Ðức Thánh cha chúc mừng
Dòng Thương Khó nhân dịp 300 năm thành lập
Ðức Thánh cha chúc mừng Dòng Thương Khó nhân dịp 300 năm thành lập.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 20-11-2020) - Ðức Thánh cha Phanxicô chúc mừng Dòng Thương Khó, nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập. Ngài ca ngợi đặc sủng nguyên thủy của dòng và mời gọi canh tân tinh thần truyền giáo.
Dòng Thương Khó do cha Paul Danei, sau này là thánh Phaolô Thánh giá (1694-1775) thành lập, ngày 22 tháng 11 năm 1720, tại miền Piemonte, tây bắc Italia. Chúa nhật 22 tháng 11 năm 2020, dòng sẽ khai mạc năm kỷ niệm, kéo dài cho đến ngày 1 tháng 1 năm 2022. Hiện nay, Dòng Thương Khó có khoảng 2,000 tu sĩ, thuộc hơn 350 nhà tại 12 nước trên thế giới.
Trong thư gửi cha Bề trên Tổng quyền Joachim Rego, người Australia, nhân dịp kỷ niệm này, Ðức Thánh cha cám ơn các tu sĩ Dòng Thương Khó vì đoàn sủng và lòng sùng mộ của các vị trong Giáo hội đối với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, biến mầu nhiệm Phục sinh của Chúa thành trung tâm cuộc sống của mình, chiếu tỏa tình yêu cứu độ từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, được mạc khải trong tình yêu của Ðấng Chịu Ðóng Ðanh.
Ðức Thánh cha cũng khích lệ toàn Dòng Thương Khó hãy hướng nhìn về tương lai, và để "đoàn sủng của dòng được trường tồn trong thời gian, cần làm cho đoàn sủng này đáp ứng những nhu cầu mới, đồng thời bảo tồn sinh động sức mạnh sáng tạo của thưở ban đầu".
Cụ thể, Ðức Thánh cha mời gọi các tu sĩ Dòng Thương Khó hãy nhận ra những lối sống mới và những hình thức ngôn ngữ mới để công bố tình thương của Ðấng Chịu Ðóng Ðanh, đồng thời làm chứng về trọng tâm căn tính của mình. Ngài viết: "Tôi hy vọng các tu sĩ Dòng Thương Khó cảm thấy mình được đánh dấu bằng lửa của Ðấng Sáng lập, thánh Phaolô Thánh giá, người đã định nghĩa cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu như công trình lớn lao và đẹp đẽ nhất của tình yêu Thiên Chúa. Tôi mời gọi anh em hãy nhìn thấy cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là một sự hăng say đối với dân Chúa: anh em đừng mệt mỏi trong việc gia tăng dấn thân đáp ứng những nhu cầu của nhân loại, và ước gì mối quan tâm thừa sai này hướng tới trước tiên là những người bị đóng đinh thời nay: những người nghèo, người yếu thế, người bị áp bức và bị loại bỏ vì nhiều hình thức bất công".
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Chỉ những người bị đóng đanh vì tình yêu, như Chúa Giêsu đã chịu trên thánh giá, mới có thể giúp đỡ bằng lời nói và hành động hữu hiệu cho những người bị đóng đanh trong cuộc sống".
(Vatican News 19-11-2020)