Thông Ðiệp Fratelli Tutti
Tất Cả Anh Em
của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô
(Bản dịch Việt ngữ của Vũ Văn An)
Chương 5
Một Loại Chính Trị Tốt Hơn
154. Sự phát triển của một cộng đồng huynh đệ hoàn cầu dựa trên việc thực hành tình hữu nghị xã hội từ phía các dân tộc và quốc gia đòi phải có một loại chính trị tốt hơn, một loại chính trị thực sự phục vụ lợi ích chung. Ðáng buồn thay, chính trị ngày nay thường mang các hình thức nhằm cản trở sự tiến bộ hướng tới một thế giới khác.
Các Hình Thức Dân Túy Và Tự Do Chủ Nghĩa
155. Sự thiếu quan tâm đến những người dễ bị tổn thương có thể ẩn nấp phía sau một chủ nghĩa dân túy nhằm khai thác những người này một cách mị dân cho các mục đích riêng của nó, hoặc một chủ nghĩa tự do chuyên phục vụ lợi ích kinh tế của những kẻ có quyền lực. Trong cả hai trường hợp, thật khó để dự kiến một thế giới cởi mở tạo không gian cho mọi người, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất, và biểu lộ lòng tôn trọng đối với các nền văn hóa khác nhau.
Người được lòng dân và người dân túy
156. Trong những năm gần đây, chữ "dân túy chủ nghĩa" và "người dân túy" đã xâm nhập vào các phương tiện truyền thông và chuyện trò hàng ngày. Kết quả là, chúng đã mất đi bất cứ giá trị nào mà chúng có thể có, và trở thành một nguồn phân cực khác nữa trong một xã hội vốn đã chia rẽ. Các cố gắng đã được đưa ra để phân loại toàn bộ các dân tộc, các nhóm, các xã hội và chính phủ như là "dân túy" hoặc không. Ngày nay, việc bày tỏ quan điểm về bất cứ chủ đề nào mà không bị phân loại cách này hay cách khác đã trở nên bất khả, một là bị mất uy tín một cách bất công hai là được tung hô tận trời xanh.
157. Mưu toan coi chủ nghĩa dân túy như chìa khóa giải thích thực tại xã hội có vấn đề một cách khác: nó coi thường ý nghĩa chính đáng của hạn từ "nhân dân". Bất cứ cố gắng nào nhằm loại bỏ khái niệm này khỏi cách nói thông thường có thể dẫn đến việc loại bỏ chính khái niệm dân chủ như là "chính phủ do nhân dân". Nếu chúng ta muốn duy trì việc cho rằng xã hội không chỉ là một tập hợp đơn thuần các cá nhân, thì thuật ngữ "nhân dân" là điều chứng tỏ cần thiết. Có những hiện tượng xã hội tạo ra các khối đa số, cũng như các xu hướng lớn và các khát vọng cộng đồng. Những người đàn ông và đàn bà có khả năng đưa ra những mục tiêu chung vượt lên trên các khác biệt của họ và do đó có thể tham gia vào một nỗ lực chung. Rồi nữa, sẽ rất khó thực hiện một dự án dài hạn trừ khi nó trở thành một nguyện vọng tập thể. Tất cả các nhân tố này nằm phía sau việc chúng ta sử dụng các từ ngữ "nhân dân" và "được lòng dân". Trừ khi chúng được xem xét - cùng với một việc phê bình đúng đắn về trò mị dân - một khía cạnh căn bản của thực tại xã hội sẽ bị làm ngơ.
158. Ở đây, có thể có một sự hiểu lầm. "'Nhân dân'không phải là một phạm trù luận lý học, cũng không phải là một phạm trù huyền bí, nếu qua đó chúng ta muốn nói rằng mọi sự nhân dân làm đều tốt cả, hoặc nhân dân là một thực tại'thiên thần'. Ðúng hơn, nó là một phạm trù huyền thoại... Khi giải thích điều bạn muốn nói qua hạn từ nhân dân, bạn phải sử dụng các phạm trù luận lý học để giải thích, và nhất thiết phải như vậy. Tuy nhiên, theo cách đó, bạn không thể giải thích ý nghĩa của việc thuộc về một dân tộc. Hạn từ 'dân tộc' có một ý nghĩa sâu sắc hơn không thể phát biểu bằng các thuật ngữ luận lý học thuần túy. Trở thành một phần của dân tộc là trở thành một phần của bản sắc chung phát sinh từ các dây liên kết xã hội và văn hóa. Và đó không phải là một cái điều tự động, mà là một diễn trình chậm chạp, khó khăn... tiến tới một dự án chung"[132].
159. Quả có các nhà lãnh đạo "được lòng dân", những người có khả năng giải thích cảm quan và động lực văn hóa của một dân tộc, và các xu hướng quan trọng trong xã hội. Việc phục vụ mà họ cung cấp trong cố gắng hợp nhất và lãnh đạo có thể trở thành nền tảng cho một viễn kiến lâu dài nhằm biến đổi và tăng trưởng, vốn cũng bao gồm việc dành chỗ cho những người khác trong việc theo đuổi lợi ích chung. Nhưng điều này có thể thoái hóa thành một "chủ nghĩa dân túy" không lành mạnh khi các cá nhân có thể khai thác về chính trị nền văn hóa của một dân tộc, dưới bất cứ hình thức ý thức hệ nào, vì lợi thế bản thân của họ hoặc để tiếp tục nắm quyền. Hoặc khi, trong những lúc khác, họ tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách kêu gọi những khuynh hướng đê hèn và ích kỷ nhất của một số thành phần dân chúng. Ðiều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi, bất cứ dưới hình thức thô thiển hay tinh vi hơn, nó dẫn đến việc tiếm đoạt các định chế và luật lệ.
160. Các nhóm dân túy khép kín bóp méo hạn từ "nhân dân", vì họ không nói về một nhân dân chân chính. Khái niệm "nhân dân" trên thực tế là một khái niệm bỏ ngỏ (open-ended). Một nhân dân sống động và năng động, một nhân dân có tương lai, là một nhân dân không ngừng cởi mở đón nhận một tổng hợp mới qua khả năng chào đón các khác biệt. Bằng cách này, nó không phủ nhận bản sắc riêng của nó, nhưng cởi mở đối với việc được vận động, được thách thức, được mở rộng và làm giàu bởi những người khác, và do đó được tăng trưởng và phát triển hơn nữa.
161. Một dấu hiệu khác cho thấy sự suy giảm của khả năng lãnh đạo được lòng dân là quan tâm tới lợi thế ngắn hạn. Một lợi thế thoả mãn đòi hỏi thu được nhiều phiếu bầu hay sự ủng hộ hơn, nhưng không thúc đẩy, bằng một nỗ lực gian khổ và liên tục, việc tạo ra các nguồn tài nguyên mà nhân dân cần để phát triển và kiếm sống bằng chính nỗ lực và óc sáng tạo của họ. Về phương diện này, tôi đã nói rõ rằng "Tôi không có ý định đề xướng một chủ nghĩa dân túy vô trách nhiệm nào"[133]. Xóa bỏ bất bình đẳng đòi hỏi một việc tăng trưởng kinh tế có khả năng giúp khai thác tiềm năng của từng khu vực và do đó bảo đảm sự bình đẳng lâu dài[134]. Ðồng thời, điều tiếp theo là "dự án phúc lợi, vốn đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nào đó, chỉ nên được coi như các đáp ứng tạm thời"[135].
162. Vấn đề lớn nhất là việc làm. Ðiều thực sự "được lòng dân" - vì nó cổ vũ lợi ích của nhân dân - là cung cấp cho mọi người cơ hội để nuôi dưỡng những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo vào mỗi người chúng ta: các tài năng, sáng kiến và nguồn lực bẩm sinh của chúng ta. Ðây là sự giúp đỡ tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể dành cho người nghèo, con đường tốt nhất để có một cuộc sống hợp nhân phẩm. Do đó, tôi xin nhấn mạnh rằng, "giúp đỡ người nghèo về mặt tài chính luôn phải là một giải pháp tạm thời trước những nhu cầu cấp bách. Mục tiêu rộng lớn hơn luôn phải là giúp họ có một cuộc sống xứng đáng qua việc làm"[136]. Vì các hệ thống sản xuất có thể thay đổi, nên các hệ thống chính trị phải tiếp tục hoạt động để cấu trúc xã hội theo cách mọi người đều có cơ hội đóng góp tài năng và nỗ lực của riêng mình. Vì "không có cái nghèo nào tồi tệ hơn cái nghèo lấy mất việc làm và phẩm giá của việc làm"[137]. Trong một xã hội phát triển thực sự, việc làm là một chiều kích thiết yếu của đời sống xã hội, vì nó không những là phương tiện kiếm cơm hàng ngày mà còn là phương tiện phát triển bản thân, xây dựng các mối tương quan lành mạnh, tự phát biểu bản thân và trao đổi các thiên phú. Việc làm đem lại cho chúng ta ý thức về trách nhiệm chung đối với việc phát triển thế giới, và cuối cùng, đối với cuộc sống của chúng ta như một dân tộc.
Lợi ích và giới hạn của các phương thức tự do
163. Khái niệm "nhân dân", một khái niệm tự nhiên bao hàm quan điểm tích cực về các mối liên kết cộng đồng và văn hóa, thường bị các phương thức tự do của chủ nghĩa cá nhân bác bỏ; các phương thức này vốn coi xã hội chỉ là tổng số các lợi ích cùng sống chung với nhau. Người ta nói tới việc tôn trọng tự do, nhưng không có gốc rễ trong một trình thuật chung; trong một số bối cảnh nào đó, những người bênh vực quyền lợi của những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội có xu hướng bị chỉ trích là những người theo chủ nghĩa dân túy. Ý niệm nhân dân bị coi như một cấu trúc trừu tượng, một điều không thực sự hiện hữu. Nhưng điều này tạo ra một lưỡng phân (dichotomy) không cần thiết. Cũng không thể coi khái niệm "nhân dân" hay "người lân cận" chỉ thuần túy có tính trừu tượng hay lãng mạn, đến nỗi việc tổ chức xã hội, khoa học và các định chế công dân có thể bị bác bỏ hoặc bị đối xử một cách khinh miệt[138].
164. Mặt khác, đức ái hợp nhất cả hai chiều kích - trừu tượng và định chế - vì nó đòi hỏi một diễn trình hữu hiệu thay đổi lịch sử bao trùm mọi sự: các định chế, luật pháp, kỹ thuật, kinh nghiệm, chuyên môn nghề nghiệp, phân tích khoa học, thủ tục hành chính, và vân vân. Ðối với vấn đề đó, "cuộc sống riêng tư không thể hiện hữu trừ khi nó được bảo vệ bởi trật tự công cộng. Mái ấm gia đạo sẽ không có hơi ấm thực sự trừ khi nó được bảo vệ bởi luật pháp, bởi một trạng thái yên bình dựa trên luật pháp, và được hưởng mức an sinh tối thiểu được bảo đảm bởi sự phân công lao động, trao đổi thương mại, công bằng xã hội và quyền công dân chính trị"[139].
165. Lòng bác ái chân chính có khả năng kết hợp tất cả các yếu tố này trong mối quan tâm của nó đối với người khác. Trong trường hợp gặp gỡ bản thân, kể cả những cuộc gặp gỡ liên quan đến anh / chị / em ở xa hoặc bị lãng quên, nó có thể làm như vậy nhờ biết sử dụng mọi tài nguyên mà các định chế của một xã hội có tổ chức, tự do và sáng tạo có khả năng tạo ra. Chẳng hạn, ngay cả Người Samaritanô nhân hậu cũng cần có một quán trọ gần đó để có thể cung cấp sự giúp đỡ mà bản thân ông không thể cung cấp. Tình yêu người lân cận có tính cụ thể và không lãng phí bất cứ nguồn tài nguyên nào cần thiết cho việc mang lại thay đổi có tính lịch sử có thể sinh lợi ích cho người nghèo và người bị thiệt thòi. Tuy nhiên, đôi khi, các ý thức hệ cánh tả hoặc các học thuyết xã hội liên kết với phương thức hành động cá nhân chủ nghĩa và các thủ tục không hữu hiệu chỉ ảnh hưởng đến một số ít người, trong khi phần lớn những người bị bỏ quên vẫn phải phụ thuộc vào thiện chí của những người khác. Ðiều này chứng tỏ sự cần thiết phải có một tinh thần huynh đệ lớn hơn, nhưng cũng cần một tổ chức thế giới hữu hiệu hơn nhằm giải quyết các vấn đề đang gây họa cho những người bị bỏ rơi đang đau khổ và ngắc ngoải ở các nước nghèo. Nó cũng cho thấy sẽ không có một giải pháp nào, không có một phương pháp luận duy nhất có thể chấp nhận nào, không có một công thức kinh tế nào có thể được áp dụng một cách không phân biệt cho mọi người. Ngay các nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt nhất cũng chỉ có thể đề xướng các hướng hành động khác nhau.
166. Vậy thì, mọi sự đều phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc nhìn thấy sự cần thiết phải thay đổi tâm hồn, thái độ và lối sống. Nếu không, các tuyên truyền chính trị, các phương tiện truyền thông và những người lên khuôn công luận sẽ tiếp tục cổ vũ một nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa và không phê phán, lệ thuộc lợi ích kinh tế và định chế xã hội không bị kiểm soát nhằm phục vụ những người đã được hưởng quá nhiều quyền lực. Những lời chỉ trích của tôi về mô hình kỹ trị không chỉ đơn giản nghĩ rằng nếu chúng ta kiểm soát được các thái quá của nó thì mọi sự sẽ yên ổn. Nguy cơ lớn hơn không phát sinh từ các đối tượng chuyên biệt, các thực tại hoặc thể chế vật chất, mà từ cách chúng được sử dụng. Nó liên quan đến sự yếu đuối của con người, xu hướng ưa thích ích kỷ vốn là một phần của điều mà truyền thống Kitô giáo gọi là "tư dục": khuynh hướng nhân bản chỉ quan tâm đến bản thân tôi, nhóm của tôi, những quyền lợi nhỏ nhen của riêng tôi. Tư dục không phải là một thiếu sót chỉ giới hạn ở thời đại của chúng ta. Nó đã có mặt từ thuở sơ khai của loài người, và chỉ thay đổi và mặc lấy những hình thức khác nhau qua các thời đại, sử dụng bất cứ phương tiện nào mà mỗi khoảnh khắc lịch sử có thể cung cấp. Tuy nhiên, tự dục có thể được khắc phục với sự giúp đỡ của Thiên Chúa.
167. Giáo dục và dưỡng dục, việc quan tâm đến người khác, một cái nhìn được tổng hợp tốt về cuộc sống và sự phát triển tinh thần: tất cả những điều này đều có tính thiết yếu đối với các mối tương quan nhân bản có phẩm chất cao và đối với việc tạo điều kiện để chính xã hội phản ứng lại những bất công, sai lệch và lạm dụng kinh tế, kỹ thuật, chính trị và quyền lực truyền thông. Một số phương thức tự do làm ngơ nhân tố này về sự yếu kém của con người; chúng dự kiến một thế giới tuân theo một trật tự đã định sẵn và tự nó có khả năng bảo đảm một tương lai tươi sáng và cung cấp các giải pháp cho mọi vấn đề.
168. Thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề, bất kể chúng ta thường được yêu cầu tin vào tín điều này của niềm tin tân tự do. Bất chấp thử thách là chi, trường phái tư tưởng nghèo nàn và lặp đi lặp lại này luôn đưa ra những công thức giống y như nhau. Chủ nghĩa tân tự do chỉ tự tái tạo mình bằng cách sử dụng các lý thuyết ma thuật "chẩy tràn" hoặc "nhỏ giọt" - mà không dùng đến tên - như một giải pháp duy nhất cho các vấn đề xã hội. Nó ít đánh giá được thực tại này là điều được cho là "chẩy tràn" không giải quyết được sự bất bình đẳng từng phát sinh ra các hình thức bạo lực mới đe dọa chính kết cấu của xã hội. Nhất thiết phải có một chính sách kinh tế chủ động nhằm "cổ vũ một nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho tính đa dạng chế tác và tính sáng tạo kinh doanh"[140] và tạo khả thể cho việc làm được tạo ra chứ không bị cắt giảm. Ðầu cơ tài chính, trong căn bản, nhằm thu lợi nhuận nhanh chóng tiếp tục gây tàn phá. Thật vậy, "nếu không có các hình thức liên đới nội bộ và tin cậy lẫn nhau, thị trường không thể hoàn thành đầy đủ chức năng kinh tế riêng của nó. Và ngày nay sự tin tưởng này đã không còn hiện hữu"[141]. Câu chuyện không kết thúc như dự kiến của nó, và các công thức giáo điều của lý thuyết kinh tế hiện hành được chứng tỏ không phải là không sai lầm. Tính mong manh của các hệ thống thế giới khi đối đầu với đại dịch đã chứng tỏ rằng không phải mọi sự đều có thể được giải quyết bằng tự do thị trường. Nó cũng chứng tỏ rằng, ngoài việc khôi phục một đời sống chính trị lành mạnh không bị chi phối bởi lệnh lạc tài chính, "chúng ta phải đặt nhân phẩm trở lại trung tâm và trên trụ cột đó, xây dựng các cấu trúc xã hội thay thế mà chúng ta vốn cần đến"[142].
169. Thí dụ, trong một số phương thức kinh tế khép kín và đơn sắc, dường như không có chỗ cho các phong trào bình dân nhằm kết hợp những người thất nghiệp, lao động tạm thời và phi chính thức và nhiều người khác không dễ dàng tìm được chỗ đứng trong các cơ cấu hiện có. Tuy nhiên, những phong trào đó quản lý nhiều hình thức kinh tế bình dân và sản xuất cộng đồng. Ðiều cần là một mô hình tham gia xã hội, chính trị và kinh tế "có thể bao gồm các phong trào bình dân và tiếp thêm sức mạnh cho các cơ cấu quản lý địa phương, quốc gia và quốc tế với luồng năng lực đạo đức phát sinh từ việc bao gồm cả những người bị loại trừ trong việc xây dựng một vận mệnh chung", trong khi cũng bảo đảm để "những kinh nghiệm liên đới lớn lên từ bên dưới, từ tầng đất cái (subsoil) của hành tinh - có thể đến với nhau, được phối hợp nhiều hơn, tiếp tục gặp gỡ nhau"[143]. Tuy nhiên, điều này phải xảy ra một cách không phản bội cách hoạt động khác biệt của họ như "những người gieo rắc thay đổi, cổ vũ một diễn trình bao gồm hàng triệu hành động, lớn và nhỏ, đan xen một cách sáng tạo như lời lẽ trong một bài thơ"[144]. Theo nghĩa này, những phong trào như vậy là "những nhà thơ xã hội", theo cách riêng của họ, đã làm việc, đề xướng, cổ vũ và giải phóng. Họ giúp làm cho khả hữu một sự phát triển con người toàn diện vượt ra ngoài "ý niệm coi các chính sách xã hội như chính sách cho người nghèo, chứ không bao giờ với người nghèo và không bao giờ của người nghèo, càng không như một phần của dự án nhằm tái hợp nhất mọi người"[145]. Họ có thể gấy rắc rối, và một số "lý thuyết gia" có thể khó phân loại được họ, nhưng chúng ta phải tìm đủ can đảm để thừa nhận rằng, nếu không có họ, "dân chủ sẽ teo tóp, biến thành một hạn từ đơn thuần, một lề thói; nó mất đi đặc tính đại diện của nó và trở thánh thất thân, vì nó bỏ rơi con người trong cuộc đấu tranh hàng ngày giành phẩm giá, trong việc xây dựng tương lai của họ".
Quyền Lực Quốc Tế
170. Một lần nữa tôi cho rằng "cuộc khủng hoảng tài chính 2007-08 đã cung cấp cơ hội để phát triển một nền kinh tế mới, chú ý nhiều hơn đến các nguyên tắc đạo đức và nhiều cách thức mới để điều chỉnh các thực hành tài chính đầu cơ và của cải ảo. Nhưng phản ứng đối với cuộc khủng hoảng không bao gồm việc xem xét lại các tiêu chuẩn lỗi thời vẫn tiếp tục thống trị thế giới"[147]. Thật vậy, có vẻ như các chiến lược thực tế được phát triển khắp thế giới sau cuộc khủng hoảng đã cổ vũ chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, ít hội nhập hơn và tăng cường tự do cho những người thực sự có quyền lực, những người luôn tìm cách trốn thoát mà không hề hấn chi.
171. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng "dành cho mỗi người phần của họ - trích dẫn định nghĩa cổ điển về công lý - có nghĩa là không một cá nhân hay nhóm người nào có thể coi mình là tuyệt đối, có quyền phớt lờ phẩm giá và quyền lợi của các cá nhân khác hoặc các nhóm xã hội của họ. Sự phân bổ hữu hiệu quyền lực (nhất là quyền lực chính trị, kinh tế, quốc phòng và kỹ thuật) giữa tính đa nguyên của nhiều chủ thể và việc tạo ra một hệ thống pháp lý để điều chỉnh các yêu sách và quyền lợi, là một trong những cách cụ thể để hạn chế quyền lực. Tuy nhiên, thế giới ngày nay trình bầy với chúng ta nhiều quyền lợi sai lầm và - đồng thời - nhiều bộ phận to lớn dễ bị tổn thương, nạn nhân của quyền lực bị thi hành một cách tồi tệ"[148].
172. Thế kỷ XXI "đang chứng kiến sự suy yếu quyền lực của các nhà nước quốc gia, chủ yếu vì các bộ phận kinh tế và tài chính, vốn có tính đa quốc gia, có xu hướng lấn lướt bộ phận chính trị. Trước tình hình đó, điều chủ yếu là thiết kế các định chế quốc tế được tổ chức mạnh mẽ và hữu hiệu hơn, với các viên chức được bổ nhiệm một cách công bằng theo thỏa thuận giữa các chính phủ quốc gia và được quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt"[149]. Khi chúng ta nói tới việc có thể có một số hình thức thẩm quyền thế giới được luật pháp quy định[150], chúng ta không nhất thiết phải nghĩ đến một thẩm quyền cá nhân. Tuy nhiên, một cơ quan như vậy ít nhất phải cổ vũ các cơ quan thế giới hữu hiệu hơn, được trang bị quyền được cung ứng cho lợi ích chung hoàn cầu, xóa bỏ đói nghèo và bảo vệ chắc chắn các nhân quyền căn bản.
173. Về khía cạnh này, tôi cũng xin lưu ý sự cần thiết phải cải tổ "Cơ quan Liên hiệp quốc, cũng như các định chế kinh tế và tài chính quốc tế tương tự, để khái niệm gia đình các quốc gia có thể có được thực tại"[151]. Không cần phải nói, điều này đòi hỏi phải có những giới hạn pháp lý rõ ràng để tránh quyền lực chỉ được đồng chọn bởi một số quốc gia và ngăn chặn những áp đặt văn hóa hoặc hạn chế các quyền tự do căn bản của các quốc gia yếu hơn trên cơ sở các khác biệt ý thức hệ. Vì "cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý được thành lập dựa trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không bị ràng buộc bởi một sự phụ thuộc đến phủ nhận hoặc hạn chế sự độc lập của quốc gia đó"[152]. Ðồng thời, "công việc của Liên hiệp quốc, theo các nguyên tắc nêu trong Lời mở đầu và các Ðiều khoản đầu tiên của Hiến chương thành lập, có thể được coi như sự phát triển và cổ vũ việc thượng tôn pháp luật, dựa trên việc nhận ra rằng công lý là điều kiện thiết yếu để đạt được lý tưởng huynh đệ phổ quát... Cần phải bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật không bị thách thức và không mệt mỏi sử dụng thương lượng, hòa giải và trọng tài, như Hiến chương Liên hiệp quốc đã đề xướng, những điều vốn thực sự tạo nên một qui phạm pháp lý nền tảng"[153]. Cần phải ngăn chặn việc Cơ quan này bị phi hợp pháp hóa, vì các vấn đề và thiếu sót của nó có thể được cùng nhau bàn thảo và giải quyết.
174. Lòng can đảm và sự rộng lượng là những điều cần thiết để tự do thiết lập các mục tiêu chung và bảo đảm việc tuân thủ khắp thế giới các chuẩn mực thiết yếu nào đó. Ðể điều này thực sự hữu ích, điều cần thiết là phải đề cao "sự cần thiết phải trung thành với các thỏa thuận đã được ký kết (pacta sunt servanda [các hiệp định phải được phục vụ])"[154], và tránh "cơn cám dỗ muốn nại tới luật sức mạnh hơn là sức mạnh của luật"[155]. Ðiều này có nghĩa phải củng cố "các công cụ có tính quy phạm để giải quyết hòa bình các tranh cãi... để tăng cường phạm vi và sức trói buộc của chúng"[156]. Trong số các công cụ có tính quy phạm này, nên dành ưu tiên cho các hiệp định đa phương giữa các quốc gia, vì, hơn các hiệp định song phương, các hiệp định này bảo đảm việc cổ vũ một lợi ích chung thực sự phổ quát và bảo vệ các quốc gia yếu hơn.
175. Nhờ Chúa quan phòng, nhiều nhóm và tổ chức trong xã hội dân sự giúp bù đắp các thiếu sót của cộng đồng quốc tế, sự thiếu phối hợp của nó trong các tình huống phức tạp, sự thiếu quan tâm của nó đến các nhân quyền căn bản và các nhu cầu thiết yếu của một số nhóm nào đó. Ở đây, chúng ta có thể thấy một ứng dụng cụ thể của nguyên tắc phụ đới, một nguyên tắc biện minh cho sự tham gia và hoạt động của các cộng đồng và tổ chức ở cấp thấp hơn như một phương tiện để tích hợp và bổ sung cho hoạt động của nhà nước. Các nhóm và tổ chức này thường thực hiện những nỗ lực đáng khen ngợi trong việc phục vụ lợi ích chung và các thành viên của họ đôi khi chứng tỏ một tính anh hùng thực sự, cho thấy một điều gì đó vĩ đại mà nhân loại của chúng ta vẫn còn có khả năng thực hiện.
Bác Ái Xã Hội Và Chính Trị
176. Ðối với nhiều người ngày nay, chính trị là một chữ gây khó chịu, thường là vì các sai lầm, tham nhũng và kém hiệu quả của một số chính trị gia. Cũng có những cố gắng làm mất uy tín chính trị, thay thế nó bằng kinh tế học hoặc bóp méo nó thành ý thức hệ này hay ý thức hệ nọ. Tuy nhiên, liệu thế giới của chúng ta có thể hoạt động mà không cần tới chính trị hay không? Liệu có thể có một diễn trình tăng trưởng hữu hiệu hướng tới tình huynh đệ phổ quát và hòa bình xã hội mà không cần một sinh hoạt chính trị lành mạnh hay không?[157].
Nền chính trị chúng ta cần
177. Ở đây một lần nữa tôi xin nhận xét rằng "chính trị không nên phụ thuộc kinh tế, mà kinh tế cũng không nên phụ thuộc sự sai khiến của một mô hình kỹ trị dựa trên hiệu năng"[158]. Mặc dù rõ ràng phải bác bỏ việc lạm dụng quyền lực, tham nhũng, coi thường luật pháp và thiếu hiệu năng, nhưng "kinh tế mà không có chính trị thì không thể biện minh, vì điều này sẽ khiến chúng ta không thể ủng hộ các cách khác trong việc xử lý các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng hiện nay"[159]. Thay vào đó, "điều cần thiết là một nền chính trị có tầm nhìn xa và có khả năng thực hiện một phương thức mới, toàn diện và liên ngành để xử lý các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng"[160]. Nói cách khác, một "nền chính trị lành mạnh... có khả năng cải cách và phối hợp các định chế, cổ vũ các thực hành tốt nhất và vượt qua áp lực không xứng đáng và sức trì trệ bàn giấy"[161]. Chúng ta không thể mong đợi kinh tế làm được điều này, cũng như không thể cho phép kinh tế tiếp quản quyền lực thực sự của nhà nước.
178. Trước nhiều hình thức chính trị nhỏ mọn chi biết tập chú vào lợi ích trước mắt, tôi xin nhắc lại rằng "nghệ thuật lãnh đạo đất nước chân thực được biểu lộ rõ ràng khi, trong những thời điểm khó khăn, chúng ta đề cao các nguyên tắc cao cả và nghĩ đến lợi ích chung lâu dài. Các thế lực chính trị không thấy việc đảm nhận nhiệm vụ này trong công cuộc xây dựng đất nước là chuyện dễ dàng" [162], càng không dễ dàng trong việc tạo dựng một dự án chung cho gia đình nhân loại, ngay lúc này và trong tương lai. Nghĩ tới những người sẽ đến sau chúng ta không phục vụ mục đích bầu cử, nhưng đó là điều công lý chân chính đòi hỏi. Như các Giám mục Bồ Ðào Nha từng dạy, trái đất "là một vay mượn mà mỗi thế hệ đã tiếp nhận để trao lại cho thế hệ đến sau"[163].
179. Xã hội hoàn cầu đang mắc phải những khiếm khuyết nghiêm trọng về cơ cấu, những khiếm khuyết không thể giải quyết bằng các giải pháp từng phần hoặc sửa chữa nhanh chóng. Nhiều điều cần phải thay đổi, qua cải cách từ nền tảng và canh tân lớn lao. Chỉ một nền chính trị lành mạnh, bao gồm phần lớn các lĩnh vực và kỹ năng đa dạng nhất, mới có khả năng giám sát diễn trình này. Nền kinh tế nào chịu làm một bộ phận tạo thành chương trình chính trị, xã hội, văn hóa và đại chúng hướng đến lợi ích chung mới có thể mở đường cho "những khả thể khác nhau không liên quan đến việc ngăn cản óc sáng tạo của con người và các lý tưởng tiến bộ của nó, nhưng đúng hơn liên quan đến việc hướng năng lực đó theo những đường hướng mới"[164].
Tình yêu chính trị
180. Thừa nhận rằng mọi người đều là anh chị em của chúng ta, và tìm kiếm các hình thức hữu nghị xã hội bao gồm mọi người, không phải chỉ là điều không tưởng. Nó đòi hỏi một cam kết cương quyết để thiết kế ra các phương tiện hữu hiệu cho mục đích này. Mọi nỗ lực theo những đường hướng này đều trở thành một việc thực thi đức ái cao thượng. Vì trong khi các cá nhân có thể giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn, khi họ cùng tham gia vào việc khởi xướng các tiến trình xã hội cổ vũ tình huynh đệ và công bằng cho mọi người, họ quả tình đã bước vào "lĩnh vực bác ái ở bình diện rộng lớn nhất, tức bác ái chính trị"[165]. Ðiều này bao hàm việc ta phải làm việc cho một trật tự xã hội và chính trị mà linh hồn của nó chính là đức bác ái xã hội[166]. Một lần nữa, tôi xin kêu gọi sự đánh giá lại chính trị như "một ơn gọi cao cả và như một trong những hình thức bác ái cao nhất, vì nó tìm kiếm lợi ích chung"[167].
181. Mọi cam kết được gợi hứng bởi học thuyết xã hội của Giáo hội đều "phát xuất từ lòng bác ái, một lòng bác ái, theo lời dạy của Chúa Giêsu, vốn là tổng hợp của toàn bộ Lề luật (x. Mt 22: 36-40)"[168]. Ðiều này có nghĩa thừa nhận rằng "tình yêu, tràn ngập những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt lẫn nhau, cũng mang tính dân sự và chính trị, và nó thể hiện trong mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn"[169]. Vì lý do này, lòng bác ái được phát biểu không những trong các mối liên hệ gần gũi và thân thiết mà còn trong "các mối liên hệ vĩ mô: có tính xã hội, kinh tế và chính trị"[170].
182. Lòng bác ái chính trị này phát sinh từ một ý thức xã hội vượt lên trên mọi tư duy cá nhân chủ nghĩa: "Lòng bác ái xã hội làm cho chúng ta yêu công ích', nó khiến chúng ta tìm kiếm một cách hữu hiệu lợi ích của mọi người, được coi không những như các cá nhân hay tư nhân, mà còn trong chiều kích xã hội nhằm hợp nhất họ"[171]. Mỗi chúng ta hoàn toàn là một con người khi chúng ta là một phần của một dân tộc; đồng thời, không có dân tộc nào mà không tôn trọng cá tính riêng của mỗi con người. "Dân tộc" và "con người" là các thuật ngữ có tương quan qua lại với nhau. Tuy nhiên, ngày nay đang có những mưu toan nhằm giản lược con người thành những cá nhân cô lập dễ bị thao túng bởi các quyền lực chỉ biết theo đuổi lợi ích giả mạo. Nền chính trị tốt sẽ tìm cách xây dựng các cộng đồng ở mọi bình diện của đời sống xã hội, nhằm điều chỉnh và định hướng lại việc hoàn cầu hóa và do đó tránh được những hậu quả phá hoại nó.
Tình yêu hữu hiệu
183. "Tình yêu xã hội"[172] làm cho chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy được kêu gọi tiến vào. Lòng bác ái, với sự thúc đẩy của nó hướng tới tính phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới[173]. Không phải là thứ tình cảm đơn thuần, nó là phương tiện tốt nhất để khám phá những nẻo đường hữu hiệu để mọi người phát triển. Tình yêu xã hội là một "sức mạnh có khả năng gây cảm hứng cho những cách thức mới trong việc tiếp cận các vấn đề của thế giới ngày nay, trong việc đổi mới một cách sâu sắc các cơ cấu, các tổ chức xã hội và các hệ thống luật pháp từ bên trong"[174].
184. Bác ái nằm ở trung tâm mọi xã hội lành mạnh và cởi mở, tuy nhiên ngày nay "nó dễ bị bác bỏ như là không thích hợp để giải thích và đưa ra định hướng cho trách nhiệm đạo đức"[175]. Bác ái, khi đi kèm với cam kết đối với sự thật, không chỉ là cảm giác cá nhân, và do đó, không cần phải "trở thành mồi cho những cảm xúc và ý kiến chủ quan ngẫu nhiên"[176]. Thật vậy, mối liên hệ chặt chẽ của nó với chân lý cổ vũ tính phổ quát của nó và giữ cho nó khỏi bị "giới hạn trong một lĩnh vực hẹp hòi thiếu các mối liên hệ"[177]. Nếu không, nó sẽ bị "loại khỏi các kế hoạch và diễn trình cổ vũ sự phát triển con người ở phạm vi hoàn cầu, trong cuộc đối thoại giữa nhận thức và thực hành"[178]. Không có chân lý, xúc cảm thiếu nội dung liên hệ và xã hội. Sự cởi mở của bác ái đối với sự thật, do đó, bảo vệ nó khỏi "chủ nghĩa duy tín (fideism) vốn tước đoạt chiều kích nhân bản và phổ quát của nó"[179].
185. Bác ái cần ánh sáng của sự thật mà chúng ta không ngừng tìm kiếm. "Ánh sáng đó vừa là ánh sáng của lý trí vừa là ánh sáng của đức tin"[180], và không thừa nhận bất cứ hình thức nào của thuyết duy tương đối. Tuy nhiên, nó cũng tôn trọng sự phát triển của các ngành khoa học và sự đóng góp thiết yếu của chúng trong việc tìm ra các phương tiện chắc chắn nhất và thực tiễn nhất để đạt được các kết quả mong muốn. Vì khi lợi ích của người khác bị đe dọa, các ý định tốt mà thôi chưa đủ. Các cố gắng cụ thể phải được thực hiện để mang lại bất cứ điều gì họ và các quốc gia của họ cần để phát triển.
Thực Thi Tình Yêu Chính Trị
186. Có một loại tình yêu được "luận ra" (elicited): các hành vi của nó phát xuất trực tiếp từ nhân đức bác ái và hướng đến các cá nhân và dân tộc. Ngoài ra còn có một tình yêu thương "được truyền lệnh" (commanded), tự phát biểu qua các hành vi bác ái thúc đẩy người ta tạo ra nhiều định chế lành mạnh hơn, nhiều quy định công bằng hơn, nhiều cơ cấu hỗ trợ hơn[181]. Do đó, "đây là một hành động yêu thương cũng cần thiết không kém trong cố gắng tổ chức và cấu trúc xã hội để những người lân cận của mình không còn thấy họ trong cảnh nghèo đói nữa"[182]. Ðây là một hành động bác ái nhằm giúp đỡ ai đó đang đau khổ, nhưng nó cũng là một hành vi bác ái, ngay cả khi chúng ta không biết người đó, làm việc để thay đổi các điều kiện xã hội đã gây ra đau khổ cho họ. Nếu ai đó giúp người già qua sông, thì đó là một hành vi bác ái tốt đẹp. Mặt khác, chính trị gia nào xây dựng một cây cầu thì đấy cũng là một hành vi bác ái. Trong khi một người có thể giúp đỡ người khác bằng cách cung cấp cho họ một thứ gì đó để ăn, thì chính trị gia nào tạo ra một việc làm cho họ, đó cũng là thực hành một hình thức bác ái cao cả sẽ tôn vinh hoạt động chính trị của ông ta hay bà ta.
Các hy sinh phát sinh từ tình yêu
187. Lòng bác ái trên, vốn là trái tim thiêng liêng của chính trị, luôn là tình yêu thương ưu tiên hơn dành cho những người thiếu thốn nhất; nó nâng đỡ mọi điều chúng ta làm thay cho họ[183]. Chỉ một cái nhìn do lòng bác ái biến đổi mới có thể giúp nhân phẩm của người khác được công nhận và do đó, người nghèo được thừa nhận và đánh giá cao trong phẩm giá của họ, được tôn trọng trong bản sắc và nền văn hóa của họ, và do đó thực sự hòa nhập vào xã hội. Cái nhìn đó nằm ở trung tâm của tinh thần chính trị chân chính. Nó nhìn thấy những nẻo đường mở rộng khác với những nẻo đường của một chủ nghĩa thực dụng vô hồn. Nó khiến chúng ta nhận ra rằng "không thể giải quyết tai tiếng nghèo đói bằng cách cổ vũ các chiến lược ngăn chặn chỉ làm an lòng người nghèo và làm cho họ thuần phục và không gây tổn thương. Buồn biết bao khi chúng ta thấy, đằng sau những công việc được cho là có lòng vị tha, người khác kia bị thu gọn để chỉ còn là người thụ động"[184]. Ðiều cần thiết là những nẻo đường mới để họ tự phát biểu và tham gia vào xã hội. Giáo dục phục vụ những điều này bằng cách giúp mỗi con người có thể lên khuôn tương lai của chính họ. Ở đây nữa, chúng ta cũng thấy tầm quan trọng của nguyên tắc phụ đới, một nguyên tắc không thể tách rời khỏi nguyên tắc liên đới.
188. Những xem xét trên giúp chúng ta nhận ra nhu cầu cấp thiết phải chống lại tất cả những gì đe dọa hoặc vi phạm các nhân quyền căn bản. Các chính trị gia được kêu gọi "phục vụ nhu cầu của các cá nhân và các dân tộc. Phục vụ những người gặp khó khăn đòi hỏi sức mạnh và sự dịu dàng, cố gắng và sự quảng đại giữa một não trạng duy chức năng và tư hữu hóa vốn nhất thiết dẫn tới 'nền văn hóa vứt bỏ'... Ðiều này có nghĩa lãnh trách nhiệm đối với con người hiện tại với tình huống hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề và lo âu xao xuyến của họ, và có khả năng đem lại phẩm giá cho họ"[185]. Lẽ dĩ nhiên, nó cũng tạo ra một sinh hoạt mãnh liệt vì "tất cả phải... được thực hiện để bảo vệ cương vị xã hội và phẩm giá của con người"[186]. Các chính trị gia là những người hành động, những người xây dựng với các mục tiêu đầy tham vọng, được phú bẩm một tầm nhìn bao quát, thực tiễn và thực tế, nhìn quá bên kia biên giới của xứ sở họ. Mối quan tâm lớn nhất của chính trị gia không nên là những quan tâm gây ra bởi sự sụt giảm trong các cuộc thăm dò, mà bởi sự kiện không giải quyết một cách hữu hiệu "hiện tượng loại trừ kinh tế và xã hội, với những hậu quả đáng buồn của nó trong việc đối xử với con người, việc buôn bán các bộ phận và tế bào người, việc bóc lột tình dục trẻ em, lao động nô lệ, kể cả mại dâm, buôn bán ma túy và vũ khí, khủng bố và tội phạm quốc tế có tổ chức. Mức độ nghiêm trọng của những tình huống này, và con số sinh mạng vô tội bị chúng hy sinh lên đến mức, chúng ta phải tránh mọi cám dỗ muốn sa vào chủ nghĩa chiểu danh chỉ đưa ra các tuyên bố nhằm mang lại an tâm cho các lương tâm. Chúng ta cần lưu ý để các định chế của chúng ta thực sự hữu hiệu trong cuộc đấu tranh chống lại tất cả những tai họa này"[187]. Ta làm điều này bằng cách tận dụng một cách thông minh các nguồn tài nguyên to lớn do các tiến bộ kỹ thuật mang lại.
189. Chúng ta vẫn còn lâu mới có được một việc hoàn cầu hóa các nhân quyền căn bản nhất. Ðó là lý do tại sao chính trị thế giới cần phải biến việc xóa bỏ hữu hiệu nạn đói thành một trong những mục tiêu hàng đầu và cấp bách của nó. Thật vậy, "khi đầu cơ tài chính thao túng giá cả lương thực, coi nó như một loại hàng hóa khác, hàng triệu người phải đau khổ và chết vì đói. Ðồng thời, hàng tấn thức ăn bị vứt bỏ. Ðiều này tạo nên một tai tiếng thực sự. Nạn đói là một tội ác; thực phẩm là quyền bất khả chuyển nhượng" [188]. Thông thường, trong khi tiếp tục tranh cãi về ngữ nghĩa hoặc ý thức hệ, thì chúng ta đã để cho anh chị em của mình chết vì đói và khát, không nơi nương tựa hoặc không được chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh những nhu cầu căn bản vẫn chưa được đáp ứng này, buôn bán người còn biểu lộ một nguồn xấu hổ khác cho nhân loại, một nguồn mà nền chính trị quốc tế, vượt lên trên các diễn từ đẹp đẽ và các ý hướng tốt lành, không nên dung thứ nữa. Những điều này rất chủ yếu; chúng không thể được trì hoãn nữa.
Một tình yêu hòa nhập và hợp nhất
190. Bác ái chính trị còn được phát biểu qua tinh thần cởi mở đối với mọi người. Các nhà lãnh đạo chính phủ nên là những người đầu tiên thực hiện các hy sinh để cổ vũ cuộc gặp gỡ và tìm kiếm sự đồng thuận ít nhất trong một số vấn đề. Họ nên sẵn sàng lắng nghe các quan điểm khác và dành chỗ cho mọi người. Qua hy sinh và kiên nhẫn, họ có thể giúp tạo ra một thực tại đa diện đẹp đẽ, trong đó mọi người đều có chỗ đứng. Ở đây, các cuộc đàm phán kinh tế không hữu hiệu. Ta cần một điều khác nữa: trao đổi tài năng vì lợi ích chung. Nó có vẻ ngây thơ và không tưởng, nhưng chúng ta không thể từ bỏ mục tiêu cao cả này.
191. Vào thời điểm mà nhiều hình thức bất khoan dung cực đoan đang gây hại cho các mối liên hệ giữa các cá nhân, nhóm và dân tộc, chúng ta hãy cam kết sống và giảng dạy giá trị của việc tôn trọng người khác, của một tình yêu có khả năng chào đón các khác biệt, và dành ưu tiên cho phẩm giá mỗi con người hơn là các ý tưởng, quan điểm, thực hành và thậm chí cả tội lỗi của họ. Ngay cả khi các hình thức cuồng tín, sống khép kín và sự phân hóa xã hội và văn hóa ngày càng gia tăng trong xã hội ngày nay, một chính trị gia tốt sẽ đi bước trước và nhấn mạnh việc phải lắng nghe các tiếng nói khác nhau. Các bất đồng quan điểm có thể phát sinh ra xung đột, nhưng sự độc dạng đã được chứng tỏ là gây ngột ngạt và dẫn đến suy đồi văn hóa. Mong chúng ta không bằng lòng với việc bị đóng khung trong một thực tại bị phân mảnh.
192. Về nhía cạnh trên, Ðại Imam Ahmad Al-Tayyeb và tôi đã kêu gọi "các kiến trúc sư của chính sách quốc tế và nền kinh tế thế giới làm việc tích cực để truyền bá nền văn hóa khoan dung và chung sống trong hòa bình; can thiệp ở cơ hội sớm nhất để ngăn chặn việc đổ máu người vô tội"[189]. Khi một chính sách chuyên biệt gieo rắc sự thù hận và sợ hãi đối với các quốc gia khác nhân danh phúc lợi của quốc gia mình, thì cần phải quan tâm tới điều đó, để phản ứng kịp thời và ngay lập tức để điều chỉnh đường lối.
Tính Sinh Hoa Kết Trái Hơn Là Các Kết Quả
193. Ngoài hoạt động không mệt mỏi của họ, các chính trị gia cũng là những người đàn ông và những người đàn bà. Họ được mời gọi thực hành tình yêu trong các mối liên hệ liên ngã hàng ngày. Với tư cách là những con người, họ cần cân nhắc điều này "thế giới hiện đại, với những tiến bộ kỹ thuật của nó, có xu hướng ngày càng chức năng hóa việc thỏa mãn các mong muốn của con người, hiện được phân loại và phân chia giữa nhiều dịch vụ khác nhau. Càng ngày người ta càng ít được gọi bằng tên, càng ngày hữu thể độc nhất này càng ít được coi như một con người có những cảm xúc, nỗi khổ, vấn đề, niềm vui và gia đình của riêng họ. Bệnh tật của họ chỉ được biết đến để chữa trị, tài chính của họ chỉ cần lo chu cấp cho họ, việc họ không có nhà ở chỉ để cho họ nơi ở, các mong muốn tiêu khiển và giải trí của họ chỉ là để thỏa mãn chúng". Tuy nhiên, không bao giờ được quên rằng "việc yêu thương những con người tầm thường nhất như một người anh em, như thể không có ai khác trên thế giới này ngoài anh ta ra, không thể bị coi là lãng phí thời gian"[190].
194. Chính trị cũng phải dành chỗ cho tình yêu dịu dàng đối với người khác. "Dịu dàng là gì? Ðó là tình yêu đến gần và trở thành hiện thực. Một chuyển động bắt đầu từ trái tim của chúng ta rồi tiến qua mắt, tai và tay... Sự dịu dàng là con đường ưu tuyển của những người đàn ông và đàn bà mạnh mẽ, can đảm nhất"[191]. Giữa những lo lắng hàng ngày của đời sống chính trị, "những người nhỏ nhất, yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất phải đánh động trái tim của chúng ta: quả thật, họ có 'quyền' kêu gọi trái tim và linh hồn của chúng ta. Họ là anh chị em của chúng ta, và vì vậy chúng ta phải yêu thương và chăm sóc họ"[192].
195. Tất cả những điều này có thể giúp chúng ta nhận ra rằng điều quan trọng không phải là liên tục đạt được những kết quả lớn lao, vì những điều này không phải lúc nào cũng khả hữu. Trong hoạt động chính trị, chúng ta nên nhớ rằng, "bất kể dáng bề ngoài, mỗi người đều vô cùng thánh thiện và đáng được chúng ta yêu mến. Do đó, nếu tôi có thể giúp đỡ ít nhất một người để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, điều đó đã biện minh cho sự hiến dâng đời tôi. Ðược làm dân trung thành của Thiên Chúa quả là một điều tuyệt diệu. Chúng ta đạt được sự viên mãn khi chúng ta đạp đổ các bức tường và trái tim chúng ta tràn ngập những khuôn mặt và tên tuổi!"[193]. Những mục tiêu lớn trong mộng ước và kế hoạch của chúng ta có thể chỉ đạt được một phần. Tuy nhiên, bên kia điều này, những người yêu mến, và những người không còn coi chính trị chỉ đơn thuần là việc tìm kiếm quyền lực, "có thể chắc chắn rằng không một hành vi yêu thương nào của chúng ta, cũng như bất cứ hành vi quan tâm chân thành nào của chúng ta đối với người khác, bị mất đi. Không một hành vi yêu thương nào đối với Thiên Chúa sẽ mất đi, không một cố gắng quảng đại nào là vô nghĩa, không một sự chịu đựng đau đớn nào bị lãng phí. Tất cả những điều này bao bọc thế giới của chúng ta như một sinh lực"[194].
196. Vì lý do này, đặt niềm hy vọng của chúng ta vào sức mạnh tiềm ẩn của những hạt giống tốt lành mà chúng ta gieo, và do đó, khởi diễn các diễn trình mà thành quả của chúng sẽ được những người khác gặt hái là một điều thật sự cao thượng. Nền chính trị tốt kết hợp tình yêu với lòng hy vọng và với niềm tin vào kho lòng tốt vốn hiện diện trong trái tim con người. Thật vậy, "đời sống chính trị chân chính, được xây dựng trên việc tôn trọng luật pháp và đối thoại thẳng thắn giữa các cá nhân, liên tục được đổi mới bất cứ khi nào có việc nhận ra rằng mọi người đàn bà và đàn ông, và mọi thế hệ mới, đều hứa hẹn mang tới các năng lực mới về liên hệ, trí thức, văn hóa và tâm linh"[195].
197. Nhìn cách trên, chính trị là một điều cao quý hơn là những trò làm dáng, tiếp thị và quay cuồng truyền thông. Những trò này không gieo rắc gì ngoài sự chia rẽ, xung đột và sự hoài nghi ảm đạm không thể huy động người ta theo đuổi một mục tiêu chung. Ðôi khi, lúc nghĩ đến tương lai, chúng ta nên tự hỏi bản thân, "Tại sao tôi lại làm điều này?", "Mục tiêu thực sự của tôi là gì?" Vì, với thời gian trôi qua, ngẫm lại quá khứ, những câu hỏi sẽ không phải là: "Có bao nhiêu người tán thành tôi?", "Bao nhiêu người đã bỏ phiếu cho tôi?", "Bao nhiêu người có hình ảnh tích cực về tôi?" Câu hỏi thực sự và có tiềm năng gây đau đớn sẽ là, "Tôi đã đặt bao nhiêu tình yêu vào công việc của mình?" "Tôi đã làm gì cho sự tiến bộ của nhân dân chúng ta?" "Tôi đã để lại dấu ấn gì trong đời sống xã hội?" "Tôi đã tạo ra những dây liên kết thực sự nào?" "Tôi đã giải phóng những sức mạnh tích cực nào?" "Tôi đã gieo bao nhiêu hòa bình xã hội?" "Tôi đã hoàn thành được điều gì tốt ở chức vụ tôi được giao phó?"
- - - - - - - - - - -
[132] ANTONIO SPADARO, S.J., Le orme di un pastore. Una conversazione con Papa Francesco, trong JORGE MARIO BERGOLIO - PAPA FRANCESCO, Nei tuoi occhi è la mia parola. Omelie e discorsi di Buenos Aires 1999-2013, Rizzoli, Milan 2016, XVI; xem Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 220-221: AAS 105 (2013), 1110-1111.
[133] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 204: AAS 105 (2013), 1106.
[134] Xem Ðã dẫn: AAS 105 (2013), 1105-1106.
[135] Ðã dẫn, 202: AAS 105 (2013), 1105.
[136] Thông điệp Laudato Si' (24 Tháng 5 2015), 128: AAS 107 (2015), 898.
[137] Diễn văn với Ngoại giao đoàn Bên cạnh Tòa Thánh (12 Tháng 1 2015): AAS 107 (2015), 165; cf. Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (28 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 851-859.
[138] Ðiểm tương tự cũng có thể đưa ra cho phạm trù Kinh Thánh Nước Thiên Chúa.
[139] PAUL RICOEUR, Histoire et Verité, ed. Le Seuil Paris, 1967, 122.
[140] Thông điệp Laudato Si' (24 Tháng 5 2015), 129: AAS 107 (2015), 899.
[141] Ðức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 35: AAS 101 (2009), 670.
[142] Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (28 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 858.
[143] Ðã dẫn.
[144] Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (5 Tháng 11 2016): L'Osservatore Romano, 7-8 Tháng 11 2016, pp. 4-5.
[145] Ðã dẫn.
[146] Ðã dẫn.
[147] Thông điệp Laudato Si' (24 Tháng 5 2015), 189: AAS 107 (2015), 922.
[148] Diễn văn với Các Thành viên của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, New York (25 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1037.
[149] Thông điệp Laudato Si' (24 Tháng 5 2015), 175: AAS 107 (2015), 916-917.
[150] Cf. BENEDICT XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 67: AAS 101 (2009), 700-701.
[151] Ðã dẫn: AAS 101 (2009), 700.
[152] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 434.
[153] Diễn văn với Các Thành viên của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, New York (25 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1037, 1041.
[154] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 437.
[155] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2004, 5: AAS 96 (2004), 117.
[156] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 439.
[157] Xem Ủy Ban Xã hội của Hội Ðồng Giám Mục Pháp, Tuyên ngôn Réhabiliter la Politique (17 Tháng 2 1999).
[158] Thông điệp Laudato Si' (24 Tháng 5 2015), 189: AAS 107 (2015), 922.
[159] Ðã dẫn, 196: AAS 107 (2015), 925.
[160] Ðã dẫn, 197: AAS 107 (2015), 925.
[161] Ðã dẫn, 181: AAS 107 (2015), 919.
[162] Ðã dẫn, 178: AAS 107 (2015), 918.
[163] Hội Ðồng Giám Mục Bồ đào nha, Thư Mục vụ Responsabilidade Solidária pelo Bem Comum (15 Tháng 9 2003), 20; cf. Thông điệp Laudato Si' (24 Tháng 5 2015), 159: AAS 107 (2015), 911.
[164] Thông điệp Laudato Si' (24 Tháng 5 2015), 191: AAS 107 (2015), 923.
[165] Ðức Piô XI, Diễn văn với Liên Ðoàn Sinh viên Ðại Học Công Giáo Ý (18 Tháng 12 1927): L'Osservatore Romano, 23 Tháng 12 1927, p. 3.
[166] Xem Ðã dẫn, Thông điệp Quadragesimo Anno (15 Tháng 5 1931): AAS 23 (1931), 206-207.
[167] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 205: AAS 105 (2013), 1106
[168] Ðức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[169] Thông điệp Laudato Si' (24 Tháng 5 2015), 231: AAS 107 (2015), 937.
[170] Ðức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[171] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 207.
[172] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (4 Tháng 3 1979), 15: AAS 71 (1979), 288.
[173] Xem Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26 Tháng 3 1967), 44: AAS 59 (1967), 279.
[174] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 207.
[175] Ðức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[176] Ðã dẫn, 3: AAS 101 (2009), 643.
[177] Ðã dẫn, 4: AAS 101 (2009), 643.
[178] Ðã dẫn.
[179] Ðã dẫn, 3: AAS 101 (2009), 643.
[180] Ðã dẫn: AAS 101 (2009), 642.
[181] Theo giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô, tín lý luân lý Công Giáo phân biệt giữa các hành vi "được luận ra" (elicited) và "được truyền lệnh" (commanded); xem Summa Theologiae, I-II, qq. 8-17; M. ZALBA, S.J., Theologiae Moralis Summa. Theologia Moralis Fundamentalis. Tractatus de Virtutibus Theologicis, ed. BAC, Madrid, 1952, vol. I, 69; A. ROYO MARÍN, Teología de la Perfección Cristiana, ed. BAC, Madrid, 1962, 192-196.
[182] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 208.
[183] Xem Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30 Tháng 12 1987), 42: AAS 80 (1988), 572-574; Thông điệp Centesimus Annus (1 Tháng 5 1991), 11: AAS 83 (1991), 806-807.
[184] Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (28 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 852.
185] Diễn văn với Nghị viện Âu Châu, Strasbourg (25 Tháng 11 2014): AAS 106 (2014), 999.
[186] Diễn văn tại cuộc Gặp gỡ với Nhà Cầm quyền và Ngoại giao đoàn tại Công Hòa Trung Phi, Bangui (29 Tháng 11 2015): AAS 107 (2015), 1320.
[187] Diễn văn với Liên Hiệp Quốc, New York (25 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1039.
[188] Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (28 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 853.
[189] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L'Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 6.
[190] RENÉ VOILLAUME, Frères de tous, ed. Cerf, Paris, 1968, 12-13.
[191] Thông điệp Video gửi Hội nghị TED ở Vancouver (26 Tháng 4 2017): L'Osservatore Romano, 27 Tháng 4 2017, p. 7.
[192] Yết kiến chung (18 Tháng 2 2015): L'Osservatore Romano, 19 Tháng 2 2015, p. 8.
[193] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 274: AAS 105 (2013), 1130.
[194] Ðã dẫn, 279: AAS 105 (2013), 1132.
[195] Thông điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2019 (8 Tháng 12 2018), 5: L'Osservatore Romano, 19 Tháng 12 2018, p. 8.