Ðối thoại liên tôn trong thời điểm đại dịch

có tác động tích cực đến thế giới

 

Ðức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic: Ðối thoại liên tôn trong thời điểm đại dịch có tác động tích cực đến thế giới.

Ngọc Yến

Genève (Vatican News 26-02-2021) - Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ sáu về Ðối thoại liên tôn với chủ đề "Vai trò của đức tin đối với thời điểm đại dịch virus corona", Ðức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève nhấn mạnh: Ðối thoại chân thành là công cụ để có một tác động tích cực đến thế giới.

Tại buổi gặp gỡ diễn ra hôm thứ Tư 24 tháng 02 năm 2021, trước hết, Ðức Tổng Giám mục nói: "Mỗi người chúng ta đều biết giá trị và tầm quan trọng của tôn giáo trong đời sống. Hội nghị thường niên này cho phép chúng ta chia sẻ những gì quan trọng nhất, trên tinh thần tin tưởng và huynh đệ, để chúng ta có thể học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển trong sự tôn trọng".

Sau khi nói về sự tàn phá của đại dịch trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, Ðức Tổng Giám mục lặp lại giáo lý của Kitô giáo: "Thiên Chúa mong muốn sự hiệp thông. Ðấng Toàn Năng đã tạo dựng chúng ta để chúng ta có thể đi vào tương quan sâu sắc và ý nghĩa với Ðấng Tạo Hóa và với nhau. Chỉ qua sự chia sẻ hỗ tương và cởi mở này, chúng ta mới tìm thấy sự viên mãn và bình an thực sự".

Tuy nhiên, theo Quan sát viên của Tòa Thánh, đại dịch đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có và gia tăng các mối đe dọa đối với sự hiệp nhất giữa các cá nhân, các dân tộc, các nền văn hóa và các quốc gia, gia tăng bất bình đẳng. Khi nguồn lực và chăm sóc y tế bị hạn chế, mọi người và mọi quốc gia cố gắng lo cho người thân và công dân của mình. Tuy nhiên, cách tiếp cận thiển cận và ích kỷ này trái ngược trực tiếp với sự hiệp nhất và hiệp thông. Việc tích lũy vắc-xin, đòi quyền bằng sáng chế, đóng cửa biên giới không giúp chúng ta sống sót qua cơn bão của đại dịch, hơn thế nữa chúng sẽ gây ra một vết thương sâu hơn nhiều so với chính virus corona.

Ðức Tổng Giám mục nói: "Ðức tin dạy chúng ta nhìn xa hơn những nhu cầu trước mắt. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các truyền thống đức tin đều nhấn mạnh đến tình yêu vị tha, trách nhiệm chăm sóc anh chị em của mỗi người".

Trong bài phát biểu, vị đại diện Tòa Thánh cũng nhắc đến những việc làm cụ thể của Giáo hội Công giáo đối với đại dịch, như thành lập một Ủy ban đặc biệt để ứng phó, trợ giúp những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngài còn nói đến Thông điệp Fratelli tutti, nhằm nhấn mạnh những lời của Ðức Thánh Cha: "Các tôn giáo, trên nền tảng tôn trọng mỗi con người như một thụ tạo được kêu gọi làm con Thiên Chúa, góp phần đáng kể vào việc xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công bằng xã hội".

Ðức Tổng Giám mục kết thúc bằng việc đề cập đến bài phát biểu của Ðức Thánh Cha trước ngoại giao đoàn dịp đầu năm: "Ðại dịch làm cho chúng ta cảm thấy cần nhau hơn. Mỗi chúng ta, theo truyền thống và niềm tin tôn giáo đều có thể làm chứng cho giá trị và tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần, bắt nguồn từ tình huynh đệ và niềm hy vọng, như một cách hiệu quả nhất để hàn gắn thế giới". (CSR_1411_2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page