối cùng, các cơ chế thu hồi nợ phải được hỗ trợ cho phép tái cơ cấu kịp thời, đầy đủ và công bằng cho tất cả các nước có gánh nặng nợ không bền vững, không có điều kiện.