Ðức Thánh cha tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Ðức Thánh cha tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 09-02-2021) - Ðức Thánh cha Phanxicô mời gọi cộng đồng quốc tế đối phó với những thách đố mà nhân loại đang phải đương đầu, trong bốn lãnh vực: khủng hoảng y tế, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng kinh tế và xã hội, khủng hoảng chính trị. Ngài đặc biệt kêu gọi làm sao để mọi người được quyền sức khỏe, được vắc-xin chống đại dịch, cầu mong Hội nghị thế giới về khí hậu vào tháng Mười Một tới đây, tại Glasgow được thành công, bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn, và Ðức Thánh cha không quên kêu gọi tái lập dân chủ ở Myanmar.
Ðức Thánh cha đưa ra lời mời gọi trên đây và đề cập đến nhiều vấn đề khác, trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới, hôm 08 tháng 02 năm 2021. Lẽ ra, buổi tiếp kiến đã diễn ra ngày 25 tháng 1 năm 2021, nhưng vì Ðức Thánh cha đau thần kinh tọa, nên bị hoãn lại.
Bối cảnh buổi tiếp kiến
Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn năm 2021 diễn ra tại Hội trường Phép lành, ở lầu trên phía cuối Ðền thờ thánh Phêrô, thay vì tại sảnh đường Regia, vì nơi đây đang được tu bổ sau khi một mảnh trần lở xuống vì sự ẩm thấp. Ngoài ra, do đòi hỏi của các biện pháp phòng chống lan lây nên mỗi đại sứ quán chỉ được gửi một người tham dự.
Hiện diện trong buổi tiếp kiến lúc 10 giờ, có đại diện của 183 quốc gia và một số tổ chức quốc tế có quan hệ với Tòa Thánh trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine. Ngoài ra, cũng có đại diện của Liên hiệp Âu châu và Hội Hiệp sĩ Malta. Có 88 vị đại sứ thường trú và gần 100 vị khác từ các nhiệm sở khác ở Âu châu cũng đến Vatican trong dịp này.
Diễn văn của Ðức Thánh cha
Trong diễn văn, sau lời chào mừng của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Ðại sứ nước Cipro, ông George Poulides, Ðức Thánh cha đã trình bày lập trường và những mong ước của Tòa Thánh về tình hình thế giới hiện nay.
Nghĩa vụ bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn
Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Ðại dịch đã mạnh mẽ đặt chúng ta trước hai chiều kích không thể tránh được của cuộc sống con người: bệnh tật và cái chết. Chính vì thế, nó nhắc nhở giá trị sự sống của mỗi người và phẩm giá của họ trong mỗi giây phút của hành trình trần thế, từ lúc mới thụ thai trong lòng mẹ cho đến lúc chết tự nhiên. Rất tiếc là phải đau lòng nhận thấy rằng, viện cớ bảo đảm những cái gọi là các quyền chủ quan, ngày càng có nhiều luật pháp trên thế giới dường như xa lìa nghĩa vụ không thể tránh né là bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn của nó".
Ðức Thánh cha cũng tái kêu gọi các chính quyền cố gắng làm sao để mọi người có thể được trợ giúp y tế căn bản, khuyến khích thành lập các trạm y tế địa phương, các cơ cấu y tế phù hợp với những nhu cầu thực tế của dân chúng, làm sao có các biện pháp trị liệu và thuốc men.
Ngài kêu gọi đảm bảo việc phân phối công bằng các vắc-xin, không phải chỉ theo tiêu chuẩn kinh tế, nhưng để ý đến nhu cầu của tất cả mọi người, nhất là những người dân túng thiếu nhất. Ðồng thời, Ðức Thánh cha cảnh giác dân chúng đừng đặt trọn tin tưởng nơi vắc-xin, như thể đó là thuốc chữa bách bệnh, để rồi mỗi người không dấn thân bảo vệ sức khỏe của bản thân và người khác. Ðại dịch chứng tỏ rằng không ai là một hòn đảo...
Khủng hoảng môi trường
Ðức Thánh cha nhấn mạnh rằng: "Giải pháp cho cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay đòi phải có sự cộng tác quốc tế để chăm sóc căn nhà chung của chúng ta. Vì thế, tôi cầu mong Hội nghị tới đây của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, gọi là Cop26, dự kiến nhóm tại thành phố Glasgow vào tháng Mười Một tới đây, giúp tìm ra một thỏa thuận hữu hiệu để đương đầu với những hậu quả của sự thay đổi khí hậu."
Trong viễn tượng này, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến "nguy cơ nhiều quốc gia đảo trong Thái Bình Dương sẽ bị biến mất vì mực nước biển dâng cao. Ðó là một thảm họa, không những tạo nên sự phá hủy nhiều làng mạc, nhưng còn buộc các cộng đoàn địa phương, nhất các gia đình, phải liên tục di chuyển, đánh mất căn tính và văn hóa của mình". Ðức Thánh cha cũng nói đến những vụ lụt lội tại Ðông Nam Á, đặc biệt tại Việt Nam và Philippines, làm cho nhiều người chết, nhiều gia đình không còn phương thế sinh nhai.
Khủng hoảng kinh tế và xã hội
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: Ðại dịch khiến nhiều chính phủ đề ra các biện pháp giới hạn tự do đi lại, khiến cho nhiều hoạt động thương mại và sản xuất bị ngưng hoặc chậm lại, gây thiệt hại cho cuộc sống của các gia đình, các giai tầng xã hội, nhất là những tầng lớp yếu nhất...
Trong bối cảnh này, Ðức Thánh cha nói: "Cần có một cuộc cách mạng rất lớn đặt kinh tế phục vụ con người, chứ không ngược lại; cần bắt đầu nghiên cứu và thực hiện một nền kinh tế khác, nền kinh tế làm cho sống chứ không giết chết, bao gồm chứ không loại trừ, nhân bản hóa chứ không hạ giá con người, chăm sóc thiên nhiên chứ không bóc lột và phá tán".
Theo Ðức Thánh cha, "Cần làm sao bảo đảm cho mọi người một nền kinh tế ổn định để tránh những tai ương bóc lột và chống lại nạn cho vay ăn lãi cao, và nạn tham ô đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới, và bao nhiêu bất công khác đang diễn ra mỗi ngày, trước những đôi mắt mỏi mệt và lơ đãng của xã hội ngày nay".
Ðức Thánh cha cũng nhận định rằng "những giới nghiêm thời đại dịch làm gia tăng thời gian con người ở nhà, trước máy vi tính và các phương tiện truyền thống khác, với những hậu quả trầm trọng đối với những người dễ bị thương tổn nhất, người nghèo và thất nghiệp. Họ dễ trở thành con mồi cho nạn tội phạm vi tính và internet, hạ giá con người, từ nạn lường gạt cho đến nạn buôn người, khai thác mại dâm, kể cả đối với trẻ em, cũng như nạn dâm ô."
Phê bình cấm vận kinh tế
Ðức Thánh cha nói: "Trong nhiều trường hợp, các cuộc khủng hoảng nhân đạo càng trở nên nặng nề hơn vì các biện pháp cấm vận kinh tế, rất nhiều khi gây thiệt hại phần lớn cho các giai tầng yếu thế nhất trong dân chúng, thay vì cho những người hữu trách chính trị. Vì thế, tuy hiểu những lý do trừng phạt, Tòa Thánh không thấy các biện pháp ấy là hữu hiệu và cầu mong bãi bỏ chúng, và cũng để cho các đồ cứu trợ nhân đạo, nhất là thuốc men và y cụ, có thể đưa tới cho dân chúng, vốn là điều rất cần thiết trong thời đại dịch hiện nay".
Bênh vực di dân
Trong diễn văn, Ðức Thánh cha cũng lưu ý về số người di dân và tị nạn gia tăng. "Do tình trạng giới nghiêm vì đại dịch, họ buộc lòng phải đi theo những lộ trình ngày càng nguy hiểm. Làn sóng di dân này cũng làm gia tăng các vụ xua đuổi bất hợp pháp ở biên giới, thường được thi hành để ngăn cản người di dân xin tị nạn, trái với nguyên tắc không xua đuổi. Nhiều người bị chặn bắt và đưa trở lại các trại tập trung và giam giữ, họ bị tra tấn, và chịu những vi phạm nhân quyền, nếu họ không chết vì vượt biên qua đường biển hoặc các biên giới tự nhiên khác".
Và tuy nhìn nhận sự hữu ích của các hành lang nhân đạo đối với những người di dân, nhưng Ðức Thánh cha nói rằng tầm mức cuộc khủng hoảng cho thấy ngày càng cấp thiết phải giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân thúc đẩy nhiều người phải xuất cư, cũng như cố gắng hỗ trợ những nước tiếp cư đầu tiên...
Khủng hoảng chính trị
Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Duy trì các thực tại dân chủ ngày nay là một thách đố trong thời điểm lịch sử này, có liên hệ tới tất cả các quốc gia lớn, nhỏ, giầu mạnh về kinh tế hay đang trên đường phát triển". Và ngài khẳng định rằng: "Trong những ngày này, tôi đặc biệt nghĩ đến nhân dân Myanmar, mà tôi bày tỏ lòng quí mến và gần gũi. Hành trình của nước này trong những năm qua tiến đến dân chủ đã bị chặn đứng đột ngột vì cuộc đảo chánh trong tuần vừa qua, khiến cho nhiều lãnh tụ chính trị bị cầm tù và tôi cầu mong họ được trả tự do mau lẹ, như một dấu chỉ khích lệ đối thoại vì công ích của đất nước".
Ðức Thánh cha than phiền rằng cuộc khủng hoảng chính trị và các giá trị dân chủ cũng ảnh hưởng trên bình diện quốc tế, gây hại tới toàn thể hệ thống đa phương và có hậu quả hiển nhiên đối với các Tổ chức quốc tế vốn được thành lập để cỗ võ hòa bình và phát triển, dựa trên công pháp chứ không theo luật của kẻ mạnh hơn, các tổ chức này thấy hiệu năng của mình bị thương tổn...
(Rei 8-2-2021)