Giáo hội Tanzania vui mừng
vì có thêm một đại chủng viện
Giáo hội Tanzania vui mừng vì có thêm một đại chủng viện.
Ngọc Yến
Dodoma (Vatican News 14-12-2020) - Khi ơn gọi linh mục gia tăng, sau thời gian nghiên cứu và được các ân nhân trợ giúp, Giáo hội Tanzania vui mừng có thêm một đại chủng viện mới để đáp ứng việc đào tạo chủng sinh.
Ðại chủng viện mang tên "Ðại Chủng viện Nazareth của Kahama", được chính thức khánh thành vào ngày 5 tháng 12 năm 2020 với Thánh lễ trọng thể do Ðức Hồng y Polycarp Pengo, nguyên Tổng Giám mục Dar es-Salaam, chủ tế. Hiện đã có 106 chủng sinh đăng ký cho năm thứ nhất của triết học và dự kiến trong ba năm tới chủng viện sẽ có thể đón tiếp 480 chủng sinh.
Dự án xây chủng viện đã được Hội đồng Giám mục Tanzania đưa ra bàn thảo, khi ơn gọi linh mục ngày càng gia tăng. Kể từ khi 4 linh mục bản xứ đầu tiên được phong chức vào năm 1917, Giáo hội đã ghi nhận sự phát triển không ngừng của ơn gọi, đặc biệt trong những năm gần đây. Năm đại chủng viện hiện có không thể đáp ứng được con số gia tăng này. Trong năm học 2020-2021, 200 chủng sinh không chắc chắc được tham gia vào các khóa học. "Chúng tôi đã thêm các phòng trong các chủng viện, chúng tôi đã gửi một số chủng sinh đến các chủng viện của các dòng tu, chúng tôi đã mở các trung tâm đào tạo ở Morogoro và một số giáo phận gửi chủng sinh của họ ra nước ngoài. Nhưng mọi nỗ lực này là chưa đủ", cha Joseph Mlola, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia của các đại chủng viện Tanzania, nói tại buổi lễ khánh thành, và gửi lời cám ơn đến các giám mục, cũng như giáo phận Kahama và các ân nhân đã tài trợ cho dự án.
Tại lễ khánh thành, Ðức Hồng y Pengo ca ngợi các giám mục đã thực hiện sáng kiến đầy tham vọng này và nói đây là "một ngày vui mừng cho Giáo hội Tanzania". Ðức Hồng y xin các giám mục, linh mục và tín hữu, tiếp tục cộng tác vì sự phát triển của chủng viện, vì khó khăn vẫn còn. Trên thực tế, việc mở cửa của chủng viện chỉ là bước đầu tiên: các lớp học, văn phòng hành chính và các cơ sở hạ tầng khác vẫn còn thiếu.
Ở Tanzania hiện có hơn 2 ngàn linh mục bản địa, cùng với các nhà truyền giáo nước ngoài coi sóc cho khoảng 14 triệu tín hữu, bằng khoảng 1/3 dân số, hơn 40% Kitô giáo và khoảng 35% Hồi giáo. (CSR_9239_2020)