Bộ Giáo lý đức tin lên tiếng
về vắc-xin chống Covid-19
Bộ Giáo lý đức tin lên tiếng về vắc-xin chống Covid-19.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 22-12-2020) - Bộ Giáo lý đức tin khẳng định rằng việc sử dụng vắc-xin chống Covid-19 được chế tạo với các dòng tế bào rút từ bào thai bị phá là điều hợp luân lý Công giáo.
Các ý kiến khác nhau
Trong thông tư công bố ngày 21 tháng 12 năm 2020, Bộ Giáo lý đức tin nhận định rằng trong những tháng gần đây có các cuộc thảo luận trong dư luận quần chúng về tính chất luân lý của việc sử dụng một số vắc-xin chống Covid-19 dùng các dòng tế bào rút từ các bào thai bị phá. Về vấn đề này, có những ý kiến khác nhau hoặc đôi khi trái ngược nhau của một số giám mục, các Hiệp hội Công giáo và các chuyên gia được phổ biến qua các phương tiện truyền thông. Bộ được yêu cầu cho ý kiến về tính chất luân lý của vấn đề này.
Vấn đề đã được Tòa Thánh cứu xét
"Ðã có một tuyên bố quan trọng của Hàn lâm viện Tòa Thánh bênh vực sự sống về vấn đề này, được trình bày với tựa đề "Những suy tư luân lý về các vắc-xin được chế tạo từ các tế bào lấy từ bào thai người bị phá", ngày 5 tháng 6 năm 2005. Bộ Giáo lý đức tin cũng đã lên tiếng về điều này trong Huấn thị "Dignitas Personae" (Phẩm giá con người), ngày 8 tháng 9 năm 2008 trong hai đoạn số 34 và 35. Năm 2017, Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống lại nói về đề tài này với một thông tư.
Phân biệt các trách nhiệm khác nhau
Bộ Giáo lý đức tin viết: "Như Huấn thị 'Phẩm giá con người' đã khẳng định, trong những trường hợp sử dụng các tế bào rút từ các bào thai bị phá để tạo ra những dòng tế bào được sử dụng trong việc nghiên cứu khoa học, "có những trách nhiệm khác nhau" về sự cộng tác vào sự ác. Ví dụ, "trong các xí nghiệp sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, trách nhiệm của họ khác với trách nhiệm của những người quyết định phương hướng sản xuất, so với những người không có quyền quyết định nào".
Hợp luân lý khi sử dụng vắc-xin từ tế bào bào thai bị phá
"Theo nghĩa đó, khi không có các loại vắc-xin chống Covid-19 không thể chấp nhận được về mặt luân lý (ví dụ tại những nước không cung cấp cho các bác sĩ và bệnh nhân những vắc-xin không có vấn đề luân lý, hoặc tại những nước ấy, việc phân phối vắc-xin khó khăn hơn vì những điều kiện bảo tồn và chuyên chở, hoặc khi việc phân phối các loại vắc-xin khác nhau trong cùng một nước, từ phía nhà chức trách y tế, không cho phép các công dân được chọn lựa vắc-xin để chủng ngừa) thì là điều hợp luân lý khi sử dụng vắc-xin chống Covid-19 dùng các dòng tế bào rút từ các bào thai bị phá trong tiến trình nghiên cứu và sử dụng".
Không buộc tránh sự cộng tác 'thụ động' với sự ác
Bộ Giáo lý đức tin giải thích rằng: trong trường hợp sử dụng vắc-xin nói ở đây chỉ là một sự cộng tác 'thể lý thụ động', một sự cộng tác "xa" với sự ác. Nghĩa vụ luân lý phải tránh sự cộng tác thể lý thụ động, không phải là điều bó buộc, nếu có một nguy cơ trầm trọng như sự lan tràn Coronavirus trong đại dịch hiện nay. Vì thế, trong hoàn cảnh này, có thể sử dụng tất cả các vắc-xin được nhìn nhận là an toàn và hữu hiệu, với ý thức chắc chắn rằng việc dùng các vắc-xin ấy không có nghĩa là chính thức cộng tác vào việc phá thai, từ đó người ta rút ra những tế bào để chế tạo vắc-xin.
Nghĩa vụ phải bảo vệ sức khỏe bản thân và tha nhân
Bộ cũng khẳng định rằng việc chích ngừa vắc-xin phải có tính cách tự nguyện. Dầu sao luân lý tính của việc chích ngừa không những tùy thuộc nghĩa vụ phải bảo vệ sức khỏe của bản thân, nhưng còn phải theo đuổi công ích nữa. Nếu không có phương tiện khác để chặn đứng hoặc phòng ngừa dịch, thì nên chích ngừa, nhất là để bảo vệ những người yếu và dễ bị lây nhiễm nhất. Dầu sao, những người vì lý do lương tâm từ chối các vắc-xin được sản xuất với các dòng tế bào rút từ các bào thai bị phá, thì phải cố gắng dùng các phương thức phòng ngừa thích hợp khác để tránh trở thành người truyền bệnh.
Nghĩa vụ luân lý của các hãng dược phẩm và chính quyền
Sau cùng, Bộ Giáo lý đức tin khẳng định rằng một nghĩa vụ luân lý của các hãng dược phẩm, các chính quyền và các tổ chức quốc tế, là phải làm sao để các vắc-xin hữu hiệu và an toàn về phương diện y tế, cũng như có thể chấp nhận được về phương diện luân lý, cũng được các nước nghèo nhất có thể có được mà không tốn kém nặng nề đối với họ. Chẳng vậy, sự không thể có vắc-xin trở thành một lý do khác để kỳ thị và bất công khiến các nước nghèo tiếp tục phải sống trong sự nghèo nàn về y tế, kinh tế và xã hội.
Thông tư trên đây mang chữ ký của Ðức Hồng y Luis Ladaria cùng với Ðức Tổng giám mục Tổng thư ký Giacomo Morandi và được Ðức Thánh cha Phanxicô cứu xét, đồng thời phê chuẩn việc công bố trong buổi tiếp kiến ngày 17 tháng 12 năm 2020 dành cho Ðức Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin.
(Rei 21-12-2020)