Ðức Maria là người phụ nữ cầu nguyện

và là mẫu gương cầu nguyện của chúng ta

 

Ðức Thánh cha: Ðức Maria là người phụ nữ cầu nguyện và là mẫu gương cầu nguyện của chúng ta.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 18-11-2020) - Lúc 9 giờ 15 phút, sáng thứ Tư, ngày 18 tháng 11 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô tiếp tục tiếp kiến chung dưới dạng trực tuyến, giống như tuần trước, vì mức độ lây lan tại Italia tiếp tục gia tăng cường độ. Trong vòng 24 giờ trước đó, có thêm hơn 32,000 ca lây nhiễm và lệnh giới nghiêm của chính phủ kéo dài đến ngày 3 tháng 12 năm 2020.

Hiện diện tại thư viện ở dinh Tông tòa, như thường lệ, chỉ có hai giám chức phụ giúp Ðức Thánh cha và tám linh mục thông dịch viên.

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ Tin mừng theo thánh Luca, đoạn 2 (39-40.51), kể lại thánh Giuse và Mẹ Maria, sau khi dâng Hài nhi Giêsu tại Ðền thánh và trở về Nazareth. Hài nhi lớn lên và vững mạnh, đầy khôn ngoan và ân sủng của Thiên Chúa ở trên Người. Về phần Mẹ, người cẩn giữ tất cả những điều ấy trong tâm hồn. Từ bài đọc trên đây, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện, và bài thứ 15 ngài trình bày trong buổi tiếp kiến này có đề tài là: "Ðức Trinh Nữ Maria, người phụ nữ cầu nguyện".

Bài huấn dụ của Ðức Thánh cha

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý của chúng ta về việc cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp Ðức Trinh Nữ Maria, như một phụ nữ cầu nguyện. Khi thế giới chưa biết Ðức Maria, khi người chỉ là một thiếu nữ được đính hôn với một người nam thuộc dòng dõi Vua David, Maria đã cầu nguyện. Chúng ta có thể hình dung một thiếu nữ thành Nazareth mặc niệm trong thinh lặng, trong cuộc đối thoại liên tục với Thiên Chúa, Ðấng sắp ủy thác cho Ðức Maria sứ mạng của Người. Maria đã đầy ơn phúc và vô nhiễm nguyên tội ngay từ lúc mới được hoài thai, nhưng chưa biết gì về ơn gọi lạ lùng và ngoại thường và biến động mà người sẽ phải trải qua. Một điều chắc chắn là: Maria thuộc vào hàng ngũ đông đảo những người có tâm hồn khiêm cung mà các sử gia chính thức không ghi vào trong sách của họ, nhưng qua họ, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho sự giáng lâm Con của Ngài.

Ðức Maria để Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống

Ðức Maria không điều khiển cuộc sống của mình một cách tự quyền: Ðức Maria chờ đợi Thiên Chúa dẫn dắt hành trình của người và hướng dẫn tới nơi Chúa muốn. Ðức Maria ngoan ngoãn, và với thái độ sẵn sàng như thế, ngài chuẩn bị trước những biến cố lớn có liên hệ tới Thiên Chúa trong trần thế. Sách Giáo Lý nhắc nhở chúng ta sự hiện diện liên lỷ và ân cần của Ðức Maria trong kế hoạch từ ái của Chúa Cha và dọc theo cuộc sống của Chúa Giêsu (SGL 2617-2618).

Biến cố truyền tin

Ðức Maria đang cầu nguyện khi Tổng lãnh thiên thần Gabriel đến để loan tin cho người ở Nazareth. Trước lời thưa của Ðức Maria: "Này con đây", bé nhỏ và bao la, trong lúc ấy đã làm cho toàn thể thụ tạo nhảy mừng, trong lịch sử cứu độ đã có bao nhiêu lời thưa "Này con đây", bao nhiêu sự vâng phục tín thác, bao nhiêu thái độ sẵn sàng đối với thánh ý Chúa. Không có cách nào tốt đẹp hơn để cầu nguyện cho bằng đặt mình như Ðức Maria trong thái độ cởi mở: "Lạy Chúa, điều mà Chúa muốn, khi Chúa muốn và như Chúa muốn". Bao nhiêu tín hữu sống như thế trong khi cầu nguyện! Họ không giận dữ vì ngày của họ đầy những vấn đề, nhưng họ đi gặp thực tại và biết rằng trong tình yêu khiêm tốn, được dâng hiến trong mọi hoàn cảnh, chúng ta trở thành dụng cụ của ơn thánh Chúa.

Hậu quả của kinh nguyện

Kinh nguyện biết làm dịu bớt những lo lắng, biết biến lo lắng thành một thái độ sẵn sàng. Ðức Trinh Nữ Maria, trong khoảnh khắc truyền tin, đã biết xua tan sợ hãi, tuy người linh cảm thưa "xin vâng" ấy sẽ mang lại cho mình những thử thách rất cam go. Nếu trong kinh nguyện, chúng ta hiểu rằng mỗi ngày được Chúa ban là một lời mời gọi, thì khi ấy chúng ta sẽ mở rộng con tim và đón nhận tất cả. Chúng ta sẽ học cách thưa: "Lạy Chúa, điều mà Chúa muốn. Con chỉ xin Chúa hứa với con rằng Chúa sẽ hiện diện trên mỗi bước đường của con".

Mẹ Maria đồng hành trong kinh nguyện

Ðức Maria đồng hành trong kinh nguyện trọn cuộc sống của Chúa Giêsu, cho đến cái chết và sống lại; và sau cùng, Mẹ đồng hành trong những bước đầu tiên của Giáo hội sơ khai (xc. Cv 1,14). Mẹ cầu nguyện với các môn đệ để vượt qua thập giá, như cớ vấp phạm. Mẹ cầu nguyện với Phêrô, người đã chiều theo sợ hãi và đã khóc vì hối hận. Mẹ Maria ở đó, giữa những người nam nữ, mà Con của Mẹ đã kêu gọi họ họp thành cộng đoàn của Chúa. Mẹ cầu nguyện với họ và cho họ. Và một lần nữa, kinh nguyện của Mẹ đi trước tương lai sắp diễn ra: nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh, Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa, và nhờ Thánh Linh, người trở thành Mẹ Giáo hội. Sách Giáo Lý giải thích rằng: "Trong niềm tin của nữ tỳ khiêm tốn, Hồng Ân của Thiên Chúa - tức là Thánh Linh - tìm được sự đón nhận mà ngay từ nguyên thủy Chúa đã chờ đợi". (SGL 2617)

Mẹ Maria kết hiệp với Chúa trong kinh nguyện

Nơi Ðức Trinh Nữ Maria, trực giác tự nhiên của nữ giới được đề cao nhờ sự kết hiệp rất đặc biệt với Thiên Chúa trong kinh nguyện. Vì thế, khi đọc Tin mừng, chúng ta nhận thấy rằng đôi khi Mẹ dường như biến mất, rồi lại tái xuất hiện trong những lúc quan trọng: chính tiếng nói của Thiên Chúa hướng dẫn tâm hồn và những bước đường của Mẹ, nơi cần có sự hiện diện của Mẹ. Ví dụ, nơi tiệc cưới Cana, trong ngày Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên, qua đó Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài (xc. Ga 2,1-12); hoặc trong giờ tột đỉnh, dưới chân thập giá, hiệp với Chúa Con trong đau khổ và yêu thương (xc. SGL 2618).

Mẹ Maria cầu nguyện từ mọi biến cố

"Ðức Maria cẩn giữ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng" (Lc 2,19). Thánh sử Luca đã mô tả như thế Mẹ của Chúa, trong Tin mừng về thời thơ ấu. Tất cả điều ấy xảy ra quanh Mẹ đều có một phản ánh sâu xa trong thẳm sâu tâm hồn của Mẹ: những ngày đầy vui mừng cũng như những lúc đen tối, cả khi Mẹ cảm thấy khó hiểu ơn cứu chuộc phải đi qua những con đường nào. Tất cả đều kết thúc nơi tâm hồn Mẹ, để được sàng qua kinh nguyện và được biến đổi nhờ kinh nguyện. Dù đó là những lễ vật của các Ðạo sĩ hay việc chạy trốn sang Ai Cập, cho đến Thứ Sáu Tuần thánh khủng khiếp: tất cả đều được Mẹ Maria giữ và mang vào trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Có người đã ví tâm hồn Mẹ Maria với một hạt trai rạng ngời khôn sánh, được hình thành và đánh bóng nhờ kiên nhẫn đón nhận thánh ý Thiên Chúa, qua những mầu nhiệm Chúa Giêsu mà Mẹ suy niệm trong kinh nguyện. Thật là đẹp nếu chúng ta cũng có thể giống Mẹ chúng ta một chút!

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở họ rằng "Hôm nay, tại Ba Lan là lễ kính chân phước Karolina Kozka, trinh nữ tử đạo. Năm 16 tuổi Karolina đã chịu chết vì bảo vệ đức trinh khiết. Tấm gương của chân phước, ngày nay còn tỏ cho chúng ta, đặc biệt là cho các bạn trẻ, giá trị của đức thanh khiết, sự tôn trọng thân xác con người và phẩm giá phụ nữ. Anh chị em hãy phó thác cho sự chuyển cầu của chân phước, xin người giúp anh chị em can đảm làm chứng cho các nhân đức Kitô giáo và các giá trị Tin mừng.

Trong lời chào các tín hữu nói tiếng Ý, Ðức Thánh cha nói rằng: "Hôm nay chúng ta cử hành lễ Cung hiến Vương cung Thánh đường thánh Phêrô ở Vatican và Ðền thờ thánh Phaolô ở đường Ostiense. Ước gì lễ này làm nổi bật ý nghĩa của nhà thờ, là thánh đường, nơi các tín hữu tụ họp, khơi dậy nơi tất cả mọi người ý thức rằng mỗi người được kêu gọi trở thành đền thờ sống động của Thiên Chúa."

Sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân, các đôi tân hôn. Tôi nhắn nhủ anh chị em hãy yêu mến Giáo hội của Chúa, quảng đại và hăng say cộng tác vào việc xây dựng Giáo hội, sống dự dâng hiến kinh nguyện và đau khổ của anh chị em như phần đóng góp quí giá vào việc xây dựng Nhà của Chúa, là nơi ở của Ðấng Tối Cao giữa chúng ta.

Buổi tiếp kiến kéo dài 45 phút và kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha, với thời gian ngắn hơn vì không có cuộc gặp gỡ các tín hữu như trong thời bình thường.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page