Hãy ngợi khen Chúa cả khi gặp khó khăn

vì Chúa luôn trung thành và yêu thương chúng ta

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Hãy ngợi khen Chúa cả khi gặp khó khăn vì Chúa luôn trung thành và yêu thương chúng ta.

Hồng Thủy

Vatican (Vatican News 13-01-2021) - Tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư 13 tháng 01 năm 2021, Ðức Thánh Cha Phanxicô suy tư về "lời cầu nguyện ngợi khen", điều có thể thực hiện được trong mọi hoàn cảnh vì Thiên Chúa luôn thành tín.

Sáng thứ Tư 13 tháng 01 năm 2021, như thường lệ, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến chung trực tuyến và trong bài giáo lý ngài đã suy tư về khía cạnh ngợi khen trong cầu nguyện.

Khởi đầu với lời Chúa Giê-su ngợi khen Chúa Cha khi đối diện với sự thù địch và khước từ, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng gương mẫu của Chúa Giê-su luôn cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha mời gọi chúng ta cũng làm như Người khi chúng ta cảm thấy Chúa vắng mặt hay sự dữ dường như đang thắng thế. Và khi làm như vậy, chúng ta sẽ có cái nhìn mới về mọi sự.

Ðức Thánh Cha đưa ra gương mẫu của thánh Phanxicô Assisi, khi đang gặp thử thách của bệnh tật và gần như bị mù và đang đến gần với sự chết, thánh nhân ngợi khen Thiên Chúa về mọi sự, còn gọi sự chết là "chị". Từ đó Ðức Thánh Cha nhắc rằng các thánh dạy chúng ta về tầm quan trọng của lời cầu nguyện ngợi khen trong mọi tình cảnh của cuộc sống, vì Thiên Chúa luôn trung thành và tình yêu của Người bền vững thiên thu.

Buổi tiếp kiến mở đầu với việc công bố bằng nhiều ngôn ngữ đoạn Thánh vịnh 145, 1-3.21:

Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu.

Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi Chúa, chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh đến muôn thuở muôn đời. Amen.!

Sau khi lắng nghe đoạn Thánh vịnh, Ðức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý với một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Ðức Thánh Cha nói:

Sau những phép lạ đầu tiên và việc các môn đệ tham gia vào việc công bố Vương quốc của Thiên Chúa, sứ mạng của Ðấng Cứu Thế trải qua một giai đoạn khủng hoảng. Thánh Gioan Tẩy Giả nghi ngờ và sai các môn đệ đến hỏi Chúa: "Ngài có phải là Ðấng phải đến hay chúng tôi phải đợi người khác?" (Mt 11,3); Chúa đối diện với những thù nghịch ở các làng dọc theo hồ Galilê, nơi Chúa Giê-su đã thực hiện nhiều dấu chỉ phi thường. Giờ đây, chính trong giây phút thất vọng này, thánh sử Matthêu đã thuật lại một sự kiện thật đáng ngạc nhiên: Chúa Giêsu không cất tiếng than thở với Chúa Cha, nhưng là một bài ca hân hoan: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn." (Mt 11,25).

Chúa Giê-su ngợi khen Chúa Cha vì Người là Cha, là Chúa của trời đất

Giữa khủng hoảng, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha, ngợi khen Chúa Cha. Tại sao? Ðức Thánh Cha giải thích: Trước nhất và trên hết, Chúa Giê-su ngợi khen Chúa Cha vì chính Người là "Cha, Chúa của trời đất." Chúa Giê-su vui mừng trong lòng vì Người biết và người cảm thấy rằng Cha của Người là Chúa của hoàn vũ, và ngược lại, Chúa của mọi loài hiện hữu là Chúa Cha, "Cha của Ta". Lời ngợi khen của Chúa tuôn trào từ kinh nghiệm đã cảm nghiệm rằng Người là "Con của Ðấng Tối Cao".

Chúa Giê-su ngợi khen Chúa Cha vì Người yêu thích những người bé mọn

Chúa Giê-su cũng ngợi khen Chúa Cha vì Chúa Cha yêu thích những người bé mọn. Ðức Thánh Cha nói: Ðó là điều mà chính Chúa Giê-su đã trải nghiệm khi rao giảng trong các làng: những người "thông thái" và "khôn ngoan" vẫn nghi ngờ và khép kín, trong khi "những người nhỏ bé" tự mở lòng và đón nhận sứ điệp của Chúa. Ðây chỉ có thể là ý muốn của Chúa Cha, và Chúa Giê-su vui mừng về điều này.

Từ đó Ðức Thánh Cha khuyến khích: Chúng ta cũng phải vui mừng và ngợi khen Thiên Chúa bởi vì những người khiêm nhường và đơn sơ đón nhận Tin Mừng. Trong tương lai của thế giới và trong niềm hy vọng của Giáo hội, có những "người nhỏ bé": những người không coi mình là tốt hơn những người khác, những người nhận thức được những giới hạn của chính mình và tội lỗi của họ, những người không muốn thống trị người khác, những người mà trong Thiên Chúa là Cha, nhìn nhận rằng tất cả chúng ta là anh chị em.

Ngợi khen Chúa khi gặp thử thách

Ðức Thánh Cha nói tiếp: Vì vậy, trong giây phút thất bại rõ ràng đó, Chúa Giêsu cầu nguyện, ngợi khen Chúa Cha. Và lời cầu nguyện của Người cũng hướng dẫn chúng ta, những độc giả của Tin Mừng, đánh giá sự thất bại của cá nhân chúng ta theo một cách khác, những tình huống khi mà chúng ta không nhận thấy rõ sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa, khi dường như sự dữ thắng thế và không còn cách nào để ngăn chặn nó. Chúa Giê-su đã đề nghị đặt nhiều câu hỏi khi cầu nguyện, nhưng vào đúng thời điểm mà lẽ ra Người có lý do để yêu cầu Chúa Cha giải thích thì Người lại bắt đầu ngợi khen Chúa Cha.

Lời ngợi khen mang lại ơn ích cho chúng ta

Lời khen ngợi cần thiết cho ai? Cho chúng ta hay cho Chúa? Ðức Thánh Cha dùng một bản văn của phụng vụ Thánh Thể trả lời cho câu hỏi này: "Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ" (Sách lễ Roma, Lời Tiền tụng chung IV).

Lời cầu nguyện ngợi khen có ích cho chúng ta. Sách Giáo lý định nghĩa nó như thế này: "Khi ca ngợi Thiên Chúa, chúng ta thông phần hạnh phúc của những tâm hồn trong sạch, những kẻ yêu mến Người trong đức tin trước khi được thấy Người trong Vinh Quang" (số 2639). Ðiều nghịch lý là nó phải được thực hành không chỉ khi cuộc sống tràn ngập hạnh phúc, mà trên hết là trong những khoảnh khắc khó khăn, khi con đường trở nên dốc đứng. Ðó cũng là lúc để khen ngợi. Bởi vì chúng ta học biết rằng, qua sự leo dốc đó, khi đi qua con đường mệt mỏi đó, những đoạn đường đòi hỏi nhiều khó khăn, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh mới, một chân trời rộng lớn hơn.

Gương mẫu của các thánh

Ðức Thánh Cha đưa ra mẫu gương của thánh Phanxicô Assisi; thánh nhân đã ngợi khen Thiên Chúa trong những lúc khó khăn. Thánh nhân đã sáng tác "Bài ca anh mặt trời" hay còn gọi "Bài ca của các thụ tạo" cách đây tám thế kỷ; đó là lời cầu nguyện mà thánh nhân đã sáng tác vào cuối cuộc đời của mình. Ðức Thánh Cha nói: Vị thánh nghèo không sáng tác nó trong một thời điểm vui mừng, hạnh phúc; trái lại, ngài đã sáng tác nó giữa lúc khó khăn. Lúc đó, thánh Phanxicô gần như bị mù, và ngài cảm thấy trong tâm hồn mình nặng trĩu một sự cô độc chưa từng có: đó là thế giới không hề thay đổi kể từ khi ngài bắt đầu rao giảng, vẫn có những người để mình bị xé nát bởi những cuộc cãi vã, và thêm vào đó, ngài nhận thức được rằng cái chết đang đến gần hơn bao giờ hết. Ðó có thể là khoảnh khắc tuyệt vọng cùng cực và nhận thức về thất bại của chính mình. Nhưng vào lúc đó thánh Phanxicô đã cầu nguyện: "Lạy Chúa của con, mọi lời ngợi khen thuộc về Chúa". Thánh Phanxicô ca ngợi Thiên Chúa về tất cả mọi thứ, về tất cả những món quà của thiên nhiên, và ngay cả về cái chết, điều mà ngài can đảm gọi là "chị".

Ðức Thánh Cha kết luận: Gương mẫu ngợi khen Thiên Chúa trong những lúc khó khăn của các thánh, của các Ki-tô hữu, của Chúa Giê-su, mở ra cho chúng ta những cánh cửa của một con đường rộng lớn đến với Chúa và thanh tẩy chúng ta. Lời cầu nguyện ngợi khen luôn thanh tẩy chúng ta.

Các thánh nhân tỏ cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn có thể ngợi khen Chúa, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, bởi vì Thiên Chúa là người Bạn trung thành. Ðây là nền tảng của lời ngợi khen: Thiên Chúa là người Bạn trung thành và tình yêu của Người không bao giờ cạn.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page