Ðức Hồng y Hollerich
tố giác vi phạm tự do tôn giáo tại Âu châu
Ðức Hồng y Hollerich tố giác vi phạm tự do tôn giáo tại Âu châu.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Luxemburg (RVA News 24-01-2021) - Ðức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục giáo phận Luxemburg, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là COMECE, bày tỏ lo âu trước dự luật sắp được quốc hội Ðan Mạch thảo luận và biểu quyết, trong tháng Hai năm 2021 đòi các bài giảng trong các buổi lễ tôn giáo phải được làm bằng tiếng Ðan Mạch, hoặc nếu bằng tiếng ngoại quốc thì phải dịch ra và công bố bằng tiếng Ðan Mạch.
Trong thông cáo công bố hôm 21 tháng 1 năm 2021, Ðức Hồng y Hollerich, dòng Tên, tuyên bố ngài tôn trọng tiến trình lập pháp của các quốc gia, nhưng đồng thời cũng bày tỏ lo âu vì xu hướng ngày càng lan rộng, coi nhẹ quyền tự do tôn giáo, là quyền căn bản trong các nước thuộc Liên hiệp Âu châu. Ðức Hồng y cho biết ngài hiểu rằng mục đích dự luật của Quốc hội Ðan Mạch là để phòng ngừa xu hướng cực đoan và chống lại sự khích động oán ghét và khủng bố, có thể xảy ra trong các bài thuyết giảng của các đạo sĩ Hồi giáo, nhưng đạo luật như thế của chính quyền Ðan Mạch sẽ có một ảnh hưởng tiêu cực và phân biệt đối xử, nhất là đối với các cộng đoàn tôn giáo nhỏ, thường gồm những người nhập cư.
Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu COMECE khuyến khích một cuộc đối thoại mạnh mẽ và hiệu quả giữa các chính quyền liên hệ và các Giáo hội, cũng như các cộng đồng tôn giáo liên hệ. Ủy ban COMECE cũng hỗ trợ vai trò của Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu trong việc tìm ra những phương thế hữu hiệu khác thay vì đưa ra những giải pháp pháp lý có tính cách xâm lấn và có tiềm năng gây thiệt hại.
Chính phủ Ðan Mạch do bà thủ tướng Mette Frederiksen, thuộc đảng dân chủ xã hội, chỉ muốn cho phép các bài giảng bằng tiếng Ðan Mạch để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn các cộng đồng Hồi giáo vẫn giảng bằng tiếng Arập. Tại nước này có 270,000 người Hồi giáo. Nhưng luật này cũng được áp dụng cho các cộng đoàn bằng tiếng khác, kể cả các thứ tiếng Âu châu, như giáo xứ Ðức hay Việt Nam tại Ðan Mạch.
Theo các nhà phân tích, phần lớn dân Ðan Mạch ủng hộ dự luật này, nhưng những nhà phê bình cho rằng dự luật mới sẽ thu hẹp tự do tôn giáo, nuôi dưỡng thêm những thành kiến chống các nhóm tôn giáo và đe dọa sự khác biệt phong phú về văn hóa và ngôn ngữ của Ðan Mạch.
Nữ tu Anna Mirijam Kashchne, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục năm nước Bắc Âu, trong đó có Ðan Mạch, nói rằng: "Tất cả các cộng đồng Giáo hội và tôn giáo sẽ bị đặt dưới sự nghi ngờ chung do đạo luật này. Ðây là một điều làm thương tổn nền dân chủ. Nếu bạn thực sự muốn giải quyết vấn đề các bài giảng hoặc diễn văn hay thái độ đối với quốc gia dân chủ thì tốt hơn để chứng tỏ sự đánh giá cao đối với các cộng đồng tôn giáo đang dấn thân hội nhập".
(Cath.ch, Kathpress 21-01-2021)