Giải thưởng Zayed
về Tình huynh đệ Nhân loại năm 2021
Giải thưởng Zayed về Tình huynh đệ Nhân loại năm 2021.
Ngọc Yến
Abu Dhabi (Vatican News 7-02-2021) - Hai người được nhận giải thưởng Zayed về Tình huynh đệ Nhân loại năm 2021: Ông tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và bà Latifah Iban Ziaten, người sáng lập Hiệp Hội Imad cho giới trẻ và hòa bình.
Giải thưởng Zayed
Hôm 04 tháng 02 năm 2021, Ngày Quốc tế về Tình huynh đệ Nhân loại lần thứ nhất được cử hành. Sự kiện diễn ra tại Abu Dhabi, thủ đô Emirati, với sự tham gia của Sheik Mohammed Bin Zayeb và ông tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cùng với nhiều nhân vật khác.
Trong buổi cử hành này, có phần công bố tên người được trao tặng Giải thưởng Zayed về Tình huynh đệ Nhân loại. Giải thưởng được lấy cảm hứng từ việc ký kết Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại, của Ðức Thánh Cha Phanxicô và Ðại Iman Ahmad Al-Tayyeb của Ðền thờ Hồi giáo Al Azhar, ngày 04 tháng 02 năm 2019.
Ðức Thánh Cha Phanxicô và Ðại Iman Ahmad Al-Tayyeb đều đã nhận giải thưởng đầu tiên này vào năm 2019. Sau đó Ðức Thánh Cha đã tặng toàn bộ số tiền thưởng cho người tị nạn Rohingya của Myanmar. Trong ngày cử hành đầu tiên ký Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại, Sheik Mohammed Bin Zayeb đã thông báo rằng giải thưởng này sẽ trở thành một sự kiện hàng năm, một phần của Ngày Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại, được Ðại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố, nhằm ghi nhận những nỗ lực không ngừng của các nhà lãnh đạo và các nhân vật tôn giáo hợp tác để thúc đẩy hòa bình, hòa hợp và đối thoại liên văn hóa trên thế giới.
Các giám khảo của giải thưởng này thuộc một ban độc lập, gồm một nhóm người của 30 quốc gia được bổ nhiệm do các vị lãnh đạo thuộc các lãnh vực chính quyền, văn hóa và tôn giáo. Danh tánh hai nhân vật nhận giải được công bố hôm 03 tháng 02 năm 2021, trong một cuộc họp báo ở Abu Dhabi và lễ trao giải đã diễn ra ngày 04 tháng 02 năm 2021, trong buổi cử hành trực tuyến Ngày Quốc tế về Tình huynh đệ Nhân loại lần thứ nhất.
Hai người đã được nhận giải thưởng Zayed năm 2021 về tình huynh đệ: đó là ông tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và bà Latifah Iban Ziaten, người sáng lập Hiệp Hội Imad cho giới trẻ và hòa bình.
Thẩm phán Abdel Salam: những người được nhận giải thưởng là mẫu gương cho thế hệ tiếp theo
Giới thiệu những người được nhận giải thưởng, Thư ký Ủy ban Cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại, thẩm phán Mohamed Abdel Salam, đã tuyên bố rằng "giải thưởng được thiết lập để khuyến khích và công nhận những người truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta trong việc tạo ra một thế giới thấu hiểu, hòa nhập và hòa bình hơn. Xem xét hoạt động và tác động của cả hai người được nhận giải thưởng năm 2021, rõ ràng cả hai đều là mẫu gương cho thế hệ tiếp theo, các nhà lãnh đạo thế giới và tất cả những ai dấn thân cho hòa bình".
"Việc vinh danh ông Guterres và bà Latifa với Giải thưởng Zayed về Tình huynh đệ Nhân loại trong lần đầu tiên, sau khi Ðại Imam và Ðức Thánh Cha Phanxicô được vinh danh vào năm 2019 là một lời tri ân dành cho tất cả những ai yêu chuộng hòa bình và là lời mời nhân loại tiếp tục con đường này".
Bà Latifa Ibn Ziaten, một người mẹ phục vụ hòa bình
Bà Latifa Ibn Ziaten, từ lâu đã được biết đến là một người mẹ phục vụ hòa bình. Giải thưởng ghi nhận lòng dũng cảm và sự kiên cường của một người mẹ chưa bao giờ cam chịu số phận.
Bà Latifa sinh năm 1960, tại Tetouan, Maroc. Năm 1977, khi được 17 tuổi, bà di cư sang Pháp. Bà có 5 người con và rất quan tâm đến việc giáo dục và học hành của các con. Cuộc đời của bà thay đổi vào ngày 11 tháng 3 năm 2012: Một trong những con trai của bà tên là Imad gia nhập trung đoàn I nhảy dù của Pháp và bị ám sát gần thành phố Toulouse. Ðối với bà Latifa, đằng sau nỗi đau mất con là ý chí vượt qua vòng xoáy địa ngục của bạo lực.
Bà Latifa đi tìm gặp Mohammed là kẻ đã sát hại con bà để tìm hiểu xem điều gì đã khiến anh ta phạm tội giết người. Cuộc gặp gỡ đó đã làm cho bà Latifa tiếp xúc với thế giới của những người trẻ cảm thấy bị bỏ rơi và không bao giờ thành công trong việc hội nhập vào xã hội nói chung. Từ đó, bà nảy ra ý tưởng thành lập hiệp hội mang tên Imad con trai của bà. Bà đi nhiều nơi tại Pháp để kể lại câu chuyện của bà và gặp gỡ giới trẻ. Hy vọng của bà là góp phần bảo tồn sự hòa hợp xã hội, giữa các thế hệ già trẻ cũng như giữa những người gốc Pháp và những người nhập cư.
Hiện nay, bà Latifa là một trong những khuôn mặt thể hiện khát vọng đối thoại và hòa bình ở một nước Pháp đang bị chấn động bởi các cuộc tấn công và cám dỗ đóng kín. Hoạt động của hiệp hội Imad vẫn tiếp tục, bất chấp những trở ngại. Mùa hè năm 2019, nhà của bà đã bị phá hoại và một trong những người con của bà bị những kẻ lạ mặt tấn công dã man. Nhưng đối với bà, từ những nghịch cảnh, bà cố gắng tìm thêm sức mạnh.
Câu chuyện của bà Latifa minh chứng cho khả năng vượt qua mọi thử thách của con người, không cam chịu, oán hận hay khao khát trả thù, nhưng với hy vọng. Biết điều tồi tệ nhất không ngăn cản con người tin vào điều tốt nhất, nhưng cho sức mạnh để hành động, để biến nó thành hiện thực. Một cuộc đấu tranh cho hòa bình vẫn còn phù hợp cho ngày nay.
Sau vụ tấn công vào nhà thờ Ðức Bà ở Nice 30 tháng 10 năm 2020, bà Latifa viết: "Tôi nghĩ đến cộng đoàn Công giáo. Tôi cầu nguyện cho tất cả những gia đình bị thương này. Ðứng trước bạo lực, sự hận thù, ngu dốt và bất khoan dung, chúng ta vẫn hiệp nhất. Chúng ta hành động vì tình yêu và hòa bình".
Khi được nhận giải thưởng Zayed về Tình huynh đệ Nhân loại, bà Latifa bày tỏ hy vọng điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức của đông đảo công chúng về sự cần thiết tiếp tục nỗ lực đối thoại và chung sống hòa bình.
Bà chia sẻ: "Giải thưởng này đã thực sự mang lại cho tôi niềm hạnh phúc, hy vọng, mặc dù vết thương sâu trong tâm hồn vẫn còn. Nó sẽ giúp tôi biết vượt thắng chính mình hơn nữa và đến với giới trẻ. Ðây là giải thưởng vì hòa bình, vì tình huynh đệ, nó thực sự rất quan trọng. Giải thưởng sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong các dự án giáo dục, mà tôi đang thực hiện với những nhóm bạn trẻ hướng tới các nước: Israel, Palestine, Maroc, các nước châu Âu. Chúng tôi hoạt động để thể hiện sự giao lưu, chung sống, để biết tôn trọng người khác và sự khác biệt của họ. Giải thưởng sẽ giúp tôi thực hiện mọi thứ dễ dàng hơn, nó sẽ mở ra những cánh cửa cho tôi, thậm chí còn hơn thế nữa. Ðây là sức mạnh cho tôi thêm can đảm và ý chí để tiếp tục trong cách tiếp cận của mình, một sứ vụ mà tôi gọi là 'cuộc chiến vì hòa bình'".
Bà nói tiếp: "Ðức tin đã giúp tôi đứng lên, bởi vì tôi đã cầu nguyện ngày đêm, tôi thưa với Chúa 'Xin trợ giúp con'. Và mỗi nơi tôi đến, dù là nhà thờ, hội đường, ở bất cứ đâu, tôi đều thắp lên ngọn nến cầu bình an, để xoa dịu nỗi đau đang ở trong tôi. Ðiều quan trọng là phải tin và cũng phải nói về tôn giáo, bởi vì tôn giáo là hòa bình. Tôn giáo chỉ nói về hòa bình, chung sống, bao dung và yêu thương. Mọi tôn giáo đều hướng đến tình yêu, và ngày nay tình yêu thực sự cần thiết.
Ông Guterres và trận chiến với Covid-19
Người thứ hai nhận Giải thưởng Zayed là ông António Guterres, một chính trị gia gốc Bồ Ðào Nha, là tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Năm vừa qua, 2020, trong khi cả thế giới bị nhấn chìm bởi đại dịch virus corona, ông Guterres đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi "ngừng bắn toàn cầu ở tất cả các nơi trên thế giới để cùng nhau tập trung vào trận chiến thực sự: đánh bại COVID-19".
Ví dụ, ngày 15 tháng 9 năm 2020, tại Tuần lễ Cấp cao khóa 75 Ðại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres đã kêu gọi các chính phủ tôn trọng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu mà ông đã đưa ra vào tháng 3 năm 2020. Ông giải thích: "Ngày nay, virus corona là mối đe dọa chính đối với an ninh toàn cầu, đây là lý do tại sao tôi đã kêu gọi ngừng bắn toàn cầu". Lời kêu gọi của ông đã đem lại kết quả: Từ Afghanistan đến Sudan đã có những bước tiến mới đầy hứa hẹn hướng tới hòa bình. Ở Syria, Libya, Ukraine và những nơi khác, việc ngừng bắn hoặc ngừng giao tranh có thể tạo không gian cho ngoại giao. Còn tại Yemen, tình hình chính trị đang được ổn định.
Trong một hội nghị về trường hợp khẩn cấp virus corona ngày 12 tháng 5 năm 2020, ông António Guterres đã đề cao vai trò của tôn giáo trong việc đối phó với khủng hoảng sức khỏe. Theo ông Guterres, các nhà lãnh đạo tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc quản lý cuộc khủng hoảng đang gây căng thẳng cho tất cả các hệ thống xã hội. Ông nhắc lại đại dịch cho thấy trách nhiệm của mọi người trong việc thúc đẩy tình liên đới, là nền tảng việc chúng ta ứng phó; và nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong cộng đồng và hơn thế nữa họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp để đối phó với đại dịch và phục hồi.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cám ơn các lãnh đạo tôn giáo vì đã ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu. Ông khuyến khích các cộng đồng tiếp tục thúc đẩy bất bạo động và từ chối bài ngoại, phân biệt chủng tộc và bất khoan dung. Ông kêu gọi sự bình an cho các gia đình, cho hòa bình trên toàn thế giới đang phải chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Nhận giải thưởng, tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết ông cũng coi đây như một sự công nhận cho "công việc mà Liên Hợp Quốc đang làm hàng ngày, ở mọi nơi, nhằm thúc đẩy hòa bình và phẩm giá con người". Ông Guterres tuyên bố tặng toàn bộ số tiền của giải thưởng cho Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn.