Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục

Christus Vivit - Chúa Kitô Ðang Sống

của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô

Gửi Người Trẻ và Cộng Ðoàn Dân Chúa

(Bản dịch Việt ngữ của HÐGMVN)

 

Chương Bốn

Lời Loan Báo Tuyệt Vời Cho Mọi Người Trẻ

 

111. Vượt trên hết mọi tình huống, giờ đây cha muốn nói với tất cả các con điều quan trọng, ưu tiên hàng đầu, điều không bao giờ được bỏ qua. Ðó là một lời loan báo bao gồm ba chân lý trọng đại mà tất cả chúng ta cần luôn lắng nghe, nhiều lần.

Thiên Chúa là Tình Yêu

112. Trước hết, cha muốn nói với mỗi người chúng con về chân lý đầu tiên: "Thiên Chúa yêu con". Nếu con đã từng nghe rồi, không quan trọng, cha chỉ muốn nhắc con nhớ rằng: Thiên Chúa yêu con. Con đừng bao giờ nghi ngờ điều đó, cho dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời con. Trong bất cứ cảnh huống nào, con cũng được Thiên Chúa yêu thương vô tận.

113. Có lẽ kinh nghiệm về tình phụ tử mà con đã trải qua không mấy tốt đẹp, có thể người cha trần thế của con đã đi xa và vắng bóng, hoặc cha của con là một người thống trị và chiếm hữu; hay đơn giản là một người mà con không cần đến. Cha không biết. Nhưng người cha mà cha xác quyết nói với con đây, là một người cha mà con có thể an tâm lao vào vòng tay của Ngài, đó là Cha trên trời, là Thiên Chúa, là Ðấng đã ban sự sống cho con và tiếp tục trao ban trong mọi lúc. Ngài chắc chắn sẽ nâng đỡ con và đồng thời, con sẽ cảm thấy Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của con.

114. Trong Lời Chúa, chúng ta thấy có rất nhiều đoạn diễn tả tình yêu của Ngài. Chính việc Ngài biểu lộ tình yêu trong nhiều cách thức khác nhau như thế là để tìm xem có cách nào, qua những lời đó, có thể chạm đến tâm hồn con không. Chẳng hạn, đôi khi Ngài tỏ ra như những người cha người mẹ thương mến chơi đùa với con cái mình: "Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má" (Hs 11,4 ).

Ðôi khi lại sánh ví với tình yêu của các bà mẹ hết lòng hết dạ yêu thương con mình, một tình yêu tận tâm can làm cho người mẹ không thể quên hay bỏ con mình: "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ" (Is 49,15).

Thậm chí, Thiên Chúa còn tỏ ra như một người yêu thiết tha đến mức hoạ hình người mình yêu trên lòng bàn tay để có thể luôn nhìn thấy khuôn mặt người ấy trước mặt: "Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta" (Is 49,16).

Những lần khác, Ngài nhấn mạnh đến tình yêu mạnh mẽ và bền vững của Ngài, không gì có thể lay chuyển nổi: "Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay" (Is 54,10).

Hoặc nói với chúng ta rằng từ muôn thuở chúng ta đã được Ngài chờ đợi, bởi vì không phải tình cờ mà chúng ta có mặt trong thế giới này. Ngay cả trước khi hiện hữu, chúng ta đã ở trong kế hoạch yêu thương của Ngài: "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương" (Gr 31,3).

Hoặc cho chúng ta biết rằng Ngài nhìn thấy nơi ta một vẻ đẹp mà không ai khác có thể nhận ra: "Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương" (Is 43,4).

Hoặc giúp chúng ta khám phá ra rằng tình yêu của Ngài không buồn tẻ, nhưng đầy niềm vui thanh khiết, luôn mới mẻ mỗi khi chúng ta để cho mình được Ngài yêu thương: "Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Ðấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỉ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng" (Xp 3,17).

115. Ðối với Chúa, con thực sự quý giá, con không phải là vô nghĩa, đối với Ngài con thật quan trọng, bởi vì con là công trình do tay Ngài làm ra. Vì thế Ngài quan tâm đến con và thương nhớ con. Con phải tin vào "trí nhớ của Thiên Chúa: trí nhớ của Ngài không là một 'ổ đĩa cứng' chỉ biết ghi nhận và lưu giữ tất cả dữ liệu của chúng ta, nhưng trí nhớ của Ngài là một con tim dịu dàng thương cảm, vui mừng xoá đi hết mọi dấu vết xấu xa của chúng ta". [63] Ngài không muốn nhớ đến những sai hỏng của con, và Ngài luôn luôn giúp con học được điều gì đó từ những vấp ngã của con. Bởi vì Ngài yêu con. Hãy tìm một khoảng lặng ở với Chúa và để được Ngài yêu thương. Hãy cố xua tan mọi tiếng ồn trong thâm tâm và buông mình một lúc trong vòng tay yêu thương của Ngài.

116. Ðây là một tình yêu "không áp đặt hay đè bẹp, không loại trừ, không thờ ơ, một tình yêu không coi thường hay thống trị. Ðó là tình yêu của Chúa, tình yêu thường nhật, kín đáo và tôn trọng, một tình yêu tự do và giải thoát, tình yêu chữa lành và nâng dậy. Ðó là tình yêu của Chúa, tình yêu đỡ nâng lên hơn là quật ngã, giao hoà hơn là cấm đoán, cho cơ hội mới hơn là kết án, hướng đến tương lai hơn là quá khứ". [64]

117. Khi Ngài yêu cầu con điều gì hoặc đơn giản để con đối diện với những thách đố trong cuộc đời, đó là lúc Ngài mong con để cho Ngài thúc đẩy con, động viên con, giúp con trưởng thành. Ngài không khó chịu khi con nêu lên những nghi ngờ, nhưng Ngài ưu tư khi con không nói chuyện với Ngài, khi con không mở lòng ra đối thoại chân thành với Ngài. Thánh Kinh kể rằng ông Giacóp đã vật lộn với Thiên Chúa (x. St 32,25-31), nhưng điều ấy đã không làm cho ông rời xa đường lối của Chúa. Thật ra, chính Ngài khuyên chúng ta: "Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận!" (Is 1,18). Tình yêu của Chúa chân thực và cụ thể đến nỗi nó ban cho ta một mối quan hệ đầy đối thoại chân thành và hiệu quả. Cuối cùng, con hãy tìm đến với vòng tay của Cha trên trời nơi khuôn mặt mến thương của các chứng nhân can đảm của Ngài trên trần gian!

Ðức Kitô cứu độ con

118. Chân lý thứ hai là Ðức Kitô, vì yêu thương, Người đã hiến thân mình cho đến chết để cứu độ con. Ðôi tay Người dang ra trên thập giá là dấu chỉ cao quý nhất của một tình bạn đi đến cùng: "Người yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1).

Thánh Phaolô đã khẳng định ngài sống tín thác vào tình yêu hiến dâng ấy: "Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 2,20).

119. Chúa Kitô, trên thập giá, đã cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi, ngày nay, với chính quyền năng của sự tự hiến ấy, Ngài tiếp tục cứu độ và chuộc tội chúng ta. Con hãy nhìn lên Thập giá của Người, hãy bám chặt lấy Người, hãy để Người cứu con, bởi vì "những ai để mình được Người cứu độ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn". [65] Và nếu con phạm tội và lạc xa Người, Người sẽ lại đến nâng con dậy bằng quyền năng Thập Giá của Người. Ðừng bao giờ quên rằng "Người tha thứ bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác Người lại đến để vác chúng ta trên vai của Người. Không ai có thể tước đi phẩm giá được ban cho chúng ta bởi tình yêu vô hạn và bền vững này. Người cho phép chúng ta ngẩng cao đầu và bắt đầu lại, với một sự dịu dàng không bao giờ làm chúng ta thất vọng nhưng luôn phục hồi lại cho ta niềm vui".[66]

120. Chúng ta "được cứu độ bởi Ðức Giêsu: vì Người yêu thương chúng ta và Người không thể làm gì khác hơn. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chống lại Người, nhưng Người yêu thương chúng ta và cứu chúng ta. Bởi vì chỉ những gì được yêu mới có thể được cứu. Chỉ những gì được ôm lấy mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa thì lớn hơn tất cả những mâu thuẫn, những yếu đuối và những nhỏ nhen của chúng ta. Nhưng chính nhờ những mâu thuẫn, những yếu đuối và nhỏ nhen của chúng ta mà Người muốn viết lại câu chuyện tình yêu này. Người đã ôm lấy đứa con hoang đàng, đã ôm lấy Phêrô sau khi ông chối Người và luôn ôm lấy chúng ta, luôn luôn, cả sau mỗi lần chúng ta sa ngã để giúp chúng ta trỗi dậy và đứng vững trên đôi chân của mình. Bởi vì sự sa ngã thật - các con hãy lưu ý điều này - sự sa ngã tệ hại nhất, sự sa ngã có thể hủy diệt sự sống của chúng ta, là khi cứ trì trệ nằm ì dưới đất và không để ai giúp mình đứng dậy". [67]

121. Sự tha thứ và ơn cứu độ của Chúa không phải là điều mà chúng ta có thể mua được hoặc đạt được bằng những việc làm hay những nỗ lực của mình. Người tha thứ và giải thoát chúng ta cách vô cầu. Sự hy sinh của Người trên thập giá thì lớn lao đến nỗi chúng ta không thể lấy gì đáp đền mà chỉ có thể đón nhận với lòng biết ơn vô hạn và niềm vui mình được yêu thương quá mức có thể tưởng tượng: "Ngài đã yêu thương chúng ta trước" (1 Ga 4,19).

122. Các bạn trẻ thân mến, các con được Chúa rất yêu dấu, các con rất quý giá vì được cứu chuộc bằng máu châu báu của Ðức Kitô! Các con "là vô giá! Các con không phải là món đồ để bán đấu giá! Xin đừng để mình bị ai mua bán, đừng để mình bị dụ dỗ, đừng để mình bị nô lệ hoá bởi các hình thức thực dân ý thức hệ, nhồi nhét vào đầu các con những tư tưởng xa lạ để rồi cuối cùng biến các con thành những kẻ nô lệ, nghiện ngập và cuộc đời hư hỏng. Các con là vô giá: các con phải luôn nhắc đi nhắc lại điều này: tôi không phải là món đồ để bán đấu giá, tôi vô giá. Tôi là người tự do, tôi là người tự do! Các con hãy yêu chuộng sự tự do này, tự do mà Chúa Giêsu ban tặng". [68]

123. Con hãy nhìn vào đôi tay dang rộng của Ðức Kitô chịu đóng đinh, hãy luôn để mình được cứu độ lần này đến lần khác. Và khi con đi xưng thú tội lỗi của mình, con hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn giải thoát con khỏi lỗi tội. Hãy chiêm ngắm Máu Người đổ ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy để mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Nhờ đó con sẽ có thể được tái sinh luôn mãi.

Người đang sống!

124. Nhưng có một chân lý thứ ba, không thể tách rời chân lý trước được: Người đang sống! Chúng ta cần luôn tự nhắc mình điều này, bởi vì chúng ta có nguy cơ coi Chúa Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương trong quá khứ, như một kỷ niệm, như một Ðấng đã cứu chúng ta cách nay hai ngàn năm. Ðiều này không ích gì cho chúng ta, vì nó sẽ để chúng ta cũ kỹ y như trước, nó sẽ không giải thoát chúng ta. Ðấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Ðấng giải thoát chúng ta, Ðấng biến đổi chúng ta, Ðấng chữa lành và an ủi chúng ta là Ðấng đang sống. Người là Ðức Kitô Phục Sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, mặc lấy ánh sáng vô hạn. Vì thế Thánh Phaolô đã nói: "Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền" (1 Cr 15,17).

125. Nếu như Người đang sống, thì quả thật Người có thể hiện diện trong cuộc đời của con, ở mọi lúc, để ban ánh sáng chan hoà trên cuộc sống con. Như vậy chúng ta sẽ không bao giờ còn cô đơn và bị bỏ rơi nữa. Ngay cả khi mọi người bỏ đi, Người sẽ vẫn ở đó, như Người đã hứa: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Người lấp đầy mọi sự bằng sự hiện diện vô hình của Người, và bất cứ nơi nào con đến, Người sẽ chờ đợi con ở đó. Bởi vì không những Người đã đến, mà còn đang đến và sẽ tiếp tục đến mỗi ngày để mời con tiến bước đến một chân trời luôn mới mẻ.

126. Con hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu hạnh phúc, tràn ngập niềm vui. Con hãy vui mừng với Người Bạn đã chiến thắng. Họ đã giết Ðấng thánh, Ðấng công chính, Ðấng vô tội, nhưng Người đã chiến thắng. Sự dữ không có lời cuối cùng. Ngay cả trong cuộc đời của con, sự dữ cũng không có lời cuối cùng, bởi vì Người Bạn của con yêu thương con và muốn chiến thắng trong con. Ðấng cứu độ của con đang sống.

127. Nếu Người đang sống, thì chắc chắn rằng cuộc sống chúng ta có một nẻo đường hướng về sự thiện và những vất vả của chúng ta sẽ không ra vô ích. Vậy thì chúng ta có thể chấm dứt phàn nàn và hướng về phía trước, bởi vì người ta có thể luôn hướng về phía trước cùng với Người. Ðây là sự chắc chắn mà chúng ta có được. Ðức Giêsu là Ðấng hằng sống muôn đời. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ sống và sẽ an toàn vượt qua mọi đe doạ chết chóc và bạo lực ẩn nấp dọc đường đi.

128. Mọi giải pháp khác đều yếu kém và tạm thời. Có thể chúng hữu ích trong một thời gian ngắn, nhưng rồi chúng ta lại thấy mình chơi vơi và cô độc trước bão tố của cuộc đời. Trái lại, với Người, tâm hồn chúng ta được bám rễ vững chắc vào một sự an toàn sâu xa bền bỉ vượt trên tất cả mọi sự. Thánh Phaolô nói ngài ước muốn được kết hợp với Ðức Kitô để "biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh" (Pl 3,10). Quyền năng đó cũng sẽ biểu lộ rất nhiều lần trong cuộc đời của con, bởi vì Người đã đến để ban cho con được sống, "và sống dồi dào" (Ga 10,10).

129. Nếu con hết lòng trân quý vẻ đẹp của sứ điệp này và để cho mình được Chúa gặp gỡ; nếu con để cho mình được Người yêu thương và cứu độ; nếu con đi vào trong tình bằng hữu với Người và bắt đầu trò chuyện với Ðức Kitô hằng sống về những điều cụ thể trong cuộc đời con, thì đây sẽ là một kinh nghiệm lớn lao, kinh nghiệm nền tảng nâng đỡ đời Kitô hữu của con. Ðây cũng là kinh nghiệm mà con có thể thông truyền cho các bạn trẻ khác. Bởi vì "ngay từ khởi đầu của đời sống Kitô hữu không có một quyết định luân lý hay một ý tưởng cao cả nào, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một Con người, chính cuộc gặp gỡ này mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định".[69]

Thần Khí ban sự sống

130. Trong cả ba chân lý này - Thiên Chúa yêu con, Ðức Kitô là Ðấng cứu độ con, Người đang sống - chúng ta đều thấy có Chúa Cha và Chúa Giêsu. Ở đâu có Chúa Cha và Chúa Giêsu, thì ở đó cũng có Chúa Thánh Thần. Chính Ngài là Ðấng chuẩn bị và khai mở các tâm hồn để người ta đón nhận sứ điệp này, chính Ngài duy trì sống động niềm hy vọng ơn cứu độ này, chính Ngài sẽ giúp con lớn lên trong niềm vui này nếu các con để cho Ngài hành động. Chúa Thánh Thần lấp đầy con tim của Ðức Kitô Phục sinh và từ đó phát sinh suối nguồn sự sống cho con. Và khi con đón nhận Người, Chúa Thánh Thần làm cho con ngày càng đi sâu vào con tim của Ðức Kitô, để các con luôn được đầy tràn tình yêu, ánh sáng và sức mạnh của Người.

131. Con hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần mỗi ngày để không ngừng sống kinh nghiệm mới mẻ sứ điệp tuyệt vời này. Tại sao không? Con không mất mát gì cả và Ngài có thể thay đổi cuộc đời con, soi sáng nó và dẫn con đi một nẻo đường tốt đẹp hơn. Ngài không cắt mất của con sự gì, Ngài không lấy đi điều gì của con, trái lại, Ngài giúp con tìm thấy điều con cần theo cách tốt nhất. Con có cần tình yêu không? Con sẽ không tìm thấy nó trong sự phóng đãng, trong việc sử dụng người khác, trong chiếm hữu hoặc thống trị họ. Con sẽ tìm thấy tình yêu theo một cách thế nó làm cho con thật sự hạnh phúc. Con đi tìm cảm xúc mãnh liệt ư? Con sẽ không có nó bằng cách tích lũy đồ đạc vật chất, bằng cách tiêu xài tiền bạc, chạy theo những sự thế gian một cách vô vọng. Các cảm xúc ấy sẽ đến bằng một cách thức tốt đẹp và thoả mãn hơn nhiều nếu con để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

132. Con tìm kiếm đam mê ư? Như lời của một bài thơ: hãy yêu đi! (hoặc hãy để cho mình được yêu!), bởi vì "không gì quan trọng hơn là gặp được Thiên Chúa. Nói cách khác, hãy yêu Ngài một cách dứt khoát và tuyệt đối. Con yêu cái gì, thì con sẽ nghĩ tưởng đến cái đó và cuối cùng nó chi phối con tất cả mọi sự. Nó sẽ quyết định điều gì khiến con thức dậy vào buổi sáng, điều gì con sẽ làm lúc hoàng hôn, con sẽ trải qua những ngày cuối tuần như thế nào, con đọc gì, con biết gì, điều gì làm tim con tan vỡ và điều gì khiến con tràn ngập niềm vui và lòng biết ơn. Hãy yêu đi! Hãy tiếp tục yêu! Tất cả mọi sự sẽ khác" [70] Tình yêu này của Thiên Chúa, vốn có thể làm chúng ta say mê cuộc sống, là điều có thể, nhờ Chúa Thánh Thần, bởi vì "tình yêu Thiên Chúa đổ tràn vào tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã được ban cho chúng ta" (Rm 5,5).

133. Ngài là suối nguồn của tuổi trẻ theo nghĩa tốt nhất. Vì ai tin tưởng vào Chúa thì "giống như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi" (Gr 17,8). Trong khi "những thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn" (Is 40,30), những người đặt niềm tin vào Chúa lại "được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân" (Is 40,31).

- - - - - -

[63] Bài giảng trong Thánh Lễ, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXI tại Krakow (31/03/2016): AAS 108 (2016), 963.

[64] Diễn văn Khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV tại Panama (24/01/2019): L'Osservatore Romano, 26/01/2019, 12.

[65] EG 1

[66] Ibid., 3.

[67] Huấn từ trong buổi Canh thức với Giới trẻ, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV tại Panama (26/01/2019): L'Osservatore Romano, 28-29/01/2019, 6.

[68] Bài nói chuyện tại Cuộc Gặp gỡ Giới trẻ trong thời gian Thượng Hội đồng Giám mục (06/10/2018): L'Osservatore Romano, 8-9/10/2018, 7.

[69] Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25/12/2005), 1: AAS 98 (2006), 217.

[70] PEDRO ARRUPE, Enamórate.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page