Bài giảng đầu tiên của

Ðức Hồng Y Raniero Cantalamessa

trong Mùa Chay 2021

 

Bài giảng đầu tiên của Ðức Hồng Y Raniero Cantalamessa trong Mùa Chay 2021.

Ngọc Yến

Vatican (Vatican News 26-02-2021) - Sáng thứ Sáu 26 tháng 02 năm 2021, tại Ðại thính đường Phaolô VI, Ðức Hồng y Raniero Cantalamessa đã có bài giảng Mùa Chay đầu tiên. "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15), là đoạn Kinh Thánh được Ðức Hồng y diễn giải trong bài giảng.

Theo Ðức Hồng y, Tân Ước nói đến ba lần về sám hối theo thời điểm và bối cảnh khác nhau.

Hãy sám hối, nghĩa là hãy tin!

Lời mời gọi sám hối đầu tiên được vang lên khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Trước Chúa Giêsu, việc sám hối luôn có nghĩa là "quay trở lại". Ðó là hành động của một người khi nhận thấy mình đi "chệch đường". Người này dừng lại, suy nghĩ và quyết định quay trở lại tuân giữ lề luật và nối lại giao ước với Thiên Chúa. Theo nghĩa này, sám hối mang một ý nghĩa luân lý đạo đức nền tảng và gợi ra một ý tưởng về một điều gì đó khó khăn cần phải thực hiện.

Ðối với Chúa Giêsu, ý nghĩa này đã được thay đổi. Thay đổi không phải do Chúa thích thay đổi ý nghĩa của từ, nhưng bởi vì, với việc Chúa đến trần gian, mọi sự đã được thay đổi. "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần!" Sám hối không còn có nghĩa là quay trở lại với giao ước xưa và tuân giữ lề luật, nhưng đúng hơn đó là thực hiện một bước nhảy vọt và bước vào Triều đại Thiên Chúa, đón nhận ơn cứu độ nhưng không, nhờ bởi sáng kiến tự do của Thiên Chúa.

"Hãy sám hối và hãy tin" không phải là hai điều khác nhau và nối tiếp nhau, nhưng là một hành vi nền tảng: Hãy sám hối có nghĩa là hãy tin. Tất cả điều này đòi hỏi một tâm tình "sám hối" thực sự, một sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức về các tương quan của chúng ta với Chúa. Cần phải chuyển từ ý tưởng về một Thiên Chúa đòi hỏi, ra lệnh, đe dọa sang một Thiên Chúa đến trao ban cho chúng ta mọi sự. Ðó là sám hối từ "lề luật" sang "ân sủng", điều được Thánh Phaolô rất yêu thích.

Nếu anh em không sám hối và không trở nên như trẻ nhỏ...

Ðức Hồng y tiếp tục đi vào bối cảnh thứ hai của Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu nói về sám hối: "Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: 'Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?' Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: 'Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời". (Mt 18, 1-3).

Lần này, sám hối có nghĩa là quay trở lại. Ðây là sự sám hối của người đã bước vào Nước Trời, người đã tin vào Tin Mừng, đã phục vụ Ðức Kitô. Ðó là sự sám hối của chúng ta! Mối quan tâm lớn nhất của những người đã tin vào Chúa không còn là Vương quốc mà là vị trí, chỗ đứng trong Vương quốc. Vì vậy mới có chuyện ganh tị giữa các tông đồ.

Chúa Giêsu cho thấy, với thái độ này các tông đồ chưa thực sự bước vào Vương quốc. Và Chúa đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong việc đề xuất: Cần phải tránh tập trung vào chính mình và tái tập trung vào Ðức Kitô. Ðiều này có nghĩa đơn giản là trở thành một em bé. Ðối với các tông đồ có nghĩa là quay trở lại thời điểm các ông được gọi bên bờ hồ: không giả tạo, không chức vị, giữa các ông không có so sánh, đố kỵ, ganh đua. Sự giàu có duy nhất đó là lời hứa và sự hiện diện của Chúa Giêsu.

Ðối với chúng ta cũng vậy, lời mời gọi hãy trở nên giống trẻ nhỏ nghĩa là trở lại thời điểm chúng ta khám phá chúng ta được kêu gọi hoặc trong cuộc gặp gỡ thân tình cá nhân với Chúa. Khi chúng ta nói: Chỉ một mình Chúa là đủ và chúng ta tin vào điều đó.

"Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng"

Ðức Hồng y nói tiếp bối cảnh thứ ba về sám hối dựa theo sách Khải Huyền "Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!" (Kh 3, 15). Ðây là một sám hối từ sự tầm thường và thờ ơ để trở nên nhiệt thành. Trong lịch sử thánh thiện của Kitô giáo, ví dụ điển hình nhất về sự sám hối, từ tội lỗi sang ân sủng là Thánh Augustinô; và một ví dụ sám hối từ sự tầm thường đến lòng nhiệt thành đó là Thánh Têrêsa Avila. Về khía cạnh này, Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu thành Roma: "Anh em hãy nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa" (Rm 12,11). Trong đoạn văn này, tinh thần ở đây có nghĩa là Thánh Thần.

Vị giảng thuyết Phủ Giáo hoàng diễn giải tiếp về những thực hành trong hành trình trở nên trọn lành của Kitô giáo. Ngài nói: "Con đường hoàn thiện được hiểu theo ba bước cổ điển: con đường thanh luyện, con đường được soi sáng và con đường hiệp nhất. Nói cách khác, chúng ta cần phải thực hành lâu dài trong sự từ bỏ và hãm mình, trước khi có thể trải nghiệm được lòng nhiệt thành".

Theo Ðức Hồng y, trong Tân Ước, nếu sự hãm mình là điều cần thiết để đạt đến lòng nhiệt thành của Thần Khí, thì lòng nhiệt thành của Thần Khí cũng thực sự cần thiết để đạt đến việc thực hành hãm mình. Thánh Phaolô đã nói rõ điều đó: "Nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống" (Rm 8,13). Một thực hành khổ chế được thực hiện mà không có sự thúc đẩy ban đầu của Thánh Thần, sẽ đưa đến chết vì mệt mỏi, và chỉ tạo ra "niềm kiêu hãnh xác thịt".

Một Kitô hữu thực hành nhiều khổ chế và hãm mình nhưng không có sự tác động của Thánh Thần, thì sẽ giống như trong một Thánh lễ, chúng ta đọc nhiều bài đọc, thực hiện mọi nghi thức và có nhiều lễ vật, nhưng việc thánh hiến của linh mục trên của lễ lại không diễn ra. Tất cả, bánh và rượu vẫn như cũ. Cũng vậy, một tín hữu đã hoàn thành một cách hoàn hảo việc ăn chay hãm mình, thực hành các nhân đức, nhưng thực ra đối với ân sủng chưa hoàn thành. Trong bàn thờ của tâm hồn, hoạt động thần bí của Thánh Thần, toàn bộ thực hành khổ chế này vẫn chưa được hoàn thành và gần như vô ích, bởi vì người này không có sự hoan hỉ của Thánh Thần hoạt động một cách thần bí bên trong.

Phép rửa trong Thánh Linh

Như vậy, để các thực hành đạo đức của Kitô hữu mang lại một giá trị đời đời, thì điều quan trọng là mỗi người phải được canh tân trong Thánh Linh. Ðó là một sự canh tân và thực hiện hóa không chỉ liên quan đến bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, nhưng là toàn đời sống của người Kitô hữu: đối với những người đã lập gia đình, Bí tích Hôn phối, đối với các linh mục, Bí tích Truyền chức, đối với những người thánh hiến, hành vi tuyên khấn.

Hoa trái thường xuyên nhất và quan trọng nhất là việc khám phá ra ý nghĩa của việc có một "tương quan cá nhân" với Chúa Giêsu phục sinh và đang hiện diện. Theo cách hiểu của Công giáo, Thánh tẩy trong Thánh Linh không phải là một điểm đến, nhưng là một điểm khởi hành để hướng tới sự trưởng thành của Kitô giáo và sự dấn thân của Giáo hội.

Hãy khẩn cầu "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến", nhưng hãy nói thật lòng, để Thánh Linh tự do đi theo cách Người muốn, không phải như chúng ta muốn Người đến. Chúng ta hãy nhớ đến lời hứa long trọng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng "Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?" (Mt 7, 11).

"Phép rửa trong Thánh Linh" đã được chứng minh là một phương thế đơn giản và mạnh mẽ để canh tân đời sống của hàng triệu tín hữu trong hầu hết các Giáo hội Kitô. Có vô số người chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa; và nhờ kinh nghiệm Phép rửa trong Thánh Linh, họ đã trở thành Kitô hữu trên thực tế, chuyên tâm cầu nguyện ca ngợi và các bí tích, tích cực trong việc truyền giáo và sẵn sàng đảm nhận các công việc mục vụ trong giáo xứ. Một sự sám hối thực sự từ dửng dưng sang nhiệt thành! Thật thích hợp khi chúng ta lặp lại điều Thánh Augustinô đã nói khi thánh nhân nghe những câu chuyện về những người đã từ bỏ thế gian để dâng mình cho Thiên Chúa: Nếu những người này làm được thì tại sao tôi không làm được?

Kết thúc bài giảng, Ðức Hồng y Raniero Cantalamessa mời gọi tất cả cầu nguyện: "Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng mà Mẹ đã lãnh nhận từ Con Mẹ ở Cana xứ Galilê. Nhờ lời khẩn cầu của Mẹ, mà vào dịp đó nước đã trở thành rượu. Chúng ta cầu xin nhờ lời chuyển cầu của Mẹ để nước không nóng cũng không lạnh của chúng ta được biến đổi thành rượu của lòng nhiệt thành mới. Rượu của Lễ Ngũ Tuần đã khơi dậy trong các tông đồ sự say sưa của Thánh Linh và làm cho các ông "nhiệt thành trong Thánh Linh".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page