Ðối với Giáo hội, chăm sóc bệnh nhân đủ loại

không phải là một hoạt động tùy ý

 

Ðức Thánh cha: Ðối với Giáo hội, chăm sóc bệnh nhân đủ loại không phải là một hoạt động tùy ý.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 07-02-2021) - Trưa Chúa nhật 7 tháng 2 năm 2021, sau một tháng ba tuần lễ cử hành dưới dạng trực tuyến từ thư viện trong dinh Tông tòa vì đại dịch, Ðức Thánh cha Phanxicô lại xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Ðức Giáo hoàng ở lầu ba dinh Tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 100 tín hữu tham dự, dưới trời mưa, gió mạnh. Một số người đứng dưới các hàng cột để tránh mưa gió. Trong buổi đọc kinh, Ðức Thánh cha bày tỏ lo âu, liên đới và cầu nguyện cho nhân dân Myanmar đang chịu cuộc đảo chánh của quân đội. Ðức Thánh cha cũng nhắc đến thảm trạng những người di dân ở miền Balcan, tình trạng mùa đông dân số tại Italia, và ngày thế giới suy tư và cầu nguyện chống nạn buôn người, cử hành thứ Hai, 8 tháng 2 năm 2021.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ V thường niên năm B, kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành bà mẹ vợ của thánh Phêrô và các bệnh nhân khác để rút ra những bài học về tình yêu thương của Chúa và mời gọi các tín hữu noi gương.

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Những cử chỉ ý nghĩa của Chúa Giêsu

Tin mừng hôm nay (Xc Mc 1,29-39) kể lại Chúa Giêsu chữa bà mẹ vợ thánh Phêrô và bao nhiêu bệnh nhân cũng như những người đau khổ khác đến quanh Ngài. Việc chữa bà nhạc của thánh Phêrô là cuộc chữa bệnh đầu tiên về thể lý được thánh Marco kể lại: bà nằm liệt giường vì sốt; đối với bà, thái độ và cử chỉ của Chúa Giêsu có ý nghĩa biểu tượng: "Ngài đến gần và cầm tay nâng bà trỗi dậy" (v.31), như thánh sử ghi chú. Có bao nhiêu dịu dàng trong cử chỉ đơn sơ ấy, như những cử chỉ tự nhiên: "Cơn sốt rời khỏi bà và bà phục vụ các vị" (Ibid.). Quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu không gặp kháng cự nào; và người được chữa lành trở lại cuộc sống bình thường, nghĩ ngay đến người khác mà không nghĩ đến mình - và điều này thật ý nghĩa, là dấu chỉ "sức khỏe" đích thực!

Chữa lành bệnh nhân và người đau khổ

Hôm đó là ngày Sabat. Dân chúng trong làng chờ đến hoàng hôn và, sau khi kết thúc nghĩa vụ nghỉ ngơi, họ ra ngoài và mang đến Chúa Giêsu tất cả những người đau yếu và bị quỉ ám. Và Chúa chữa lành họ, nhưng cấm quỉ không được tiết lộ Ngài là Ðức Kitô (Xc vv.32.34). Vì thế, ngay từ đầu, Chúa Giêsu tỏ ra ưu ái đối với những người đau khổ trong thân xác và tinh thần: đó là sự ưu ái của Chúa Cha, là Ðấng mà Ngài là hiện thân và biểu lộ bằng việc làm và lời nói. Các môn đệ là những chứng nhân tận mắt. Nhưng Chúa Giêsu không muốn họ chỉ là khán giả về sứ mạng của Ngài mà thôi: Ngài làm cho họ can dự vào, sai họ đi, và ban cho họ quyền năng chữa lành các bệnh nhân và xua đuổi ma quỉ (Xc Mt 10,1; Mc 6,7). Và điều này được tiếp nối không ngừng trong lịch sử Giáo hội, cho đến ngày nay. Chăm sóc bệnh nhân đủ loại, đối với Giáo hội, không phải là một "hoạt động tùy ý", một cái gì phụ thuộc, không phải vậy, đó là thành phần sứ mạng của Hội thánh, như đã là thành phần sứ mạng của Chúa Giêsu: đó là mang sự dịu dàng của Thiên Chúa cho nhân loại đang đau khổ. Ngày Thế giới các bệnh nhân, 11/2 tới đây, nhắc nhở cho chúng ta điều đó. Ngày này được thánh Gioan Phaolô II thiết lập, thánh nhân cũng tặng cho Giáo hội Tông thư "Khổ đau cứu độ" (Salvifici doloris) về ý nghĩa Kitô của đau khổ con người. (11-2-1984).

Ý nghĩa đau khổ

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Thực tại chúng ta đang sống trên toàn thế giới vì đại dịch, làm cho sứ điệp này có tính chất đặc biệt thời sự. Tiếng nói của ông Gióp, vang dội trong phụng vụ hôm nay, một lần nữa diễn giải thân phận phàm nhân của chúng ta, rất cao cả trong phẩm giá, nhưng đồng thời lại rất giòn mỏng. Ðứng trước thực tại ấy, trong tâm hồn chúng ta luôn nảy sinh câu hỏi: "tại sao?".

Thái độ của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, trả lời cho vấn nạn này không phải bằng một sự giải thích, nhưng bằng sự hiện diện yêu thương, cúi mình, cầm tay và nâng dậy, như Chúa đã làm với bà nhạc của thánh Phêrô (Xc Mc 1,31). Con Thiên Chúa biểu lộ chức vị làm Chúa của Ngài không phải "từ trên đi xuống", không phải từ xa, nhưng trong sự gần gũi, dịu dàng, cảm thương. Và Tin mừng hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng cảm thương này ăn rễ trong tương quan thân mật với Chúa Cha: trước bình minh và sau hoàng hôn, Chúa Giêsu lánh riêng ra một nơi để cầu nguyện một mình (v.35). Từ đó, Ngài kín múc sức mạnh để chu toàn sứ vụ, rao giảng và chữa lành.

Và Ðức Thánh cha kết luận với lời nguyện: "Xin Ðức thánh Trinh Nữ giúp chúng con để cho Chúa Giêsu chữa lành - tất cả chúng con luôn luôn cần được như vậy, - để có thể đến lượt chúng con làm chứng về sự dịu dàng chữa lành của Thiên Chúa.

Chào thăm và mời gọi

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Ðức Thánh cha đã nhắc đến một số vấn đề thời sự.

Trước tiên là tình trạng của Myanmar. Ðức Thánh cha nói: "Tôi rất lo âu theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar, quốc gia mà tôi đặc biệt mang trong tâm hồn với lòng quí mến, từ sau cuộc viếng thăm hồi năm 2017. Trong tình trạng tế nhị hiện nay, tôi muốn tái bày tỏ sự gần gũi tinh thần của tôi, cầu nguyện và liên đới với nhân dân Myanmar. Tôi cầu nguyện để những người có trách nhiệm đối với đất nước, chân thành sẵn sàng đặt mình phục vụ công ích, thăng tiến công bằng xã hội và sự ổn định của đất nước, sự sống chung hòa hợp. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Myanmar."

Tiếp đến, Ðức Thánh cha nói: "Tôi muốn kêu gọi đặc biệt cho các trẻ vị thành niên di dân không có người lớn đi kèm. Các em rất đông đảo. Rất tiếc là vì nhiều lý do khác nhau các em phải rời bỏ quê hương, các trẻ em ấy đang gặp nguy hiểm. Tôi được báo về tình trạng thê thảm của những người di dân đang ở trong những nơi gọi là nằm trên "con đường Balcan". Nhưng tình trạng những người di dân như vậy cũng có trên tất cả các lộ trình khác. Chúng ta hãy cầu nguyện để những người dễ bị tổn thương này không thiếu những trợ giúp nhân đạo ưu tiên".

Ðức Thánh cha nói thêm rằng": Ngày bênh vực sự sống, được cử hành Chúa nhật hôm nay, 7/2 tại Italia với chủ đề: "tự do và sự sống". Tôi hiệp ý với Hội đồng Giám mục Italia và nhắc nhở rằng tự do là một hồng ân lớn Thiên Chúa ban để chúng ta đạt được thiện ích cho bản thân và cho người khác nữa. Cần cầu nguyện để xã hội chúng ta được bảo vệ chống lại tất cả những cuộc tấn công sự sống trong mọi giai đoạn. Ðức Thánh cha cũng bày tỏ lo âu vì số sinh tại Italia tiếp tục suy giảm, không đủ để bù đắp số người chết đi, tương lai bị lâm nguy và ngài hy vọng Italia sẽ vượt qua được mùa đông dân số hiện nay và tiến đến mùa xuân với các trẻ em.

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm tất cả những người hiện diện và những tín hữu tham dự buổi đọc kinh qua các phương tiện truyền thông, đồng thời không quên mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page