Ðức Thánh cha cổ võ
dấn thân xây dựng kinh tế liên đới và bao gồm
Ðức Thánh cha cổ võ dấn thân xây dựng kinh tế liên đới và bao gồm.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 22-11-2020) - Ðức Thánh cha Phanxicô cổ võ các doanh nhân và kinh tế gia trẻ dấn thân xây dựng một nền kinh tế liên đới và bao gồm, vượt thắng thứ kinh tế bóc lột và loại trừ người nghèo hiện nay.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp Video kết thúc ba ngày gặp gỡ qua Video, từ 19 đến 21 tháng 11 năm 2020, cuộc gặp gỡ trực tuyến về "Nền Kinh tế Phanxicô", với sự tham dự của 2,000 doanh nhân trẻ có đăng ký 115 quốc gia.
Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Chế độ kinh tế hiện nay trên thế giới là điều không thể chấp nhận và hỗ trợ được về nhiều phương diện, nó gây hại cho trái đất, người chị của chúng ta bị ngược đãi và bóc lột, cùng với những người nghèo nhất và bị loại trừ. Họ là những người đầu tiên bị thiệt hại và cũng là những người đầu tiên bị lãng quên".
Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng đại dịch Covid-19 hiện nay càng thúc đẩy chúng ta thực thi "hiệp ước Assisi" về "nền kinh tế Phanxicô", và "tạo ảnh hưởng cụ thể trên các thành phố và đại học của chúng ta, trong công việc làm, trong công đoàn, các xí nghiệp, phong trào, công sở và tư sở, với sự khôn ngoan, quyết tâm và xác tín.. Tất cả chúng ta đều có một vai trò hàng đầu: những hành động và quyết định của chúng ta đều có những hậu quả, vì thế các bạn không thể đứng ngoài những nơi đang làm nảy sinh hiện tại và tương lai của các bạn".
Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Nếu cần cấp thiết tìm ra những câu trả lời cho các vấn đề nói trên, thì điều không thể thiếu được là làm tăng trưởng và hỗ trợ những nhóm lãnh đạo có khả năng đề ra văn hóa, khởi động tiến trình, vạch ra những con đường, mở rộng các chân trời, cổ động sự tham gia rộng lớn. Mỗi cố gắng quản trị, chăm sóc và cải tiến căn nhà chung của chúng ta đều đòi phải thay đổi những lối sống, những kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ, những cơ cấu quyền bính đang điều hành xã hội ngày nay. Chúng ta đang cần những nhóm lãnh đạo cộng đồng và cơ chế có thể đối phó với các vấn đề mà không trở thành tù nhân cho các vấn đề và những bất mãn của mình." Ðức Thánh cha nhắc lại nhận xét của Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI: Nạn đói không do sự khan hiếm vật chất cho bằng vì khan hiếm những tài nguyên xã hội, trong đó quan trọng nhất là tài nguyên có tính chất cơ chế".
Cũng trong chiều hướng trên đây, Ðức Thánh cha khuyến khích nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại với nhau, suy tư, thảo luận và kiến tạo, tìm ra những câu trả lời cho các vấn đề hoàn cầu, liên hệ tới các dân tộc và các chế độ dân chủ của chúng ta. Trong viễn tượng này, cần bài trừ thái độ làm mất uy tín, vu khống và hạ giá người đối thoại chỉ vì họ không suy nghĩ như ta.
Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Các bạn trẻ kinh tế gia, doanh nhân, công nhân và những người lãnh đạo xí nghiệp thân mến, nay là lúc phải dám liều, cổ võ và khích lệ những kiểu mẫu phát triển, tiến bộ dài hạn, trong đó con người, nhất là những người bị loại trừ, và cả người chị trái đất của chúng ta không phải là một sự hiện diện chỉ có danh, hay như một chức năng, trái lại họ trở thành những người nắm giữ vai chính trong cuộc sống của họ cũng như trong toàn thể cơ cấu xã hội...".
Ðức Thánh cha cũng cảnh giác rằng: "Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ qua đi, nhưng phản ứng tệ hại nhất đó là rơi trở lại cơn sốt duy tiêu thụ và những hình thức mới tự vệ ích kỷ. Các bạn đừng quên rằng chúng ta sẽ không bao giờ ra khỏi một cuộc khủng hoảng mà vẫn như trước: chúng ta sẽ tốt hơn hoặc xấu hơn. Chúng ta hãy làm cho nó được tốt đẹp, nắm bắt cơ hội và tất cả chúng ta cùng dấn thân phục vụ công ích".
(Rei 21-11-2020)