Ðức Thánh cha cử hành Ðại lễ Chúa Hiển Linh
Ðức Thánh cha cử hành Ðại lễ Chúa Hiển Linh.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 07-01-2021) - Lúc 10 giờ sáng thứ Tư, 6 tháng 1 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Ðền thờ thánh Phêrô, nhân dịp lễ Chúa Hiển Linh. Ðây cũng là lễ nghỉ tại nước Ý và các gia đình cũng như các tổ chức thường có thói quen phát quà cho các trẻ em.
Vì đại dịch nên thánh lễ chỉ có khoảng 100 người tham dự, tại khu vực bàn thờ Ngai tòa và đồng tế với Ðức Thánh cha, có hơn hai mươi hồng y ở Roma: các vị đương nhiệm cũng như các vị hồi hưu. Tuy nhiên, cũng như các đại lễ khác, thánh lễ được trực tiếp truyền đi qua các phương tiện truyền thông.
Bài giảng của Ðức Thánh cha
Trong bài giảng, Ðức Thánh cha mời gọi các tín hữu học hỏi nơi thái độ của các đạo sĩ đi tìm kiếm và thờ lạy Chúa.
Ðức Thánh cha nói:
Thờ lạy Chúa
"Thờ lạy Chúa không phải là dễ dàng, không phải là điều xảy ra tức khắc: nó đòi một sự trưởng thành thiêng liêng, vì thờ lạy là điểm tới của một hành trình nội tâm, nhiều khi lâu dài. Không phải là điều tự nhiên bộc phát nơi chúng ta thái độ thờ lạy Thiên Chúa. Tuy con người cần thờ lạy, nhưng họ có nguy cơ sai lầm về đối tượng; thực vậy, nếu không thờ lạy Thiên Chúa, họ sẽ thờ lạy các thần tượng, và nhiều khi tín hữu cũng trở thành người thờ lạy ngẫu tượng".
Ba hành động
Dựa vào phụng vụ Lời Chúa của ngày Lễ Hiển Linh, Ðức Thánh cha làm nổi bật ba hành động giúp hiểu rõ thế nào là thờ lạy Chúa, đó là "ngước mắt lên", "lên đường hành trình" và nhìn thấy:
Ngước mắt lên
Trước hết là "ngước mắt lên" như ngôn sứ Isaia đã nói. Cộng đoàn Jerusalem bấy giờ mới trở về sau cuộc lưu đầy và kiệt quệ vì thất vọng trước bao nhiêu khó khăn, ngôn sứ mạnh mẽ mời gọi họ: "Hãy ngước mắt lên xung quanh và hãy nhìn" (60,4). Ðó là một lời mời gọi hãy bỏ qua sự mệt mỏi và than vãn, hãy ra khỏi cái nhìn chật hẹp, giải thoát mình khỏi sự độc tài của cái tôi luôn có xu hướng co cụm và những lo lắng của mình.
Ðể thờ lạy Chúa, trước tiên chúng ta cần "ngước mắt lên": nghĩa là không để cho mình bị những ảo tưởng nội tâm cầm hãm, chúng dập tắt hy vọng, và đừng biến những vấn đề và khó khăn thành trung tâm cuộc sống của mình. Ðiều này không có nghĩa là chối bỏ thực tại, giả bộ và có ảo tưởng mọi sự đều tiến hành tốt đẹp. Trái lại, vấn đề ở đây là nhìn các vấn đề và những lo âu một cách mới mẻ, vì biết rằng Chúa biết tình trạng khó khăn của chúng ta, Chúa lắng nghe những lời cầu khẩn và không dửng dưng đối với nước mắt chúng ta đang đổ ra.
Tín thác nơi Chúa giữa những khó khăn
Ðức Thánh cha nói thêm rằng "Cái nhìn như thế, dù có những thăng trầm trong cuộc sống, vẫn tín thác nơi Chúa và tạo nên lòng biết ơn con thảo. Khi điều này xảy đến, thì tâm hồn cởi mở đối với việc thờ lạy. Trái lại, khi chúng ta chỉ tập trung sự chú ý vào các vấn đề mà không chịu ngước mắt lên Chúa, thì sợ hãi sẽ xâm chiếm tâm hồn và làm cho nó lạc hướng, tạo nên giận dữ, ngỡ ngàng, lo lắng, trầm cảm. Trong những tình trạng như thế thật khó thờ lạy Chúa. Nếu điều ấy xảy ra, thì cần có can đảm phá vỡ cái vòng những kết luận tiên thiên của chúng ta, vì biết rằng thực tại lớn hơn những điều chúng ta nghĩ...
Chúa ban sức mạnh khi chúng ta tín thác nơi Ngài
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Khi chúng ta ngước mắt lên nhìn Thiên Chúa, các vấn đề của cuộc sống không biến mất, nhưng chúng ta cảm thấy Chúa ban sức mạnh cần thiết để chúng ta đương đầu với chúng. Vì thế, "ngước mắt lên" chính là bước đầu tiên giúp chúng ta tiến đến thờ lạy. Ðây là sự thờ lạy của người môn đệ biết khám phá được một niềm vui mới, một niềm vui khác biệt nơi Thiên Chúa. Niềm vui của thế gian dựa trên sự sở hữu của cải, thành công và những điều tương tự khác. Trái lại, niềm vui của môn đệ Chúa Kitô có nền tảng nơi lòng tín trung của Thiên Chúa, Ðấng không bao giờ lỗi lời đã hứa, dù tình trạng khủng hoảng chúng ta gặp phải là thế nào đi nữa. Chính vì thế, lòng biết ơn con thảo và niềm vui khơi lên ước muốn thờ lạy Chúa, là Ðấng trung tín và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Lên đường hành trình
Sang đến ý tưởng thứ hai có thể giúp chúng ta là "lên đường hành trình". Trước khi có thể thờ lạy Chúa Hài Ðồng sinh ra tại Bethlehem, các đạo sĩ đã phải trải qua một hành trình dài, như thánh Matthêu đã kể (Mt 2,1-2). Ðức Thánh cha giải thích:
"Hành trình luôn bao hàm một sự biến đổi, một thay đổi. Sau một hành trình, người ta không còn như trước nữa. Luôn có một cái gì mới mẻ nơi người thực hiện một hành trình: những kiến thức của họ được mở rộng hơn, họ đã thấy những người và sự vật mới, đã cảm nghiệm sự củng cố ý chí đương đầu với những khó khăn và rủi ro của hành trình. Chúng ta không đi tới sự thờ lạy Chúa mà không trải qua trước đó một sự trưởng thành nội tâm khiến chúng ta lên đường."
Một tiến trình từ từ
Ðức Thánh cha giải thích rằng: "Chúng ta trở thành những người thờ lạy Chúa nhờ một hành trình từ từ. Ví dụ, kinh nghiệm dạy chúng rằng một người 50 tuổi sống sự thờ lạy với một tinh thần khác so với người 30 tuổi. Ai để cho mình được ơn thánh uốn nắn, thì với thời gian, thường trở nên tốt đẹp hơn. Thánh Phaolô đã nói: con người bề ngoài trở nên già nua, trong khi con người bên trong được đổi mới mỗi ngày (Xc 2 Cr 4,16), ngày càng sẵn sàng hơn để thờ lạy Chúa. Về phương diện này, những thất bại, khủng hoảng, lầm lỗi có thể trở thành những kinh nghiệm xây dựng: đôi khi chúng làm cho chúng ta ý thức rằng chỉ có Chúa là đáng được thờ lạy, vì chỉ có Chúa làm thỏa mãn ước muốn được sống và được vĩnh cửu trong thâm tâm mỗi người. Ngoài ra với thời gian, những thử thách và cơ cực của cuộc sống - khi được sống trong đức tin - sẽ góp phần thanh tẩy con tim, làm cho nó khiêm tốn hơn, và từ đó sẵn sàng cởi mở hơn với Thiên Chúa.
Noi gương các đạo sĩ
Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Giống như các đạo sĩ, cả chúng ta cũng phải để mình được hành trình cuộc sống giáo huấn, một hành trình chắc chắn có những khó khăn không tránh được. Chúng ta đừng để những mệt mỏi, sa ngã và thất bại làm cho chúng ta bị nản chí. Trái lại, hãy khiêm tốn nhìn nhận chúng, biến chúng thành cơ hội để tiến đến gần Chúa Giêsu. Ðời sống không phải là cuộc biểu dương tài năng khéo léo, nhưng là một hành trình tiến về Ðấng yêu thương chúng ta: khi nhìn lên Chúa, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để tiếp tục hành trình với một niềm vui được đổi mới"
Nhìn xem
Sang đến hành động thứ ba là "nhìn xem", Ðức Thánh cha nhắc lại lời thánh sử Matthêu kể lại ba đạo sĩ bước vào nhà, thấy Hài Nhi Giêsu và Mẹ Ngài, họ phủ phục thờ lạy Chúa (xc Mt 2,10-11). Ðức Thánh cha nói:
"Các đạo sĩ thờ lạy Ðấng mà họ biết là Vua người Do thái (Xc Mt 2,2). Nhưng trong thực tế, họ thấy gì? Họ thấy một hài nhi cùng với Mẹ Ngài. Dầu vậy, các đạo sĩ khôn ngoan ấy, đến từ những nước xa xăm, biết vượt lên trên cảnh tượng khiêm hạ và hầu như "đói rách" ấy, nhận ra nơi Hài Nhi ấy sự hiện diện của một vị Vua. Nghĩa là họ có khả năng "nhìn thấy" vượt lên trên cái vẻ bề ngoài. Khi phủ phục trước Chúa Hài Ðồng sinh ra tại Bethlehem, họ biểu lộ ra ngoài sự thờ lạy nội tâm: việc mở các hòm họ mang theo các tặng vật là dấu chỉ sự dâng tặng tâm hồn họ. Ðể thờ lạy Chúa, cần "nhìn" xuyên qua chiếc màn hữu hình nhiều khi đánh lừa. Hêrôđê và các kỳ mục thành Jerusalem là đại diện cho thế giới trần tục, mãi mãi làm nô lệ cho những vẻ bề ngoài và tìm kiếm những gì thu hút, thế giới trần tục ấy chỉ coi là có giá trị những gì "giật gân", những điều thu hút chú ý hơn cả. Trái lại, nơi đạo sĩ chúng ta thấy một thái độ khác, mà chúng ta có thể gọi là "thái độ thực tế đối thần" (realismo teologale); đó là nhận thức một cách khách quan thực tại sự việc, sau cùng họ hiểu rằng Thiên Chúa tránh mọi thứ khoa trương. Cách "nhìn xem" như thế vượt qua những gì hữu hình, làm cho chúng ta thờ lạy Chúa thường ẩn náu trong những tình trạng đơn sơ, nơi những người khiêm hạ và ở ngoài lề. Vì vậy, đây là một cái nhìn không để cho mình bị chóa mắt vì những pháo bông trình diễn, nhưng tìm kiếm những gì không chóng qua trong mọi hoàn cảnh. Vì thế, như thánh Phaolô tông đồ đã viết: "Chúng ta không cắm nhìn về những sự hữu hình, nhưng về những điều vô hình, vì những sự hữu hình chỉ là khoảnh khắc chóng qua, còn những gì vô hình là vĩnh cửu" (2 Cr 4,18).
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: Xin Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở thành những người thờ lạy đích thực, có khả năng biểu lộ trong cuộc sống ý định yêu thương của Chúa, bao trùm toàn thể nhân loại"
Lời nguyện phổ quát
Trong phần những lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho các Giáo hội trẻ và các Giáo hội kỳ cựu để cùng nhau tăng trưởng và giúp đỡ nhau, như những Giáo hội anh em trong nỗ lực chung khơi lên những môn đệ mới của Tin mừng; Cầu cho các vị mục tử của dân Chúa và các cộng sự viên, noi gương Mẹ Maria, loan báo Chúa Kitô cho những người xa gần, là ánh sáng chân thực của trần thế; cầu cho các thừa sai đang chia sẻ những cơ cực, đau khổ và hy vọng của những người mà các vị được gửi tới, để các vị trở thành những chứng nhân trong sáng về lòng thương của Chúa Cha; cầu cho các nhà văn hóa và khoa học, để như các đạo sĩ, họ biết nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong thiên nhiên và cởi mở đối với hồng ân chân lý trọn vẹn.
Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 15 phút. Sau đó, lúc 12 giờ, Ðức Thánh cha chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin trực tuyến, không có tín hữu tham dự, tại thư viện dinh Tông tòa.