Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục

Christus Vivit - Chúa Kitô Ðang Sống

của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô

Gửi Người Trẻ và Cộng Ðoàn Dân Chúa

(Bản dịch Việt ngữ của HÐGMVN)

 

Chương Tám

Ơn Gọi

 

248. Quả thật từ "ơn gọi" có thể hiểu theo nghĩa rộng là một tiếng gọi của Thiên Chúa. Ơn gọi ấy bao gồm tiếng gọi đi vào hiện hữu, tiếng gọi sống tình bạn với Ngài, tiếng gọi nên thánh, v.v. Ðiều đó thật quan trọng, vì nó đặt đời sống chúng ta trước tôn nhan Chúa, Ðấng yêu thương chúng ta, và cho chúng ta hiểu rằng không có gì phát sinh bởi hỗn mang vô nghĩa, nhưng mọi sự đều ở trên con đường đáp lại tiếng Chúa, Ngài có một kế hoạch tuyệt vời cho chúng ta.

249. Trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, cha đã nói về ơn gọi của mọi người là lớn lên để làm vinh danh Chúa; và cha đã muốn "nhắc lại lời mời gọi nên thánh theo một phương cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, một thời đại vốn chất chứa nhiều rủi ro, thách đố và cơ hội". [136] Công đồng Vaticanô II giúp chúng ta ý thức lại lời mời gọi này, được gửi đến mỗi người chúng ta: "Tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Ðấng trọn lành". [137]

Lời mời gọi làm bạn với Chúa

250. Ðiều mà Ðức Giêsu muốn nơi mỗi người trẻ trước hết là làm bạn với Người. Chuyện thiết yếu là phải phân định và khám phá điều ấy. Ðó là sự phân định căn bản. Trong cuộc đối thoại của Chúa Phục Sinh với Simon Phêrô bạn của Người, câu hỏi quan trọng là: "Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" (Ga 21,16). Nghĩa là: anh có muốn Thầy là bạn của anh không? Sứ mạng mà Phêrô nhận lãnh để chăm sóc đoàn chiên của Ðức Giêsu sẽ luôn gắn với tình yêu vô cầu này, với tình yêu bằng hữu này.

251. Và nếu cần một ví dụ ngược lại, chúng ta hãy nhớ đến cuộc gặp gỡ lạc điệu giữa Ðức Giêsu với người thanh niên giàu có. Cuộc gặp gỡ ấy cho chúng ta thấy rõ điều mà người bạn trẻ ấy đã không cảm nhận được là cái nhìn đầy yêu thương của Chúa (x. Mc 10,21). Anh tỏ ra buồn rầu, sau những hăm hở ban đầu, vì anh không thể từ bỏ nhiều thứ anh đang sở hữu (x. Mt 19,22). Anh đã bỏ lỡ cơ hội mà lẽ ra có thể là một tình bạn tuyệt vời. Và chúng ta, chúng ta vẫn không biết chàng thanh niên độc đáo ấy - mà Ðức Giêsu đã đem lòng yêu thương nhìn anh và chìa tay ra cho anh - sẽ có thể là gì đối với chúng ta, sẽ có thể làm gì cho nhân loại.

252. Bởi vì "cuộc đời mà Ðức Giêsu trao cho chúng ta là một chuyện tình, một câu chuyện cuộc đời muốn hoà quyện vào cuộc đời của chúng ta và đâm rễ trong mảnh đất của mỗi người chúng ta. Cuộc đời ấy không phải là một ơn cứu độ được lưu trong 'đám mây' chờ chúng ta tải xuống, cũng không phải là một 'ứng dụng' mới chờ được khám phá, hay một thực hành kỹ thuật thăng tiến tinh thần. Cuộc đời mà Chúa ban tặng chúng ta càng không phải là một 'bản hướng dẫn' (tutorial) giúp chúng ta học hỏi điều mới nhất. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là một lời mời gọi dự phần vào một câu chuyện tình đan kết với những câu chuyện của chúng ta; nó sống động và muốn được sinh ra giữa chúng ta, để chúng ta có thể sinh hoa trái ở nơi chúng ta đang sống, như chúng ta đang là, và với những người chúng ta đang cùng sống với họ. Chính vì thế mà Chúa đến để gieo và để được gieo". [138]

Sống vì người khác

253. Giờ đây cha muốn nói đến ơn gọi hiểu theo nghĩa đen là một lời mời gọi thi hành sứ vụ phục vụ tha nhân. Chúng ta được Chúa kêu gọi tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài bằng cách góp phần xây dựng thiện ích chung với những khả năng chúng ta đã nhận được.

254. Ơn gọi thừa sai này có liên quan đến việc phục vụ tha nhân. Vì đời sống chúng ta ở trần gian này đạt được tầm vóc viên mãn khi trở thành một hiến lễ. Cha nhắc lại rằng "sứ mệnh của tôi giữa lòng dân không phải là một phần của đời tôi hay một món trang sức mà tôi có thể gỡ bỏ; cũng không phải một cái gì phụ thêm hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc đời. Nhưng là điều mà tôi không được dứt bỏ khỏi mình nếu không muốn tự huỷ hoại mình. Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; và vì thế mà tôi có mặt trong đời" [139]. Vì thế, phải quan niệm rằng mọi hoạt động mục vụ phải hướng đến ơn gọi, mọi hoạt động đào tạo phải hướng đến ơn gọi và mọi nền linh đạo phải hướng đến ơn gọi.

255. Ơn gọi của con không chỉ hệ tại ở những công việc mà con phải làm, mặc dù ơn gọi thể hiện nơi những công việc ấy. Ơn gọi là một cái gì hơn thế: đó là một con đường sẽ hướng những nỗ lực và hoạt động của con theo chiều hướng phục vụ. Vì thế trong việc phân định ơn gọi, điều quan trọng là xem coi chúng ta có nhận ra nơi mình những khả năng cần thiết cho công việc phục vụ chuyên biệt ấy trong xã hội hay không.

256. Ðiều đó đem lại giá trị rất lớn cho những công việc này, vì chúng không còn chỉ là tất cả những gì chúng ta làm để kiếm tiền, để khỏi ở không hay để làm vui lòng người khác. Tất cả những điều ấy làm thành ơn gọi bởi vì chúng ta được kêu gọi; có điều gì đó còn hơn cả sự chọn lựa thực dụng đơn giản của chúng ta. Cuối cùng, đó là việc nhận ra lý do vì sao tôi được dựng nên, vì sao tôi đang ở chỗ này, nhận ra đâu là kế hoạch Chúa dành cho đời tôi. Chúa sẽ không chỉ cho tôi thấy mọi nơi chốn, thời gian và chi tiết, tôi sẽ phải khôn ngoan chọn lựa. Nhưng Chúa sẽ chỉ cho tôi một hướng đi cho đời tôi, vì Chúa là Ðấng dựng nên tôi, là thợ gốm nặn ra tôi, và tôi cần lắng nghe Chúa để Ngài nắn đúc và tác tạo. Như thế tôi sẽ trở thành điều mà tôi phải là và trung thành với sự thật của chính tôi.

257. Ðể thực hiện ơn gọi riêng của mình, chúng ta cần phải phát huy, đẩy mạnh và làm tăng triển tất cả những gì là chính mình. Ðây không phải là phát minh, là sáng tạo con người mình một cách tự phát từ con số không, nhưng là khám phá chính mình trong ánh sáng của Chúa và làm cho đời sống mình sinh hoa kết quả. "Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi người đều được kêu gọi phát triển chính mình, vì mọi cuộc sống đều là ơn gọi". [140] Ơn gọi của con hướng dẫn con phát huy điều hay nhất của mình để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân. Vấn đề không chỉ là làm những công việc nào đó, nhưng là làm các việc ấy với một ý nghĩa, với một định hướng. Về đề tài này, Thánh Alberto Hurtado bảo các bạn trẻ phải hết sức nghiêm túc trong việc chọn hướng đi: "Trên một con tàu, nếu người hoa tiêu chểnh mảng, anh sẽ bị sa thải ngay vì đã đùa giỡn với điều rất thánh thiêng. Còn trong đời sống, chúng ta có tỉnh thức về hướng đi của mình không? Ðâu là hướng đi của bạn? Nếu cần dừng lại để suy nghĩ thêm về điều này, tôi xin mỗi người trong các bạn suy nghĩ hết sức nghiêm túc, vì đi đúng hướng là đã thành công; chệch hướng là đã thất bại rồi". [141]

258. Trong đời sống của mỗi người trẻ, việc ta "sống vì người khác" thường gắn với hai vấn đề căn bản: tạo lập một gia đình mới và làm việc. Các bản thăm dò giới trẻ nhiều lần xác nhận rằng đây là hai vấn đề lớn làm cho họ vừa bận tâm vừa hứng thú. Hai vấn đề này phải được xem xét cách đặc biệt. Chúng ta hãy lược qua từng vấn đề.

Tình yêu và gia đình

259. Người trẻ cảm thấy tiếng gọi của tình yêu rất mãnh liệt; họ ước mơ gặp đúng người để xây dựng một gia đình và sống chung với nhau. Rõ ràng đây là một ơn gọi mà chính Thiên Chúa kêu mời qua những tình cảm, những khát vọng và những ước mơ của người trẻ. Về chủ đề này, cha đã nói đầy đủ trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui của Tình Yêu). Cha mời tất cả các bạn trẻ hãy đọc Chương Bốn và Chương Năm của Tông huấn ấy.

260. Cha thích nghĩ rằng "Hai người Kitô hữu kết hôn với nhau nhận ra nơi chuyện tình của mình lời mời gọi của Chúa, đó là ơn gọi kết hợp hai người, một nam và một nữ thành một thân xác, một cuộc sống duy nhất. Và bí tích Hôn nhân bao bọc tình yêu ấy bằng ân sủng của Thiên Chúa, làm cho tình yêu ấy bén rễ trong chính Thiên Chúa. Với quà tặng này, với sự chắc chắn của lời mời gọi này, họ có thể tiến bước trong bình an mà không sợ chi cả, họ có thể cùng nhau đương đầu với mọi sự". [142]

261. Trong bối cảnh này, cha nhắc lại rằng Thiên Chúa dựng nên chúng ta như những hữu thể có giới tính. Chính Ngài "đã tạo dựng tính dục, là quà tặng kỳ diệu cho các thụ tạo của Ngài". [143] Trong ơn gọi hôn nhân, chúng ta cần nhìn nhận và tạ ơn Chúa vì "tính dục, giới tính là một quà tặng của Thiên Chúa. Chẳng có gì cấm kỵ. Ðó là quà tặng của Thiên Chúa, món quà Chúa dành cho chúng ta, với hai mục đích: yêu thương nhau và lưu truyền sự sống. Ðó là một đam mê, một tình yêu đam mê. Tình yêu đích thực thì đam mê. Tình yêu giữa một người nam và một người nữ, khi đam mê, sẽ dẫn con tới việc trao ban sự sống. Luôn luôn là thế. Và trao ban sự sống với cả thân xác và linh hồn". [144]

262. Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng "Gia đình tiếp tục là điểm tham chiếu chính yếu cho giới trẻ. Con cái quý trọng tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ, họ tha thiết với các mối liên hệ gia đình và hy vọng, đến lượt mình, họ cũng lập nên được một gia đình. Không thể phủ nhận rằng tình trạng gia tăng ly thân, ly dị, tái hôn và gia đình cha hoặc mẹ đơn thân, có thể gây ra những đau khổ lớn lao và một cuộc khủng hoảng căn tính nơi con cái. Ðôi khi con cái phải gánh vác những trách nhiệm không tương xứng với tuổi của mình và buộc họ trở thành người lớn trước tuổi. Sự đóng góp của bậc ông bà về mặt tình cảm và trong lĩnh vực giáo dục tôn giáo thường mang tính quyết định: sự khôn ngoan của tuổi tác khiến ông bà là mối dây liên kết chính trong tương quan giữa các thế hệ".[145]

263. Quả thật những khó khăn mà người trẻ phải gánh chịu trong gia đình mà họ sinh trưởng đã khiến nhiều người trẻ tự hỏi rằng liệu có đáng để lập gia đình hay không, có đáng để chung thuỷ và quảng đại hay không. Cha muốn nói với các bạn ấy rằng chắc chắn là rất đáng. Thật đáng để dành mọi công sức cho gia đình; ở đó họ sẽ tìm thấy những động lực tốt nhất để trưởng thành và tìm thấy những niềm vui đẹp nhất để chia sẻ. Các con đừng để mình bị tước mất tình yêu thực sự. Ðừng để mình bị lừa phỉnh bởi những kẻ rủ rê sống cuộc đời bê tha theo chủ nghĩa cá nhân mà cuối cùng chỉ dẫn tới cô lập và cô đơn.

264. Ngày nay, nền văn hoá đang thống trị là nền văn hoá của cái phù du, ảo tưởng. Tin rằng chẳng có gì mang tính quyết định là một điều lừa phỉnh và dối trá. "Có những người bảo rằng hôn nhân ngày nay là chuyện "lỗi thời" [...] Trong một nền văn hoá của cái phù du và tương đối, nhiều người rao giảng rằng điều quan trọng là "hưởng thụ" khoảnh khắc hiện tại, rằng thật không đáng để giao ước suốt đời, để quyết định dứt khoát [...] Còn cha, trái lại, cha kêu gọi các con hãy trở thành những nhà cách mạng, cha kêu gọi các con hãy lội ngược dòng; phải, cha muốn các con hãy phản kháng nền văn hoá của cái phù du này, một nền văn hoá không tin rằng các con có đủ khả năng lãnh trách nhiệm, có đủ khả năng yêu thương thực sự".[146] Cha tin tưởng các con, và vì thế cha khuyến khích các con lựa chọn sống đời hôn nhân.

265. Cần phải chuẩn bị cho hôn nhân, và điều này đòi hỏi phải tự huấn luyện mình, phát huy những đức tính tốt, nhất là yêu thương, nhẫn nại, khả năng đối thoại và phục vụ. Ðiều này cũng đòi phải giáo dục về tính dục, để càng ngày càng bớt trở thành phương tiện lợi dụng tha nhân, và càng ngày càng thêm khả năng hiến mình hoàn toàn cho một người khác, một cách độc hữu và quảng đại.

266. Các giám mục Colombia đã viết: "Ðức Kitô biết rằng vợ chồng thì không hoàn hảo và họ cần vượt lên những yếu đuối và sự thiếu chung thủy, để tình yêu của họ có thể lớn lên và bền vững. Vì thế, Người ban cho họ ân sủng của Người, đó vừa là ánh sáng vừa là sức mạnh giúp họ sống đời sống hôn nhân của mình theo kế hoạch của Thiên Chúa". [147]

267. Ðối với những ai không được kêu gọi sống đời sống hôn nhân hay đời sống thánh hiến, phải luôn nhớ rằng ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất là ơn gọi của bí tích Thánh tẩy. Những người độc thân, dù đó không phải là chủ ý chọn lựa của họ, có thể trở nên một chứng tá đặc biệt của ơn gọi ấy bằng con đường trưởng thành thiêng liêng của riêng mình.

Việc làm

268. Các giám mục ở Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rõ ràng rằng "dấu hiệu của tuổi trưởng thành thường là khi người ta bắt đầu đi làm. 'Bạn làm nghề gì?' là một đề tài thường xuyên trong các cuộc trò chuyện, vì việc làm là điều rất quan trọng trong cuộc sống của người trẻ. Ðối với người bắt đầu trưởng thành, kinh nghiệm này rất hay thay đổi vì họ chuyển từ công việc này sang công việc khác, và thậm chí từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Việc làm có thể quy định họ dùng thời gian như thế nào và có thể quyết định họ làm được gì hay sắm được gì. Việc làm còn có thể ấn định phẩm chất và số lượng thời gian rảnh rỗi. Việc làm xác định và ảnh hưởng đến căn tính và ý thức về chính mình của một người trẻ, đồng thời là nơi chủ yếu để phát triển tình bằng hữu và các mối tương quan khác, bởi vì nói chung người ta không làm việc một mình. Các bạn trẻ nam cũng như nữ nói về việc làm như là sự chu toàn một phận vụ và như một điều gì đó đem lại ý nghĩa. Việc làm giúp cho người trẻ đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn của mình nhưng hơn nữa, còn giúp họ tìm kiếm ý nghĩa và thực hiện các giấc mơ và viễn ảnh của mình. Mặc dù việc làm có thể không giúp cho những giấc mơ của người trẻ thành tựu, nhưng điều quan trọng là họ phải nuôi dưỡng một viễn ảnh, học hỏi làm việc theo một cách thức thực sự mang tính cá vị và tốt đẹp cho đời sống, cũng như tiếp tục phân định tiếng gọi của Thiên Chúa". [148]

269. Cha kêu gọi các bạn trẻ đừng mong sống mà không làm việc, dựa vào sự giúp đỡ của người khác. Ðiều đó không tốt, vì "việc làm là điều cần thiết, nó nằm trong ý nghĩa của đời sống trên mặt đất này, là con đường để trưởng thành, để phát triển nhân bản và hoàn thành con người mình. Theo nghĩa này, việc giúp đỡ người nghèo về tiền bạc phải luôn là một giải pháp tạm thời trong những trường hợp cấp bách".[149] Vì thế, "linh đạo Kitô giáo, cùng với sự chiêm ngắm đầy ngưỡng mộ trước các thụ tạo mà chúng ta gặp thấy nơi Thánh Phanxicô Assisi, cũng đã phát triển một sự hiểu biết phong phú và quân bình về lao động, chẳng hạn như nơi cuộc đời Chân phước Charles de Foucauld và các môn đệ của ngài". [150]

270. Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng thế giới lao động là nơi người trẻ "trải nghiệm tình trạng bị loại trừ và bị gạt ra lề. Ðáng nói nhất và nghiêm trọng nhất là tình trạng thất nghiệp nơi giới trẻ; ở một số quốc gia, tỷ lệ này cao đến mức báo động. Thất nghiệp không chỉ khiến người trẻ trở nên nghèo, tình trạng này còn tước đi của họ quyền được mơ ước và hy vọng, đồng thời cũng lấy mất của họ cơ hội góp phần làm cho xã hội phát triển. Trong nhiều quốc gia, nguyên nhân của tình trạng này là do một số thành phần trẻ thiếu khả năng chuyên môn thích hợp, đặc biệt là vì hệ thống giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập. Thường tình trạng bấp bênh về lao động của giới trẻ lại thỏa mãn khát vọng của những nhóm lợi ích kinh tế muốn bóc lột lao động" [151].

271. Ðây là một vấn đề rất tế nhị phải được các nhà chính trị quan tâm hàng đầu, nhất là hiện nay, khi mà sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cùng với nỗi ám ảnh giảm chi phí nhân công có thể nhanh chóng dẫn đến việc dùng máy móc thay thế con người trong nhiều công việc. Ðây là một vấn đề xã hội cơ bản, vì đối với một người trẻ, việc làm không đơn thuần chỉ là để kiếm tiền, mà là một thể hiện phẩm giá con người, một con đường để trưởng thành và hội nhập xã hội. Việc làm là một động lực thường xuyên giúp phát triển tinh thần trách nhiệm và khả năng sáng tạo, bảo vệ chống lại xu hướng của chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ. Việc làm còn là một hành vi tạ ơn Chúa bằng cách phát huy các khả năng riêng của mình.

272. Không phải lúc nào người trẻ cũng có thể quyết định mình sẽ dốc sức làm gì, sẽ sử dụng nghị lực và khả năng sáng tạo của mình vào những công việc gì. Bởi vì, ngoài những mong muốn, và cả những khả năng và những lựa chọn của họ đã được nhìn nhận, còn có những hạn chế khắc nghiệt của thực tế. Quả thực con không thể sống mà không làm việc, và đôi khi con phải chấp nhận công việc con đang làm, nhưng con đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, đừng bao giờ vùi lấp hẳn một tiếng gọi, và đừng bao giờ chịu thua. Hãy cứ tiếp tục tìm cách sống điều mà con đã phân định và nhận ra đó là ơn gọi thực sự của con, ít là một phần nào đó.

273. Khi chúng ta khám phá rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta làm điều gì đó, rằng chúng ta sinh ra để làm điều ấy - làm điều dưỡng, hay thợ mộc, hoặc làm việc trong ngành truyền thông, sư phạm, mỹ thuật, hay bất cứ loại công việc nào khác - thì chúng ta sẽ có thể phát huy những khả năng tốt nhất của mình để hy sinh, quảng đại và cống hiến. Biết rằng chúng ta không làm việc mà chẳng có lý do gì, nhưng việc làm có một ý nghĩa, đó là lời đáp lại một tiếng gọi âm vang trong sâu thẳm hữu thể của mình, để mang lại điều gì đó cho tha nhân: như thế việc làm đem đến cho tâm hồn ta một cảm nghiệm được mãn nguyện. Như lời trong Sách Giảng viên của Cựu Ước: "Tôi thấy rằng không có gì tốt hơn là tận hưởng niềm vui nơi công việc của mình" (3,22).

Các ơn gọi thánh hiến đặc biệt

274. Nếu chúng ta xác tín rằng Chúa Thánh Thần vẫn khơi dậy những ơn gọi linh mục và tu sĩ, chúng ta có thể một lần nữa nhân danh Chúa mà hoàn toàn tin tưởng "thả lưới". Chúng ta có thể dám, và chúng ta phải làm điều này: bảo mỗi người trẻ hãy tự hỏi xem mình có thể đi theo con đường ấy không.

275. Có khi cha đề nghị với các bạn trẻ điều ấy, và họ hóm hỉnh trả lời: "Không, chắc là con sẽ không theo con đường ấy đâu!" Thế mà mấy năm sau, có vài người trong số họ lại vào Chủng viện. Chúa không thể thất hứa, Ngài không để cho Hội Thánh thiếu mục tử, mà nếu không có các vị ấy thì Hội Thánh không thể sống và thi hành sứ mạng của mình. Và giả như có một số linh mục đã không sống chứng tá tốt, thì không phải vì thế mà Chúa không kêu gọi nữa. Trái lại, Ngài kêu gọi gấp đôi, vì Ngài không ngừng chăm sóc Hội Thánh yêu dấu của Ngài.

276. Trong việc phân định ơn gọi, không được loại trừ khả năng dâng hiến cho Thiên Chúa trong chức linh mục, trong đời sống tu sĩ hay trong các hình thức thánh hiến khác. Sao lại loại trừ? Con hãy tin chắc rằng nếu con nhận ra tiếng Chúa gọi và đi theo, thì tiếng gọi ấy sẽ làm cho con thoả nguyện.

277. Ðức Giêsu đang bước đi giữa chúng ta, như Người đã bước đi ở Galilê. Người bước đi trên các đường phố của chúng ta, Người dừng lại, nhìn vào mắt chúng ta, không vội vã. Tiếng gọi của Người đầy lôi cuốn và hấp dẫn. Nhưng ngày nay, mối lo âu và nhiều quyến rũ dồn dập tấn công chúng ta khiến không còn chỗ cho sự thinh lặng nội tâm để chúng ta có thể nhận ra ánh nhìn của Ðức Giêsu và nghe được tiếng gọi của Người. Cùng lúc ấy, con sẽ nhận được nhiều đề nghị được tô vẽ. Những đề nghị ấy xem ra thật đẹp và gây phấn khích, nhưng rồi chúng sẽ chỉ để lại cho con cảm giác trống rỗng, mệt mỏi và cô đơn mà thôi. Ðừng để điều này xảy ra với con, vì cơn lốc của thế giới này sẽ đẩy con vào một con đường điên rồ, không định hướng, không có những mục tiêu rõ ràng, và như thế những nỗ lực của con sẽ thành ra vô ích. Nhưng con hãy tìm nơi yên tĩnh và thinh lặng để suy tư, cầu nguyện, nhìn kỹ thế giới quanh con, và rồi, cùng với Ðức Giêsu, con sẽ nhận ra ơn gọi của mình trong thế giới này.

- - - - - - -

[136] GE 2.

[137] Công Ðồng Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Hội Thánh Lumen Gentium, 11.

[138] Huấn từ trong buổi Canh thức, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV tại Panama (26/01/2019): L'Osservatore Romano, 28-29/01/2019, 6.

[139] EG 273.

[140] Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26/03/1967), 15: AAS 59 (1967), 265.

[141] Meditación de Semana Santa para jóvenes, viết tại nước ngoài trên chuyến tàu trở về từ Hoa Kỳ năm 1946 (https://www.padrealbertohurtado.cl/escritos-2/).

[142] Gặp gỡ giới trẻ Umbria tại Assisi (04/10/2013): AAS 105 (2013), 921.

[143] AL 150.

[144] Bài nói chuyện với Giới trẻ của Giáo phận Grenoble-Vienne (17/09/2018): L'Osservatore Romano, 19/09/2018, 8.

[145] VK 32.

[146] Gặp gỡ các Tình nguyện viên, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVIII tại Río de Janeiro (28/07/2013): Insegnamenti 1, 2 (2013), 125.

[147] Hội Ðồng Giám Mục COLOMBIA, Mensaje Cristiano sobre el matrimonio (14/05/1981).

[148] Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, Sons and Daughters of Light: A Pastoral Plan for Ministry with Young Adults, 12/11/1996, Phần Một, 3.

[149] LS 128.

[150] Ibid., 125.

[151] VK 40.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page