Ðức Thánh cha cử hành Lễ Vọng Giáng sinh
Ðức Thánh cha cử hành Lễ Vọng Giáng sinh.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 25-12-2020) - Ðức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu ý thức mầu nhiệm Chúa Giáng sinh, tái sinh trong tâm hồn với niềm tín thác nơi tình thương của Thiên Chúa để có thể đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống.
Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây, trong bài giảng lễ Vọng Giáng sinh, chiều tối ngày 24 tháng 12 năm 2020, ngày mà cả nước Ý bắt đầu bước vào giai đoạn mười ngày giới nghiêm khẩn trương vì Coronavirus lan tràn.
Thánh lễ Ðức Thánh cha cử hành bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối, tại khu vực bàn thờ Ngai tòa , trong Ðền thờ thánh Phêrô, trước sự hiện diện giới hạn của khoảng gần 200 người. Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có 40 Hồng y và bảy giám chức thuộc ban nghi lễ phụng vụ của ngài đảm nhận phần giúp lễ.
Bài giảng của Ðức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh cha đã quảng diễn ý nghĩa câu trích từ sách ngôn sứ Isaia (9,5): "Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một hài nhi đã được ban cho chúng ta".
Ðức Thánh cha nói: "Ta thường nghe nói niềm vui lớn nhất trong cuộc đời là sự sinh ra của một hài nhi. Ðó là một cái gì ngoại thường, thay đổi mọi sự, động viên những nghị lực bất ngờ và giúp vượt thắng những mệt mỏi, cơ cực, những đêm canh thức mất ngủ, vì sự sinh ra ấy mang lại một niềm hạnh phúc khôn tả, làm ta không coi điều gì là quan trọng hơn. Cũng vậy, đối với Lễ Giáng sinh: sự sinh ra của Chúa Giêsu là một điều mới mẻ giúp chúng ta mỗi năm tái sinh trong nội tâm, tìm được nơi Chúa sức mạnh để đương đầu với mọi thử thách. Ðúng vậy, vì hài nhi ấy được sinh ra cho chúng ta: cho tôi, cho bạn, cho mỗi người".
Ðức Thánh cha giải thích rằng: "Chúa Cha không ban cho chúng ta một cái gì đó, nhưng ban chính Con duy nhất của Người, là tất cả niềm vui của Người. Vậy mà, nếu chúng ta nhìn sự vô ơn của con người đối với Thiên Chúa và những bất công đối với bao nhiêu anh chị em chúng ta, có một nghi ngờ nảy sinh: phải chăng Chúa hành động tốt, khi ban cho chúng ta nhiều như thế, Chúa có làm đúng khi tín nhiệm chúng ta như vậy? Phải chăng Chúa đánh giá chúng ta quá cao? Ðúng vậy, Chúa đánh giá cao chúng ta, vì Người yêu thương chúng ta đến chết. Chúa không thể không yêu chúng ta. Chúa luôn yêu chúng ta nhiều hơn mức độ chúng ta có thể yêu thương chính mình. Thiên Chúa biết rằng cách thức duy nhất để cứu vớt chúng ta, để chữa lành chúng ta từ trong nội tâm là yêu thương chúng ta. Chỉ có tình thương của Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống, chữa lành những vết thương sâu đậm nhất, giải thoát khỏi những vòng luẩn quẩn bất mãn, giận dữ và ta thán"...
Chúa chia sẻ thân phận phàm nhân
Về việc Con Thiên Chúa sinh ra trong cảnh nghèo, thay vì trong các dinh thự đẹp đẽ nhất, Ðức Thánh cha giải thích đó: "chính là để chúng ta hiểu Chúa yêu thương thân phận phàm nhân của chúng ta đến mức độ nào: đến độ chạm đến lầm than đồi tệ nhất của chúng ta bằng tình yêu cụ thể của Người. Con Thiên Chúa sinh ra bị gạt bỏ để nói với chúng ta rằng mỗi người bị gạt bỏ là con của Thiên Chúa. Người đến trong trần thế như một hài nhi sinh ra, yếu đuối và mong manh, để chúng ta có thể cảm nhận những mong manh của chúng ta trong sự dịu dàng. Và khám phá một điều quan trọng, đó là: giống như tại Bethlehem, Thiên Chúa cũng muốn làm những điều vĩ đại qua sự nghèo hèn của chúng ta. Chúa đã đặt tất cả ơn cứu độ chúng ta trong máng cỏ của một chuồng súc vật và không sợ sự nghèo hèn của chúng ta: chúng ta hãy để cho lòng thương xót của Chúa biến đổi những lầm than của chúng ta!".
Nuôi dưỡng mình bằng lương thực của Chúa
Ðức Thánh cha cũng nói: "Bethlehem có nghĩa là "Nhà bánh", Thiên Chúa ở trong một máng cỏ, như thể để nhắc nhở chúng ta rằng để sống, chúng ta cần Ngài như cần bánh ăn. Chúng ta cần để cho mình được tình thương nhưng không, không biết mệt mỏi và cụ thể của Chúa thấm nhập vào. Trái lại, bao nhiêu lần, vì ham mê vui chơi, ham muốn thành công và hư danh, chúng ta nuôi dưỡng cuộc sống bằng những lương thực không giải cơn đói, và để cho chúng ta trống rỗng trong nội tâm! Qua miệng ngôn sứ Isaia, Chúa than phiền rằng trong khi bò lừa còn biết máng cỏ của chúng, thì chúng ta là dân của Chúa lại không nhận biết Chúa là nguồn mạch sự sống của chúng ta (xc. Is 1,2-3). Ðúng vậy: vì ham muốn sở hữu vô độ, chúng ta lao mình vào bao nhiêu thứ máng cỏ phù du, hư danh, quên mất máng cỏ Bethlehem. Máng cỏ này nghèo mọi sự nhưng giàu tình thương, dạy cho chúng ta rằng lương thực nuôi dưỡng cuộc sống là để cho mình được Thiên Chúa yêu thương và yêu tha nhân. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta: Ngài là Lời của Thiên Chúa, là một hài nhi; Ngài không nói nhưng trao tặng sự sống. Trái lại, chúng ta nói nhiều, nhưng thường thường là những người "mù chữ về lòng nhân hậu".
(Rei 24-12-2020)