Kỷ niệm 40 năm khai sinh

Chương trình Việt Ngữ đài Vatican

 

Kỷ niệm 40 năm khai sinh Chương trình Việt Ngữ đài Vatican.

G. Trần Ðức Anh OP


Kỷ niệm 40 năm khai sinh Chương trình Việt Ngữ đài Vatican.


Vatican (Vatican News 6-12-2020) - Trong những ngày này, 40 năm về trước, Chương trình Việt Ngữ đài phát thanh Vatican ở trong giai đoạn phát thử, bắt đầu từ ngày 3 tháng 11 năm 1980, để rồi phát chính thức từ đêm ngày 31 tháng 12 năm 1980, tức là lúc 6 giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1981 giờ Việt Nam.

Sáng kiến của Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn

Ðây là một điểm tới trong tiến trình "thai nghén" dài hơn 4 tháng. Thực vậy ngày 27 tháng 7 năm 1979, Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn (1921-1990), Tổng Giám Mục giáo phận Hà Nội, đã gửi thư lên Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 bày tỏ mong ước được thấy chương trình tiếng Việt được thành lập tại Ðài Phát Thanh Vatican. Trong thư có đoạn Ðức Hồng Y viết: "Giáo dân Việt Nam rất mong được nghe tiếng nói Ðức Giáo Hoàng một cách trực tiếp và tiếp nhận mau chóng các tin tức từ lòng thủ đô Giáo Hội. Việc mở chương trình Việt Ngữ tại Ðài Vatican sẽ đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội Việt Nam mong được nâng đỡ và được liên kết với các cộng đoàn Công Giáo tại các nơi khác. Ngoài ra, chương trình Việt Ngữ Vatican sẽ bổ túc, củng cố các buổi phát của chương trình Việt Ngữ của Ðài Chân Lý Á châu cũng như dự phòng một khi đài Chân lý không còn hoạt động được nữa."

Vào thời điểm ấy, đảng cộng sản hoạt động mạnh tại Philippines, nên Ðức Hồng Y Hà Nội sợ rằng nếu cộng sản lên nắm chính quyền tại Phi thì đài Phát thanh Công Giáo Chân Lý Á Châu sẽ không còn nữa.

Can thiệp của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2

Theo lời kể của Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (1918-2002), Bí thư riêng của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, sau khi nhận được thư của Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn, Ðức Thánh Cha đã yêu cầu các giới hữu trách của Ðài cũng như Phủ Thống Ðốc quốc gia thành Vatican xúc tiến việc thành lập Ban Việt Ngữ. Khi các vị này thưa với Ðức Thánh Cha là không có phương tiện tài chánh để mở thêm một Ban phát thanh như vậy, thì Ðức Thánh Cha truyền rằng "nếu không có tiền thì phải kiếm ra tiền để mở thêm ban Việt Ngữ".

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 cũng đã từng có kinh nghiệm trong vấn đề này. Khi còn là Hồng y Tổng Giám Mục Cracovia, ngài viết thư cho cha Tổng giám đốc đài đề nghị trực tiếp thánh lễ bằng tiếng Ba Lan và không được trả lời. Sau khi ngài lên làm Giáo Hoàng, thì chỉ trong thời gian ngắn, đài Vatican đã phát thanh các thánh lễ bằng tiếng Ba Lan.

Cha Sesto Quercetti SJ, vị tiên phong

Thế là công việc thành lập Ban Việt Ngữ Vatican được tiến hành. Trước tiên là vấn đề nhân sự, nhất là tìm ra người trưởng ban. Các Bề trên dòng Tên nghĩ đến cha Sesto Quercetti, có tên Việt là "Hoàng Văn Lục", cựu thừa sai và từng là Bề trên dòng Tên tại Việt Nam trong 14 năm, sau đó Cha bị Nhà Nước mới ở Việt Nam trục xuất năm 1976 giống như nhiều thừa sai khác. Cha Lục sang học tiếng Hoa tại Ðài Loan, và lúc ấy đang chuẩn bị bắt tay vào việc mới ở trung tâm truyền hình Quang Khải (Guangqi, Kuang-chi) thì được Bề trên gọi về Roma đề xúc tiến việc lập Ban Việt Ngữ.

Cha Hoàng Văn Lục mời được một số cộng tác viên đầu tiên cho ban, gồm Cha Giuse Hoàng Minh Thắng, và chị Ngô Thị Mai Anh, lúc đó còn là một nữ sinh chưa theo Công Giáo. Hai người làm việc 3 giờ mỗi ngày, và sau đó dần dần tăng thêm với thời gian.

Kinh phí khiêm nhượng

Kinh phí dự trù mỗi năm cho Ban Việt Ngữ Vatican lúc bấy giờ thật là "khiêm nhượng" chỉ có 17,576,000 Lire, tương đương với 8,788 Euro theo thời giá ngày nay, gồm 13 tháng lương cho một trưởng ban, một phụ tá, và một nhân viên, với tiền cho các cộng sự viên ngoài gồm 15 xướng ngôn viên mỗi tháng, mỗi lần đọc là 3,500 Lire, và 10 tác giả, mỗi bài 10 ngàn Lire! Và sau đó các cộng tác viên bên ngoài của ban cũng gia tăng.

Chương trình ban đầu của Ban Việt Ngữ hồi đó chỉ dài 23 phút, với một lần lập lại vào chiều tối giờ Việt Nam.

Thay đổi nhân sự

2 năm sau khi thành lập Ban Việt Ngữ Vatican, Cha Sesto Hoàng Văn Lục lên làm Phó Giám đốc các chương trình, và ngày 18 tháng 11 năm 1982, Cha Nguyễn Thế Minh S.J, đã hoàn tất tiến sĩ thần học tu đức ở Ðại học Gregoriana, nhưng không về Việt Nam được, nên được bổ nhiệm làm trưởng ban Việt Ngữ Vatican thay thế cha Lục. Sau đó, Ban Việt Ngữ có thêm Sr. Jean Berchmans Trần Thị Minh Nguyệt, dòng Ðức Mẹ Khiết Tâm, Bình Cang.

Ngày 2 tháng 4 năm 1983, chị Mai Anh chịu phép rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh, do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 chủ sự.

Ngày 6 tháng 5 năm 1985 Cha Trần Ðức Anh OP bắt đầu cộng tác trọn thời gian cho ban Việt Ngữ với nhiệm vụ phó trưởng ban. Một tháng sau, ngày 7 tháng 6 năm 1985, Cha Nguyễn Thế Minh S.J. chính thức từ giã Ban Việt Ngữ để nhận sứ vụ khác và Cha Trần Ðức Anh O.P. được bổ nhiệm thay thế.

Sau đó, chương trình Việt Ngữ tăng gấp đôi thời gian phát mỗi ngày từ 23 phút lên 42 phút mỗi, vào lúc 6 giờ 15 phút sáng giờ Việt Nam và với một lần lập lại lúc 8 giờ 15 phút tối giờ Việt Nam. Mục đích là để đáp ứng nhu cầu của thính giả ở Việt Nam, hồi đó còn ở trong tình trạng khó khăn, ít được cởi mở với thế giới bên ngoài.

Nội dung chương trình

Nội dung mỗi chương trình thường gồm có một bản tin tôn giáo 11 phút, một bài Sinh Hoạt Giáo Hội hoàn vũ dài tương tự về các hoạt động của Ðức Thánh Cha, Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương. Sau đó là mục Gương Chứng Nhân, phần học hỏi qua các tiết mục như Về Nguồn, Ðức Tin Trong Ðời, Thần học Kinh Thánh, và các tiết mục khác tùy theo ngày (câu chuyện trong tuần, thánh ca, bình luận, cầu nguyện cuối tuần, xã hội tuần qua, giải đáp thắc mắc, suy niệm Lời Chúa.

Số cộng sự viên của Ban Việt Ngữ gồm 4 người làm trọn giờ và 5 cộng tác viên thường xuyên, tổng cộng 9 người, trong đó có 1 giáo dân, 3 nữ tu và 5 linh mục.

Ðóng góp cụ thể cho Giáo Hội tại Việt Nam

Tiết mục Tìm Hiểu Thánh Kinh do Cha Giuse Hoàng Minh Thắng phụ trách. Các bài này cũng được phổ biến sau đó, in thành tài liệu tại Việt Nam. Ðặc biệt, các bài do cha Giuse Phan Tấn Thành O.P, giáo sư và khoa trưởng thần học tại Ðại học Angelicum, phụ trách, cũng được phổ biến sau đó tại Việt Nam với bộ sách 6 cuốn tìm hiểu giáo luật và hơn 10 cuốn về "Ðời Sống Tâm Linh", là những trợ giúp hữu ích cho các chủng sinh và tu sinh trong thời kỳ Giáo Hội còn gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam.

Ðặc biệt lễ tôn phong 117 thánh tử đạo Việt Nam, ngày 19 tháng 6 năm 1988, Ban Việt Ngữ Vatican cùng với Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á châu, đã liên kết trực tiếp truyền thanh biến cố lịch sử này, giữa lúc Nhà Nước Việt Nam bấy giờ mạnh mẽ chống lại Lễ Phong Thánh này. Buổi trực tiếp đó là nguồn duy nhất để các tín hữu Công giáo Việt Nam có thể trực tiếp theo dõi đại lễ.

Tuy "sinh sau đẻ muộn" trong số 40 ban của Ðài, nhưng Chương trình Việt Ngữ Vatican cũng đã hai lần được tuyên dương trước toàn Ðài. Chẳng hạn ngày 29 tháng 9 năm 1999, trong lễ Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel, bổn mạng Ðài Vatican, trước sự hiện diện của Ðức Hồng Y Achille Silvestrini, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, cha F. Lombardi SJ, giám đốc các chương trình Ðài Vatican, đã ca ngợi Ban Việt Ngữ "dùng đài phát thanh để luôn giữ sinh động niềm tin và hy vọng của một Giáo Hội bị bách hại, ngày qua ngày, trong bao nhiêu năm qua, bằng cách thông tin, linh hoạt, giáo huấn không ngừng, luôn chú ý khi nào cần phải nói một cách thẳng thắn, can đảm, khi nào cần nói thận trọng".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page