Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục
Christus Vivit - Chúa Kitô Ðang Sống
của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô
Gửi Người Trẻ và Cộng Ðoàn Dân Chúa
(Bản dịch Việt ngữ của HÐGMVN)
Chương Chín
Phân Ðịnh
278. Về sự phân định nói chung, tôi đã đề cập đến trong Tông huấn Gaudete et Exsultate. Giờ đây tôi muốn lặp lại một số những suy tư này, để áp dụng vào việc phân định ơn gọi của chúng ta trong thế giới.
279. Tôi nhắc lại rằng tất cả mọi người, nhưng "nhất là người trẻ, thường xuyên phải tiếp xúc với thứ văn hoá zapping (Chú thích của người dịch: "zapping" là động tác dùng bộ điều khiển từ xa để bấm chuyển kênh truyền hình liên tục mà không chú tâm). Chúng ta có thể vừa lướt xem hai hoặc ba màn hình, đồng thời lại vừa tương tác với các khung cảnh ảo khác. Nếu không biết khôn ngoan phân định, chúng ta có thể dễ dàng trở thành những con rối phó mặc cho những trào lưu chóng qua"[152]. Và "điều này càng quan trọng hơn khi có điều gì đó mới mẻ xuất hiện trong đời sống chúng ta, bấy giờ chúng ta phải phân định xem liệu đó có phải là rượu mới do Thiên Chúa đem đến hay chỉ là một ảo ảnh lừa dối bởi tinh thần thế gian hoặc tinh thần của ma quỷ". [153]
280. Sự phân định này, "mặc dù bao gồm cả lý trí và sự khôn ngoan, nhưng lại vượt quá những yếu tố ấy bởi vì nó cố tìm gặp mầu nhiệm kế hoạch duy nhất và độc đáo mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta ... Nó liên hệ đến cuộc sống của tôi trước mặt Chúa là Cha, Ðấng biết tôi và yêu tôi, đến ý nghĩa thực sự của đời tôi mà không ai biết rõ hơn là chính Chúa" [154].
281. Trong bối cảnh này, việc huấn luyện lương tâm sẽ giúp cho sự phân định phát triển theo chiều sâu và trung thành với Thiên Chúa. "Huấn luyện lương tâm là một tiến trình của cả đời người, trong đó ta học trau dồi cảm xúc để có cùng một tâm tình như Chúa Giêsu Kitô, học tuân theo cùng những tiêu chuẩn lựa chọn và những chủ ý hành động của Người (x. Pl 2,5)" [155].
282. Việc huấn luyện này bao hàm để cho Chúa Kitô biến đổi mình, đồng thời đó là "một thói quen làm điều thiện, kiểm điểm lại việc thực hành này khi xét mình: việc làm này không chỉ nhằm nhìn ra tội của mình, mà còn nhằm nhận ra hoạt động của Thiên Chúa trong kinh nghiệm đời mình hằng ngày, trong các biến cố lịch sử và những nền văn hoá mình đang sống, trong chứng tá của biết bao người đi trước ta hoặc đang vận dụng khôn ngoan để đồng hành với ta. Tất cả những điều này giúp ta lớn lên trong nhân đức khôn ngoan, bằng cách dựa trên những chọn lựa cụ thể, với ý thức một cách thanh thản về những ơn ban và những giới hạn của mình để đưa ra một định hướng chung cho đời mình". [156]
Làm thế nào để phân định ơn gọi
283. Một thể hiện của sự phân định là nỗ lực để nhận ra ơn gọi của riêng mình. Ðó là một công việc đòi hỏi phải có nơi cô tịch và tĩnh lặng, vì đó là một quyết định rất cá nhân mà người khác không thể làm thay được: "Dù cho Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách, tại nơi làm việc, qua những người khác và vào bất cứ lúc nào, chúng ta không thể bỏ qua cầu nguyện thinh lặng lâu giờ vốn có thể giúp chúng ta nhận rõ hơn tiếng nói của Chúa, để hiểu ý nghĩa thực sự của những linh hứng mà chúng ta tin rằng mình đã tiếp nhận, để xoa dịu những lo âu và để tái tạo toàn bộ cuộc sống của mình cách mới mẻ trong ánh sáng của Chúa". [157].
284. Sự im lặng này không phải là một hình thức cô lập, vì "cần nhớ rằng việc phân định trong cầu nguyện phải được khởi đi từ thái độ sẵn sàng lắng nghe Chúa, nghe người khác, và nghe chính thực tại, vốn luôn chất vấn chúng ta theo một cách mới mẻ. Chỉ những ai sẵn sàng lắng nghe mới có tự do để chối từ quan điểm phiến diện và không đầy đủ của mình [...]. Như thế, chúng ta thực sự mở ra để đón nhận một tiếng gọi có thể phá vỡ sự an toàn của mình, nhưng dẫn ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi lẽ nếu mọi sự đều ổn thoả và bình an thì vẫn chưa đủ. Thiên Chúa có thể đang trao ban cho chúng ta một cái gì đó hơn thế, mà nếu thiếu chú tâm, chúng ta không nhận ra được". [158]
285. Về việc phân định ơn gọi của riêng mình, cần phải tự đặt ra một số câu hỏi. Ðừng bắt đầu bằng câu hỏi: có thể kiếm được nhiều tiền nhất ở đâu, hoặc ở đâu có thể có được sự nổi tiếng và uy tín xã hội nhất, hay công việc nào đem lại nhiều thích thú hơn hơn. Ðể tránh nhầm lẫn, phải bắt đầu từ chỗ khác, và tự hỏi: Tôi có biết bản thân mình, ngoài vẻ bề ngoài và cảm giác của tôi không? Tôi có biết điều gì làm trái tim tôi vui hay buồn không? ; điểm mạnh và điểm yếu của tôi là gì? Những câu hỏi khác sẽ lập tức theo sau: làm thế nào tôi có thể phục vụ tốt hơn và hữu ích hơn cho thế giới và Hội Thánh? đâu là chỗ đứng của tôi trên trái đất này? ; tôi có thể cống hiến điều gì cho xã hội? ; rồi đến những câu hỏi khác rất thực tế: tôi có khả năng cần thiết cho công việc phục vụ này không? ; hoặc tôi có thể phát triển các kỹ năng cần thiết hay không?
286. Những câu hỏi này phải được đặt ra không phải trong tương quan với chính mình và những khuynh hướng của bản thân mình, nhưng trong tương quan với những người khác, đối diện với họ, làm sao để sự phân định đặt cuộc sống của chính mình đối chiếu với người khác. Vì thế, cha muốn nhắc lại câu hỏi quan trọng là: "Biết bao lần trong đời, chúng ta đã lãng phí thời gian để tự hỏi: Tôi là ai? Nhưng con có thể tự hỏi mình là ai và mất cả đời để tìm xem mình là ai. Con nên tự hỏi như thế này thì hơn: 'Tôi sống vì ai vậy?'" [159] Con sống cho Chúa, chắc chắn rồi! Nhưng Ngài muốn con cũng sống cho người khác nữa, và Ngài đã phú cho con rất nhiều phẩm chất, khuynh hướng, ơn huệ và đặc sủng không phải dành cho con, mà dành cho những người khác.
Tiếng gọi của Người Bạn
287. Ðể phân định ơn gọi của riêng mình, ta phải nhận ra rằng ơn gọi này là tiếng gọi của một người bạn: đó là Chúa Giêsu. Nếu phải tặng bạn mình cái gì, ta sẽ tặng cái tốt nhất. Và cái tốt nhất ấy không nhất thiết phải là món đắt nhất hay khó kiếm nhất, nhưng là cái mà ta biết sẽ mang lại niềm vui cho bạn. Ta sẽ cảm nhận được điều này rõ ràng đến mức có thể hình dung trong trí tưởng tượng nụ cười của bạn mình khi người ấy mở quà. Sự phân định của tình bằng hữu này là điều cha đề nghị với những người trẻ như một kiểu mẫu nếu họ muốn tìm biết đâu là ý Chúa muốn đối với cuộc đời của họ.
288. Cha muốn người trẻ biết rằng khi Chúa nghĩ đến mỗi người, với điều Ngài muốn ban cho người ấy, thì Ngài nghĩ đến người ấy như một người bạn riêng của Ngài. Và nếu Chúa định ban cho con một ơn, một đặc sủng để con sống trọn vẹn đời mình và biến đổi con thành một người có ích cho người khác, một người ghi dấu trong lịch sử, thì chắc chắn đó sẽ là điều làm cho con vui sướng tận đáy lòng và làm cho con say mê hơn bất cứ thứ gì khác trong đời. Không phải vì Chúa ban cho con một đặc sủng phi thường hay hiếm có, nhưng là bởi vì ơn ấy phù hợp với con, với cả cuộc đời của con.
289. Chắc chắn ơn kêu gọi là một ơn kèm theo những đòi hỏi. Ơn Chúa ban có tính tương tác và để ơn ấy sinh ích cho con, con phải bỏ nhiều công sức, phải mạo hiểm. Nhưng đó không phải là đòi hỏi của một nghĩa vụ do người khác áp đặt từ bên ngoài, mà là điều gì đó thúc đẩy con lớn lên và chọn lựa cho ơn ấy chín muồi, rồi trở thành một ơn huệ cho người khác nữa. Khi Chúa khơi lên một ơn gọi, Ngài không chỉ nghĩ đến tình trạng hiện tại của con, mà nghĩ đến tất cả những gì con sẽ có thể trở thành cùng với Ngài và với những người khác.
290. Nơi người trẻ, sức sống và tính cách mạnh mẽ vun đắp cho nhau và thúc đẩy người trẻ vượt qua mọi giới hạn. Do thiếu kinh nghiệm nên điều này rất thường dẫn đến thương đau, cả khi nó nhanh chóng trở thành một kinh nghiệm. Ðiều quan trọng là phải nối kết niềm khát khao "điều vô biên ban đầu chưa được thử thách" này [160] với tình bạn vô điều kiện mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Còn hơn cả lề luật và nghĩa vụ, điều Chúa Giêsu muốn chúng ta lựa chọn là đi theo Người, như những người bạn đi theo nhau, tìm kiếm nhau rồi gặp gỡ nhau chỉ vì tình bạn. Mọi thứ khác sẽ đến sau, và ngay cả những thất bại của cuộc sống cũng có thể là một trải nghiệm vô giá về tình bạn này vốn chẳng bao giờ tan vỡ.
Lắng nghe và đồng hành
291. Có những linh mục, tu sĩ, giáo dân, những nhà chuyên môn và cả những người trẻ được đào tạo, họ có thể đồng hành với người trẻ trong việc phân định ơn gọi. Khi chúng ta có nhiệm vụ giúp người khác phân định đường đời của họ, điều đầu tiên là lắng nghe. Việc lắng nghe gồm ba loại nhạy cảm hoặc quan tâm khác nhau và bổ sung cho nhau:
292. Loại nhạy cảm thứ nhất là về con người. Ðây là vấn đề lắng nghe người khác nói với chúng ta để thổ lộ chính mình. Dấu hiệu của sự lắng nghe này là thời gian tôi dành cho người ấy. Không phải vấn đề là dành thời gian bao lâu, mà là người ấy cảm thấy rằng thời gian của tôi là của họ: đó là điều người ấy cần để nói những gì muốn nói. Người ấy phải cảm thấy rằng tôi đang lắng nghe vô điều kiện, không cáu kỉnh, không nổi nóng, không tỏ vẻ buồn chán hay mệt mỏi. Ðó là cách lắng nghe mà Chúa đã làm khi Người sánh bước với các môn đệ Emmau và đồng hành cùng họ một thời gian dài trên con đường ngược chiều với hướng đúng (x. Lc 24,13-35). Khi Chúa Giêsu làm cử chỉ tiếp tục đi vì họ đã đến nhà, lúc ấy họ hiểu rằng Người đã cho họ thời gian của Người, thế là họ lại cho Người thời gian của họ, bằng cách mời Người ở lại. Sự lắng nghe chăm chú và vô cầu này là dấu chỉ cho thấy chúng ta tôn trọng người khác, cho dù họ có những suy nghĩ và lựa chọn gì trong cuộc sống.
293. Loại nhạy cảm thứ hai là phân định. Ðây là vấn đề nắm bắt được thời điểm chính xác chúng ta nhận ra ân sủng hay cám dỗ. Bởi vì đôi khi những điều xuất hiện trong trí óc của chúng ta chỉ là những cám dỗ lái chúng ta đi chệch khỏi con đường thực sự của mình. Ở đây, tôi phải tự hỏi chính xác người này đang nói gì với tôi, họ muốn nói gì với tôi, họ muốn tôi hiểu gì về những gì đang diễn ra. Hỏi những câu như thế sẽ giúp tôi trân trọng suy nghĩ của người ấy và những tác động của nó đối với những cảm xúc của người ấy. Việc lắng nghe này nhằm phân định những lời cứu rỗi của Thần trí tốt lành, là Ðấng ban cho chúng ta sự thật của Chúa, nhưng cũng phân định cả những cạm bẫy của thần trí xấu xa - những sai lầm và quyến rũ của nó. Cần phải có lòng can đảm, sự dịu dàng và sự tế nhị cần thiết để giúp người kia nhận ra sự thật cùng những dối trá hay những viện cớ.
294. Loại nhạy cảm thứ ba nhằm lắng nghe những thúc đẩy "tiến tới" mà người khác đang cảm nhận. Ðó là lắng nghe thật kỹ "điều mà người ấy thực sự muốn hướng đến". Ngoài những gì người ấy cảm nhận và suy nghĩ lúc này, những gì người ấy đã làm trong quá khứ, phải chú ý đến những gì người ấy muốn trở thành. Ðôi khi điều này đòi hỏi người ấy không được tập trung nhiều vào những gì mình thích, những ham muốn hời hợt của mình, nhưng là những gì làm Chúa hài lòng hơn, kế hoạch của Chúa dành cho cuộc đời của người ấy được biểu lộ trong một khuynh hướng của tâm hồn, vượt ra ngoài vỏ bọc của thị hiếu và cảm xúc. Sự lắng nghe này là chú ý đến ý hướng sau cùng, ý hướng quyết định dứt khoát cuộc sống, bởi vì có một Người như Chúa Giêsu nghe và lượng giá ý hướng tối thượng này của con tim. Ðó là lý do tại sao phải luôn sẵn sàng giúp cho mỗi người nhận ra điều đó, và để làm được điều đó chỉ cần thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin cứu con! Xin thương xót con!"
295. Như vậy, phân định trở nên một phương thế của cuộc chiến thiêng liêng giúp chúng ta đi theo Chúa cách trung thành hơn. [161] Theo cách này, ước muốn nhận ra ơn gọi của riêng mình là hết sức mãnh liệt, có một phẩm chất khác biệt và ở một bình diện cao hơn, niềm mong ước ấy xứng với phẩm giá cuộc sống của chính chúng ta hơn nhiều. Bởi vì cuối cùng sự phân định tốt là một con đường của tự do, làm xuất hiện điều độc đáo của mỗi người, điều thực sự là mình, thực sự cá vị, mà chỉ có Chúa mới biết. Những người khác không thể hiểu hết được và cũng không thấy được điều ấy sẽ phát triển như thế nào vì chỉ nhìn từ bên ngoài.
296. Vì thế, khi lắng nghe một người theo cách này, vào một thời điểm đã định, người ta phải biến đi để cho người ấy tiếp tục con đường mà họ đã khám phá. Biến đi như Chúa đã biến mất trước mắt các môn đệ và để họ ở lại với con tim bừng cháy rồi trở thành động lực không thể cưỡng lại thúc đẩy họ lên đường (x. Lc 24, 31-33). Khi trở về gặp cộng đoàn, hai môn đệ Emmau được tin xác nhận rằng Chúa đã sống lại thật (x. Lc 24,34).
297. Vì "thời gian quan trọng hơn không gian" [162], nên cần phải khơi gợi và đồng hành, chứ không áp đặt các lộ trình. Và đó là những lộ trình của những con người vốn luôn độc đáo và tự do. Ðó là lý do tại sao rất khó đặt ra các quy tắc, ngay cả khi tất cả các dấu hiệu đều tích cực, bởi vì "điều quan trọng là phải đưa chính những yếu tố tích cực ấy ra để phân định một cách cẩn thận, để đừng tách biệt yếu tố này ra khỏi yếu tố kia và đừng đặt chúng đối lập với nhau, như thể chúng là những yếu tố tuyệt đối trái ngược nhau. Ðối với các yếu tố tiêu cực cũng vậy: đừng loại bỏ toàn bộ các yếu tố ấy mà không phân biệt, bởi vì nơi mỗi một yếu tố tiêu cực có thể tiềm ẩn một giá trị cần được cứu vãn và cần được trả về trong chân lý toàn diện" [163].
298. Nhưng để đồng hành cùng những người khác trên con đường này, trước tiên con phải có thói quen tự mình bước đi. Ðức Maria đã làm như thế, bằng cách đối mặt với những vấn đề và những khó khăn của chính mình khi Mẹ còn rất trẻ. Xin Mẹ làm mới tuổi trẻ của con nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện và xin Mẹ luôn đồng hành với con qua sự hiện diện của Mẹ.
* * *
Và để kết thúc... một mong ước
299. Các bạn trẻ thân mến, cha sẽ vui mừng khi thấy các con chạy nhanh hơn những người chậm chạp và rụt rè. Các con cứ chạy, vì "được Tôn nhan đáng yêu thu hút, Ðấng mà chúng ta tôn thờ trong Thánh Thể và nhận ra Ngài nơi thân mình của người anh em đau khổ. Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con trong hành trình tiến về phía trước. Hội Thánh đang cần đà tiến của các con, cần những trực giác và đức tin của các con. Và khi các con đến nơi mà chúng tôi chưa đến, các con hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi" [164].
Ban hành tại Loreto, gần Ðền Thánh Nhà thánh,
ngày 25 tháng Ba, đại lễ Truyền tin của Chúa, năm 2019,
năm thứ bảy triều giáo hoàng của tôi.
Phanxicô
---------------------------------------
Phần Chú thích
Viết tắt:
VK: Văn kiện kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV.
GLHTCG: Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo
EG: Ðức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013): AAS 105 (2013)
LS: Ðức Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si' (24/05/2015): AAS 107 (2015)
AL: Ðức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Amoris Laetitia (19/03/2016): AAS 108 (2016)
GE: Ðức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate (19/03/2018).
Ibid. = Ibidem: Tài liệu vừa dẫn.
X. : Xem
----------------------
[152] GE 167.
[153] Ibid., 168.
[154] Ibid., 170.
[155] VK 108.
[156] Ibid..
[157] GE 171.
[158] Ibid., 172.
[159] Huấn từ của ÐTC Phanxicô tại buổi Canh thức cầu nguyện Chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV, Vương cung thánh đường Ðức Bà Cả (08/04/2017): AAS 109 (2017), 447.
[160] ROMANO GUARDINI, Die Lebensalter. Ihre ethische und p#dagogische Bedeutung, W#rzburg, in lần thứ 3, 1955, 20.
[161] X. GE 169.
[162] EG 222.
[163] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Pastores Dabo Vobis (25/03/1992), 10, AAS 84 (1992), 672.
[164] Canh thức cầu nguyện với Giới trẻ Italia tại Circus Maximus, Roma (11 tháng Tám 2018): L'Osservatore Romano, 13-14/08/2018, 6.