Lòng biết ơn thông truyền hy vọng

và làm cho thế giới tốt đẹp hơn

 

Ðức Thánh cha: Lòng biết ơn thông truyền hy vọng và làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 30-12-2020) - Sáng thứ Tư, 30 tháng 12 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến, từ thư viện trong dinh Giáo hoàng, lúc 9 giờ 15 phút sáng, vì tình hình đại dịch tại Ý tiếp tục ở mức độ nghiêm trọng. Ðây là buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm 2020 này. Như thường lệ, tại thư viện, ngoài Ðức Thánh cha chỉ có mười linh mục và một vài nhân viên thu hình.

Tôn vinh Lời Chúa

Mở đầu, mọi người đã nghe đọc đoạn thư thứ I của thánh Phaolô tông đồ gửi các tín hữu thành Thêxalônica (1 Tx 5,16-19): "Anh em thân mến, hãy luôn vui mừng, cầu nguyện liên lỷ, trong mọi sự anh em hãy cảm tạ: thực vậy, đó là thánh ý Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô đối với anh chị em. Anh chị em đừng dập tắt Thánh Linh".

Bài huấn dụ

Trong phần huấn dụ tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về sự cầu nguyện. Bài thứ 20 ngài trình bày trong buổi tiếp kiến, có tựa đề là "Kinh nguyện tạ ơn".

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, tôi muốn dừng lại về kinh nguyện tạ ơn. Và tôi đi từ giai thoại được thánh sử Luca thuật lại. Trong khi Chúa Giêsu đi đường, có mười người phong cùi đến gặp Ngài và khẩn xin: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!" (17,13). Chúng ta biết rằng đối với những người bệnh phong cùi, ngoài đau khổ thể lý, họ còn bị gạt ra ngoài đời sống xã hội và tôn giáo. Chúa Giêsu không tránh né gặp gỡ họ. Nhiều khi Ngài vượt quá những giới hạn do lề luật ấn định và động chạm đến bệnh nhân, ôm lấy họ, chữa lành họ. Trong trường hợp này, không có tiếp xúc với họ. Ðứng xa, Chúa Giêsu mời gọi họ hãy trình diện với các tư tế (v.14), là những người, theo luật, được ủy thác nhiệm vụ chứng thực sự lành bệnh xảy ra. Chúa Giêsu không nói gì thêm. Ngài lắng nghe lời cầu xin của họ, tiếng kêu cầu lòng thương xót của họ và gửi họ ngay tới các tư tế.

Chỉ có một người trở lại cám ơn

Mười người ấy tin tưởng, đi ngay và trong khi họ đi thì họ được lành bệnh, tất cả mười người. Vì vậy, các tư tế có thể chứng thực sự lành bệnh của họ và nhận họ trở lại đời sống bình thường. Nhưng đến đây là điểm quan trọng: trong nhóm ấy, chỉ có một người, trước khi đi gặp các tư tế, đã trở lại cảm tạ Chúa Giêsu và chúc tụng Thiên Chúa vì ơn phúc đã nhận được. Và Chúa Giêsu nhận xét rằng người ấy là một người xứ Samaria, một loại người "lạc giáo" đối với người Do thái bấy giờ. Chúa Giêsu bình luận: "Không có người nào trở lại để tôn vinh Thiên Chúa, ngoài người ngoại này sao?" (17,18)

Mỗi biến cố đều có thể là lý do cảm tạ

"Có thể nói, trình thuật này phân chia thế giới thành hai: những người không cám ơn và những người cám ơn; người coi mọi sự là điều đương nhiên, và những người đón nhận tất cả như hồng ân, như ân phúc. Sách Giáo Lý dạy rằng: "Mỗi biến cố và mỗi nhu cầu đều có thể trở thành lý do để cảm tạ" (n.2638). Kinh nguyện tạ ơn luôn bắt đầu từ đây: từ sự nhận biết mình được ơn phúc trước đó. Chúng ta đã được nghĩ đến trước khi chúng ta học suy nghĩ; chúng ta đã được yêu mến trước khi chúng ta học yêu; chúng ta đã được mong muốn trước khi trong tâm hồn chúng ta nảy sinh một ước muốn. Nếu chúng ta nhìn cuộc sống như thế, thì "lời cảm ơn" trở thành một động lực hướng dẫn những ngày đời của chúng ta.

Tạ ơn: danh xưng của Bí tích Thánh Thể

Ðối với các Kitô hữu chúng ta, cảm tạ là danh xưng được dùng để đặt cho Bí tích trọng yếu nhất, đó là "Eucharistia", Thánh lễ hay Lễ Tạ ơn. Thực vậy, từ này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Tạ ơn. Các tín hữu Kitô, cũng như tất cả các tín hữu, chúc tụng Thiên Chúa vì hồng ân sự sống. Sống, trước tiên là đã lãnh nhận. Tất cả chúng ta sinh ra vì có người đã mong muốn sự sống cho chúng ta. Và đó là điều đầu tiên trong một loạt dài những món nợ mà chúng ta mắc phải trong khi sống. Những món nợ biết ơn. Trong cuộc sống, hơn một người đã nhìn chúng ta với đôi mắt tinh tuyền, nhưng không. Nhiều khi đó là những nhà giáo dục, các giáo lý viên, những người đã chu toàn vai trò vượt quá mức độ nghĩa vụ của họ đòi hỏi. Và họ đã làm nảy sinh trong chúng ta lòng biết ơn. Cả tình bạn cũng là một hồng ân, một món quà mà chúng ta luôn biết ơn.

Lời cảm ơn này, mà Kitô hữu chia sẻ với tất cả mọi người, được mở rộng trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Các sách Tin mừng làm chứng rằng khi Chúa Giêsu đi qua nơi nào, ngài thường khơi lên niềm vui và chúc tụng Thiên Chúa nơi những người gặp Ngài. Các trình thuật Giáng sinh có nói đến nhiều người cầu nguyện với tâm hồn mở rộng, vì Chúa Cứu Thế ngự đến. Và cả chúng ta cũng được mời gọi tham gia vào niềm hân hoan vô biên ấy. Giai thoại mười người phong cùi được chữa lành cũng gợi ý như thế. Dĩ nhiên, tất cả đều vui mừng vì được phục hồi sức khỏe, nhờ đó họ có thể ra khỏi tình trạng cách ly vô tận, loại trừ họ ra khỏi cộng đoàn. Nhưng trong số họ, có một người được niềm vui thêm vào niềm vui: ngoài sự lành bệnh, người ấy còn vui mừng vì cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Không những người ấy được giải thoát khỏi sự ác, nhưng giờ đây còn chắc chắn mình được yêu mến. Ðó là khám phá tình yêu như sức mạnh nâng đỡ thế giới. Thi hào Dante đã nói: "Tình Yêu 'làm chuyển động mặt trời và các vì sao khác' (Paradiso, XXXIII, 145). Chúng ta không còn là những người lang thang đi đây đi đó: chúng ta có một nhà, chúng ta ở trong Chúa Kitô, và từ "nơi ở" ấy, chúng ta chiêm ngưỡng tất cả thế giới, và thế giới dường như đẹp đẽ vô biên.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Vì vậy, hỡi anh chị em, chúng ta hãy cố gắng luôn ở trong niềm vui gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúng ta hãy vun trồng niềm vui. Trái lại, ma quỉ, sau khi đánh lừa chúng ta, nó để chúng ta luôn ở trong sầu muộn và cô đơn. Nếu chúng ta ở trong Chúa Kitô, thì không tội lỗi nào, không đe dọa nào có thể cấm cản chúng ta tiếp tục hành trình trong vui tươi, cùng với bao nhiêu bạn đồng hành.

Nhất là, chúng ta không lơ là việc cảm ơn; nếu chúng ta là những người mang ơn, thì cả thế giới trở nên tốt đẹp hơn, dù chỉ là một chút, nhưng điều ấy cũng đủ để thông truyền cho nó một chút hy vọng. Tất cả đều nối kết và liên hệ và mỗi người có thể thi hành phần của mình tại nơi họ đang ở. Con đường hạnh phúc là con đường mà thánh Phaolô đã mô tả vào cuối một trong các thư của ngài: "Anh chị em hãy cầu nguyện không ngừng, trong mọi sự hãy cảm tạ: thực vậy, đó là thánh ý Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô đối với anh chị em. Anh chị em đừng dập tắt Thánh Linh" (1 Tx 5,17-19).

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em thân mến, chúng ta đang kết thúc một năm, chúng ta không phải chỉ đo lường nó qua những đau khổ, khó khăn, những giới hạn vì đại dịch. Chúng ta hãy nhận thức những điều thiện đã nhận lãnh mỗi ngày, cũng như sự gần gũi và lòng tử tế của con người, tình yêu thương của những người thân yêu, và lòng tốt của những người quanh chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì mọi ân phúc đã nhận lãnh và hãy nhìn về tương lai với lòng tín thác và hy vọng, phó thác nơi sự chuyển cầu của thánh Giuse, bổn mạng của Năm mới. Ước gì năm mới sẽ là một năm hạnh phúc và đầy ơn lành của Chúa đối với mỗi người và gia đình anh chị em.

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chia buồn với các nạn nhân động đất ở Cộng hòa Croát và ngài cũng cầu chúc tất cả mọi người một năm mới thanh thản và phong phú, được mọi điều tốt lành. Trong xã hội ngày nay, anh chị em hãy trở thành những người loan báo Tin mừng mà các thiên thần mang đến Bethlehem

Sau cùng, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em hãy sống Năm mới như một hồng ân quí giá, dấn thân xây dựng cuộc sống của anh chị em dưới ánh sáng chân lý mà Ngôi Lời Nhập Thể đã đến để mang xuống trái đất.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành từ Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page