Ðức Tổng giám mục Jurkovic:
Kinh tế hoàn vũ có lợi cho tất cả mọi người
Ðức Tổng giám mục Jurkovic kêu gọi: Kinh tế hoàn vũ có lợi cho tất cả mọi người.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Genève (RVA News 13-12-2020) - Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, Ðức Tổng giám mục Ivan Jurkovic, kêu gọi nỗ lực đạt tới mục đích làm sao để kinh tế hoàn cầu có lợi cho tất cả mọi người.
Ðức Tổng giám mục đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài tham luận hôm 10 tháng 12 năm 2020, tại khóa họp thứ hai của tổ chức Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển, gọi tắt là UNCTAD, để chuẩn bị cho Ðại hội thứ XV của tổ chức này, gọi tắt là UNCTAD 15, sẽ tiến hành từ ngày 25 đến 30 tháng 4 năm 2021, tại đảo Barbados thuộc miền Caraibì.
Ðức Tổng giám mục Jurkovic nhận xét rằng khẩu hiệu của tổ chức UNCTAD là "Thịnh vượng cho tất cả mọi người", nhưng đại dịch Covid-19 và những hậu quả của nó đã cho thấy rõ những thiếu sót trầm trọng của sự hoàn cầu hóa và ảnh hưởng lâu dài của nó đối với các nước đang trên đường phát triển. Hội nghị UNCTAD 15 sẽ là cơ hội đầu tiên để kiểm điểm Chương trình hành động cho tới năm 2030 của Liên Hiệp Quốc để phát triển dài hạn, trong tình trạng bình thường mới trên giới, tức là thời hậu đại dịch. Hội nghị này cũng là cơ hội duy nhất để phối hợp các nỗ lực trên bình diện hoàn cầu nhằm tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn, biến đổi các lối tiếp cận hoàn vũ về thương mại và phát triển và đề ra một hành trình dài hạn cho tất cả mọi người".
Ðức Tổng giám mục Jurkovic cảnh giác rằng đối với quá nhiều người, trở lại các hoạt động kinh doanh như trước đây là điều không thể có được, vì thế, điều cấp thiết là Hội nghị UNCTAD 15 ở Barbados đánh dấu bước đầu của một thập niên phát triển mới mẻ và quyết liệt.
Cũng qua bài tham luận trực tuyến, Ðức Tổng giám mục Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc nhận định rằng: "Mục tiêu của tổ chức UNCTAD thật đơn giản, nhưng một điều đòi rất nhiều cố gắng là làm sao để kinh tế hoàn cầu trở thành một hệ thống có lợi cho tất cả mọi người. Rất tiếc là vì đại dịch Covid-19, đối tượng này dường như xa vời hơn bao giờ hết, nhưng chính vì thế mà cần phải dấn thân để có một lối tiếp cận xây dựng hơn, làm cho sự thịnh vượng là điều có được cho tất cả mọi người.
Sau cùng, Ðức Tổng giám mục Jurkovic lưu ý rằng: "Những hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện nay đi xa hơn lãnh vực tài chánh, nó lan rộng tới lãnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Vì thế, cộng đồng kinh tế không thể để cho tài chánh tiếp tục là một nguồn mạch tạo nên tình trạng bấp bênh của thế giới, trái lại, cần dấn thân đề ra các biện pháp cấp thiết để phòng ngừa các cuộc khủng hoảng trong tương lai".
(Vatican News 11-12-2020)