Thông Ðiệp Fratelli Tutti

Tất Cả Anh Em

của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô

(Bản dịch Việt ngữ của Vũ Văn An)

 

Chương 4

Trái Tim Mở Ra Toàn Thế Giới

 

128. Nếu xác tín cho rằng tất cả loài người là anh chị em không chỉ là một ý tưởng trừu tượng nhưng tìm được hiện thân cụ thể, thì nhiều vấn đề liên quan xuất hiện, buộc chúng ta phải nhìn sự việc dưới một ánh sáng mới và khai triển ra các đáp ứng mới.

Các Biên Giới Và Các Giới Hạn Của Chúng

129. Những thách thức phức tạp nảy sinh khi người hàng xóm của chúng ta tình cờ là một di dân[109]. Lý tưởng là tránh được việc di dân không cần thiết; điều này đòi hỏi phải tạo ra nơi các nước gốc những điều kiện cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng và một cuộc phát triển toàn diện. Tuy nhiên, cho đến khi mục tiêu này đạt được các tiến bộ đáng kể, chúng ta có nghĩa vụ tôn trọng quyền của mọi cá nhân tìm được một nơi có khả năng đáp ứng các nhu cầu căn bản của họ và của gia đình họ, và là nơi họ có thể tìm thấy sự viên mãn bản thân. Phản ứng của chúng ta đối với việc các di dân đến với chúng ta có thể được tóm tắt trong bốn chữ sau đây: chào đón, bảo vệ, phát huy và hòa nhập. Vì "đây không phải là trường hợp thực hiện các chương trình phúc lợi từ trên xuống, mà đúng hơn, là cùng đảm nhiệm một hành trình với nhau, qua bốn hành động này, để xây dựng các thành phố và quốc gia, những thực thể, trong khi bảo tồn bản sắc văn hóa và tôn giáo tương ứng của họ, cởi mở đối với các khác biệt và biết cách phát huy chúng trong tinh thần huynh đệ nhân bản"[110].

130. Ðiều này hàm ngụ việc thực hiện một số biện pháp không thể thiếu, đặc biệt là để đáp ứng những người đang chạy trốn các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Chúng ta có thể đưa ra một số điển hình: gia tăng và đơn giản hóa việc cấp thị thực xuất nhập cảnh; chuẩn nhận các chương trình tài trợ cá nhân và cộng đồng; mở các hành lang nhân đạo cho những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất; cung cấp nhà ở phù hợp và xứng đáng; đảm bảo an ninh cá nhân và tiếp cận các dịch vụ căn bản; bảo đảm sự trợ giúp thỏa đáng về lãnh sự và quyền được lưu giữ các giấy tờ tùy thân; tiếp cận công bằng với hệ thống tư pháp; khả thể mở tài khoản ngân hàng và bảo đảm mức tối thiểu cần thiết để sinh tồn; tự do đi lại và khả thể có việc làm; bảo vệ trẻ vị thành niên và bảo đảm để họ được tiếp cận giáo dục thường xuyên; cung cấp các chương trình giám hộ tạm tời hoặc tạm trú; bảo đảm tự do tôn giáo; cổ vũ việc hội nhập vào xã hội; hỗ trợ việc đoàn tụ gia đình; và chuẩn bị cho các cộng đồng địa phương cho diễn trình hội nhập[111].

131. Ðối với những người không phải là người mới đến và đã tham gia vào cơ cấu xã hội, điều quan trọng là phải áp dụng khái niệm "quyền công dân", một khái niệm vốn "dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, theo đó mọi người đều được hưởng công lý. Do đó, điều quan trọng là phải thiết lập trong các xã hội của chúng ta khái niệm về quyền công dân đầy đủ và bác bỏ việc sử dụng có tính kỳ thị thuật ngữ các nhóm thiểu số, vốn gây ra cảm giác cô lập và tự ti. Việc lạm dụng nó mở đường cho sự thù nghịch và bất hòa; nó hủy hoại bất cứ thành công nào và lấy đi các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân, những người do đó bị phân biệt đối xử"[112].

132. Ngay cả khi họ thực hiện các biện pháp thiết yếu như thế, các quốc gia không thể tự mình thực hiện các giải pháp thích hợp, "vì các hậu quả của các quyết định của mỗi quốc gia chắc chắn sẽ gây ra hậu quả đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế". Kết quả là, "đáp ứng của chúng ta chỉ có thể là kết quả của một cố gắng chung"[113] nhằm khai triển một hình thức quản trị hoàn cầu liên quan đến các phong trào di dân. Vì vậy, "cần có việc lên kế hoạch trung hạn và dài hạn không giới hạn vào các đáp ứng khẩn cấp mà thôi. Việc lập kế hoạch như thế cần bao gồm việc hỗ trợ hữu hiệu để hội nhập các di dân vào các nước tiếp nhận họ, trong khi cũng cổ vũ việc phát triển các quốc gia gốc của họ qua các chính sách lấy cảm hứng từ tình liên đới, chứ không liên kết việc hỗ trợ vào các chiến lược và thực hành ý thức hệ xa lạ hoặc trái ngược với nền văn hóa của các dân tộc được hỗ trợ"[114].

Những Ơn Phúc Qua Lại

133. Việc những người khác biệt, đến từ những lối sống và nền văn hóa khác, có thể là một ơn phúc, vì "các câu chuyện của di dân luôn là các câu chuyện về gặp gỡ giữa các cá nhân và giữa các nền văn hóa. Ðối với các cộng đồng và xã hội nơi họ đến, các di dân mang tới một cơ hội làm giàu và phát triển con người toàn diện cho mọi người"[115]. Vì lý do này, "Tôi đặc biệt kêu gọi những người trẻ tuổi đừng chạy theo những người đặt họ chống lại những người trẻ tuổi khác, mới đến đất nước của họ, và những người khuyến khích họ coi những người sau này như một mối đe dọa, chứ không có cùng một phẩm giá bất khả chuyển nhượng như mọi con người nhân bản khác"[116].

134. Thật vậy, khi chúng ta mở lòng ra với những người khác biệt, điều này cho phép họ phát triển một cách mới mẻ, trong khi vẫn là chính họ. Các nền văn hóa khác nhau, những nền văn hóa vốn phát triển mạnh mẽ qua nhiều thế kỷ, cần được bảo tồn, kẻo thế giới của chúng ta trở nên nghèo nàn. Ðồng thời, những nền văn hóa đó nên được khuyến khích cởi mở đối với những trải nghiệm mới mẻ qua cuộc gặp gỡ của họ với những thực tại khác, vì nguy cơ sa vào chứng xơ cứng văn hóa luôn hiện diện. Ðó là lý do tại sao "chúng ta cần thông đạt với nhau, khám phá những ơn phú của mỗi người, cổ vũ những gì hợp nhất chúng ta và coi các khác biệt của chúng ta như cơ hội để lớn lên trong việc tôn trọng lẫn nhau. Sự kiên nhẫn và tin tưởng được kêu gọi cho một cuộc đối thoại như vậy, giúp cho các cá nhân, các gia đình và cộng đồng lưu truyền các giá trị trong nền văn hóa riêng của họ và chào đón những điều tốt đẹp phát xuất từ kinh nghiệm của người khác"[117].

135. Ở đây tôi sẽ đề cập đến một số điển hình mà tôi đã sử dụng trong quá khứ. Nền văn hóa Latinh là "chất men giá trị và khả thể có thể làm giàu rất nhiều cho Hoa Kỳ", vì "việc di dân sôi nổi luôn luôn ảnh hưởng và biến đổi nền văn hóa của một nơi... Ở Argentina, việc di dân sôi nổi từ Ý đã để lại dấu ấn trong nền văn hóa của xã hội, và sự hiện diện của khoảng 200,000 người Do Thái có ảnh hưởng lớn đến 'phong cách' văn hóa của Buenos Aires. Các di dân, nếu được giúp đỡ để hòa nhập, là một ơn phúc, một nguồn làm giàu và món tặng phẩm mới khuyến khích một xã hội lớn lên"[118].

136. Ở một quy môi rộng lớn hơn nữa, Ðại Imam Ahmad Al-Tayyeb và tôi đã nhận thấy rằng "các tương quan tốt đẹp giữa Ðông và Tây là rõ ràng cần thiết cho cả hai. Chúng không được sao lãng, để mỗi bên có thể được làm giàu bằng nền văn hóa của bên kia qua việc trao đổi và đối thoại hữu hiệu. Phương Tây có thể khám phá ra ở phương Ðông các phương pháp chữa trị cho những căn bệnh tâm linh và tôn giáo do chủ nghĩa duy vật thịnh hành gây ra. Và phương Ðông có thể tìm thấy ở phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải phóng nó khỏi yếu kém, chia rẽ, xung đột và suy thoái về khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Ðiều quan trọng là phải chú ý tới các khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử vốn là một thành phần quan trọng trong việc lên khuôn nhân cách, văn hóa và văn minh của phương Ðông. Ðiều cũng quan trọng là củng cố mối dây nối kết các nhân quyền căn bản nhằm giúp bảo đảm một cuộc sống xứng đáng cho mọi người nam nữ ở phương Ðông và phương Tây, tránh nền chính trị hai mặt"[119].

Một cuộc trao đổi hữu hiệu

137. Sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước chứng tỏ đã làm giầu lẫn nhau. Một quốc gia tiến lên trong khi vẫn giữ được nền tảng vững chắc trong cơ sở văn hóa nguyên gốc của nó là một kho báu cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cần phát triển ý thức cho rằng ngày nay tất cả chúng ta một là được cứu vớt cùng với nhau hai là không ai được cứu vớt cả. Nghèo đói, suy đồi và đau khổ ở một phần của trái đất là cơ sở thầm lặng nuôi dưỡng các vấn đề kết cục sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Nếu chúng ta gặp bối rối bởi sự tuyệt chủng của một số loài, thì chúng ta càng trở nên bối rối hơn khi ở một số nơi trên thế giới, các cá nhân hoặc dân tộc của chúng ta đang bị ngăn cản trong việc phát triển tiềm năng và vẻ đẹp của họ bởi nghèo đói hoặc những hạn chế khác về cơ cấu. Cuối cùng, điều này sẽ làm tất cả chúng ta nghèo nàn đi.

138. Mặc dù điều trên luôn luôn đúng, nhưng chưa bao giờ rõ ràng hơn thời đại chúng ta, khi thế giới được liên kết với nhau bằng chính sách hoàn cầu hóa. Chúng ta cần đạt được một trật tự pháp lý, chính trị và kinh tế hoàn cầu "có thể gia tăng và định hướng cho sự hợp tác quốc tế nhằm phát triển mọi dân tộc trong tình liên đới"[120]. Cuối cùng, điều này sẽ mang lại ích lợi cho toàn thế giới, vì "viện trợ phát triển cho các nước nghèo" hàm nghĩa "tạo ra thịnh vượng cho mọi người"[121]. Theo quan điểm phát triển toàn diện, điều này giả định "đem lại cho các quốc gia nghèo hơn một tiếng nói hữu hiệu trong việc ra quyết định chung"[122] và khả năng "tạo điều kiện tiếp cận thị trường quốc tế cho các quốc gia nghèo và kém phát triển"[123].

Việc nhưng không cho đi mở ra cho người khác

139. Mặc dù vậy, tôi không muốn giới hạn việc trình bày này vào một kiểu tiếp cận thực dụng. Luôn có nhân tố "cho đi nhưng không" (gratuitousness): khả năng làm một số việc đơn giản chỉ vì tự chúng, chúng vốn là điều tốt, không quan tâm chi đến lợi ích hay đền đáp bản thân. Sự cho không khiến chúng ta có thể chào đón người lạ, dù điều này không mang lại lợi ích hữu hình tức khắc nào cho chúng ta. Tuy nhiên, một số nước giả thiết chỉ chấp nhận các nhà khoa học hoặc nhà đầu tư.

140. Cuộc sống không có việc cho đi nhưng không một cách đầy tình huynh đệ trở thành một hình thức thương mại điên cuồng, trong đó chúng ta không ngừng cân nhắc những gì chúng ta cho đi và những gì chúng ta nhận lại được. Mặt khác, Thiên Chúa cho đi một cách tự do, đến mức giúp đỡ ngay cả những người bất trung; Người "làm cho mặt trời mọc trên kẻ dữ và người lành" (Mt 5:45). Có một lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Khi bố thí, anh em đừng cho tay phải biết việc tay trái làm, để việc bố thí của anh em được bí mật" (Mt 6: 3-4). Chúng ta đã nhận được cuộc sống một cách nhưng không; chúng ta không phải trả giá chi cả để nhận được nó. Do đó, mọi người chúng ta đều có thể cho đi mà không mong nhận lại bất cứ điều gì, làm điều tốt cho người khác mà không đòi hỏi họ phải đối xử tốt với mình. Như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy" (Mt 10:8).

141. Giá trị thực sự của các quốc gia khác nhau trên thế giới của chúng ta được đo bằng khả năng suy nghĩ của họ không chỉ đơn giản như một quốc gia mà còn như một phần của đại gia đình nhân loại. Ðiều này được thấy một cách đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Các hình thức hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc là một biểu hiện cực đoan của việc không thể hiểu được ý nghĩa của sự cho đi nhưng không này. Họ sai lầm khi nghĩ rằng họ có thể tự phát triển, không cần để ý đến sự hủy hoại cho người khác, bằng cách đóng cửa với người khác, họ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Các di dân được coi là những kẻ tiếm quyền không có gì để cung hiến. Ðiều này dẫn đến niềm tin ngây ngô rằng người nghèo nguy hiểm và vô dụng, trong khi thực ra họ là những nhà hảo tâm mạnh mẽ và hào phóng. Chỉ có nền văn hóa xã hội và chính trị nào sẵn sàng chào đón người khác một cách "nhưng không" mới có tương lai.

Ðịa Phương Và Hoàn Vũ

142. Cần lưu ý rằng "hiện có sự căng thẳng cố hữu giữa việc hoàn cầu hóa và địa phương hóa. Chúng ta cần chú ý đến khía cạnh hoàn cầu để tránh sự hẹp hòi và tầm thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn khía cạnh địa phương, nơi giữ chúng ta luôn ở thế có cơ sở thực tiễn. Cùng với nhau, cả hai khía cạnh ngăn chúng ta rơi vào một trong hai thái cực sau đây: Ðầu tiên, con người bị cuốn vào một chủ nghĩa vũ trụ trừu tượng, hoàn cầu hóa... Mặt khác, họ tự biến mình thành một viện bảo tàng văn hóa dân gian ẩn dật khép kín, cứ phải lặp đi lặp lại cùng những điều y như nhau, không có khả năng để mình bị chất vấn bởi những gì khác biệt, hoặc đánh giá được vẻ đẹp mà Thiên Chúa vốn ban tặng ở bên ngoài biên giới của họ"[124]. Chúng ta cần có một cái nhìn hoàn cầu để tự cứu chúng ta khỏi chủ nghĩa tỉnh lẻ nhỏ nhen. Khi ngôi nhà của chúng ta không còn là một ngôi nhà và bắt đầu trở thành một khu bị rào vây quanh, một phòng giam, thì nhân tố hoàn cầu sẽ đến giải cứu chúng ta, như một "chính nghĩa cuối cùng" lôi kéo chúng ta hướng đến việc viên mãn của mình. Trong khi cùng một lúc, nhân tố địa phương cũng cần được đón nhận một cách thiết tha, vì nó có một điều mà nhân tố hoàn cầu không có được: nó có khả năng là một chất men, đem lại sự phong phú hóa, phát khởi các cơ chế phụ đới. Vì vậy, tình huynh đệ phổ quát và tình bạn xã hội là hai cực không thể tách rời và quan trọng như nhau trong mọi xã hội. Tách chúng ra sẽ làm biến dạng mọi điều và tạo ra sự phân cực đầy thành kiến.

Hương vị địa phương

143. Giải pháp không phải là một sự cởi mở nhằm bác bỏ sự phong phú của chính mình. Cũng như không thể có cuộc đối thoại với "những người khác" nếu không có ý thức về bản sắc riêng của chúng ta, vì vậy không thể có sự cởi mở giữa các dân tộc ngoại trừ trên cơ sở tình yêu đối với mảnh đất của riêng mình, dân tộc mình, cội nguồn văn hóa của riêng mình. Tôi không thể thực sự gặp gỡ người khác trừ khi tôi đứng trên những nền tảng vững chắc, vì chính dựa trên cơ sở của những điều này, tôi mới có thể chấp nhận tặng phẩm mà người kia mang lại và đến lượt mình, tôi tặng một tặng phẩm đích thực của riêng tôi. Tôi có thể chào đón những người khác, những người khác biệt, và đánh giá cao việc đóng góp độc đáo mà họ sẽ thực hiện, chỉ khi nào tôi bén rễ vững chắc vào chính dân tộc và văn hóa của mình. Mọi người đều yêu và quan tâm đến quê hương và làng mạc của mình, cũng như họ yêu và chăm sóc cho ngôi nhà của họ và đích thân chịu trách nhiệm đối với việc duy trì nó. Lợi ích chung cũng thế, đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ và yêu thương quê hương của chúng ta. Nếu không, các hậu quả của một thảm họa ở một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Tất cả điều này mang lại ý nghĩa tích cực cho quyền đối với tài sản: Tôi chăm sóc và vun đắp một điều được tôi sở hữu, một cách khiến nó có thể đóng góp vào lợi ích của mọi người.

144. Nó cũng làm nảy sinh các trao đổi lành mạnh và làm ta phong phú. Kinh nghiệm được lớn lên ở một nơi đặc thù và chia sẻ nền văn hóa đặc thù đem lại cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc vào các khía cạnh của thực tại mà những người khác không thể dễ dàng tri nhận. Yếu tố hoàn vũ không nhất thiết có nghĩa là nhạt nhẽo, độc dạng và được tiêu chuẩn hóa, dựa trên một mô hình văn hóa đơn nhất đương thịnh, vì điều này cuối cùng sẽ dẫn đến việc mất đi một bảng phong phú gồm nhiều sắc thái và màu sắc, và kết quả là một đơn điệu hoàn toàn. Ðó là cơn cám dỗ được nhắc đến trong câu chuyện xưa về Tháp Babel. Nỗ lực xây dựng một tòa tháp có thể vươn tới trời không phải là biểu hiện của sự thống nhất giữa các dân tộc khác nhau nói với nhau từ tính đa dạng của họ. Thay vào đó, đó là một nỗ lực sai lầm, phát sinh từ niềm kiêu căng và tham vọng, muốn tạo ra một sự thống nhất khác với sự thống nhất được Thiên Chúa mong muốn trong kế hoạch quan phòng của Người cho các quốc gia (xem St 11: 1-9).

145. Có thể có một sự cởi mở sai lầm đối với yếu tố hoàn vũ, phát sinh từ sự nông cạn của những người thiếu cái nhìn sâu sắc vào thiên tài của quê hương họ hoặc nuôi dưỡng sự oán hận chưa được giải quyết nhằm vào dân tộc họ. Dù thế nào đi nữa, "chúng ta liên tục phải mở rộng các chân trời của chúng ta và nhìn thấy điều tốt đẹp hơn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Nhưng điều này phải được thực hiện mà không tránh né hoặc mất gốc. Chúng ta cần phải cắm rễ sâu hơn vào mảnh đất và lịch sử màu mỡ của quê hương, vốn là hồng phúc của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm việc trên một quy mô nhỏ, trong khu vực lân cận của chúng ta, nhưng với viễn ảnh rộng lớn hơn... Yếu tố hoàn cầu không cần phải gò bó, mà yếu tố đặc thù cũng không cần phải chứng tỏ là cằn cỗi"[125]; mô hình của chúng ta phải là một hình đa diện, trong đó giá trị của mỗi cá nhân được tôn trọng, nơi "toàn thể lớn hơn bộ phận, nhưng cũng lớn hơn tổng số các bộ phận của nó"[126].

Một chân trời phổ quát

146. Có một loại yêu mình thái quá có tính "địa phương" không liên quan đến tình yêu lành mạnh đối với dân tộc và văn hóa riêng của mình. Nó phát sinh từ một nỗi bất an và sợ hãi nào đó về người khác dẫn đến việc bác bỏ và mong muốn dựng lên những bức tường để tự vệ. Tuy nhiên, không thể "địa phương" một cách lành mạnh nếu không chân thành cởi mở đối với phổ quát, không cảm thấy được thách thức bởi những gì đang xảy ra ở những nơi khác, không có sự cởi mở để làm giàu bởi các nền văn hóa khác, và không có tình liên đới và quan tâm đến những thảm kịch đang ảnh hưởng đến các dân tộc khác. Thay vào đó, "lòng yêu mình thái quá địa phương" chỉ lưu tâm đến một số ý tưởng, phong tục và hình thức an ninh hạn chế; không có khả năng chiêm ngưỡng tiềm năng rộng lớn và vẻ đẹp được thế giới rộng lớn hơn cung cấp, nó thiếu hẳn một tinh thần liên đới chân chính và quảng đại. Cuộc sống ở bình diện địa phương vì vậy ngày càng trở nên ít chào đón hơn, người ta ít cởi mở hơn đối với việc bổ túc cho nhau. Các khả thể phát triển của nó hẹp dần; nó trở nên mệt mỏi và ốm yếu. Mặt khác, một nền văn hóa lành mạnh, tự bản chất của nó, có tính cởi mở và chào đón; quả tình, "một nền văn hóa nếu không có các giá trị phổ quát thì không thực sự là một nền văn hóa"[127].

147. Chúng ta hãy nhận ra rằng khi tâm trí chúng ta càng hạn hẹp, thì khả năng hiểu thế giới xung quanh càng kém đi. Nếu không gặp gỡ và tương quan với các khác biệt, thì khó mà đạt được một sự hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về chính bản thân và quê hương của chúng ta. Các nền văn hóa khác không phải là "kẻ thù" mà chúng ta cần phải tự vệ chống lại, mà là những phản ảnh khác nhau của một sự phong phú vô tận của sự sống con người. Nhìn bản thân chúng ta theo quan điểm của người khác, của một người khác biệt, chúng ta có thể nhận ra tốt hơn những nét độc đáo của chúng ta và của nền văn hóa chúng ta: sự phong phú, các khả thể và hạn chế của nó. Kinh nghiệm địa phương của chúng ta cần phát triển "tương phản với" và "hài hòa với" các kinh nghiệm của những người khác sống trong các bối cảnh văn hóa đa dạng[128].

148. Thực thế, sự cởi mở lành mạnh không bao giờ đe dọa bản sắc riêng của người ta. Một nền văn hóa sống động, được làm giàu bởi các yếu tố từ những nơi khác, không du nhập một bản sao đơn thuần các yếu tố mới đó, mà hòa nhập chúng một cách độc đáo riêng của nó. Kết quả là một cuộc tổng hợp mới, một cuộc tổng hợp, cuối cùng, có lợi cho mọi người, vì nền văn hóa nguyên gốc kết cục được nuôi dưỡng. Ðó là lý do tại sao tôi đã thúc giục người dân bản địa trân quí cội nguồn và văn hóa tổ tiên của họ. Mặc dù, cùng một lúc, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng tôi không có ý định đề nghị "một 'chủ nghĩa duy bản địa' hoàn toàn khép kín, phi lịch sử, tĩnh tụ, muốn bác bỏ bất cứ kiểu pha trộn nào (mestizaje)". Vì "bản sắc văn hóa riêng của chúng ta được củng cố và làm giầu nhờ đối thoại với những người không giống chúng ta. Danh tính chân chính của chúng ta cũng không được bảo tồn bởi một sự cô lập nghèo nàn"[129]. Thế giới phát triển và tràn ngập vẻ đẹp mới, nhờ các cuộc tổng hợp tiếp theo nhau được tạo ra giữa các nền văn hóa biết cởi mở và không có bất cứ hình thức áp đặt văn hóa nào.

149. Ðối với mối tương quan lành mạnh giữa tình yêu quê hương đất nước và cảm thức lành mạnh được thuộc về một gia đình nhân loại lớn hơn của chúng ta, điều hữu ích là ghi nhớ rằng xã hội hoàn cầu không phải là tổng số các quốc gia khác nhau, mà là sự hiệp thông hiện hữu giữa họ. Cảm thức hổ tương được thuộc về nhau có trước việc xuất hiện các nhóm cá thể. Mỗi nhóm đặc thù trở thành một phần của cơ cấu hiệp thông phổ quát và ở đó khám phá ra vẻ đẹp riêng của nó. Mọi cá nhân, bất kể nguồn gốc, đều biết rằng họ là một phần của gia đình nhân loại lớn hơn, nếu không có gia đình này, họ sẽ không thể hiểu được chính họ một cách đầy đủ.

150. Nhìn sự việc theo cách này mang lại niềm vui nhận ra rằng không một dân tộc, một nền văn hóa hay cá nhân nào có thể tự mình đạt được mọi sự: để đạt được sự viên mãn trong cuộc sống, chúng ta cần những người khác. Việc ý thức được các hạn chế và sự thiếu hoàn thiện của chính chúng ta, không hề là một đe dọa, nhưng trở thành chìa khóa để dự kiến và theo đuổi một dự án chung. Vì "con người là một hữu thể vừa có biên giới, vừa vô biên giới"[130].

Bắt đầu với khu vực của chúng ta

151. Nhờ việc trao đổi ở bình diện khu vực, qua đó, các nước nghèo hơn trở nên cởi mở đối với thế giới rộng lớn hơn, mà tính phổ quát không hẳn sẽ làm giảm các đặc điểm riêng biệt của họ. Sự cởi mở thích hợp và chân chính với thế giới giả định khả năng cởi mở với hàng xóm của mình trong gia đình các quốc gia. Do đó, hội nhập văn hóa, kinh tế và chính trị với các dân tộc láng giềng nên đi kèm với một diễn trình giáo dục biết cổ vũ giá trị của tình yêu thương đối với láng giềng của mình, bước đầu tiên không thể thiếu để đạt được sự hội nhập hoàn cầu lành mạnh.

152. Ở một số khu vực của các thành phố của chúng ta, vẫn còn một cảm thức khu xóm sống động. Mỗi người tự nhiên tri nhận được bổn phận phải đồng hành và giúp đỡ người người lân cận của mình. Ở những nơi mà những giá trị cộng đồng này được duy trì, người ta cảm nghiệm được một sự gần gũi mang đặc điểm của lòng biết ơn, tình liên đới và sự hỗ tương. Tình khu xóm mang lại cho họ một cảm thức về bản sắc chung[131]. Ước chi các quốc gia lân bang có thể khuyến khích một tinh thần láng giềng tương tự giữa các dân tộc của họ! Tuy nhiên, tinh thần cá nhân chủ nghĩa cũng ảnh hưởng đến các tương quan giữa các quốc gia. Sự nguy hiểm khi nghĩ rằng chúng ta phải tự vệ chống lại nhau, coi người khác là đối thủ cạnh tranh hoặc là kẻ thù nguy hiểm, cũng ảnh hưởng đến các tương quan giữa các dân tộc trong cùng một khu vực. Có lẽ chúng ta đã được huấn luyện kiểu sợ hãi và ngờ vực này.

153. Có những quốc gia hùng mạnh và những doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ sự cô lập này và thích đàm phán riêng với từng quốc gia. Mặt khác, các nước nhỏ hoặc nghèo có thể ký các thỏa hiệp với các nước láng giềng trong khu vực giúp họ đàm phán như một khối và do đó tránh bị cắt đứt, cô lập và phụ thuộc vào các cường quốc. Ngày nay, không quốc gia nào có thể bảo đảm lợi ích chung cho dân mình nếu cứ mãi cô lập.

- - - - - - - - - - -

 

[109] Xem Hội Ðồng Giám Mục Mễ tây cơ và Hoa kỳ, A Pastoral Letter Concerning Migration: "Strangers No Longer Together on the Journey of Hope" (Tháng 1 2003).

[110] Yết kiến chung (3 Tháng 4 2019): L'Osservatore Romano, 4 Tháng 4 2019, p. 8.

[111] Xem Thông điệp nhân ngày Di dân và Tịn nạn Thế giới năm 2018 (14 Tháng 1 2018): AAS 109 (2017), 918-923.

112] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L'Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 7.

[113] Diễn văn với Ngoại giao đoàn Bên cạnh Tòa Thánh, 11 Tháng 1 2016: AAS 108 (2016), 124.

[114] Ðã dẫn, 122.

[115] Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Christus Vivit (25 Tháng 3 2019), 93.

[116] Ðã dẫn, 94.

[117] Diễn văn với Nhà cầm quyền, Sarajevo, Bosnia và Herzegovina (6 Tháng 6 2015): L'Osservatore Romano, 7 Tháng 6 2015, p. 7.

[118] Latinoamérica. Conversaciones con Hernán Reyes Alcaide, ed. Planeta, Buenos Aires, 2017, 105.

[119] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L'Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 7.

[120] Ðức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 67: AAS 101 (2009), 700.

[121] Ðã dẫn, 60: AAS 101 (2009), 695.

[122] Ðã dẫn, 67: AAS 101 (2009), 700.

[123] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 447.

[124] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 234: AAS 105 (2013), 1115.

[125] Ðã dẫn, 235: AAS 105 (2013), 1115.

[126] Ðã dẫn

[127] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn với Các Ðại diện văn hóa Argentina, Buenos Aires, Argentina (12 Tháng 4 1987), 4: L'Osservatore Romano, 14 Tháng 4 1987, p. 7.

[128] Xem Ðã dẫn., Diễn văn với Giáo Triều Rôma (21 Tháng 12 1984), 4: AAS 76 (1984), 506.

[129] Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Querida Amazonia (2 Tháng 2 2020), 37.

[130] GEORG SIMMEL, Brucke und Tur. Essays des Philosophen zur Geschichte, Religion, Kunst und Gesellschaft, ed. Michael Landmann, Kohler-Verlag, Stuttgart, 1957, 6.

[131] Xem JAIME HOYOS-VÁSQUEZ, S.J., "Lógica de las relaciones sociales. Reflexión onto-lógica", Revista Universitas Philosophica, 15-16 (Tháng 12 1990-Tháng 6 1991), Bogotá, 95-106.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page