Phép rửa tội nhắc nhớ chúng ta mãi mãi
là người con được Thiên Chúa yêu thương
Ðức Thánh cha: Phép rửa tội nhắc nhớ chúng ta mãi mãi là người con được Thiên Chúa yêu thương.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 10-01-2021) - Trưa Chúa nhật, ngày 10 tháng 01 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền tin trực tuyến, từ thư viện trong Dinh Tông tòa, giống như những tuần lễ trước đây.
Trong phần chào thăm sau khi đọc kinh, Ðức Thánh cha lên tiếng về vụ bạo động mới đây tại trụ sở quốc hội Mỹ và kêu gọi thực hiện sự hòa giải trong nhân dân nước này.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Marco, thuật lại sự tích Chúa Giêsu chịu phép rửa do thánh Gioan Tẩy giả, tại sông Giordan.
Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúa sống ẩn dật ba mươi năm
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Cách đây vài ngày, chúng ta đã giã từ Chúa Hài Ðồng Giêsu được các Ðạo sĩ viếng thăm; giờ đây chúng ta tìm lại Ngài đã trưởng thành trên bờ sông Giordan. Phụng vụ làm cho chúng ta thực hiện một cuộc nhảy khoảng ba mươi năm. Trong ba mươi năm, chúng ta chỉ biết một điều: đó là những năm sống ẩn dật, Chúa Giêsu sống trong gia đình, vâng phục cha mẹ, học hỏi và làm việc. Ðiều đáng chú ý là phần lớn thời gian trên trái đất, Chúa đã trải qua như vậy, sống cuộc sống thường nhật, không xuất hiện. Thật là một sứ điệp đẹp cho chúng ta: tỏ cho chúng ta sự cao cả của cuộc sống thường nhật, tầm quan trọng trước mắt Thiên Chúa mỗi cử chỉ và mỗi lúc của cuộc sống, cả những lúc đơn sơ và âm thầm nhất.
Bắt đầu cuộc sống công khai với phép rửa
Sau ba mươi năm sống ẩn dật như thế, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai. Và Ngài bắt đầu với phép rửa tại sông Giordan. Nhưng tại sao Chúa lại chịu phép rửa? Phép rửa của thánh Gioan hệ tại một nghi thức thống hối, đó là một dấu chỉ nói lên ý muốn hoán cải, xin tha thứ các tội lỗi của mình. Chắc chắn Chúa Giêsu không cần điều ấy. Thực vậy, thánh Gioan Tẩy Giả đã tìm cách chống lại, nhưng Chúa Giêsu nhất quyết muốn thánh nhân tiến hành. Tại sao? Vì Chúa muốn ở với những người tội lỗi: vì thế Ngài xếp hàng với họ và thi hành cùng cử chỉ của họ. Chúa xuống sống để dìm mình trong cùng thân phận của chúng ta. Thực vậy, phép rửa có nghĩa là "dìm mình".
Chúa hạ mình xuống thân phận phàm nhân
Trong ngày đầu tiên của sứ vụ, Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta "chương trình hoạt động" của Ngài. Chúa nói với chúng ta rằng Ngài không cứu độ chúng ta từ trên cao, qua một quyết định từ trên truyền xuống hoặc một hành vi võ lực, nhưng Ngài đến gặp gỡ chúng ta và mang lấy những tội lỗi của chúng ta. Ðó là cách thức Thiên Chúa chiến thắng sự ác của trần thế: bằng cách hạ mình xuống và gánh lấy tội lỗi. Ðó cũng là cách thức chúng ta có thể nâng người khác trỗi dậy: không phải bằng cách phán xét, không ra lệnh phải làm điều gì, nhưng bằng cách trở nên gần gũi với họ, đồng cảm, chia sẻ tình thương của Thiên Chúa.
Chứng từ của Ba Ngôi
Sau cử chỉ cảm thương của Chúa Giêsu như thế, xảy ra một điều lạ thường: các tầng trời mở ra và sau cùng Chúa Ba Ngôi xuất hiện. Chúa Thánh Linh ngự xuống dưới hình chim bồ câu (xc. Mc 1,10) và Chúa Cha nói với Chúa Giêsu: "Con là Con Cha, người Cha thương mến" (v.11). Thiên Chúa tự biểu lộ khi lòng thương xót xuất hiện, vì đó chính là tôn nhan của Ngài. Chúa Giêsu trở nên đầy tớ của những người tội lỗi và Ngài được tuyên bố là Con; Ngài hạ mình xuống trên chúng ta và Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Ngài. Tình Thương kêu gọi tình thương. Ðiều ấy cũng có giá trị đối với chúng ta: trong mỗi cử chỉ phục vụ, trong mỗi công việc từ bi mà chúng ta làm, Thiên Chúa tự biểu lộ và đặt cái nhìn của Ngài trên trần thế.
Phép rửa chúng ta lãnh nhận
Nhưng trước khi chúng ta làm bất kỳ điều gì, cuộc sống của chúng ta đã được mang vết tích của lòng thương xót đối với chúng ta. Chúng ta được cứu độ nhưng không. Ðó là một cử chỉ nhưng không của lòng thương xót Chúa làm cho chúng ta. Về phương diện bí tích, điều này xảy ra trong ngày chúng ta chịu phép rửa tội và cả những người không được rửa tội cũng luôn lãnh nhận lòng thương xót của Chúa, vì Chúa ở đó, chờ đợi chúng ta. Chúa chờ đợi chúng ta cởi mở tâm hồn. Trong phép rửa tội, chúng ta được dìm mình trong tình thương của Chúa Kitô chết và sống lại vì chúng ta. Tại đó chúng ta đã nhận được hồng ân của Chúa Thánh Linh. Tại đó, Chúa Cha đã nói với mỗi người chúng ta như đã nói với Chúa Giêsu: "Con là con của Cha, người mà Cha yêu thương". Vì thế, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay cần được ghi nhớ: đó là một ngày cần được đánh dấu và cử hành mỗi năm. Từ đó, mãi mãi chúng ta là người con được Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta có thể nghĩ những điều sai trái và làm nhiều lầm lỗi, nhưng chúng ta vẫn luôn luôn là những người con được Thiên Chúa yêu thương. Ðó là căn tính sâu xa nhất của chúng ta. Ðó là điểm đầu tiên của đời sống thiêng liêng và được nhắc nhở cho chúng ta qua cử chỉ công khai đầu tiên của Chúa Giêsu. Xin Mẹ Maria, Ðấng mà bây giờ chúng ta cầu khẩn, giúp chúng ta giữ gìn căn tính rửa tội của chúng ta, là nền tảng đức tin và cuộc sống của chúng ta.
Chào thăm và mời gọi
Sau khi đọc Kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, trước hết, Ðức Thánh cha gửi lời thân ái chào thăm nhân dân Hoa Kỳ, đã bị giao động vì vụ bao vây trụ sở quốc hội mới đây. Ngài cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng trong vụ bạo loạn này, năm người, trong những lúc bi thảm ấy. Ðức Thánh cha nói: "Tôi lập lại rằng bạo lực luôn tự hủy hoại. Không được lợi ích gì với bao lực và trái lại sẽ bị mất rất nhiều. Tôi kêu gọi chính quyền và toàn thể nhân dân Hoa Kỳ hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm làm cho tâm hồn mọi người được thanh thản, thăng tiến hòa giải quốc gia và bảo vệ các giá trị dân chủ vốn ăn rễ sâu trong xã hội Hoa Kỳ. Xin Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, bổn mạng của Hoa Kỳ, giúp duy trì sinh động nền văn hóa gặp gỡ, văn hóa chăm sóc, như con đường tốt nhất để cùng nhau xây dựng công ích và thực hiện điều ấy với tất cả mọi người, tất cả mọi người dân sinh sống tại Mỹ.
Ðức Thánh cha Ðức Thánh cha chào thăm mọi người tham dự buổi đọc kinh qua các phương tiện truyền thông và cho biết hôm nay, 10/1, vì đại dịch ngài không thể ban phép rửa tội cho các trẻ em tại nhà nguyện Sistina như mọi năm, nhưng ngài cầu nguyện cho các trẻ em đã đăng ký cho dịp này, các cha mẹ, những người đỡ đầu, và ngài cũng cầu cho tất cả các trẻ em được rửa tội trong mùa này, được lãnh nhận căn tính Kitô, lãnh ơn tha thứ và cứu chuộc.
Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng từ ngày mai, là kết thúc mùa Giáng sinh, phụng vụ trở lại hành trình của mùa thường niên: "Chúng ta đừng mệt mỏi khẩn cầu ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh, xin Chúa giúp chúng ta sống trong tình yêu thương những điều thường nhật và biến chúng thành những điều ngoại thường. Chính tình yêu làm chúng thành những việc ngoại thường. Nếu chúng ta cởi mở, ngoan ngoãn thì Chúa Thánh Linh sẽ soi sáng tư tưởng và hành động mỗi ngày của chúng ta.
Sau hết, Ðức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật tốt đẹp và xin các tín hữu đừng quên cầu nguyện cho ngài.