Tòa Thánh kêu gọi tái khởi động

chủ nghĩa đa phương sau Covid

 

Tòa Thánh kêu gọi tái khởi động chủ nghĩa đa phương sau Covid.

Ngọc Yến

Genève (Vatican News 23-02-2021) -Làm mới lại các quan hệ hợp tác đa phương giữa các quốc gia, dựa trên sự tôn trọng quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, theo tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc: đây là cách để ứng phó thành công với những thách đố phức tạp mới mà thế giới phải đối diện sau Covid-19.

Ðức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, đã phát biểu như trên hôm thứ Hai 22 tháng 02 năm 2021 tại buổi gặp gỡ chuẩn bị cho phiên họp cấp bộ trưởng lần thứ 15 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UCTAD XV).

Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 30 tháng 4 năm 2021 tại Barbados với chủ đề "Từ bất bình đẳng và dễ bị tổn thương đến sự thịnh vượng cho tất cả mọi người", với mục đích điều chỉnh lại Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững dưới tác động mạnh mẽ của Covid-19 đối với các nền kinh tế trên thế giới. Trọng tâm các cuộc thảo luận sẽ là các chiến lược và chính sách cần thiết để giúp các quốc gia đối phó tốt hơn với các cú sốc như đại dịch trong tương lai, và phục hồi nhanh chóng sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, khí hậu và xã hội.

Trong bài tham luận, Ðức Tổng Giám mục cho biết, Tòa Thánh chia sẻ các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia vào thời điểm mà chủ nghĩa đa phương đang ngày càng trở nên căng thẳng.

Theo vị đại diện Tòa Thánh, từ những kinh nghiệm của đại dịch, các quốc gia được kêu gọi xem xét lại con đường của mình, tái khám phá các hình thức cam kết mới có trách nhiệm. Như thế, đại dịch trở thành một cơ hội để phân định cách định hình một tầm nhìn toàn diện mới cho tương lai. Theo nghĩa này, dự thảo đầu tiên của văn kiện làm việc của Hội nghị được trình bày vào tháng 12 năm ngoái đưa ra một "cơ sở vững chắc". Trong số những điểm nổi bật, việc nhấn mạnh các giới hạn của "mô hình phát triển" hiện tại, xuất hiện rõ ràng trong cuộc khủng hoảng Covid-19, nhắc nhở chúng ta rằng thế giới thực sự phụ thuộc lẫn nhau và do đó cần có hành động tập thể có trách nhiệm và tầm nhìn xa.

Không chỉ vậy, cuộc khủng hoảng còn nhấn mạnh đến mức độ liên kết giữa môi trường, phát triển và an ninh. Giải quyết một vấn đề mà không nghĩ đến những vấn đề khác không còn là một viễn cảnh khả thi. Theo Ðức Tổng Giám mục, tài liệu cuối cùng mà Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển đang chuẩn bị thảo luận mang lại "cơ hội duy nhất để tổ chức đáp ứng hiệu quả đối với những hậu quả kinh tế của Covid-19", với điều kiện trọng tâm không chỉ dựa trên các biện pháp kinh tế vĩ mô, mà còn về "một loạt các chính sách điều chỉnh nhằm xây dựng một con đường phát triển công bằng, toàn vẹn và tôn trọng khí hậu". (CSR_1334_2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page