Sống hiền lành và thương xót,

chống lại não trạng hiếu chiến của thế gian

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Sống hiền lành và thương xót, chống lại não trạng hiếu chiến của thế gian.

Hồng Thủy

Vatican (Vatican News 1-11-2020) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đề cao các Thánh và Chân phước như những nhân chứng có thẩm quyền nhất của niềm hy vọng Kitô giáo. Ngài cũng mời gọi tất cả tín hữu hãy chọn sự trong sạch, hiền lành và thương xót trong khi phó thác mình cho Chúa và dấn thân cho công lý và hòa bình, ngược lại với não trạng hiếu chiến, hơn thua. đàn áp của thế gian.

Trưa Chúa Nhật ngày 1 tháng 11 năm 2020, lễ các Thánh Nam Nữ, như thường lệ, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cùng đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha suy tư về hai mối phúc thứ hai và thứ ba trong Tám Mối Phúc: Phúc cho những ai khóc lóc và phúc cho những ai hiền lành.

Các Mối Phúc Tin Mừng là con đường nên thánh

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu suy tư về niềm hy vọng được đặt nền tảng trên sự Phục sinh của Chúa Ki-tô. Ngài nói: Chúa Ki-tô đã sống lại và cả chúng ta sẽ sống lại với Người. Tất cả các thánh và các chân phước là các chứng nhân có giá trị nhất về niềm hy vọng Ki-tô giáo, bởi vì các ngài đã sống niềm hy vọng cách viên mãn trong cuộc đời mình, giữa niềm vui và đau khổ, khi sống theo các Mối Phúc mà Chúa Giê-su đã rao giảng và vang vọng trong Phụng vụ hôm nay (x. Mt 5.1-12a). Thật sự là các Mối Phúc Tin Mừng là con đường nên thánh. Tôi dừng lại trên hai Mối Phúc thứ hai và thứ ba.

Mối Phúc thứ hai: phúc cho người khóc lóc nhưng kiên nhẫn, hy vọng, tin cậy nơi Chúa

Giải thích Mối Phúc thứ hai: "Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi" (c. 4), Ðức Thánh Cha nói: Những lời này có vẻ như mâu thuẫn nhau, bởi vì than khóc không phải là dấu hiệu của niềm vui và hạnh phúc. Những nguyên nhân đưa đến than khóc và đau khổ chính là sự chết, bệnh tật, nghịch cảnh luân lý, tội lỗi và sai lầm: đơn giản là từ cuộc sống mỗi ngày ghi dấu bởi sự mong manh, yếu đuối, và khó khăn, một cuộc sống thường bị thương tích và đau đớn bởi sự vô tình và hiểu lầm.

Chúa Giê-su tuyên bố phúc cho những ai than khóc vì những thực tại này, và bất chấp mọi sự, họ tin cậy nơi Chúa và đặt mình dưới bóng che chở của Người. Họ không thờ ơ, và lòng cũng không chai cứng, nhưng kiên nhẫn hy vọng vào sự an ủi của Chúa. Và họ cảm nghiệm sự an ủi này ngay từ trong cuộc sống này.

Mối Phúc thứ ba: hiền lành, ngược lại với sự hiếu chiến hơn thua của thế gian

Ðức Thánh Cha tiếp tục bài huấn dụ: Trong Mối Phúc thứ ba, Chúa Giêsu khẳng định: "Phúc cho những ai hiền lành, vì sẽ được đất làm sản nghiệp" (c. 5). Ðức Thánh Cha nhấn mạnh nhân đức hiền lành. Hiền lành là đặc tính của Chúa Giê-su, Ðấng đã nói về chính mình: Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11,29).

Ngài giải thích: Những người hiền lành là những người biết cách làm chủ bản thân, nhường chỗ cho người khác, lắng nghe và tôn trọng người khác trong cách sống, nhu cầu và yêu cầu của họ. Những người hiền lành không có ý định lấn át hay coi nhẹ người khác, không muốn chi phối và thống trị mọi thứ, cũng không áp đặt ý riêng và lợi ích của mình để làm tổn hại đến người khác. Não trạng thế gian không đánh giá cao những người này, nhưng ngược lại, họ lại quý giá đối với Thiên Chúa, Ðấng ban cho họ đất hứa làm sản nghiệp, tức là sự sống đời đời. Mối Phúc này cũng bắt đầu từ ở dưới thế gian này và sẽ được hoàn tất trong Ðức Ki-tô.

Ðức Thánh Cha nhắc rằng hiện tại trong đời sống cũng như trên thế giới có quá nhiều sự gây hấn, tấn công, cả trong đời sống hàng ngày, điều đầu tiên chúng ta làm là gây hấn. Chúng ta cần sự hiền lành để tiến bước trên con đường nên thánh. Lắng nghe, tôn trọng, không hiếu chiến, nhưng hiền lành.

Trong sạch, hiền lành và thương xót

Hãy chọn sự trong sạch, hiền lành và thương xót; hãy chọn phó thác mình cho Chúa trong tinh thần nghèo khó và khi gặp hoạn nạn; hãy dấn thân vì công lý và hòa bình, nghĩa là đi ngược lại với não trạng của thế giới này, ngược với văn hóa chiếm hữu, với thú vui vô nghĩa, với sự kiêu ngạo đối với những người yếu đuối nhất. Ðó là lời Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu.

Ơn gọi nên thánh cá nhân và phổ quát

Ngài nói: Các Thánh và các Chân phước đã đi trên con đường Tin Mừng này. Ngày lễ trọng kính Các Thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh của cá nhân và phổ quát, đồng thời đưa ra cho chúng ta những khuôn mẫu chắc chắn cho cuộc hành trình này, được mỗi người bước đi theo cách riêng của mình. Chỉ cần nghĩ đến vô số ân huệ và những câu chuyện cụ thể về các thánh nam nữ: chúng không giống nhau, mỗi người có tính cách riêng và đã phát triển đời sống trong sự thánh thiện theo tính cách của mình và mỗi người chúng ta có thể làm, có thể đi trên con đường đó. Ðức Thánh Cha yêu cầu các tín hữu hiền lành và chúng ta sẽ tiến đến sự thánh thiện.

Mẹ Maria: người Mẹ dạy nên thánh

Cuối cùng, Ðức Thánh Cha nhắc rằng trong gia đình rộng lớn không giới hạn của các môn đệ trung thành của Chúa Kitô có người Mẹ là Ðức Trinh Nữ Maria. Chúng ta tôn kính Mẹ với tước hiệu Nữ Vương của các Thánh, nhưng trước hết Mẹ là Mẹ, Ðấng dạy dỗ mỗi người đón nhận và đi theo Con của Mẹ. Ngài cầu xin Mẹ giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng khao khát nên thánh, bước đi trên con đường của các Mối Phúc.

Vinh danh tân chân phước Michael McGivney

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha nhắc đến lễ tuyên phong chân phước cho cha Michael McGivney, Ðấng sáng lập Hội Hiệp sĩ Columbus, vào ngày 31/10 vừa qua tại Hartford, Hoa Kỳ. Cha đã dấn thân truyền giáo, đã làm hết sức mình để đáp ứng nhu cầu của những người khốn khó, cổ võ sự trợ giúp lẫn nhau. Ðức Thánh Cha nói: "Xin cho tấm gương của chân phước thúc đẩy tất cả chúng ta ngày càng làm chứng cho Tin mừng bác ái.

Cầu nguyện cho hòa bình tại vùng Caucasus

Tiếp đến, Ðức Thánh Cha nghĩ đến miền Nagorno Karabakh, nơi đang xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang liên tiếp, làm gia tăng thiệt hại về số nạn nhân, phá hủy nhà cửa, cơ sở hạ tầng và nơi thờ phượng. Ngài nói: "Tôi muốn lập lại lời kêu gọi chân thành của mình đối với các nhà lãnh đạo của các bên trong cuộc xung đột, yêu cầu họ hành động càng sớm càng tốt để ngăn chặn việc đổ máu vô tội. Xin đừng nghĩ đến việc giải quyết tranh chấp bằng bạo lực nhưng hãy tham gia vào các cuộc đàm phán chân thành với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế." Ðức Thánh Cha khẳng định: "Về phần tôi, tôi gần gũi với tất cả những người đau khổ và tôi xin các thánh chuyển cầu để cho có một nền hòa bình ổn định trong khu vực.

Cầu nguyện cho các dân tộc trong vùng biển Hy Lạp

Ðức Thánh Cha cũng kêu gọi cầu nguyện cho các dân tộc trong vùng biển Hy Lạp, nơi xảy ra trận động đất cách đây 2 ngày.

Cuối cùng, Ðức Thánh Cha thông báo rằng chiều mai 2/11, ngài sẽ cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang Teutonic ở nội thành Vatican. Ngài nói: "Tôi hiệp thông cách thiêng liêng với tất cả những người trong những ngày này, tuân theo các quy định sức khỏe y tế, đi cầu nguyện tại các phần mộ của người thân của họ ở mọi nơi trên thế giới."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page