Làm cho chết êm dịu và trợ tử
tăng mạnh tại Bỉ và Hòa Lan
Làm cho chết êm dịu và trợ tử tăng mạnh tại Bỉ và Hòa Lan.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Brussels (RVA News 19-02-2021) - Con số những vụ làm cho chết êm dịu, Eutanasia, và giúp tự tử tại hai nước Bỉ và Hòa Lan tăng mạnh, theo Viện Nhân học y khoa và đạo đức sinh học ở Bỉ, gọi tắt là IMABE. Viện này được thành lập năm 1988 và có liên hệ với Hội đồng Giám mục Áo.
Từ 19 năm nay (2002), Bỉ và Hòa Lan có luật cho phép kết liễu sinh mạng của người bệnh theo lời yêu cầu của đương sự và luật cho phép các bác sĩ giúp bệnh nhân tự tử. Trong nghiên cứu công bố hôm 12 tháng 2 năm 2021, Viện IMABE cho biết năm 2002, chỉ có 24 vụ và năm 2019, có 2,656 vụ làm cho chết êm dịu và giúp tự tử, tức là tăng 110 lần. Trong cùng thời gian đó, tại Hòa Lan, con số những vụ này tăng từ 1,882 lên 6,361 vụ, tức là tăng gấp quá ba lần.
Ðiều đáng nói là sau khi có luật cho phép làm cho chết êm dịu và trợ tử, các điều kiện ngày càng được nới rộng với thời gian. Ban đầu, luật chỉ phép giúp kết liễu sinh mạng bệnh nhân nếu đó là những bệnh không thể chữa được hoặc không thể chịu nổi. Nay, trong thực tế, chỉ cần bệnh nhân tỏ ra "chán sống" cũng đủ để họ yêu cầu bác sĩ giúp chấm dứt cuộc đời.
Các bác sĩ cũng có thể "lách luật", bằng cách chẩn đa bệnh (Polypathology), xác nhận bệnh nhân bị các thứ bệnh thường xảy ra khi cao tuổi như mất thị giác và thính giác, đau kinh niên, phong thấp, yếu nhược và mệt mỏi. Một nghiên cứu cho thấy trong năm 2019, những trường hợp "đa bệnh" được nêu lên chiếm 17.4% những vụ giúp kết liễu mạng sống bệnh nhân nói chung và chiếm 47% những trường hợp trợ tử không thuộc lý do bệnh ở giai đoạn chót hoặc nan y.
Một nhận xét khác, đó là luật bó buộc phải tham khảo ý kiến của một hoặc hai bác sĩ độc lập, nhưng điều này không mang lại một an ninh đích thực nào. Thẩm quyền của các bác sĩ này chỉ là đưa ra những nhận định, không có tính chất bó buộc, vì thế, xét cho cùng, quyết định chung kết trợ tử tùy thuộc bác sĩ có thể thi hành việc này, cho dù các bác sĩ được tham khảo đưa ra những ý kiến trái ngược.
Một nghiên cứu do tạp chí của hội bác sĩ Mỹ, gọi tắt là Jama, công bố hồi tháng Mười Hai năm ngoái, cho biết đau khổ trong tuổi già không phải chỉ là đau khổ thể lý. Người già nhận thấy cuộc sống của họ "không thể chịu nổi" khi gặp những khủng hoảng hoặc cô đơn, khiến họ đặt câu hỏi: cuộc sống của họ còn ý nghĩa gì nữa hay không.
(CNA 16-2-2021)