Ðức Thánh Cha Phanxicô tiếp

ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Hồng Thủy

Vatican (Vatican News 8-02-2021) - Vào lúc 10 sáng thứ Hai 8 tháng 2 năm 2021, theo thông lệ hàng năm, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các vị đại sứ và đại diện của 183 nước, và các tổ chức có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với Tòa Thánh. Hiện nay có 88 vị đại sứ thường trú tại Roma.

Buổi tiếp kiến đã được dự kiến vào ngày 25 tháng 1 năm 2021, nhưng phải hoãn lại do Ðức Thánh Cha bị đau thần kinh tọa.

Sau lời chào của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh là Ðại sứ George Poulides của Cipro, Ðức Thánh Cha đã lên tiếng chào và cảm ơn những lời chúc được vị Niên trưởng thay mặt ngoại giao đoàn gửi đến ngài. Tiếp đến Ðức Thánh Cha xin lỗi vì những bất tiện gây ra cho các đại sứ khi phải hủy và hoãn lại cuộc tiếp kiến đã được dự định vào ngày 25 tháng 1 năm 2021.

Dấu hiệu của sự gần gũi và hỗ trợ

Trong bối cảnh đại dịch với những hạn chế, cách ly, Ðức Thánh Cha nói rằng cuộc tiếp kiến là dấu hiệu của sự gần gũi và hỗ trợ lẫn nhau mà gia đình các quốc gia nên mong muốn. Ngài cảm ơn những nỗ lực hàng ngày của các vị đại sứ trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế mà họ đại diện với Tòa Thánh.

Bắt đầu lại các chuyến tông du

Ðức Thánh Cha xem cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn là một dấu hiệu tốt của việc có thể nhanh chóng nối lại các liên hệ cá nhân. Ngài cũng bày tỏ mong ước sớm thực hiện lại các chuyến tông du, bắt đầu với cuộc viếng thăm Iraq vào đầu tháng 3 năm 2021. Ðức Thánh Cha nói: "Trên thực tế, các chuyến viếng thăm là một khía cạnh quan trọng trong sự quan tâm của Người kế vị thánh Phêrô đối với Dân Chúa sống rải rác trên khắp thế giới, cũng như đối thoại của Tòa thánh với các Quốc gia. Hơn nữa, chúng thường là dịp thích hợp để trên tinh thần chia sẻ và đối thoại, đào sâu mối quan hệ giữa các tôn giáo khác nhau."

Ủy ban Vatican về Covid-19

Năm 2020 với đại dịch Covid-19 làm gia tăng các khủng hoảng khí hậu, lương thực, kinh tế và di dân. Vì thế Tòa Thánh đã thành lập Ủy ban Vatican chống Covid-19 "với mục đích phối hợp các hoạt động của Tòa Thánh và Giáo hội theo các yêu cầu từ các giáo phận trên thế giới, để đối phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và các nhu cầu mà đại dịch đã bày tỏ ra."

Khủng hoảng sức khỏe

Ðức Thánh Cha suy tư về một số khủng hoảng mà đại dịch gây ra và làm nổi bật hơn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để xây dựng một thế giới nhân đạo, công bằng, liên đới và hòa bình hơn.

Giá trị của sự sống

Trước hết là khủng hoảng sức khỏe. Theo Ðức Thánh Cha, đại dịch buộc con người đối mặt với hai chiều kích không thể tránh, đó là bệnh tật và cái chết. Và chính vì thế nó nhắc lại giá trị của sự sống, từ khi thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Tuy nhiên, Ðức Thánh Cha nói: "Thật đau lòng khi phải lưu ý rằng, với lý do bảo đảm các quyền giả định của chủ thể, ngày càng nhiều luật pháp trên thế giới dường như đang rời bỏ nhiệm vụ tất yếu là bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn."

Quyền được chăm sóc sức khỏe

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến quyền được chăm sóc cách xứng đáng của mỗi người và kêu gọi để mọi người nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ mà họ cần. Do đó các lãnh đạo chính trị và chính quyền phải bảo đảm mọi người có sự chăm sóc y tế cơ bản, việc thành lập các phòng khám y tế địa phương và các cấu trúc y tế đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân, cũng như được chữa trị và cung cấp thuốc men.

Phân phối vắc-xin cách công bằng

Ðức Thánh Cha "khuyến khích tất cả các quốc gia đóng góp tích cực vào các nỗ lực quốc tế đang được thực hiện để đảm bảo việc phân phối vắc-xin một cách công bằng, không dựa trên các tiêu chí kinh tế thuần túy mà dựa trên nhu cầu của tất cả mọi người, đặc biệt là của những người cần nhất."

Trách nhiệm cá nhân trong việc ngăn chặn virus

Bên cạnh đó, Ðức Thánh Cha cũng kêu gọi trách nhiệm cá nhân nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, sử dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết mà chúng ta đã quen trong những tháng này.

Bài diễn văn của Ðức Thánh Cha còn đề cập đến các khủng hoảng môi trường, khủng hoảng kinh tế và xã hội, khủng hoảng chính trị và cuối cùng một cuộc khủng hoảng có lẽ là nghiêm trọng hơn tất cả, đó là khủng hoảng về các mối quan hệ giữa con người với nhau, như một biểu hiện của một cuộc khủng hoảng nhân học nói chung, liên quan đến chính ý niệm về con người và phẩm giá siêu việt của họ.

Tình huynh đệ là thuốc chữa trị

Kết thúc bài diễn văn, Ðức Thánh Cha kêu gọi đừng lãng phí thời gian trong năm 2021. Ðể tránh điều này, chúng ta phải dấn thân và làm việc cùng nhau cách quảng đại. Và ngài xác tín rằng "tình huynh đệ là cách chữa trị thực sự đối với đại dịch và nhiều tệ nạn đã ảnh hưởng đến chúng ta. Cùng với vắc-xin, tình huynh đệ và hy vọng là thứ thuốc mà chúng ta cần trong thế giới ngày nay." (CSR_981_2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page