Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ
với mười một tân Hồng y
Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ với mười một tân Hồng y.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 29-11-2020) - Sáng ngày 29 tháng 11 năm 2020, Chúa nhật thứ I Mùa vọng, Ðức Thánh cha Phanxicô đã đồng tế thánh lễ với mười một tân Hồng y được ngài phong trong công nghị chiều thứ Bảy 28 tháng 11 năm 2020.
Hiện diện trong thánh lễ, lúc 10 giờ tại bàn thờ Ngai tòa trong Ðền thờ thánh Phêrô, chỉ có khoảng 200 người, trong đó có hơn 30 Hồng y cũ, và 100 thân nhân, giáo hữu của các Hồng y mới và một số giáo dân khác. Mọi người đều đeo khẩu trang và giữ sự giãn cách xã hội.
Bài giảng
Trong bài giảng, đi từ các bài đọc, Ðức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy ý thức sự gần gũi của Thiên Chúa và đáp lại bằng thái độ tỉnh thức, mong đợi Chúa trong kinh nguyện và thể hiện qua các hoạt động bác ái.
Ðức Thánh cha nói:
Ý nghĩa Mùa vọng
"Mùa vọng là mùa nhớ đến sự gần gũi của Thiên Chúa, Ðấng đã đi xuống gần chúng ta. Nhưng ngôn sứ Isaia còn đi xa hơn nữa và xin Chúa xích lại gần chúng ta hơn nữa: 'Xin Chúa xuyên trời cao và ngự xuống!' (Is 63,19). Cả chúng ta cũng cầu xin như thế vào đầu kinh nguyện của chúng ta", qua lời thánh vịnh: "Lạy Chúa, xin đến cứu vớt con".
Tỉnh thức
"Khi cầu xin Chúa đến gần, chúng ta tập luyện tinh thần tỉnh thức. Tin mừng theo thánh Marco hôm nay đề nghị cho chúng ta phần chót trong bài giảng của Chúa Giêsu được cô đọng trong một lời: "Các con hãy tỉnh thức". Chúa lặp lại lời này bốn lần trong năm câu (Mc 13,33-35.37) ... Tỉnh thức để tránh tình trạng "Chúa đi qua mà chúng ta không nhận thấy Ngài. Bị những lợi lộc và phù vân thu hút, chúng ta có nguy cơ đánh mất điều thiết yếu. Vì thế, ngày hôm nay, Chúa lặp lại với tất cả mọi người: các con hãy tỉnh thức" (Mc 13,37).
Chúng ta đang ở trong đêm đen
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Nếu chúng ta phải tỉnh thức, có nghĩa là chúng ta đang ở trong đêm đen. Ðúng vậy, hiện nay chúng ta không sống giữa ban ngày, nhưng đang chờ đợi ngày đến, chúng ta đang ở giữa tăm tối và cơ cực. Ngày sẽ đến khi chúng ta ở với Chúa. Chúa sẽ đến, chúng ta đừng nản chí: đêm sẽ qua đi, Chúa sẽ trỗi dậy, Ngài là Ðấng đã chết trên thập giá vì chúng ta, sẽ phán xét chúng ta. Tỉnh thức là chờ đợi điều ấy, là không để mình bị nản chí, thất vọng đè bẹp, là sống trong hy vọng... Và nếu chúng ta đang được chờ đợi trên trời, thì tại sao lại sống vì những tham vọng trần tục? Tại sao lại vất vả miệt mài vì một chút tiền bạc, danh giá, thành công, tất cả những điều này sẽ qua đi? Tại sao lại mất thời giờ để than vãn vì đêm đen, trong khi chúng ta chờ đợi ánh sáng ban ngày?".
Tránh ngái ngủ: tình trạng nguội lạnh
Ðức Thánh cha nhắc lại sự tích các tông đồ đã ngái ngủ, không tỉnh thức được với Chúa sau bữa tiệc ly và tại vườn Giệtsimani, và ngài nhận định rằng: "Sự ngái ngủ ấy cũng có thể xảy ra cho chúng ta. Có một giấc ngủ nguy hiểm: đó là giấc ngủ của sự tầm thường. Nó xảy đến khi chúng ta quên mối tình đầu và tiến bước trong sự ù lỳ, chỉ lo sống an nhàn. Nhưng nếu không có cái đà tiến của tình yêu đối với Thiên Chúa, không mong đợi sợ mới mẻ của tình yêu ấy, thì ta trở thành tầm thường, nguội lạnh, trần tục. Tình trạng này làm sao mòn đức tin, vì đức tin là điều trái ngược với sự tầm thường: đức tin là ước muốn nồng nhiệt đối với Thiên Chúa, là sự liên tục táo bạo hoán cải, là can đảm yêu mến, là luôn tiến bước. Ðức tin không phải là nước chữa lửa, nhưng là lửa thiêu đốt, không phải là một thuốc an thần cho người bị căng thẳng, nhưng là một chuyện tình đối với người yêu thương! Vì thế, Chúa Giêsu ghét nhất sự nguội lạnh (xc. Kh 3,16)
Tránh ngái ngủ 'dửng dưng'
Ðức Thánh cha cũng cảnh giác chống lại sự ngái ngủ, ngủ mê vì dửng dưng lãnh đạm. Người dửng dưng là người thấy mọi sự như nhau, như trong đêm đen và chẳng quan tâm gì đến những người ở gần họ. Khi chúng ta chỉ nghĩ đến mình với các nhu cầu của mình, thì đêm đen chìm xuống trong tâm hồn. Chẳng bao lâu ta sẽ bắt đầu than vãn về mọi sự, rồi cảm thấy mình là nạn nhân của mọi người và sau cùng nhìn thấy mọi sự là âm mưu. Ngày nay, thứ đêm đen này dường như đang bao phủ bao nhiêu người, họ đòi hỏi cho mình và chẳng quan tâm gì đến tha nhân".
Tỉnh thức nhờ hoạt động bác ái
Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Làm sao trỗi dậy từ giấc ngủ dửng dưng ấy? Thưa, bằng sự tỉnh thức bác ái. Bác ái là con tim sinh động của Kitô hữu. Như ta không thể sống nếu tim không đập, thì cũng không thể có các Kitô hữu nếu không có bác ái. Có những người cho rằng cảm thương, giúp đỡ, phục vụ là công việc của những người thất bại! Nhưng trong thực tế, đó là điều chiến thắng duy nhất, vì đó là điều hướng về tương lai, về ngày của Chúa, vì mọi sự sẽ qua đi và sẽ chỉ còn lại tình yêu. Chính nhờ những công việc từ bi bác ái mà chúng ta đến gần Chúa".
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Cầu nguyện và yêu thương, đó là sự tỉnh thức. Khi Giáo hội tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, Giáo hội không sống trong đêm đen. Cả khi bị mệt mỏi và thử thách, Giáo hội vẫn đang tiến về Chúa. Chúng ta hãy cầu xin: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, chúng con đang cần Chúa. Xin đến gần chúng con. Chúa là ánh sáng: xin đánh thức chúng con khỏi giấc ngủ của sự tầm thường, xin thức tỉnh chúng con ra khỏi đêm đen của dửng dưng. Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho con tim lơ đễnh của chúng con trở nên tỉnh thức: xin làm cho chúng con cảm thấy ước muốn cầu nguyện và nhu cầu yêu thương".
Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ 15 phút.